Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” (Ga 20, 21-22)

CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG


Ga 20, 19-23

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống kết thúc mùa Phục Sinh. Biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần đã làm thay đổi con người các tông đồ. Chúa Thánh Thần ban cho các ông một sức sống mới từ Thiên Chúa. Kể từ giây phút đó, các ông đã đứng lên rao giảng về Đức Kitô Phục Sinh, Hội Thánh được khai sinh và bắt đầu đi đến tận cùng trái đất, một Hội Thánh luôn luôn có Chúa Thánh Thần hiện diện. Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, mỗi người Kitô hữu đều cảm nhận được sức sống mới đang họat động trong cuộc đời mình. Bằng sự sống của Chúa chúng ta làm cho người khác sống đúng với phẩm giá con người. Để được như vậy chính chúng ta cũng phải được biến đổi nhờ Bí tích Thánh Thể.

Ca nhập lễ

Thánh Thần Chúa tran hoà khắp vũ trụ, Người nắm giữ mọi sự và thông biết mọi lời – Alleluia.

Hoặc đọc:

Tình yêu Thiên Chúa tràn đầy trên tâm hồn chúng ta, nhờ Thánh Thần Người ngự trong lòng chúng ta – Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cử Thánh Thần đến thánh hoá Giáo Hội ngay từ buổi sơ khai, và sai đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. Hôm nay khi mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng con nài xin Chúa tiếp tục công trình Chúa đã thực hiện và tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần cho mọi tín hữu trên khắp cùng thế giới. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cv 2, 1-11

“Các vị được tràn đầy Chúa Thánh Thần và bắt đầu lên tiếng nói”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, tất cả các môn đệ đều tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp. Lại có những lưỡi như thể bằng lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng người. Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho họ nói.

Khi ấy, cư ngụ tại Giêrusalem, có những người Do-thái đạo đức từ khắp các nước dưới gầm trời tụ về. Nghe tiếng ấy phát ra thì đoàn lũ tuôn đến, tâm trí bỡ ngỡ, vì mỗi người đều nghe các môn đệ nói tiếng thổ âm của mình. Mọi người đều sửng sốt và bỡ ngỡ nói rằng: “Nào tất cả những người đang nói đây không phải là người Galilê ư? Nhưng tại sao mỗi người chúng tôi lại nghe họ nói tiếng bản xứ của chúng tôi: Chúng tôi là người Parthi, Mêđi, Êlam, Mêsopotamia, Giuđêa, Cappađôcia, Pôntô, Tiểu Á, Phrygia, Pamphylia, Ai-cập, Lybia, cận Cyrênê, và người Rôma cư ngụ ở đây, là Do-thái và tòng giáo, là người Crêta và Á-rập, chúng tôi đều nghe họ nói tiếng của chúng tôi mà ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa!”

[Mọi người đều sửng sốt bỡ ngỡ nói với nhau rằng: “Thế này nghĩa là gì?” Nhưng lại có người khác nhạo báng rằng: “Họ đầy rượu rồi”.]

Ðó là lời Chúa.

Ðáp ca: Tv 103, 1ab và 24ac. 29bc-30. 31 và 34

Ðáp: Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến, và xin canh tân bộ mặt trái đất (c. 30).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng:  Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa. Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, Ngài quá ư vĩ đại! Lạy Chúa, thực nhiều thay công cuộc của Ngài! Ðịa cầu đầy dẫy loài thụ tạo của Ngài. – Ðáp.

Xướng: Ngài rút hơi thở chúng đi, chúng chết ngay và chúng trở về chỗ tro bụi của mình. Nếu Ngài gởi hơi thở tới, chúng được tạo thành, và Ngài canh tân bộ mặt trái đất. – Ðáp.

Xướng:  Nguyện vinh quang Chúa còn tới muôn đời, nguyện cho Chúa hân hoan vì công cuộc của Chúa. Ước chi tiếng nói của con làm cho Chúa được vui; phần con, con sẽ hân hoan trong Chúa. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 12, 3b-7. 12-13

“Trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, không ai có thể nói “Ðức Giêsu là Chúa” mà lại không do Thánh Thần. Vậy có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều thứ chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa, là Ðấng làm mọi sự trong mọi người. Sự xuất hiện của Thánh Thần được ban cho từng người, tuỳ theo lợi ích.

Cũng như chỉ có một thân thể nhưng có nhiều chi thể, mà các chi thể tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do-thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta đã uống trong một Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

Ca Tiếp Liên

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến,

và tự trời toả ánh quang minh của Ngài ra!

Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến;

Ðấng ban ân huệ, Ðấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến!

Lạy Ðấng an ủi tuyệt vời,

là khách trọ hiền lương của tâm hồn,

là Ðấng uỷ lạo dịu dàng.

Chúa là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than,

là niềm an ủi trong lúc lệ rơi.

Ôi sự sáng chứa chan hồng phúc,

xin chiếu soi tràn ngập tâm hồn tín hữu của Ngài.

Nếu không có Chúa trợ phù,

trong con người còn chi thanh khiết, không còn chi vô tội.

Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan,

và chữa cho lành nơi thương tích.

Xin uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng,

chỉnh đốn lại chỗ trật đường.

Xin Chúa ban cho các tín hữu,

là những người tin cậy Chúa, được ơn bảy nguồn.

Xin ban cho họ được huân nghiệp nhân đức,

được hạnh phúc cứu độ và được hoan hỉ đời đời.

(Amen. Alleluia.)

Alleluia:

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa Thánh Thần, xin xuống tràn ngập tâm hồn các tín hữu Chúa, và xin nhóm lửa tình yêu Chúa trong lòng họ. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 20, 19-23

“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con!” Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Thiên Chúa đã tuôn đổ Thánh Thần của Ngài vào trong tâm hồn chúng ta và biến đổi chúng ta trở nên con cái trong Đức Kitô. Giờ đây hiệp nhất trong một Thân Thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, chúng ta xin Chúa Cha sai Thánh Thần đến thánh hóa Hội Thánh và đổi mới thế giới.

1. Chúa Thánh Thần làm cho dân chúng thập phương tại Giê-ru-sa-lem nghe Tin Mừng bằng thổ ngữ của họ. Xin cho Hội Thánh luôn kiên trì tìm kiếm những cách thức mới hữu hiệu để rao giảng chân lý cứu độ cho con người thời nay.

2. Chúa Thánh Thần là Đấng mang lại bình an và đổi mới mặt địa cầu. Xin cho các vị lãnh đạo chính quyền biết chăm lo cho hòa bình và lợi ích chung.

3. Chúa Thánh Thần là Đấng an ủi. Xin cho những người đau khổ, bệnh tật, tù đày, nhất là những ai đang cần đến lời cầu nguyện của chúng ta hôm nay, được cảm nghiệm lòng Chúa xót thương.

4. Chúa Thánh Thần là tình yêu và ơn tha thứ của Thiên Chúa. Xin cho những người đang sống ơn gọi hôn nhân và gia đình luôn biết mở rộng tâm hồn đón nhận nhau trong yêu thương chân thành.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin đổ đầy Thánh Thần Chúa trên chúng con, để chúng con cũng cảm nghiệm được sức mạnh của Thánh Thần đã ban cho các Tông Đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần, nhờ đó chúng con có được đức tin mạnh mẽ, đức cậy vững vàng, đức mến nồng nàn và can đảm ra đi giới thiệu Chúa cho mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thực hiện lời hứa của Thánh Tử Giêsu Kitô, mà cử Thánh Thần đến giúp chúng con thấu hiểu mầu nhiệm hy lễ, và hướng dẫn chúng con tới chân lý vẹn toàn. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con. Ðể hoàn thành mầu nhiệm Vượt Qua, hôm nay Chúa rộng ban Chúa Thánh Thần cho những người đã được Chúa nhận làm nghĩa tử, nhờ kết hợp với Con Một Chúa. Chính trong ngày khai sinh Hội Thánh, Chúa Thánh Thần đã làm cho hết thảy chư dân nhận biết Thiên Chúa và liên kết mọi ngôn ngữ khác biệt lại, để họ tuyên xưng cùng một đức tin. Vì thế, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu, lòng tràn ngập niềm vui ngày Chúa sống lại, đều mừng rỡ hân hoan. Ðồng thời, cả triều thần thiên quốc hát bài ca chúc tụng Chúa vinh hiển và không ngừng tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa – Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã rộng ban cho Giáo Hội những hồng ân cao cả là Thần Khí và bánh bởi trời; xin bảo toàn ơn Chúa tặng ban, để Thần Khí Chúa luôn tác động mạnh mẽ trong đời sống chúng con, và bánh bởi trời ban sinh lực giúp cho người thế đạt tới ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ðể giải tán dân chúng, phó tế hay Linh mục nói:

Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an. Halêluia. Halêluia.

Ð. Tạ ơn Chúa. Halêluia. Halêluia.

Suy niệm

Chúa Thánh Thần

Trong phần chia sẻ sáng hôm nay tôi muốn đưa ra một câu hỏi như thế này: Chúa Thánh Thần là Đấng nào? Với câu hỏi này chúng ta đi sâu vào bản tính Thiên Chúa, nhưng chỉ có đức tin mới trả lời được cho chúng ta mà thôi. Đúng thế, thánh Tôma tiến sĩ đã nói: Hiện tại chúng ta không thể nào hiểu thấu vì mầu nhiệm ấy vượt quá khả năng hạn hẹp của trí khôn con người.

Trong Cựu Ước chúng ta chỉ ghi nhận được một vài hình ảnh thật mù mờ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta phải chờ đến Đức Kitô, người Con duy nhất của Thiên Chúa đến và mạc khải, chúng ta mới thấy được cái đặc tính cốt yếu của Thiên Chúa, đó là tình yêu.

Còn về Chúa Thánh Thần, trong kinh Tin Kính chúng ta đã tuyên xưng Ngài là Thiên Chúa ngôi thứ ba, là Đấng ban sự sống, Ngài bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. Ngài cũng được phụng thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, Ngài đã dùng các tiên tri mà phán dạy.

Qua Chúa Con, Thiên Chúa Cha đã tỏ lộ tình yêu của Ngài cho chúng ta như lời thánh Gioan đã xác quyết: Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài, để những ai tin nơi Con Một Ngài thì sẽ có sự sống vĩnh cửu. Ngay từ thuở đời đời, Chúa Cha đã sinh ra Chúa Con và sợi dây liên kệ thắm thiết và đầy yêu thương ấy chính là Chúa Thánh Thần.

Thực vậy, Chúa Thánh Thần chính là sợi dây yêu thương nối kết Chúa Cha và Chúa Con, chi phối nhịp điệu của đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa, cũng như toả lan cho tất cả chúng ta. Như thế, qua Chúa Thánh Thần chúng ta hiểu được bản chất tình yêu của Thiên Chúa. Đồng thời Chúa Thánh Thần cũng đã trực tiếp cộng tác vào công trình cứu độ, một công trình của tình thương yêu mà Thiên Chúa đã ươm mơ từ muôn thuở trước.

Đức Kitô vâng theo thánh ý của Chúa Cha và với sự cộng tác của Chúa Thánh Thần đã chết đi để đem lại sự sống cho trần gian. Kể từ khi được diễm phúc làm con cái Thiên Chúa, chúng ta đã được Ngài yêu thương như lời thánh Phaolô đã xác quyết: Nhờ Chúa Thánh Thần mà tình yêu Thiên Chúa được toả lan trong tâm hồn chúng ta. Để rồi từ đó, tất cả những tình yêu trong lành nhất của chúng ta đều là một tia sáng, một phản ánh trung thực cho tình yêu của Thiên Chúa. Bởi vì Thiên Chúa là tình yêu và chúng ta chỉ có thể yêu thương một cách đúng nghĩa khi liên kết với Ngài.

Đúng thế Ngài ở giữa những cặp vợ chồng để họ biết trung thành và hy sinh cho nhau. Ngài ở giữa những người con để họ biết nói lên hai tiếng thưa ba, thưa má với tất cả tấm lòng chân thành của mình. Ngài ở giữa những người bạn để họ biết tâm đầu ý hiệp với nhau.

Trong ngày lễ Hiện Xuống hôm nay, Giáo Hội mừng kính Chúa Thánh Thần, Giáo Hội mừng kính tình yêu của Thiên Chúa, được tượng trưng qua hình lưỡi lửa trên đầu các tông đồ. Giáo Hội cũng muốn chúng ta thành khẩn kêu xin: Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, xin hãy ngập tràn tâm hồn các tín hữu Chúa và xin thắp lên trong chúng con ngọn lửa tình yêu Chúa. Ngài không phải là một vị Thiên Chúa vô danh và bị quên lãng. Trái lại Ngài luôn ở giữa chúng ta và hoạt động. Ước gì mỗi người chúng ta hãy cộng tác với Ngài bằng cách thắp lên một ngọn lửa yêu thương, bởi vì chỉ có tình yêu mới có thể làm tiêu tan thù hận, thất vọng và tăm tối.

Lễ Hiện Xuống C - 2001
(Gn. 20:19-23) Lm. Lã Mộng Thường

Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Theo sách Tông Đồ Công Vụ, Thánh Thần hiện xuống nơi các tông đồ sau khi Đức Giêsu thăng thiên 10 ngày như đã được ghi lại, “Khi thời gian đã mãn, đến lễ Năm Mươi, mọi người cùng nhau đang tề tựu một nơi, thì bỗng xảy đến tự trời một tiếng rào rào như thể do cuồng phong thổi đến vang dậy cả nhà nơi họ đang ngồi. Và họ thấy những lưỡi như thể là lửa, phân tán dần mà đậu trên mỗi người trong họ. Và hết thảy họ được đầy Thánh Thần và bắt đầu nói những tiếng lạ tùy theo Thần khí ban cho họ phát ngôn” (TDCV. 2:1-4). Tuy nhiên nơi bài Phúc Âm vừa được công bố chỉ viết Đức Giêsu thổi hơi và bảo các tông đồ, “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai thì tội người ấy bị cầm lại” (Gn. 20:23).

Xét về ngôn từ chúng ta thường dùng, thần có nghĩa linh thiêng, không thể nhìn thấy bằng mắt, mang quyền lực nào đó, được gọi là thần linh và chia thành hai giới đối nghịch, thần linh và tà thần. Nơi Kinh Thánh, chúng ta có thể đếm được hơn kém 553 lần nhắc đến những quyền lực vô hình có những liên hệ với con người được gọi là thần. Riêng danh hiệu Thánh Thần, Kinh Thánh nhắc tới 92 lần nhưng chỉ 3 lần nơi tiên tri Isaiah. Bốn Phúc Âm nhắc tới 25 lần, và đặc biệt Tông Đồ Công Vụ 23 lần. Xét về danh hiệu Thánh Thần, Cựu Ước dùng danh hiệu Thần Linh hay Thần Khícủa Thiên Chúa. Như vậy, nơi Cựu Ước, Thần Linh của Thiên Chúa đã ngự trị, tạo dựng và hoạt động tự thuở tạo thiên lập địa. Qua Phúc Âm, ba ngôi Thiên Chúa cũng chỉ là một và là cội nguồn cũng như quyền lực hiện hữu nơi mọi vật, mọi loài.

Như thế, Thánh Thần đã hiện diện hoạt động từ khởi thủy. Bởi đó, mừng kính Thánh Thần hiện xuống, chúng ta tuyên xưng sự hiện hữu và hoạt động của chính Thiên Chúa nơi chúng ta, nơi tạo vật. Chúng ta tuyên dương sự tràn đổ hồng ân Thánh Thần vào thời buổi sơ khai của Giáo Hội chẳng những nơi các tông đồ mà đến cả những dân ngoại thời đó mới được nghe rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Xét về sự hiện hữu và cuộc đời mỗi người, trước khi được sinh ra làm người, chắc chắn chúng ta đã có sự hiện hữu vô hình như căn bản tạo nên sự khác biệt giữa mỗi người chúng ta đối với mọi người chung quanh mà có lẽ ít ai để ý đặt vấn đề tìm hiểu. Do đó có thể nói, gốc gác của mỗi người đều được phát xuất từ chính Thiên Chúa nơi thế giới vô hình. Thiên Chúa là quyền lực hiện hữu của mọi loài, mọi vật. Nói cách khác, Thiên Chúa là quyền lực sự sống, quyền lực hiện hữu nơi mỗi người, Thiên Chúa đang hoạt động và ngự trị nơi mỗi người, hay Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Đây chính là Tin Mừng Đức Giêsu rao giảng. Suy như vậy, tất cả những lễ nghi, những phương cách phụng thờ, các phép bí tích chính là sự tuyên dương hay tuyên xưng sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa giữa loài người, nơi tạo vật. Xét nơi cuộc đời một người Công Giáo, khi chịu phép rửa tội, chúng ta đã cùng với toàn thể Giáo Hội tuyên nhận thực thể sự hiện diện của Chúa để gia nhập Giáo Hội. Khi đến tuổi khôn, chúng ta học hỏi và nhận thức về con người của mình trước mặt Chúa nơi phép giải tội và sự hiện diện của Đức Giêsu nơi bí tích Thánh Thể. Qua bí tích Thêm Sức, chúng ta một lần nữa công bố sự hiện hữu và hoạt động của Thánh Thần nơi tâm trí dưới mọi hình thức khác nhau và được tóm gọn bằng bẩy hồng ân của Thánh Thần. Như vậy, Thánh Thần đang hoạt động qua tâm trí mỗi người nhưng chúng ta thường không để tâm nghiệm xét do đó đã tưởng rằng bộ óc chúng ta suy nghĩ.

Qua những nghiệm chứng về thực thể con người, qua các chứng từ do những người đã trải qua nơi trường hợp kích ngất và được gặp nguồn sáng, qua các công cuộc nghiên cứu của các bác sĩ về sự liên hệ của bộ óc con người với trí nhớ hoặc những hiện tượng khác thường liên hệ với thế giới siêu linh, chúng ta nhận biết rõ ràng chính tâm trí, chính linh hồn của chúng ta suy nghĩ chứ không phải bộ óc. Bộ óc và thân xác chỉ là phương tiện cho hồn hoạt động mà thôi. Tóm lại, con người, tạo vật là sự hiện thể và hoạt động của Thiên Chúa nơi phương diện hữu hình. Tâm trí, linh hồn của chúng ta cũng là sự hiện hữu và hoạt động của Chúa một cách vô hình để điều hành và phát triển đồng thời biến chuyển thế giới hữu hình. Thiên Chúa chính là quyền lực hoạt động toàn bộ nơi mỗi người, bao gồm từ tâm trí hay linh hồn thuộc thành phần vô hình và thân xác hữu hình.

Mừng kính Thánh Thần hiện xuống, chúng ta tuyên dương, tuyên xưng sự hiện hữu và hoạt động của Thiên Chúa nơi chính mình, nơi mọi sự. Nói cách khác, chúng ta đang tuyên xưng Tin Mừng Nước Trời; chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Amen.


Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống -C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 20, 19-23).

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con!” Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.

Suy niệm

Cuộc đời của một con người khởi đi từ tiếng khóc chào đời, hành trình của Giáo hội Công giáo khởi đi từ ngày được khai sinh, ngày Giáo hội đón nhận nguồn sống từ Thiên Chúa Cha, qua Đức Giêsu, trong Chúa Thánh Thần. Trước khi rời cộng đoàn Giáo hội ban đầu, Đức Giêsu đã ban Chúa Thánh Thần cho mỗi người, cho công đoàn. Từ đây, Chúa Thánh Thần chính thức hiện diện, hoạt động và hướng dẫn Giáo hội từng ngày trong cuộc lữ hành của mình. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống được coi là ngày sinh nhật của Giáo hội, là ngày gia đình của Thiên Chúa ở trần gian chính thức mở cửa đón con cái vào trong mái ấm tình Trời đó. Trong mái ấm tình yêu này, Chúa Thánh Thần từng bước dẫn con cái Thiên Chúa đi trong ánh sáng của Tình yêu, của Chân lý và của Sự sống thiêng liêng đến từ Thiên Chúa Cha tình yêu. Trong mái ấm của ngôi nhà này, con người được nhìn nhận đúng với giá trị của mình, được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn từng ngày trong tình yêu và chân lý, để mỗi người sống ơn gọi của mình có ý nghĩa hơn và thu lượm được nhiều hoa trái tình yêu hơn.

Trở lại với những sinh hoạt của buổi ban đầu trong cộng đoàn Giáo hội, chúng ta nghe tác giả sách Tông đồ Công vụ kể: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, tất cả các môn đệ đều tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp. Lại có những lưỡi như thể bằng lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng người. Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho họ nói”. Các Tông đồ là những chứng nhân trực tiếp của biến cố tử nạn cũng như phục sinh của Đức Giêsu, nay họ đứng lên làm chứng trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Họ nói bằng thứ ngôn ngữ của con người, của những người dân chài thất học, nhưng tất cả mọi người tề tựu trước đền thờ Giêrusalem đều có thể hiểu những bài giáo lý cơ bản của Giáo hội, đồng thời, họ được đón nhận hơi thở của Giáo hội là Chúa Thánh Thần. Dù khác biệt vùng miền, nhưng tất cả đều có thể hiểu nhau nhờ ngôn ngữ của đức tin, ngôn ngữ của tình yêu, và đó là ngôn ngữ đến từ Chúa Thánh Thần. Chính ngôn ngữ đó đã kết nối tất cả mọi người nên một trong ngôi nhà của Thiên Chúa ở trần gian là Giáo hội.

Sau khi trở lại từ biến cố ngã ngựa trên đường Damas, thánh Phaolô được tái sinh trong sức mạnh của Đấng phục sinh, ngài đã chấp nhận để cho Đấng phục sinh thay đổi con người của mình, trở nên một chứng nhân sống động. Là một đứa trẻ sinh ra muộn màng, như tâm tình ngài thổ lộ, thánh Phaolô luôn đi theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong ơn gọi là Tông đồ cho dân ngoại, đi tới đâu, ngài đều thực hiện theo sự chỉ dạy của Chúa Thánh Thần. Trong lá thư gởi cộng đoàn giáo hội Corinto, thánh nhân quả quyết rằng, tất cả những gì ngài đã và đang thực hiện đều do Chúa Thánh Thần hướng dẫn: “Anh em thân mến, không ai có thể nói “Ðức Giêsu là Chúa” mà lại không do Thánh Thần. Vậy có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều thứ chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa, là Ðấng làm mọi sự trong mọi người. Sự xuất hiện của Thánh Thần được ban cho từng người, tuỳ theo lợi ích”. Ngay từ buổi bình minh của Giáo hội, Chúa Thánh Thần đã thực hiện những việc lạ lùng, từ những chuyến đi truyền giáo của các Tông đồ, cho đến những sinh hoạt trong các cộng đoàn, Ngài đã xây dựng tình gia đình thiêng liêng, tình hiệp thông huynh đệ dựa trên nền tảng là tin mừng, là nhân bản Kitô giáo. Và hôm nay, Chúa Thánh Thần vẫn đang thực hiện những câu chuyện còn dang dở từ Đấng Cứu Thế.

Với những ưu tư lo lắng cho cộng đoàn, cho anh em, các Tông đồ đã nhận được niềm vui khi Đấng Phục sinh xuất hiện, ban bình an cho tất cả, hơn nữa còn ban Chúa Thánh Thần cho mọi người, để Ngài giữ gìn các chứng nhân được bình tâm trước mọi hiểm nguy đang rình rập trong cộng đoàn. Nhận được sức mạnh từ Chúa Thánh Thần, các Tông đồ như bừng tỉnh, như được đánh thức, như bước từ vùng tối tăm ra chốn ánh sáng, họ mạnh dạn, tự tin để loan báo tin mừng cứu độ cho các dân tộc, đồng thời làm chứng cho sự hiện diện của Đấng phục sinh đang ở giữa anh em: “Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Buổi đầu của Giáo hội không thiếu những cơn sóng to gió lớn, không thiếu những bè phái chống lại cộng đoàn của Thiên Chúa, do đó, nếu không có Chúa Thánh Thần, Giáo hội không thể vượt qua được những thách đố đó, đồng thời, khó có thể xây dựng được một cộng đoàn huynh đệ thiêng liêng. Chúa Thánh Thần đã làm những việc lớn lao và đang còn làm những việc lớn lao hơn giữa lòng thế giới, trong lòng Giáo hội hôm nay.

Buổi đầu của Giáo hội Công giáo có những biến cố thật đặc biệt. Các Tông đồ sau khi nhận lãnh Thánh Thần, đã mở tung cánh cửa của sự sợ hãi, nhát đảm, bước ra thế giới đầy những đau thương, các ngài đã loan tin vui cứu độ cho thế giới, các ngài đã đem bình an của Đấng phục sinh đến cho nhân loại, trong những phút giây đặc biệt đó, tất cả mọi người cảm thấy đây là gia đình của mình, đây là cộng đoàn huynh đệ của mình, mọi người thấu hiểu nhau, cảm thông với nhau và chia sẻ cho nhau những gì có trong cuộc sống. Sợi dây nào đã kết nối tất cả mọi tâm hồn với nhau, có phải là vật chất của cải không, có phải là một triết lý sống mới được du nhập vào đất nước Do-thái không, chắc không phải do những yếu tố của thế gian nhưng tất cả đến từ ngôn ngữ của niềm tin do Thánh Thần đem đến. Chúa Thánh Thần đã biến đổi nhận thức của mỗi người về giá trị của chính họ, Chúa Thánh Thần đã thay đổi thứ ngôn ngữ bấy lâu tồn tại trong tâm trí họ, bằng một thứ ngôn ngữ mới hoàn toàn, đó là ngôn ngữ của tình yêu cứu độ. Sợi dây vô hình đó đã quy tụ mọi người về cùng một mái nhà chung, trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, thế gian không thể nhận ra được điều đó bởi họ phủ nhận sự hiện diện của Thiên Chúa, đặc biệt là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, và họ cho rằng các Tông đồ đã đầy rượu, quả thực họ đã đầy rượu nhưng đó là rượu tình yêu Thánh Thần Thiên Chúa.

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của Chúa Thánh Thần, Giáo hội đang đi theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua từng biến cố, từng con người. để thay đổi hình ảnh Thiên Chúa trong suy nghĩ và niềm tin của người tín hữu hôm nay, Chúa Thánh Thần quy tụ Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ 16 với chủ đề Giáo hội hiệp hành. Một sự thay đổi dành cho mọi thành phần dân Chúa chứ không dành riêng cho một ai, cho một thành phần nào, Thiên Chúa cúi xuống với con người, cứu độ con người, hoán đổi con người trở nên thánh trong từng ơn gọi, phần con người là cộng tác với Chúa Thánh Thần để tái xây dựng Giáo hội là một gia đình, một cộng đoàn huynh đệ thiêng liêng như thưở ban đầu. Chúa Thánh Thần đang làm việc miệt mài để giúp con người hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện, thế nhưng, Giáo hội đang ở giữa lòng thế giới, đối diện với muôn vàn xu hướng tục hóa, Giáo hội cũng đang hội nhập vào một thế giới thực dụng, nặng về vật chất và quyền bính, do đó, con người cần phải cộng tác với Chúa Thánh Thần nhiều hơn, tích cực hơn để đưa Giáo hội ra khỏi vòng kim cô của thế gian, đưa Giáo hội ra khỏi xu hướng tục hóa tất cả những giá trị thánh thiêng của Giáo hội do các Tông đồ để lại. Công việc đó cần rất nhiều tấm lòng quảng đại của các tín hữu Kitô, đồng thời, cùng nhau phải dùng chung một thứ ngôn ngữ của Thánh Thần, đó là ngôn ngữ tình yêu, ngôn ngữ niềm tin. Có như thế mới có thể xây dựng một Giáo hội là hiền thê của Đức Kitô, sống đúng với ơn gọi và trọng trách của mỗi người và mọi người.

Lạy Chúa Giêsu, trước khi rời thế gian, Chúa đã ban Thánh Thần cho các Tông đồ, cho các cộng đoàn giáo hội ban đầu, rồi từ đó, Chúa Thánh Thần đã kiến tạo một Giáo hội thánh thiện và tinh tuyền ở trần gian, có sự cộng tác của con người, xin cho chúng con nghe được tiếng mời gọi của Chúa Thánh Thần, để được cộng tác với Ngài, cùng nhau xây dựng gia đình của Thiên Chúa nơi trần gian. Chúa Thánh Thần là Thần Chân lý, là Sự Sống và là Tình yêu của Thiên Chúa, xin Chúa ban thêm sức mạnh của Thánh Thần cho chúng con, để mỗi người can đảm làm chứng cho sự thật, làm chứng cho tình yêu và làm chứng cho sự sống đời đời. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, chúng con đang mong chờ Ngài. Amen.

HOA TRÁI THÁNH THẦN

Lm. Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Hằng năm cứ đến ngày Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống tôi không thể nào không lo ra chia trí khi nghe bài đọc thứ nhất trích sách Tông Đồ Công Vụ với câu kết “họ đầy rượu rồi” (Cvtđ 2, 13). Sách Bài đọc do Ủy Ban Phụng Vụ Các Giờ Kinh cắt bỏ câu này. Không biết vì sợ bà con giáo dân nghe chướng tai hay thấy kết ở câu đó không hợp, nhưng Sách Bài đọc hiện dùng vẫn có câu này. Thú thật khi nghe đọc câu kết “họ đầy rượu rồi”, và tiếp “đó là Lời Chúa” thì tôi đã từng giật mình. Không biết giữa tác động của Chúa Thánh Thần và tác động của rượu có những điểm nào giống nhau mà những người lúc bấy giờ lại lầm lẫn như thế? Nào chúng ta thử xem.

Một vài điểm giống nhau giữa tác động của Chúa Thánh Thần và tác động của thần men:

Sự can đảm: khi đã có ít ly hay “y lít” vào thì dân nhậu xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, sẵn sàng làm những việc mà khi chưa có men chắc hẳn sẽ chần chừ hoặc không dám. Các Tông đồ sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần cũng can đảm phi thường. Các Ngài đã mở toang cánh cửa Nhà Tiệc Ly, lên mái nhà để rao giảng Tin Mừng. Giờ đây các Ngài không còn sợ người Do Thái như trước đây.

Sự lợi khẩu: đúng là “tửu nhập thì ngôn xuất”. Các bợm nhậu khi đã ngà ngà thì tranh nhau nói, thậm chí cả hát hò lớn tiếng. Có người thường khi thì rụt rè, ít lời nhưng đã có chút men thì đâm ra lợi khẩu, nếu có tí máu văn nghệ thì cất tiếng ca rất chi là “bốc”. Không biết cái ông ngư phủ Phêrô bình thường có lợi khẩu không, thế mà sau khi đã nhận được Thánh Thần ta thấy Ngài quá ư xuất sắc trong việc rao giảng. Kết quả của bài giảng đầu tiên thật đáng kinh ngạc: khoảng 3000 người tự nguyện chịu Bí tích Thánh Tẩy để gia nhập Giáo Hội (Cvtđ 2, 41).

Sự hoà đồng: Khi đã ngà ngà thì sẽ chẳng còn ông gia hay chàng rể, cả hai có thể choàng vai nhau thân thiết như bạn bè, anh-tôi, chúng mình. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần ta cũng nhận ra điều này: chẳng còn Do Thái hay Hy-lạp, chẳng còn nô lệ hay tự do, tất cả đều là anh em cùng một Cha trên trời.

Vẫn có đó nhiều nét tương đồng nếu nhìn bên ngoài giữa tác động của Chúa Thánh Thần và ảnh hưởng của men rượu. Tuy nhiên phải có đó điểm khác nhau để biện phân. Sau đây xin đan cử một vài nét khác nhau căn bản.

Những biểu hiện đựợc xem là tích cực như can đảm, lợi khẩu hay hoà đồng… thì dưới tác động của men rượu, chúng sẽ chóng qua, trong khi đó nếu do tác động của Chúa Thánh Thần thì chúng sẽ tồn tại lâu dài. Thánh Inhaxiô cũng cho ta biết cách thế để biện phân thần loại tương tự. Có những hiệu quả tốt đẹp, ngay cả sự bình an tâm hồn nhưng nếu là do Thần Dữ thì sẽ chóng qua còn do Thánh Thần tác động thì sẽ bền lâu.

Tác động của “ma men” hay của Thần Dữ luôn làm ta hướng về mình, còn tác động của Chúa Thánh Thần thì thúc giục ta hướng về ích chung. Thánh Phaolô Tông Đồ cho ta thấy điều này trong bài đọc thứ hai: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1Cor 12, 4-7).

“Ma men” thường khích động ta làm hay nói những sự chẳng đáng, chẳng nên. Nếu có làm được những sự khó thì đó là liều lĩnh chứ không phải can đảm, nếu có nói nhiều thì cũng dễ thành ba hoa, khoác lác và nếu có hoà đồng thì cũng chưa chắc là hiệp nhất.

Biết biện phân để nhận ra tác động của Chúa Thánh Thần không phải để thoả mãn lý trí nhưng là để:

1. Nhìn nhận sự tự do của Chúa Thánh Thần: “Như gió muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3, 8), Chúa Thánh Thần luôn tự do trong hoạt động của Ngài. Dù chưa lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, những người ở Xêdarê cũng đã được đổ tràn Thần Khí: “Những tín hữu thuộc giới cắt bì cùng đến đó với ông Phêrô đều kinh ngạc vì thấy Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần xuống trên cả các dân ngoại nữa… (Tđcv 10, 45). Không một ai được phép độc quyền Thánh Thần. Không một tổ chức nào, kể cả Hội Thánh được phép độc quyền trên Thần Khí Thiên Chúa. Chúng ta cần phải mở rộng con tim, mở rộng tầm nhìn để đón nhận hồng ân và hoa quả của Thánh Thần ngay cả nơi anh em lương dân, khác đạo.

2. Mặc dù Chúa thường ban ơn hiện sủng (grâce d’état) cho chúng ta để chúng ta chu toàn trách vụ được giao phó, tuy nhiên không phải hễ có chức hay có quyền là đương nhiên có đầy ơn Chúa Thánh Thần. Cứ xem quả thì biết cây (x.Lc 6, 43-45). Chức vụ ta lãnh nhận như Giám mục, linh mục, quản xứ, bề trên… có sinh hoa trái là phục vụ ích chung hay không? Xin đừng lầm tưởng ích chung ở đây là lợi ích của một tập thể cá biệt như xứ tôi, giáo phận tôi, dòng tu tôi, đảng phái của tôi, thậm chí quốc gia tôi hay Hội Thánh tôi. Mưu cầu công ích là tìm ích lợi của hết mọi người và của con người toàn diện đặc biệt ưu tiên cho người nghèo, người bất hạnh, người bị áp bức… (x. Học thuyết xã hội Công giáo-Hội đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hoà Bình -2004 số 165; 182).

3. Hãy sống “dễ dạy” với ân sủng Thánh Thần nghĩa là biết nhạy bén trước sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Tiếng gọi của Thánh Thần thường xuất phát từ những nhu cầu chính đáng và cấp thiết của những người bất hạnh, bị bỏ rơi… Các Tông Đồ, môn đệ, các Phó Tế thời Hội Thánh sơ khai làm gương cho ta điều này.

4. Đừng dập tắt Thần Khí, đặc biệt nơi những người nhỏ chức, bé quyền, thậm chí nơi những người trái chính kiến với ta, không theo đường hướng của ta (x.Lc 9, 50). Hãy có tâm tình của Môsê khi Giosuê, con ông Nun xin ngăn cản Enđat và Mêđat vì hai ông này không vào trong Lều Hội Ngộ: “Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ (Ds 11, 29).

5. Thánh Thần là nguyên lý của sự hiệp nhất. Chúa Phục Sinh ban quyền tài thẩm “tháo gỡ-cầm buộc” cho những người có trách nhiệm trong Hội Thánh là để xây dựng và gìn giữ sự hiệp nhất chứ không phải củng cố hay duy trì sự đồng nhất.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...