Chúa Nhật II Mùa Chay - Năm B

“Ðây là Con Ta rất yêu dấu”. (Mc 9, 1-9)

Chúa Nhật II Mùa Chay - Năm B


Mc 9,2-10

 


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật II Mùa Chay - Năm B

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Qua cuộc biến hình trên núi Taborê Thiên Chúa đã long trọng giới thiệu cho ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan: “Đây là con Ta yêu dấu”. Biến cố đó cũng nói với chúng ta ràng cuộc đời có những lúc đầy thử thách và khổ đau, nhưng cũng có lúc được vinh quang, với điều kiện là chúng ta luôn bước theo con đường Chúa đi, với niềm tin tưởng cậy trông, không bao giờ ngã lòng thất vọng. Mùa chay cho chúng ta cơ hội quí báu, để nhìn lại chính mình, biết chết đi cho những lối sống của thế gian, bằng cách hy sinh và từ bỏ chính mình. Chúa không đòi chúng ta phải hiến tế như Abraham xưa, nhưng kêu gọi chúng ta quay lưng lại với tính ích kỷ của mình. Để thắng vượt được những yếu hèn tội lỗi và trở nên con người trưởng thành chín chắn, chúng ta cần kiên nhẫn, nỗ lực suốt đời và thành tâm thống hối.

Ca nhập lễ

Tâm hồn tôi thưa cùng Chúa, mắt tôi tìm kiếm Chúa. Lạy Chúa, tôi tìm kiếm dung nhan Chúa. Xin đừng ẩn mặt xa tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con phải vâng nghe Con yêu dấu của Chúa; xin lấy lời hằng sống nuôi dưỡng đức tin của chúng con, nhờ vậy, cặp mắt tâm hồn chúng con sẽ trong sáng để nhìn thấy vinh quang Chúa tỏ hiện trong cuộc đời chúng con. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: St 22, 1-2. 9a. 10-13. 15-18

“Của hiến tế của Abraham Tổ phụ chúng ta”.

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Chúa thử Abraham và nói với ông rằng: “Abraham, Abraham!” Ông đáp lại: “Dạ, con đây”. Chúa nói: “Ngươi hãy đem Isaac, đứa con một yêu dấu của ngươi, và đi đến đất Moria, ở đó ngươi sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi”.

Khi hai người đến nơi Chúa đã chỉ, Abraham làm một bàn thờ và chất củi lên, rồi trói Isaac lại, đặt lên bàn thờ trên đống củi. Abraham giơ tay lấy dao để sát tế con mình. Bấy giờ thiên thần Chúa từ trời gọi ông rằng: “Abraham, Abraham!” Ông thưa lại: “Dạ, con đây”. Người nói: “Ðừng giết con trẻ và đừng động đến nó, vì giờ đây ta biết ngươi kính sợ Chúa, đến nỗi không từ chối dâng đứa con duy nhất cho Ta”. Abraham ngước mắt lên, thấy sau lưng mình có con cừu đực đang mắc sừng trong bụi cây, Abraham liền bắt nó và tế lễ thay cho con mình. Thiên thần Chúa gọi Abraham lần thứ hai và nói rằng: “Chúa phán: Ta thề rằng: vì ngươi đã làm điều đó, ngươi không từ chối dâng đứa con duy nhất của ngươi cho Ta, nên Ta chúc phúc cho ngươi, Ta cho ngươi sinh sản con cái đông đúc như sao trên trời, như cát bãi biển; miêu duệ ngươi sẽ chiếm cửa thành của quân địch, và mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi miêu duệ ngươi, vì ngươi đã vâng lời Ta”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 115, 10 và 15. 16-17. 18-19

Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh (Tv 114, 9).

Xướng: Tôi đã tin cậy ngay cả trong lúc tôi nói: “Tấm thân tôi trăm phần khổ cực!” Trước mặt Chúa thật là quý hoá cái chết của những bậc thánh nhân Ngài.

Xướng: Ôi lạy Chúa, con là tôi tớ Chúa, con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tỳ Ngài, Ngài đã bẻ gãy xiềng xích cho con. Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa.

Xướng: Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài, trong nơi hành lang nhà Chúa, ở giữa lòng ngươi, Giê-rusalem hỡi! .

Bài Ðọc II: Rm 8, 31b-34

“Thiên Chúa không dung tha chính Con mình”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta? Người không dung tha chính Con mình, nhưng lại phó thác Con vì tất cả chúng ta, há Người lại chẳng ban cho chúng ta mọi sự cùng với Con của Người sao? Ai sẽ tố cáo những kẻ Chúa chọn? (Chẳng lẽ là) chính Chúa, Ðấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án? (Chẳng lẽ là) Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã chết và hơn nữa đã sống lại, đang ngự bên hữu Thiên Chúa, cũng đang biện hộ cho chúng ta?

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Mt 17, 5

Từ trong đám mây sáng chói, có tiếng Chúa Cha phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”.

Phúc Âm: Mc 9, 1-9

“Ðây là Con Ta rất yêu dấu”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?”

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế : Anh chị em thân mến! Để mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh của Đức Kitô nên nguồn trợ lực chúng ta trong cuộc sống,và giữa muôn vàn thử thách, chúng ta vẫn luôn giữ trọn niềm tin, lòng trung thành với Chúa và Hội Thánh, chúng ta cần khiêm tốn kêu xin :

1 .”Giờ đây Ta biết ngươi kính sợ Chúa, đến nỗi không từ chối dâng đứa con duy nhất”.- Xin cho các vị Chủ chăn trong Hội Thánh sẵn sàng vâng phục tôn ý của Thiên Chúa, hầu nên gương sáng cho đoàn tín hữu biết tuân hành Thiên Ý trong cuộc đời.

2. “Nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta thì ai có thể chống lại chúng ta ”.- Xin cho giới trẻ công giáo, đang sống trong xã hội mà trào lưu tư tưởng phủ nhận Thiên Chúa, biết sáng suốt và can đảm đặt hết niềm xác tín vào Đức Giêsu, để vượt thắng mọi cám dỗ của ba thù.

3. “Người biến hình trước mặt các ông”.- Xin cho người tín hữu đã tiếp nhận ánh sáng ngày chịu phép Rửa Tội, luôn biết chiếu tỏa ánh quang thánh thiện của Đức Kitô, trong mọi môi trường sinh sống của mình.

4. “Lạy Thầy chúng con ở đây thì tốt lắm”.- Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta, cảm thấy hạnh phúc có Chúa luôn đồng hành, để trong mọi hoàn cảnh, nhất là những lúc gặp thử thách, chúng ta có thể can đảm thưa như Thánh Phêrô.

Chủ tế:  Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương chúng con đến trao ban Con Chí Ái làm lễ tế đền tội chúng con. Xin cho chúng con hiểu được thảm trạng của tội lỗi, và tình thương bao la của Chúa, để nỗ lực chống lại các dịp tội, tích cực sống thánh thiện, hầu xứng đáng với ơn nghĩa tử Chúa ban. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chớ gì của lễ này đem lại cho chúng con nguồn ơn tha tội và thánh hoá, hầu chuẩn bị hồn xác chúng con và toàn thể tín hữu được xứng đáng mừng lễ Vượt Qua. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con. Sau khi cho các môn đệ biết Người sẽ chịu chết, thì trên núi thánh Người đã tỏ bày vinh quang của Người cho các ông. Nhờ lề luật và các ngôn sứ làm chứng, Người đã cho các môn đệ hiểu rằng; phải trải qua đau khổ mới có thể đạt tới vinh quang phục sinh. Vì thế, cùng với triều thần thiên quốc, chúng con ở dưới trần gian luôn ca tụng Chúa uy linh cao cả, và không ngừng tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh…

Ca hiệp lễ

Này là con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng, các ngươi hãy nghe lời Người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con được vinh dự rước Mình và Máu Thánh Ðức Ki-tô là bí tích nhiệm mầu cao cả. Chúng con xin chân thành cảm tạ vì Chúa đã cho chúng con được nếm thử phúc lộc trên trời ngay khi còn ở dưới thế. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Đau khổ
Sưu tầm

Việc Chúa Giêsu chịu đau khổ và chịu chết, hay nói một cách khác, mầu nhiệm thập giá của Ngài mãi mãi vẫn là một điều khó chấp nhận, một cớ vấp phạm cho người Do Thái, một sự điên rồi đối với dân ngoại. Chính vì thế mà Thiên Chúa đã chuẩn bị tâm hồn mọi người để có thể hiểu được phần nào mầu nhiệm ấy.

Cuộc chuẩn bị xa xôi nhất, đó là việc Thiên Chúa đòi tổ phụ Abraham sát tế người con duy nhất của mình là Isaac, để làm của lễ toàn thiêu dâng kính Ngài. Việc đòi hỏi này thật là mâu thuẫn với lời Chúa đã phán hứa với ông. Nhưng Abraham đã không thắc mắc, đã không phản đối, trái lại ông hoàn toàn tin tưởng, và thi hành đúng theo lệnh truyền của Chúa và kết quả: Ông được gọi là kẻ công chính, còn Isaac con ông thì được cứu sống, chứ chẳng bị sát tế.

Hình ảnh của Abraham là biểu tượng cho tình thương của Chúa đối với chúng ta. Thực vậy sự công bình và lòng thương yêu của Chúa đối với chúng ta đã đòi Chúa làm một việc tương tự như Abraham, đó là không dung tha con mình, nhưng phó thác con mình cho tất cả chúng ta. Ngày xưa, Isaac không bị giết, mà Abraham vẫn được kể là kẻ công chính. Còn bây giờ, Đức Kitô đã bị giết. Ngài đã chết thực sự, nhưng sau đó Ngài sống lại, ngự bên hữu Chúa Cha, hoàn tất công trình cứu độ nhân loại và đã trở thành Đấng công chính hoá loài người.

Tiếp đến là cuộc chuẩn bị gần, như chúng ta thấy qua đoạn Tin Mừng vừa nghe chính vì muốn để cho các môn đệ thân yêu giữ vững niềm tin khi thấy mình bị đau khổ và chịu chết một cách nhục nhã trên thập giá, mà Chúa Giêsu đã tỏ lộ phần nào vinh quang của Ngài trên đỉnh Tabor. Nếu lưu ý một chút, chúng ta sẽ thấy ba môn đệ được Chúa đưa lên đỉnh Tabor hôm nay cũng chính là những môn đệ mà Ngài sẽ đưa vào vườn cây dầu trong cơn hấp hối. Qua đó chúng ta thấy, mọi biến cố, dù vui hay buồn, cũng đều là những dịp Chúa gửi đến để kêu mời chúng ta tiến sâu trong tình thân với Ngài.

Do đó, hãy biết đọc các dấu chỉ thời đại, hãy biết nhìn những sự kiện xảy ra dưới ánh sáng đức tin và trong yêu mến Chúa nồng nàn. Các môn đệ lúc đầu đã không thể hiểu ngay mọi ý nghĩa của việc Chúa biến hình. Trong đời sống thường ngày cũng vậy, đứng trước những khó khăn hay dễ dàng, gian khổ hay vui mừng, được an ủi hay bị bỏ rơi, chúng ta khó mà thấu hiểu được ý nghĩa của nó, khó mà khám phá ra được tình thương và sự công bình của Chúa. Thế nhưng, chúng ta hãy kiên tâm bền chí, trong kinh nguyện và trong suy niệm Lời Chúa, trong đời sống và trong hành động, chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa lớn hơn con tim của chúng ta. Hãy biết tìm ra thánh ý Chúa được gởi gắm qua những sự kiện hằng ngày, nhất là nơi những đau thương, gian khổ và thập giá vì đau thương là đường lên ánh sáng, gian khổ là đường về vinh quang và thập giá là đường dẫn tới phục sinh.

Chúa Nhật tuần thứ 2 Mùa Chay
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 9, 1-9).
 
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?”
 
Suy niệm
 
Để có thể sám hối và trở về với Thiên Chúa, điều cần thiết đầu tiên và cũng là quan trọng nhất là niềm tin. Con người có tin rằng Thiên Chúa là một người Cha nhân từ, hiền hậu, giàu tình thương và luôn đón nhận con cái khi chúng sám hối và trở về không. Quả thực, hình ảnh về một Thiên Chúa cúi xuống, một Thiên Chúa nhân từ, một Thiên Chúa giàu tình thương vẫn mãi là một hình ảnh con người ước mong, nhưng vì Ngài quá quyền năng và đầy vinh quang, nên con người chưa đủ niềm tin, chưa đủ lòng mến để đến với Ngài. Phụng vụ Lời Chúa tuần thứ 2 mùa chay gởi đến cho chúng ta những tâm tình cần thiết, để chúng ta có thể tìm về với Ngài, một Thiên Chúa rất yêu thương con người, dù có những lúc Ngài thử thách niềm tin đó theo cách riêng của Ngài, để con người nhận ra chiều sâu của niềm tin như thế nào.
 
Không ai trong giáo hội Công giáo chưa một lần nghe câu chuyện về tổ phụ Ab-ra-ham dẫn đứa con trai duy nhất của mình lên núi để hiến tế theo lệnh truyền của Thiên Chúa. Trái tim người cha tan nát, cõi lòng người cha quặn đau khi phải giã từ đứa con trai duy nhất để nối dõi tông đường. Trong lúc tuyệt vọng như thế, ông tổ vẫn chọn Thiên Chúa, vẫn vui vẻ dẫn con lên đường: “Trong những ngày ấy, Chúa thử Abraham và nói với ông rằng: “Abraham, Abraham!” Ông đáp lại: “Dạ, con đây”. Chúa nói: “Ngươi hãy đem Isaac, đứa con một yêu dấu của ngươi, và đi đến đất Moria, ở đó ngươi sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi”. Lên đường trong đau khổ, lên đường trong tuyệt vọng nhưng không vì thế mà niềm tin của ông tan thành mây khói, đâu đó ông vẫn tin rằng Thiên Chúa sẽ không dồn đẩy ông rơi xuống vực thẳm, bởi Ngài vẫn là một vị thần đã chọn ông làm tổ phụ một dân tộc, đã cho ông thấy mảnh đất Ngài dành cho dân riêng và Ngài cũng đã thi thố tình yêu thương đó trong sự trung tín, khi con người đã hơn một lần bội phản. Niềm tin của ông ta dù mong manh nhưng đã được Thiên Chúa chấp nhận: “Bấy giờ thiên thần Chúa từ trời gọi ông rằng: “Abraham, Abraham!” Ông thưa lại: “Dạ, con đây”. Người nói: “Ðừng giết con trẻ và đừng động đến nó, vì giờ đây ta biết ngươi kính sợ Chúa, đến nỗi không từ chối dâng đứa con duy nhất cho Ta”. Thiên Chúa là vậy, không nỡ dập tắt tim đèn khi còn khói, không nỡ xô cây sậy phất phơ trước gió. Ngài yêu con người là thế.
 
Trước những hấp lực của thế gian mà dân thành Roma đang đối diện, niềm tin của họ đang bị dao động, thánh Phaolô đã lên tiếng để chia sẻ với mọi tín hữu những khó khăn đó, đồng thời, thánh nhân khẳng định cho họ rằng, trong mọi hoàn cảnh, dù thế nào, Thiên Chúa vẫn luôn bênh đỡ con cái Ngài, luôn bảo vệ cho những ai tin tưởng vào Ngài: “Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta? Người không dung tha chính Con mình, nhưng lại phó thác Con vì tất cả chúng ta, há Người lại chẳng ban cho chúng ta mọi sự cùng với Con của Người sao?”. Niềm tin là thái độ đáp trả của con người khi họ được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ. Chấp nhận đi theo con đường mang tên Giêsu luôn là một chọn lựa đúng đắn cho các tín hữu trước những thách đố của cuộc sống, trước những mối nguy trước những trào lưu, những chủ thuyết của nhân loại.
 
Bao nhiêu lời nói từ Đấng Cứu Thế chưa đủ mạnh để thuyết phục các môn đệ về một trời mới, đất mới, nơi dành cho những ai tin tưởng vào một Thiên Chúa hiền hậu, đầy lòng nhân từ. Vì thế, Ngài đã dẫn một số môn đệ lên núi, cho họ chiêm ngắm vinh quang của Thiên Chúa, cho họ nghe được tiếng của Chúa Cha, một người cha rất mực yêu thương, cũng nơi đó, Đức Giêsu cho họ biết rõ hơn về chương trình cứu độ của Ngài. Tất cả khởi đi từ niềm tin, ai tin vào người con của Thiên Chúa là Đức Giêsu, ắt họ sẽ được sống trong sự vinh quang của Thiên Chúa tình yêu: “Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Đức tin là một hành trình, kết thúc hành trình đó nếu ai tới đích sẽ được nhận lãnh phần thưởng là Nước Trời, đức tin còn là một cuộc chạy đua nữa, trong cuộc chạy đó, ai kiên trì, can đảm vượt mọi chướng ngại vật, sẽ được nhận lãnh vòng nguyệt quế chiến thắng.
 
Hành trình đức tin của người tín hữu Kitô là thế, có những lúc chúng ta gặp những bế tắc như câu chuyện tổ phụ Ab-ra-ham, dù có vậy cũng không được tuyệt vọng, có những giai đoạn phải vác thập giá là những khổ đau, bệnh tật, đói khát, đại dịch, cũng không được lùi bước hay trốn chạy, có những thời điểm gặp bao thất bại trước những vấn nạn xung đột tôn giáo chia rẽ nội bộ tôn giáo, con người cũng không được bỏ cuộc đua đó, bởi niềm tin sẽ là động lực giúp con người đón nhận và vượt qua mọi biến cố cách tự tin và mạnh mẽ. Hơn nữa, trong mọi biến cố đó, Thiên Chúa không bao giờ vắng mặt, Ngài luôn hướng dẫn cho con người những lối nẻo để vượt qua và chiến thắng, điều cần thiết là con người có đủ niềm tin và lòng mến để nhận ra đâu là việc Thiên Chúa, đâu là chính Ngài, để thực hiện và đồng hành với nhau.
 
Trong hành trình đức tin của mỗi ơn gọi luôn có những khủng hoảng niềm tin, thường gọi là đêm tối đức tin, đó là lúc người tín hữu Kitô đối diện với những thử thách, những thất bại và cả những đau đớn về thể xác. Trong những khoảnh khắc đó, người tín hữu có thực sự đủ tin rằng tôi đang tin vào một Thiên Chúa, Ngài là một người Cha nhân từ, một người Cha hiền hậu, Ngài luôn bên cạnh tôi lúc cô đơn giữa đời, lúc gặp mây mù che lối không. Bởi sống giữa thế gian, không ít lần người tín hữu đã tìm đến những thế lực từ các thần linh khác như tiền bạc, địa vị xã hội, quyền bính thế gian, để can thiệp vào hành trình ơn gọi của bản thân, và ngay cả trong đời sống đức tin nữa. Phải chăng con người đang tục hóa dần hình ảnh một Thiên Chúa là Cha nhân lành trong đời sống đức tin, trong mọi sinh hoạt của người Công giáo. Giữa một xã hội có nhiều chủ thuyết, nhiều trào lưu nghiêng về vật chất và quyền bính thế gian, niềm tin của người tín hữu cỏ đủ mạnh để chấp nhận mọi biến cố trong cuộc sống của tôi đều do Thiên Chúa định đoạt, Ngài sẽ đưa ai đó theo ý Ngài đến trong cuộc đời, để giúp tôi vượt qua mọi thử thách, mọi bệnh tật và mọi khó khăn trong cuộc sống, trong hành trình ơn gọi. Để chấp nhận được thực tại như thế, tâm tình mùa chay có thực sự ấn tượng để giúp nhau củng cố niềm tin vào một Thiên Chúa nhân từ đầy yêu thương, luôn hiện diện trong cuộc đời của những người con không?
 
Lạy Chúa, các môn đệ được chứng kiến vinh quang và sự sáng láng của Thiên Chúa hầu giúp củng cố niềm tin, thế mà các ông vẫn hoài nghi về một Thiên Chúa quyền năng và nhân từ, xin Chúa củng cố niềm tin chúng con qua mỗi biến cố cuộc đời, để chúng con vững niềm tin vào đời, vững niềm tin cùng Con Thiên Chúa lên đồi Can-vê và vững niềm tin làm chứng cho mầu nhiệm phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...