Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh - Năm C

Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh - Năm C   Dẫn vào Thánh Lễ Anh chị em thân mến! Hôm nay chúng ta cùng với Hội Thánh mừng kính trọng thể lễ Mình Máu Thánh Chúa
 

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Hôm nay chúng ta cùng với Hội Thánh mừng kính trọng thể lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Thật ra, trong bất cứ Thánh Lễ nào, chúng ta cũng đã suy tôn mầu nhiệm Thánh Thể. Tuy nhiên, vì muốn nhân mạnh tầm quan trọng của Thánh Thể trong đời sống của mỗi tín hữu, nên mẹ Hội Thánh đã chọn riêng một ngày để chúng ta dành thời giờ nhiều hơn trong việc tôn thờ, chiêm ngắm và tạ ơn tình yêu Thiên Chúa trong Bí tích Thánh Thể.

Trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta được đón nhận chính Đức Giêsu là nguồn của mọi ân phúc. Nên giờ đây Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến để tham dự bữa tiệc thánh trong Thánh lễ này, với lời tha thiết đầy yêu thương: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn, vì này là Mình Thầy. Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống, vì này là Máu Thầy, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” Chúng ta hãy giục lòng thống hối để hân hoan tham dự Mầu Nhiệm Thánh.

Ca nhập lễ

Ta sẽ lấy tinh hoa lúa mì nuôi dưỡng chúng, và cho chúng ăn no mật từ hốc đã chảy ra.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích Mình Và Máu Thánh Chúa, để chúng con đời đời tưởng nhớ Chúa đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang. Xin cho chúng con biết một niềm sùng kính mến yêu bí tích kỳ diệu này để luôn được nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: St 14, 18-20

"Ông mang bánh và rượu tới".

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Melkixêđê là vua thành Salem, đem bánh và rượu tới, vì ông là thượng tế của Thiên Chúa Tối Cao, ông chúc phúc cho Abram rằng: "Xin Thiên Chúa Tối Cao và Ðấng tạo thành trời đất chúc phúc cho Abram, và đáng chúc tụng thay Thiên Chúa Tối Cao, vì nhờ Người che chở, quân thù đã rơi vào tay ông". Và Abram dâng cho ông một phần mười tất cả chiến lợi phẩm.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 109, 1. 2. 3. 4

Ðáp: Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Melkixêđê (c. 4bc).

Xướng: Thiên Chúa đã ban bố cùng Chúa tôi rằng: "Con hãy ngồi bên hữu Ta, cho tới khi Ta bắt quân thù làm bệ kê dưới chân Con". 

Xướng: Ðức Thiên Chúa từ Sion sẽ phô bày vương trượng quyền bính của Ngài, rằng: "Con hãy thống trị giữa quân thù". 

Xướng:  "Các thủ lãnh cùng hiện diện bên Con, ngày Con giáng sinh trong thánh thiện huy hoàng: trước rạng đông, tựa hồ sương sa, Ta đã sinh hạ ra Con". 

Xướng: Ðức Thiên Chúa đã thề và không hối hận rằng: "Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Melkixêđê". 

Bài Ðọc II: 1 Cr 11, 23-26

"Mỗi khi anh em ăn và uống anh em loan truyền việc Chúa chịu chết".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: "Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén và phán: "Chén này là Tân Ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 51-52

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời". - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 9, 11b-17

"Tất cả đều ăn no nê".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân chúng về nước Thiên Chúa và chữa lành những kẻ cần được cứu chữa. Vậy khi đã xế chiều, nhóm mười hai đến thưa Người rằng: "Xin Thầy giải tán dân chúng, để họ đi vào trong các làng mạc và trại quanh đây mà trú ngụ và kiếm thức ăn, vì chúng ta đang ở nơi hoang địa". Nhưng Người nói với các ông: "Các con hãy cho họ ăn đi". Các ông trả lời: "Chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám đông này". Số đàn ông độ năm ngàn. Người nói với các môn đệ rằng: "Hãy cho họ ngồi xuống từng nhóm độ năm mươi người". Các ông đã làm như thế, và bảo tất cả ngồi xuống. Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Tất cả đều ăn no nê, và người ta thu lượm được mười hai thúng miếng vụn còn dư lại.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta, đến nỗi lấy chính Thịt Máu mình để nuôi dưỡng chúng ta. Chúng ta cùng nhau tạ ơn Chúa và tha thiết dâng lời nguyện xin:

1. “Con là Thượng Tế tới muôn đời theo phẩm hàm Melkisêđê”.- Xin cho các vị lãnh đạo dân Chúa, biết lấy chính thân mình làm hy lễ theo mẫu Chúa Kitô để trở nên nguồn ơn cứu độ.

2. “Mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết... ”.- Xin cho mọi Kitô hữu luôn khát khao của ăn đích thực, là Thánh Thể Chúa Kitô làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn, bằng cách siêng năng tham dự bàn tiệc Thánh Thể.

3. “Các con hãy cho họ ăn đi”.- Xin cho những ai đến nhận lãnh Mình Thánh Chúa Kitô, cũng biết chia sẻ chính những gì thuộc bản thân cho anh chị em đồng loại.

4. “Tất cả đều được ăn no”.- Xin cho cộng đồng giáo xứ chúng ta luôn ý thức bữa tiệc Thánh Thể cần thiết và quan trọng để làm trọn Thánh Lễ, mà cố gắng chuẩn bị tâm hồn đón rước Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa, Xin cho chúng con một niềm tin mạnh mẽ xuất phát từ lòng mến thẳm sâu, biết sống trọn vẹn với Chúa, để nhờ ân sủng của Chúa, chúng con được lãnh nhận ơn cứu độ cho bản thân và cho muôn người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, bao hạt lúa mới làm nên tấm bánh này, bao trái nho mới ép thành chén rượu đây, tượng trưng sự đoàn kết giữa con cái Chúa. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và làm cho trở nên bí tích nhiệm mầu, đem lại cho Hội Thánh Chúa ơn hiệp nhất và bình an. Chúng con cầu xin...

Lời tiền tụng Thánh Thể

Ca hiệp lễ

Chúa phán:" Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy".

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tuy còn ở dưới thế, nhưng đã được tham dự bàn tiệc trên trời khi thông hiệp với Mình và Máu Thánh Chúa. Xin cho chúng con một khi lên cõi trời vinh hiển được cùng Chúa vui hưởng phúc trường sinh. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

HÃY LÀM VIỆC NÀY: HÃY CHO HỌ ĂN!
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột
 
Mầu nhiệm Thánh Thể, một đề tài thật phong phú đã làm tiêu tốn biết bao nhiêu giấy mực mà dường như vẫn không tát cạn chút nào sự bao la và sâu thẳm của Tình Yêu Thiên Chúa qua mầu nhiệm này. “Giọt máu đào hơn ao nước lã”. Ngạn ngữ này không chỉ đề cao ưu thế của “tình huyết nhục” mà còn gợi cho chúng ta thấy một trong những biểu tượng của tình yêu mang đậm nét hiện sinh là máu-thịt. Tình yêu con người lên đến đỉnh cao khi nên một xương một thịt với nhau (x.Mc 10, 8). Trích huyết ăn thề cũng là một cách thế tỏ bày tình yêu và sự tín thành với nhau. Máu-thịt vừa biểu trưng cho sự sống vừa biểu trưng cho tất cả những gì ta là. Không phải tôi có thịt máu này mà thịt máu này chính là tôi.

Giavê Thiên Chúa đã sai Môsê dùng máu chiên bò để rảy trên bàn thờ và trên dân Israel làm dấu chỉ Người yêu thương chọn Israel làm dân riêng và tín trung với dân cho đến cùng. Đến thế gian, Đức Kitô đã dùng chính máu châu báu của mình làm dấu chỉ giao ước mới. Ngài đã trao ban chính mình đến giọt máu cuối cùng để cho nhân loại được cứu sống, được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi và xứng đáng làm con cái Thiên Chúa hầu hường nhận gia tài Thiên Chúa hứa ban.

“Các con hãy nhận lấy mà ăn. Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con… Này là máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Chúa Giêsu tự nguyện trao ban trọn vẹn bản thân mình để thể hiện tình Chúa yêu chúng ta cách triệt để bằng sự liên đới đến cùng, chung phận tôi đòi của chúng ta và chia phần sự sống thần linh cho chúng ta. “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con”. Chúa Kitô không chỉ chung phận tôi đòi của chúng ta mà Người còn tự nguyện nhận lấy mọi hậu quả do tội chúng ta gây ra. Một tấm thân trần trụi trên thập giá là dấu chỉ của tình yêu liên đới đến cùng. “Này là Máu Thầy…”. Khi cho chúng ta tiếp nhận sự sống của Chúa, qua việc nhận Máu của Người là Chúa bày tỏ lòng khoan dung tha thứ. Và hiệu quả của sự thứ tha ấy là nhân loại chúng ta được cứu sống, được giải phóng khỏi ách nô lệ, được trở về làm con cái Chúa và thừa hưởng hạnh phúc Chúa trao ban.

Chúa Kitô lập bí tích Thánh Thể là vì chúng ta, nhân loại chúng ta đã phạm tội và đang ở trong cảnh nô lệ Thần Dữ. “Người mạnh khoẻ không cần đến thầy thuốc mà là người đau yếu. “Con Người đến để cứu chữa những gì đã hư mất” (Lc 19, 10). Như thế có thể nói Bí Tích Thánh Thể có ra là vì người tội lỗi chứ không phải cho người công chính. Mẹ Hội Thánh đã nhắc nhớ chúng ta điều này nhiều lần trong Thánh Lễ bằng những công thức thống hối. Ngay trước khi lên “chịu” Thánh Thể, chúng ta một lần nữa được hướng dẫn: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con…”. Phải, nếu Chúa không vì yêu thương tự nguyện đến với ta thì trên trần gian này chẳng một ai xứng đáng đón nhận Người. Chính Chúa đến mới làm ta nên xứng đáng chứ không phải vì ta xứng đáng rồi nên Chúa mới ngự vào. Không phải do Giakêu xứng đáng, nhưng chính nhờ Chúa Giêsu đến viếng thăm đã khiến cho Giakêu đổi thay và nên xứng đáng (x.Lc 19, 1-10).

Hãy nhận lấy… và hãy làm việc này… Hai mệnh lệnh của tình yêu từ Bí tích Thánh Thể. Hãy nhận lấy để được thứ tha. Hãy nhận lấy để được cứu sống, được giải phóng và nên xứng đáng. Tuy nhiên chúng ta đừng quên mệnh lệnh thứ hai. Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Bên cạnh một ân ban luôn có đó một sứ mạng được trao phó. Ân sủng càng cao quý thì sứ mạng càng trọng đại. Được thứ tha nhiều là để ta tha thứ cho tha nhân cách quảng đại. Được cứu sống là để ta biết nỗ lực giải phóng tha nhân khỏi ách nô lệ ma quỷ.

Hãy làm việc này… đâu phải chỉ dừng lại ở hình thức bên ngoài dành cho các bậc tư tế thừa tác. Cầm lấy bánh, rượu rồi đọc công thức truyền phép quả là khá dễ dàng, nhưng sống nội hàm của mệnh lệnh ấy mới là vấn đề. Hãy làm việc này… là tất cả những ai đã đón nhận Thánh Thể thì hãy dùng chính máu thịt của mình để gánh lấy hậu quả tội lỗi của nhau đồng thời giúp cho nhau được sống, sống dồi dào.

Bài trích Tin Mừng Lễ Mình Máu Chúa Kitô năm C tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu hóa bánh cá ra nhiều nuôi dư đủ năm ngàn người đàn ông chưa kể phụ nữ và trẻ em (x.Lc 9, 11b-17). Khi nghe các tông đồ hiến kế là giải tán dân chúng để họ tự lo lương thực cho họ thì Chúa Giêsu đã truyền lệnh cho các ngài: “Chính anh em hãy cho họ ăn đi”. Và đây cũng là nội hàm của mệnh lệnh thứ hai khi Người thiết lập Bí Tích Thánh Thể: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
Không thực hiện mệnh lệnh thứ hai thì có làm mệnh lệnh thứ nhất cách đầy đủ nghi tiết theo luật dạy thì vẫn không chắc có được hiệu quả mong muốn. Xin hãy nhớ lại câu chuyện dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể về anh đầy tớ chỉ biết nhận mà không biết cho đi trong Mt 18, 23-35. “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao ?” (c.32-33). Cuối dụ ngôn, Chúa Giêsu khẳng định anh này đã chẳng nhận được sự gì.

Các bạn đã từng rước Thánh Thể rất nhiều lần. Chúng tôi, các linh mục đã từng cử hành Bí tích Thánh Thể dường như hằng ngày. Chúng ta có dốc hết tâm huyết của mình để gánh lấy những hậu quả xấu xa do tội lỗi của những người trong đạo lẫn ngoài đời, đã và đang thấy đó trên quê hương Việt Nam này hay trong Hội Thánh? Để cho Hội Thánh ngày thêm tinh tuyền, để cho quê hương phát triển trong công lý và hoà bình, chúng ta đã hao mòn máu thịt mình chút nào chưa đây?

 

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột

 
Bài suy niệm của Lm Pet. Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 9, 11b-17)
 
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân chúng về nước Thiên Chúa và chữa lành những kẻ cần được cứu chữa. Vậy khi đã xế chiều, nhóm mười hai đến thưa Người rằng: "Xin Thầy giải tán dân chúng, để họ đi vào trong các làng mạc và trại quanh đây mà trú ngụ và kiếm thức ăn, vì chúng ta đang ở nơi hoang địa". Nhưng Người nói với các ông: "Các con hãy cho họ ăn đi". Các ông trả lời: "Chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám đông này". Số đàn ông độ năm ngàn. Người nói với các môn đệ rằng: "Hãy cho họ ngồi xuống từng nhóm độ năm mươi người". Các ông đã làm như thế, và bảo tất cả ngồi xuống. Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Tất cả đều ăn no nê, và người ta thu lượm được mười hai thúng miếng vụn còn dư lại.
 
Suy niệm
 
Mỗi dịp lễ Mình và Máu Thánh Chúa trở về, người tín hữu Công giáo được mời gọi nhìn lại đời sống tâm linh của mình mỗi ngày, đặc biệt qua việc tham dự Thánh lễ và tâm tình thờ phượng Bí tích Thánh Thể trong Thánh lễ.
 
Trước khi Chúa Giêsu về trời, trong bữa tiệc ly, Ngài đã truyền cho các môn đệ hãy cử hành việc này mà nhớ đến Ngài. Bữa tiệc ly của Đức Giêsu và các môn đệ được coi là cột mốc chấm dứt những ngày sống trong thế gian của Đức Giêsu, Ngài lên đường bước vào một hành trình mới, hành trình lên đồi Can-vê, nơi đó, Ngài đã chấp nhận bị treo lên trên cây thập giá. Không vì một tội danh nào mà Ngài phải chết, nhưng Ngài đã đón nhận bản án đó cách tự nguyện để chương trình cứu độ của Chúa Cha được trọn vẹn. Nơi bàn tiệc ly, Ngài trao cho họ tấm bánh, chén rượu với những lời trăn trối: này là Mình Thầy, được bẻ ra cho anh em; này là Máu Thầy, sẽ đổ ra và nhiều người được cứu độ. Rồi từ đây, Ngài mời gọi các môn đệ hãy hiện tại hoá nghi thức đó cùng với hy tế trên đồi Can-vê, để đem lại ơn cứu độ cho muôn người, khi họ tin nhận vào một Thiên Chúa duy nhất.
 
Câu chuyện từ sách Sáng thế kể về tư tế Melkisede ra đón chào Abram sau khi ông chiến thắng những kẻ nổi loạn trở về, trên tay cầm bánh và rượu, cùng với những lời cầu chúc tốt đẹp, như muốn gợi nhắc cho mỗi người rằng đó là lời cầu chúc của Thiên Chúa qua vị tư tế. Thiên Chúa chấp nhận sự hữu hạn của con người, chấp nhận sự trung gian của con người, để phúc lành cho những ai luôn trung tín với niềm tin của mình. Tư tế Melkisede được coi là một vị tư tế không cha, không mẹ, không gia đình, là người được Giavê chọn cách đặc biệt, để dâng những của lễ từ đoàn dân lên cho Giavê Thiên Chúa. Ông luôn được mọi người tôn trọng và yêu thương. Hình ảnh của người tư tế này đưa chúng ta trở về với phòng tiệc ly, nơi đó, Đức Giêsu, vị tư tế trung gian giữa Thiên Chúa và con người, đã biến chính mình thành tấm bánh, bẻ ra và trao ban cho mọi người. Tấm bánh đó được coi là phúc lành của Thiên Chúa, là thứ lương thực thần linh, giúp con người không còn phải đói, phải thiếu thốn lương thực tinh thần.
 
Tất cả đã trở nên gần gũi và thánh thiêng khi Đức Giêsu trao ban chính sự sống mình, để làm lương thực nuôi sống tâm hồn con người. Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Corintho, ngài nhắc nhở cho mỗi người phải luôn ý thức việc đón nhận lương thực thần linh đó, vì: “mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến”. Lời nhắc đó hướng con người đến một giá trị siêu việt, đó là không chỉ được đón nhận lương thực thần linh, nhưng là còn tham dự vào việc loan báo về mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu, Thầy Chí Thánh, từ hôm nay và cho đến muôn đời. Lời nhắc đó đưa chúng ta đến với Thánh lễ cách trang trọng và thánh thiêng hơn, bởi từ nơi Thánh lễ, con người đang hiện tại hoá mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Thầy Chí Thánh, đang cùng nhau loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Ngài sống lại. Ý nghĩa và sự thánh thiêng đó, lắm lúc chúng ta chưa chân nhận mà chỉ dừng lại nơi việc tham dự cách thụ động và cùng nhau đến đó để xin ơn này đến ơn khác.
 
Bàn tiệc Thánh lễ là một hy tế tạ ơn, là nơi mỗi người dâng lên Chúa Cha của lễ đặc biệt nhất là Đức Giêsu, cùng với những lầm lỗi, những thiếu sót của kiếp người, bên cạnh đó còn là những lời nguyện cầu cho Giáo hội, cho anh chị em và cho toàn thế giới. Của lễ đó kết tinh từ niềm tin và lòng mến của mỗi tín hữu, bởi sự liên đới trong cùng một thân thể huyền nhiệm của Đức Giêsu, mà người tín hữu được hiệp thông với mọi Thánh lễ được cử hành đó đây trên khắp thế giới.
 
Phép lạ bánh hoá nhiều được thánh Luca kể lại như là biểu tượng của tình thương Thiên Chúa qua Người Con là Đức Giêsu. Ngài yêu thương, quan tâm và chăm sóc họ không chỉ riêng đời sống tinh thần, mà Ngài còn chăm sóc và lo lắng cho họ cả đời sống thể xác. Quả là một sự quan tâm rất ấm áp và đầy vỗ về khi con người từng ngày đang bơ vơ như đàn chiên không người chăn. Để mỗi người có được những miếng bánh và những con cá nhỏ, Đức Giêsu đề nghị các môn đệ cùng cộng tác với Ngài cách này cách khác. "Các con hãy cho họ ăn đi". Ngài có thể làm được mọi sự, trao tận tay mỗi người số bánh và cá họ cần, nhưng Ngài không làm và Ngài muốn con người cộng tác, góp một phần nhỏ của mình, để giúp anh chị em được no nê, được chăm sóc và được yêu thương như nhau. Tình yêu của Thiên Chúa đến với mỗi người ngang qua tha nhân, và con đường về trời của chúng ta cũng ngang qua tha nhân. Tương quan giữa con người với Thiên Chúa là một tương quan mở, Thiên Chúa cho con người tự do chọn lựa, Ngài chỉ gợi nhắc và đồng hành, con người sẽ đem ra quyết định cuối cùng cho mình sau khi đã chọn lựa. Xa hơn nữa, Ngài còn muốn con người quan tâm đến tha nhân như Ngài đã quan tâm đến bản thân mình. Những nét chấm phá đó giúp chúng ta nhận ra được hình ảnh ngôi nhà của Thiên Chúa trong đó có một đại gia đình là tất cả mọi người dưới bầu trời này. Chính từ bàn tiệc hy tế của mầu nhiệm tử nạn và phục sinh, Đức Giêsu đã đưa nhân loại đi vào trong một gia đình, liên kết tất cả thành một thân thể duy nhất với đầu là Đức Giêsu Kitô.
 
Từ đây, phụng vụ của ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa mời chúng ta trở lại với những giá trị thánh thiêng của Thánh lễ mỗi ngày chúng ta tham dự. Lắm lúc chúng ta đến với Thánh lễ chỉ là một thói quen, chỉ là một việc làm để phân biệt người Công giáo với các anh em tôn giáo bạn mà thôi, có lúc nào chúng ta dừng lại một vài phút thật sâu lắng để thầm nói với mình rằng, tôi đang làm việc gì đây? Việc này đưa tôi đến đâu và giúp gì cho tôi? Những vấn nạn đó có thể là một chìa khoá mở ra cho chúng ta cơ hội, để mỗi người hiệp thông với Chúa Thánh Thần, tái khám phá những giá trị thánh thiêng của Thánh lễ. Thánh lễ là một hy tế tạ ơn, một hy tế cứu độ và một hy tế đem lại sự bình an cho con người. Nơi đó, con người được Thiên Chúa cho phép để hiện tại hoá hy tế trên đồi Can-vê và sau nữa là biến cố phục sinh. Cũng từ nơi Thánh lễ, con người đem lương thực thần linh đó đến cho mọi tâm hồn, để họ được cứu độ, để họ đón nhận được sự bình an của Thiên Chúa. Vậy mà biết bao lần chúng ta đến với Thánh lễ trong sự hờ hững, trong sự dửng dưng và một tâm hồn trống rỗng hay trĩu nặng của cuộc sống. Khi con người hờ hững, làm sao họ có thể cảm nghiệm được sự hiện diện thiêng liêng nhưng gần gũi của Thiên Chúa Ba Ngôi trong Thánh lễ, khi con người dửng dưng, làm sao họ có thể dâng lên Ngài những lời chúc tụng, tri ân và nguyện cầu cho Giáo hội Chúa, cho mọi người, cho các linh hồn và các gia đình đó đây, đặc biệt là gia đình của mình. Khi tâm hồn con người trống rỗng, làm sao họ có thể cảm nghiệm được đó là lương thực thần linh sẽ đem đến cho họ sự sống đời đời và chính bản thân họ là một thành viên trong gia đình của Thiên Chúa. Khi tâm hồn họ trĩu nặng, làm sao họ cảm nhận được sự đồng hành của Thiên Chúa với mỗi người, để chia sẻ, để cất bớt gánh nặng âu lo và cùng họ lên đường trong niềm vui của tin mừng phục sinh được?
 
Gần gũi hơn là đời sống gia đình, nếu mỗi người cha người mẹ và con cái trong các gia đình luôn yêu mến và siêng năng đến với Thánh lễ, chắc sẽ không có chổ đứng cho sự giận ghét, bất hạnh và khổ đau giữa gia đình nữa, bởi Thiên Chúa luôn hiện diện giữa bàn ăn của họ và chung chia với họ mọi thăng trầm cuộc sống, nếu giữa các cộng đoàn hiệp thông luôn trân trọng với Thánh lễ, chắc sẽ không còn chỗ đứng cho những xích mích, những ganh tị, những tranh giành quyền lực và hơn nữa sự bất hạnh trong đời sống dâng hiến sẽ không còn ẩn hiện giữa cộng đoàn, trong các thành viên nữa.
 
Từ bàn tiệc Thánh lễ, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa, tình yêu đó trải dài từ thưở ban đầu trong mầu nhiệm tạo dựng cho đến khi mọi loài được đặt dưới chân Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu, tình yêu đó đi vào cuộc sống mỗi người với những sắc màu khác nhau tương xứng với mỗi ơn gọi. Nếu không có sức mạnh của tình yêu đó như là những nhịp cầu kết nối, thì bóng dáng của Thiên Chúa sẽ dần phai tàn trong thế giới này. Và từ bàn tiệc Thánh lễ đó, con người đón nhận được sự quan tâm thật ấm áp của một Thiên Chúa nhân từ là Cha giàu lòng thương xót.
 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trối lại cho chúng con một bí tích tình yêu từ Thánh lễ, để mỗi ngày chúng con nhớ đến Chúa và được Chúa chăm sóc, xin cho chúng con biết yêu mến và siêng năng đến với Thánh lễ, với bàn tiệc hy tế của Chúa. Chúa luôn mong muốn con người ở bên cạnh Ngài, để được sống trong sự sống của Thiên Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết trân trọng những giá trị của Thánh lễ, để chúng con có được một sự hiện diện khiêm tốn, chân thành và đầy niềm tin. Chúa cho con người được cử hành mầu nhiệm hy tế thập giá để nhớ đến Ngài, xin cho chúng con biết trân trọng thiên chức cao quý đó và cùng với Chúa Thánh Thần, đem ơn cứu độ đến cho mỗi người và mỗi gia đình. Amen.
 

Lm Pet. Trần Bảo Ninh


Dấu chỉ của tình yêu
Sưu tầm

Hôm nay, mừng kính Mình và Máu thánh Đức Kitô, chúng ta cùng nhau dừng lại để chia sẻ một vài ý nghĩ đơn sơ về bí tích Thánh thể.

Trước hết, bí tích Thánh thể là dấu chỉ của tình Chúa.

Thực vậy, khi yêu thương ai, chúng ta muốn được ở gần người đó để hàn huyên tâm sự, như ca dao đã bảo:

- Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo,

Thất bát sông cũng lội,

Tứ cửu tam thập lục đèo cũng qua.

- Yêu nhau chẳng quản xa gần,

Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng qua.

Hiểu theo chiều hướng này, thì Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu không bờ không bến, vì Ngài không phải chỉ đi qua vài ba ngọn đồi, lội qua dăm bảy con suối để đến với chúng ta. Trái lại, Ngài đã đi con đường dài nhất, con đường từ vô biên đến hữu hạn, con đường từ trời xuống đất, con đường từ một Thiên Chúa toàn năng đến một kẻ nghèo hèn, để trở thành một Emmnuel, nghĩa là một Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Ở cùng chúng ta hơn ba chục năm mà thôi chưa đủ, Ngài lại còn muốn ở cùng chúng ta mãi mãi, cho đến tận cùng thời gian qua bí tích Thánh thể.

Tuy nhiên, Ngài không phải chỉ ở bên cạnh chúng ta, đi bên lề cuộc sống chúng ta như một kẻ xa lạ. Trái lại, Ngài còn muốn thấm nhập và trở nên một với chúng ta.

Bởi đó, mỗi khi lên rước lễ, chúng ta sẽ được kết hiệp và gắn bó mật thiết với Chúa. Sự kết hiệp và gắn bó này còn mật thiết hơn cả tình bè bạn, tình cha mẹ, tình vợ chồng, bởi vì chúng ta sẽ trở nên một với Ngài.

Giọt nước hòa tan trong rượu thế nào, chúng ta cũng sẽ được hòa tan trong Chúa như vậy. Thanh sắt nung trong lửa, sẽ nóng và đỏ như lửa thế nào, chúng ta cũng sẽ được trở nên giống Chúa như vậy.

Ngoài ra, khi yêu thương ai, ngoài việc muốn được ở gần người đó, chúng ta còn cố gắng làm cho người đó được hạnh phúc: nào là thư từ, nào là quà cáp, nào là thăm hỏi...

Nếu hiểu theo chiều hướng này, thì Chúa Giêsu cũng đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu không bờ không bến bởi vì Ngài đã xuống thế để làm gì nếu không phải là để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và án phạt đời đời.

Rồi suốt cả cuộc đời, Ngài đã thực hiện biết bao nhiêu hành động yêu thương. Ngài đã cúi xuống xoa dịu những đớn đau, chữa lành mọi bệnh tật, xua trừ ma quỉ. Hơn thế nữa, Ngài còn chết trên thập già để cứu độ chúng ta như lời Ngài đả phán:

- Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu.

Bằng đó mà thôi cũng chưa đủ, Ngài còn thiết lập bí tích Thánh thể để trở nên của ăn nuôi sống linh hồn và đảm bảo cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu:

- Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ được sống đời đời.

Một người Cha trước khi chết thường trối lại cho con cháu bản chúc thư. Những người yêu nhau trước khi đi xa, thường trao tặng cho nhau những kỷ vật. Cũng vậy, là một người cha, Đức Kitô trước khi chịu chết, đã trối lại cho các môn đệ cũng như cho mỗi người chúng ta một bản chúc thư, đó là giới luật yêu thương. Là một người tình, Đức Kitô trước khi ra đi, đã trao tặng cho chúng ta một kỷ vật, đó là thịt máu Ngài.

Và như thế, bí tích Thánh thể chính là dấu chỉ tình yêu bao la mà Chúa Giêsu đã dành cho chúng ta.

Tiếp đến, bí tích Thánh thể còn là dấu chỉ của tình người.

Thực vậy, nhìn vào một bữa ăn, một bàn tiệc, chúng ta tìm thấy ngay được dấu chỉ của sự yêu thương và hiệp nhất.

Tiên vàn, những người ngồi cùng bàn đều có một mẫu số chung nào đó. Có thể là chia sẻ một niềm vui như đi tự tiệc cưới. Có thể là chia sẻ một nỗi buồn như đi ăn đám giỗ. Có thể là chia sẻ một băn khoan lo lắng như bữa tiệc trước khi tính toán và bắt đầu một công việc quan trọng.

Ngoài ra, khi quây quần chung quanh một bàn ăn, chúng ta còn chia sẻ với nhau một nguồn sống, là những thức ăn do lao công vất vả của nhiều người làm nên. Chính những thức ăn này sẽ được tiêu hóa và trở nên thịt máu, trở nên một phần cơ thể chúng ta. Bởi đó, chúng ta thường phải tránh đi những bất hòa, xích mích trong bữa ăn: trời đánh còn tránh bữa ăn.

Chúa Giêsu cũng đã thiết lập bí tích Thánh thể dưới hình thức một bữa ăn, một bàn tiệc. Chính vì thế, ý nghĩa của sự yêu thương và hiệp nhất cần phải được nổi bật, bởi vì chúng ta cùng ăn một của ăn thiêng liêng muôi sống linh hồn, như thánh Phaolô đã viết:

- Mặc dù chúng ta tuy nhiều, nhưng cùng chia sẻ một tấm bánh và làm nên một thân thể Đức Kitô.

Hơn thế nữa, nơi bàn tiệc Thánh thể, mọi người đều bình đẳng vì tất cả đều là con cái Chúa, không còn phân biệt già hay trẻ, sang hay hèn... Các tín hữu sơ khai đã ý thức được chân lý căn bản này, họ đã biến nghi thức bẻ bánh, hay bàn tiệc Thánh thể trở nên nơi qui tụ cho tình thương. Họ mang rượu bánh đến góp chung để dâng lễ, để nuôi sống linh mục và tu sĩ, cũng như để giúp đỡ những người nghèo.

Tình bác ái huynh đệ này không phải chỉ đóng khung trong khi tham dự nghi thức bẻ bánh, mà còn được nối tiếp trong cuộc sống, vì trong cuộc sống, họ đã góp chung tiền bạc, tài sản để cho các tông đồ phân phối theo nhu cầu.

Từ những xác quyết trên, chúng ta đi tới hai kết luận. Kết luận thứ nhất, vì bí tích Thánh thể là dấu chỉ của tình Chúa, nên chúng ta hãy siêng năng tham dự thánh lễ và nhất là rước lễ mỗi khi có thể, để đáp trả những yêu thương Ngài đã dành cho chúng ta.

Kết luận thứ hai, vì bí tích Thánh thể là dấu chỉ của tình người, nên chúng ta hãy cố gắng sống bác ái. Không phải chúng ta chỉ hòa giải và yêu thương trong thánh lễ, trong nhà thờ, mà còn phải hòa giải và yêu thương trong cuộc sống, bởi vì cuộc sống ngập tràn tình bác ái chính là một thánh lễ nối dài, và những hy sinh chúng ta vui lòng chịu vì người khác sẽ là những lễ vật xuất phát từ lòng cuộc đời, chúng ta dâng tiến Chúa.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...