Chúa Nhật V Thường Niên –Năm B


Chúa Nhật V Thường Niên –Năm B


Mc 1,29-39


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật V Thường Niên –Năm B

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Tin Mừng hôm nay, kể lại Chúa Giêsu đến với nhạc mẫu của ông Simon, cầm tay bà và chữa bà khỏi cảm sốt. Đức Kitô không cho chúng ta câu trả lời về vấn đề đau khổ, cũng không giải thích tại sao con người phải đau khổ. Người cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc biến đổi đau khổ thành niềm vui, nếu đến với Người. Khi hấp hối trên Thập Giá Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta thấy rõ đau khổ là một phần trong chương trình của Thiên Chúa. Như thế, một khi kết hợp những gian nan thử thách của chúng ta với những gian nan thử thách của Đức Kitô, chúng ta có thể vui hưởng chiến thắng của Người. Tin Mừng không bảo đảm cho chúng ta thoát khỏi những nỗi khổ đau, nhưng đoan chắc với chúng ta rằng Thiên Chúa luôn ở với chúng ta, cho dù những nỗi khổ đau của chúng ta có lớn đến đâu. Tin tưởng và cậy trông, giờ đây chúng ta cùng thành tâm thống hối, để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.

Ca nhập lễ

Hãy tiến lên, chúng ta hãy thờ lạy Thiên Chúa, và hãy tiến bước trước nhan thánh Chúa, Đấng tạo thành chúng ta, vì chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chúng con là con cái trong nhà, chỉ đứng vững khi dựa vào ơn Chúa, xin Chúa hằng che chở chúng con. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: G 7, 1-4. 6-7

“Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối”.

Trích sách Gióp.

Bấy giờ Gióp nói rằng: “Khổ dịch là đời sống của con người trên trái đất, ngày của họ giống như ngày của người làm công. Cũng như người nô lệ khát khao bóng mát, như người làm công ước mong lãnh tiền công thế nào, thì tôi cũng có những tháng nhàn rỗi, có những đêm người ta bắt tôi làm việc cực nhọc. Nếu tôi đi ngủ, thì tôi lại nói: “Chừng nào tôi mới thức dậy, và chừng nào là đến chiều? Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối”. Ngày của tôi qua nhanh hơn chiếc thoi đưa, nó tàn lụn đi mà không mang lại tia hy vọng nào. Hãy nhớ rằng đời sống tôi chỉ là một hơi thở! Mắt tôi sẽ không nhìn thấy hạnh phúc”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 146, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Hãy chúc tụng Chúa, Ðấng cứu chữa những kẻ giập nát tâm can

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hãy ngợi khen Chúa, vì Người hảo tâm; hãy ca mừng Thiên Chúa chúng ta, vì Người êm ái, thực Người rất đáng ngợi khen. Chúa xây dựng lại Giêrusalem, tập họp con cái Israel phân tán.

Xướng: Chính Người chữa những kẻ giập nát tâm can, và băng bó vết thương của lòng họ. Người ấn định con số các ngôi sao, và gọi đích danh từng ngôi một.

Xướng: Chúa chúng ta cao cả và mãnh liệt quyền năng, sự khôn ngoan của Người thực là vô lượng. Chúa nâng cao những kẻ khiêm cung, Người đè bẹp đứa ác nhân xuống tận đất.

Bài Ðọc II: 1 Cr 9, 16-19. 22-23

“Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nếu tôi rao giảng Tin Mừng, thì không phải để làm cho tôi vinh quang, mà vì đó là một nhu cầu đối với tôi. Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng. Giả như nếu tôi tự ý đảm nhận việc ấy, thì tôi có công; nhưng nếu tôi bị ép buộc, thì tôi phải làm trọn nghĩa vụ đã giao phó cho tôi. Vậy thì phần thưởng của tôi ở đâu? Khi rao giảng Tin Mừng, tôi đem Tin Mừng biếu không, tôi không dùng quyền mà Tin Mừng dành cho tôi. Mặc dầu tôi được tự do đối với tất cả mọi người, tôi đã đành làm nô lệ cho mọi người, hầu thu hút được nhiều người hơn. Tôi đã ăn ở như người yếu đau đối với những kẻ yếu đau, để thu hút người yếu đau. Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi. Tất cả những việc đó, tôi làm vì Tin Mừng để được thông phần vào lợi ích của Tin Mừng.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Chiên của Ta nghe biết tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 1, 29-39

“Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài.

Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.

Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu yêu thương con người và muốn họ bớt khổ, nên Người đã cùng lao động, giảng dậy, đi khắp các làng mạc, thành thị, chữa bệnh và trừ quỉ. Giờ đây chúng ta cũng dâng lên Người những lời cầu xin :

1. “Hãy nhớ rằng đời sống tôi chỉ là một hơi thở”.- Xin cho các vị Chủ chăn luôn sống tinh thần siêu thoát của Đức Kitô, dành giờ phút sống thân mật với Chúa, để đời sống thiêng liêng của các ngài ngày thêm phong phú và sứ vụ tông đồ thêm kết quả tốt đẹp.

2. “Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.-Xin cho mọi Kitô hữu ý thức được trách nhiệm loan báo Tin Mừng, để kín múc nơi Chúa ánh sáng và chân lý hầu chiếu soi cho mọi tâm hồn cần nhận biết Chúa.

3. “Sáng sớm tinh sương Người chỗi dậy, đi đến một nơi vắng vẻ và cầu nguyện”.- Xin cho các người sống đời thánh hiến biết quí trọng các giờ kinh nguyện, vì đó là sức sống và hơi thở của đời tu trì.

4. “Mọi người đều đi tìm Thầy”,- Xin cho các tân tòng và dự tòng đang học hiểu giáo lý khai tâm, được trì chí và can đảm vượt mọi khó khăn trong việc tìm về ơn cứu độ.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho chúng con lòng mến Chúa thiết tha, tình thương anh em đậm đà, để chúng con có thể “nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi” theo gương Thánh tông đồ Phaolô. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong muôn vật Chúa đã dựng nên, Chúa đã lấy bánh và rượu để nuôi dưỡng loài người; xin cho bánh rượu này cũng trở nên bí tích đem lại cho chúng con sự sống muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Thiên hạ hãy cảm ơn Chúa vì Chúa nhân hậu, và những điều kỳ diệu của Ngài đối với loài người, bởi Ngài đã cho người đói khát được no nê, người cơ hàn được tràn trề thiện hảo.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, thì họ sẽ được no thoả.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh, cùng được uống chung một chén rượu; xin cho cộng đoàn chúng con đây biết thành tâm hiệp nhất trong tình yêu của Ðức Kitô, để nhờ đó mà cả thế giới này được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

KHÔNG VƯƠNG VẤN
“Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” (Mc 1,29-39)

Suy niệm: Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy lịch làm việc dày đặc, không ngừng nghỉ của Chúa Giê-su. Vừa ra khỏi hội đường – chắc hẳn Ngài vừa giảng dạy ở đó – Chúa Giê-su đã đến nhà mẹ vợ ông Phê-rô và chữa bà khỏi cơn sốt. Buổi chiều, “khi mặt trời đã lặn” dân chúng vẫn còn xúm đen xúm đỏ trước cửa nhà, để xin được chữa lành, và vì tò mò cũng có. Chúa lại chữa lành và trừ quỷ cho họ. Nhưng dẫu có bận bịu và được quần chúng hâm mộ như thế, Thầy Giê-su để mình vương vấn vì sự thành công và nổi tiếng hay nhân cơ hội đó để ‘đánh bóng tên tuổi’ để rồi sao nhãng sứ mạng chính yếu của Ngài. Đó là kết hiệp thân thiết với Chúa Cha bằng cách “từ sáng sớm đã ra nơi thanh vắng cầu nguyện”, và dứt áo ra đi trước sự chèo kéo của dân chúng để tiếp tục sứ mạng rao giảng Tin Mừng Nước Trời “vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.”

Mời Bạn: Bạn có bao giờ bị kìm chân bởi những thành công của chính mình chưa? Có khi nào bạn lao vào mọi công việc tất bật để rồi bạn đánh mất sự quân bình nội tâm, một mặt không còn dành thời gian để hồi tâm cầu nguyện, kết hiệp với Chúa, mặt khác sinh lòng tự mãn trước những lời khen lao, và trở nên vô cảm nghiệt ngã với tha nhân?

Sống Lời Chúa: Noi gương Chúa Giê-su trung thành với việc cầu nguyện mỗi ngày dù bạn bận rộn thế nào đi nữa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là mẫu mực của phục vụ và cầu nguyện. Xin cho chúng con noi gương Chúa để tất cả những gì chúng con làm là đều nhờ ơn Chúa ban chứ không phải do sức của con. Amen.

Xoa dịu nỗi đau khổ

Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, tôi nhận thấy cuộc đời của Chúa Giêsu là một sự dung hoà tốt đẹp giữa đạo và đời. Thực vậy Ngài không phải chỉ hăng say rao giảng Phúc Âm, cứu rỗi phần hồn của chúng ta mà hơn thế nữa, bằng những hành động bác ái yêu thương, Ngài còn xoa dịu những nỗi đớn đau và thống khổ của chúng ta. Ngài đã đẩy lui cơn sốt cho bà mẹ vợ của Phêrô, Ngài đã chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền và dân chúng tuốn đến với Ngài thật đông đảo. Phải chăng đây cũng là điều chúng ta cần noi gương bắt chước và thực hiện trong cuộc sống của chúng ta, để nhờ đó bản thân chúng ta trở nên những chứng nhân sống động của Chúa và mọi người cũng nhờ đó mà nhận biết tình thương của Ngài.

Tại một trung tâm y tế thuộc mạn đông nam bang Carolina bên Hoa Kỳ, hình ảnh đầu tiên mà các bệnh nhân ghi nhận được, đó là nụ cười của cụ bà Florence. Từ 6 giờ sáng, bà cụ lái xe khoảng 10 cây số đến bệnh viện và ở lại đó 8 giờ trong một ngày và 7 ngày trong một tuần. Bà cụ có mặt bên cách bệnh nhân để chăm sóc họ và an ủi những thân nhân của họ. Còn những lúc rảnh rỗi, bà cụ lại cặm cụi đan những đôi vớ cho các bệnh nhân. Năm vừa qua, bà cụ đã đan được 395 đôi. Bà cụ không phải là một người có trình độ văn hoá cao, bởi vì lúc còn nhỏ, thân phụ bà cụ không muốn cho các con gái của mình được học hỏi nhiều. Lập gia đình, bà cụ có 7 người con và làm việc trong một tiệm thuốc tây. Tháng 4 năm 1983, sau một cuộc giải phẫu, bà cụ bắt đầu xuất hiện trong bệnh viện với chiếc nạng gỗ nhưng vẫn vui vẻ giúp đỡ mọi bệnh nhân. Trong năm 1988, với 365 ngày bà đã có mặt tại bệnh viện 2920 giờ. Bà nói: Năm nay tôi đã 92 tuổi, nếu được khoẻ mạnh thì tôi vẫn còn đến đây với nụ cười trên môi.

Từ câu chuyện trên chúng ta thấy nỗi đau khổ của bản thân sẽ được vơi nhẹ nếu chúng ta cố gắng xoa dịu nỗi khổ của người khác. Đúng thế, đau khổ không được chữa trị bằng sự chấp nhận đã đành, mà còn bằng những nghĩa cử chúng ta làm cho người khác. Bà cụ trong câu chuyện hẳn không phải là người không đau khổ. Tuổi già, bệnh tật, cô đơn, có ai mà lại thoát khỏi phần số đâu. Thế nhưng với nụ cười trên môi, với đôi chân khập khiễng bà cụ đã ra khỏi chính mình để đến với người khác. Ra khỏi chính mình đó là bước đầu tiên giúp chúng ta thắng vượt nỗi khổ đau riêng tư. Có ai sống mà lại không có khổ đau, không có thập giá, thế nhưng sức nặng của thập giá sẽ vơi nhẹ nếu như chúng ta biết ra khỏi chính mình để đến với tha nhân, giúp đỡ và xoa dịu nỗi khổ đau của người khác. Không ai quá nghèo để không thể cho đi. Một nụ cười cảm thông, một ánh mắt khích lệ, một bàn tay nâng đỡ, một chén cơm nhỏ bé được chia sẻ với tất cả tấm lòng yêu thương, phải chăng đó là những cái chúng ta có thể cho đi, phải chăng đó là những cái mà nhiều người đang mong đợi nơi chúng ta. Chính trong lúc cho đi như thế chúng ta cảm nghiệm được một niềm vui trong lành, vì cho đi thì vui sướng hơn là lãnh nhận và lời kinh hoà bình của thánh Phanxicô còn vang vọng như một câu kết luận: Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

Cứu vớt con người

Quang cảnh náo nhiệt ngày hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu muốn đi vào cuộc sống con người biết mấy. Thực vậy, Ngài vừa mới rao giảng ở hội đường xong, liền đi về nhà của Phêrô và Andrê. Không một hoàn cảnh đau thương nào mà không gởi lên nơi cõi lòng Ngài một nỗi cảm thông chia sẻ. Vì thế, Ngài đã tiến lại gần, cầm tay và chữa lành cho bà mẹ vợ của Phêrô đang lên cơn suốt. Rồi từ đó, mọi người trong thành đã tuốn đến với Ngài, xin Ngài cứu chữa đủ mọi chứng bệnh phần xác.

Thế nhưng Chúa Giêsu không phải chỉ dừng lại ở những ốm đau phần xác, mà hơn thế nữa, Ngài còn muốn cứu chữa những tật bệnh phần hồn. Đây mới là điểm quan trọng trong sứ mạng của Ngài. Chính vì thế mà Ngài đã phán với các môn đệ: Chúng ta hãy đi tới những nơi khác để Thầy còn rao giảng Tin Mừng ở đó nữa.

Trải qua dòng thời gian Giáo Hội đã noi gương bắt chước Chúa Giêsu, đẩy mạnh hai cố gắng, hai hoạt động, đó là xoa dịu những đớn đau cho những người bất hạnh và dẫn đưa họ trở về cùng Chúa. Để xoa dịu những đớn đau phần xác Giáo Hội đã lập nên biết bao nhiêu nhà thương; biết bao nhiêu viện dưỡng lão, biết bao viện cô nhi. Nhưng đồng thời Giáo Hội cũng ý thức bổn phận chính yếu của mình là đem Chúa đến cho mọi dân tộc. Vì thế, từ xa xưa cho đến ngày hôm nay, Giáo Hội không ngừng gởi các môn đệ, các thừa sai, các tông đồ của mình tới những vùng đất xa lạ để rao giảng Tin Mừng cho tất cả những ai chưa nhận biết Chúa. Chữa lành những tật bệnh phần xác đã là điều tốt, huống nữa là chữa lành những tật bệnh phần hồn, bởi vì chính linh hồn mới là một kho tàng quý giá, chúng ta có bổn phận phải gìn giữ, phải bảo toàn, phải cứu độ như lời Chúa Giêsu đã nói: Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì có ích lợi gì?

Ringhoff là một thuỷ thủ người Đức. Trong dịp mừng thượng thọ 80 tuổi người ta tới tấp đến thăm viếng và gởi lời chúc mừng. Trong số những người gởi lời chúc mừng có Bộ trưởng Công Chánh. Trong bức thư, ông Bộ trưởng hết lời khen ngợi ông thuỷ thủ già, bởi vì trong suốt thời gian hành nghề, ông thuỷ thủ già đã vớt được tất cả 126 người khỏi chết đuối.

Câu chuyện này hẳn phải làm cho chúng ta suy nghĩ. Đúng thế, cứu vớt người khỏi chết về phần xác là một hành động cao cả và tốt đẹp. Vậy thì cứu vớt người khỏi chết về phần hồn lại càng cao cả và tốt đẹp hơn biết chừng nào? Và trong ngày sau hết chính Chúa sẽ gởi lời chúc mừng đến cho bản thân họ. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta làm được những gì để xoa dịu những đớn đau của người khác và hơn thế nữa, chúng ta đã làm được những gì để góp phần vào công việc truyền bá Phúc Âm, dẫn đưa người khác trở về cùng Chúa.

Đi gieo Tin Mừng
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Đoạn Tin Mừng hôm nay tóm tắt một ngày làm việc của Chúa Giêsu. Qua những hoạt động của một ngày làm việc, Chúa Giêsu đưa ra những chỉ dẫn khuôn mẫu cho người đi gieo Tin Mừng.

Chỉ dẫn thứ nhất: Tin Mừng phải được rao giảng. Ngày Sabbát, Chúa Giêsu vào Hội đường, đọc Sách Thánh và giải nghĩa. Việc đọc và diễn giải Lời Chúa là một phần quan trọng của đời sống người môn đệ. Vì Tin Mừng phải được rao giảng. Lời Chúa phải được công bố. Người môn đệ phải say mê rao truyền để cho Lời Chúa trở thành ánh sáng soi đường cho con người, hướng dẫn tư tưởng, lời nói, hoạt động của con người. Chính Lời Chúa hướng dẫn con người đi trên đường Sự Thật để đạt được Sự Sống.

Chỉ dẫn thứ hai: Tin Mừng phải chứng tỏ bằng yêu thương. Lời nói đi đôi với việc làm. Đó chính là yếu tố làm cho lời nói có sức thuyết phục. Chúa Giêsu đã làm chứng về điều đó. Ra khỏi Hội đường, Chúa Giêsu vào nhà ông Simon. Bà nhạc của ông đang bị sốt. Chúa Giêsu đến bên giường, cầm tay bà để chữa bà khỏi bệnh. Thực ra Chúa có quyền năng chỉ cần đứng ngoài cửa phán một lời cũng có thể chữa bệnh cho bà nhạc ông Simon. Hơn nữa ở vào thời phong kiến với quan niệm nam nữ thọ thọ bất thân, việc cầm tay phụ nữ có gây nên dị nghị. Nhưng Chúa Giêsu đã đến tận giường cầm tay bà. Điều này nói lên lòng yêu thương kính trọng. Chúa không chỉ chữa bệnh mà còn muốn bày tỏ tình người, sự quan tâm âu yếm đối với người bệnh và cả sự kính trọng đối với phụ nữ nữa.

Chỉ dẫn thứ ba: Tin Mừng phải đem đến tự do. Mà quỉ luôn muốn giam cầm con người trong vòng nô lệ. Bị ma quỉ trói buộc con người mất hết ý chí, không còn làm được việc lành, chỉ có thể làm theo mệnh lệnh ma quỉ. Tin Mừng của Chúa có sức giải phóng con người. Giải phóng khỏi sự trói buộc của ma quỉ. Giải phóng khỏi những mặc cảm. Giải phóng khỏi những thói tục hủ lậu, những mê tín cấm ky. Nhờ đó con người có thể vươn lên, sống xứng đáng với phẩm giá và có thể làm việc lành phục vụ Nước Chúa. Bà nhạc của Simon là một thí dụ điển hình. Khi được khỏi bệnh, bà liền đi đứng và làm việc phục vụ Chúa.

Chỉ dẫn thứ tư: Tin Mừng phải được kín múc từ cội nguồn Thiên Chúa. Sáng sớm, Chúa Giêsu đến nơi vắng vẻ cầu nguyện. Suốt ngày bận rộn với con người, Chúa Giêsu phải dành buổi sáng sớm để cầu ngyện. Điều đó cho thấy, đối với Chúa, việc cầu nguyện là quan trọng biết bao. Chúa Giêsu cầu nguyện vì yêu mến, khao khát được kết hiệp với Chúa Cha. Chúa Giêsu cầu nguyện để tìm thánh ý Chúa Cha, tìm sự hướng dẫn sáng suốt cho cuộc đời. Vì thế trước khi bắt tay vào làm việc, Chúa cầu nguyện với Đức Chúa Cha để múc lấy nguồn sức mạnh cho hoạt động truyền giáo.

Người môn đệ muốn dẫn thân rao giảng Tin mừng, mở rộng Nước Chúa không thể đi ra ngoài những chỉ dẫn khuôn mẫu của Thày Chí Thánh. Phải biết múc lấy nguồn sức mạnh ở nơi Chúa Cha qua việc cầu nguyện. Coi việc cầu nguyện như cội nguồn của hoạt động, như điểm mấu chốt để đi đến thành công. Chuyên tâm học, đọc, suy gẫm Lời Chúa để có thể thấu hiểu và trình bày cho người khác. Nhất là phải làm chứng cho lời rao giảng bằng chính đời sống yêu thương bác ái. Sự yêu thương kính trọng sẽ đưa con người tới tự do, có thể lam những việc tốt đẹp, góp phần vào việc phục vụ Tin Mừng.

Lạy Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, xin hưỡng dẫn chúng con đi trên đường của Chúa Amen.

CÂU HỎI GỢI Ý

1- Bạn hãy thử tóm tắt những việc Chúa Giêsu làm trong một ngày.

2- Bạn tha thiết với việc rao giảng Tin Mừng, bạn sẽ làm gì để cho việc rao giảng Tin Mừng có kết quả tốt đẹp?

3- Lời nói phải đi đôi với việc làm. Bạn áp dụng câu nói này thế nào trong đời sống đạo của bạn.
 

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật V Thường niên -Năm B
Mc 1, 29-39
“Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau”.

CN5TNb 2

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
         
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài.
         
Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.
         
Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật V Thường niên -Năm B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm


 

 

TRÁNH NHƯNG KHÔNG TRỐN SỰ KHỔ ĐAU

(Chúa Nhật V TN B) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột

Ông Gióp than thở: “Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao?… Gia tài của tôi là những tháng vô vọng, số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề.” (G 7,1-3). Vấn nạn đau khổ là vấn nạn muôn thuở của kiếp người. Không riêng gì các trang của sách Gióp, kho tàng văn chương của nhân loại từ cổ chí kim vẫn đầy dẫy các hình thái khổ đau của con người được trình bày, mô tả và mạn bàn. Nói đến chuyện đau khổ, bàn đến chuyện đau khổ qua các trang sách hay phim ảnh thì như rất dễ thu hút lòng người. Có nhiều nguyên cớ tuy nhiên cần chân nhận lý do chung này: người ta thấy có chút đồng cảm nào đó, vì chính họ cũng khổ đau. Đồng bệnh thì tương liên, chuyện đời là vậy.
         
Bài Tin Mừng Hội thánh cho trích đọc trong Chúa Nhật V Thường niên B này tường thuật một ngày làm việc của Chúa Giêsu là chữa lành nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật về tinh thần lẫn thể xác. Sau khi chữa cho bà mẹ vợ ông Phêrô khỏi cơn sốt nặng thì “chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Chúa Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ” (Mc 1,32-34). Khó có thể chối cãi sự thật này đó là Chúa Giêsu tìm mọi cách xoa dịu khổ đau của con người. Thế nhưng tại sao khi người ta kéo nhau đến cùng Người thì Người lại đi nơi khác? Phải chăng Chúa Giêsu muốn “nhổ cỏ tận gốc”, tức là tìm cách diệt trừ căn nguyên của sự đau khổ?
         
Vì sao có đau khổ? Một câu hỏi rất khó tìm được câu trả lời cách rõ ràng và có tính thuyết phục. Anh em Phật tử thì chủ trương rằng đau khổ có căn nguyên nơi cái “dục” của con người. Vì ước muốn mà không được toại nguyện nên phải chịu đau khổ. Chính vì thế con đường thoát khỏi khổ đau được đề ra đó là “diệt dục”. Nếu nhìn cuộc đời con người với vòng đời “sinh - lão - bệnh - tử” là bể khổ thì làm sao giải thích được việc một người được sinh ra là khổ, cho dù “thoạt sinh ra thì đà khóc choé”? Người ta có thể muốn trẻ mãi không già, muốn mạnh khoẻ, không bệnh tật, muốn trường sinh bất tử, nhưng không một ai trên trần gian có thể tự mình “muốn” được hay không đựơc hoài thai trong dạ mẹ cũng như tự mình muốn được hay không được chào đời làm người.
         
Lão tử thì quan niệm đau khổ có ra là vì con người sống không hợp với Đạo, với lẽ trời, với sự vận hành của giới tự nhiên. Khi con người không làm chủ ước vọng của mình, để cho tham muốn của mình đi thái quá cũng gây ra khổ đau. Chính vì thế để diệt khổ đau không gì hơn là tiết chế tham muốn của mình một cách nào đó theo kiểu cách của thi nhân Nguyễn Công Trứ:

Tri túc, tiện túc, đãi túc hà thời túc.
Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn.
         
Và sống thuận theo lẽ trời tự nhiên như Nguyễn Bỉnh Khiêm:
         
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá.
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
         
Các triết gia, các nhà đạo đức học phân biệt đau đớn với đau khổ. Các loài vật vì không có lý trí và ý chí tự do nên chỉ có đau đớn mà không có đau khổ. Đau khổ là một phạm trù thuộc lý trí. Biết được chuyện chẳng may, chẳng lành mà không tránh được thì mới có khổ đau. Người ta thường dí dỏm rằng người điên không hề có khổ đau. Một giải thích ngắn gọn đó là vì họ không biết. Tuy nhiên, ngoại trừ một vài nguyên nhân khách quan như thiên tai, dịch bệnh… thì người ta đều chân nhận rằng chính tội lỗi con người là nguyên nhân lớn gây ra đau khổ cho đồng loại. Và Kitô giáo ủng hộ lập trường này, mặc dù vẫn quan niệm đau khổ là một huyền nhiệm.
         
Để có cái nhìn tương đối khách quan về đau khổ, thiết tưởng chúng ta cần xem xét bản chất đau khổ là gì? Đau khổ là tâm trạng khó chịu khi gặp phải sự dữ hay khi thiếu một điều thiện hảo nào đó. Rất khó và dường như không thể xem xét đau khổ như là hiện tượng độc lập, tự thân nó. Đã nói đến đau khổ là nói đến một ai đó đau khổ. Như thế sự đau khổ luôn gắn liền với nhận thức và ước muốn của con người. Con người cảm thấy đau khổ khi các hiện tượng khách quan lẫn chủ quan như cưỡng lại ý muốn của mình.
         
Đến thế gian, Chúa Kitô không giải thích cặn kẻ về khổ đau cũng như các nguyên nhân của nó. Tuy nhiên qua các hành vi, lời nói và chính cuộc sống của Người, Người dẫn chúng ta đi trên con đường kinh qua đau khổ để sống yêu thương. Dù rằng vẫn cố gắng đến quên ăn, quên ngủ để làm dịu cơn khổ đau của nhân loại, nhưng Người đã biết rõ cuộc đời con người khó có thể thoát được mọi nổi khổ đau, cả về thể lý lẫn tinh thần. Người đã tự nguyện chọn con đường đối diện với với đau khổ bằng một tình yêu vị tha bao la. Không phải diệt dục là hết khổ đau, vì chính hành vi diệt dục cũng là một cách muốn, cho dù các bậc minh triết trong Phật giáo diệt dục bằng sự “tri kiến”. Không phải cứ thuận theo lẽ tự nhiên là khổ đau biến mất vì sự vận hành của giới tự nhiên lắm khi quá nghiệt ngã. Biết dừng cái ham muốn của mình trong sự trung dung, vừa đủ thì hết khổ chăng? Cũng thật cam go vì biết thế nào là đủ, là vừa.
         
Trong niềm tin, với lời mạc khải, đặc biệt là qua con đường Chúa Kitô đã đi, chúng ta có thể quả quyết rằng chính khi hướng cái dục là lòng muốn đến tha nhân với các mục tiêu tốt đẹp kiểu “hãy thực hiện cho tha nhân những gì ta muốn tha nhân làm cho mình”, thì sẽ có cơ may vượt qua đau khổ. Thánh Âugustinô đã từng chỉ dạy: Hãy yêu đi thì bạn sẽ vơi hết khổ đau. Nếu có đau khổ thì cái đau khổ ấy cũng đã được yêu rồi”.
         
Cần phải diệt trừ tội lỗi là một nguyên nhân lớn gây ra đau khổ, đồng thời cần phải tránh các khổ đau cho bản thân cũng như cho tha nhân và tích cực xoa dịu khổ đau cho đồng loại hết khả năng có thể, vì đó là điều chính đáng và phải đạo. Tuy nhiên, nếu gặp phải sự đau khổ không như ý hay chẳng đặng đừng thì hãy can đảm đón nhận nó để sống yêu thương. Tình yêu vị tha mà kinh qua đau khổ là tình yêu thật đáng giá và đượm đầy tính vô cầu. Như thế không phải là tìm cách diệt dục hay hạn chế sự dục mà là hướng cái dục của chúng ta theo thánh ý Cha trên trời, Đấng tốt lành và nhân hậu. Là Kitô hữu, chúng ta tránh, nhưng không trốn sự đau khổ.

Chúa nhật tuần lễ thứ 5 mùa thường niên -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

CN5TNb a3


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 1, 29-39).

Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài.

Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người. Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.

 

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật V Thường Niên -Năm B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh

 
 

Suy niệm

Mỗi ngày, khi bình minh bắt đầu ló dạng, tiếng những chú chim đâu đó bắt đầu cất lên, những cánh hoa bắt đầu trở mình, tất cả đều chuẩn bị cho một ngày mới đầy ý nghĩa. Hòa mình vào dòng chảy của vũ trụ, con người cũng trở mình, thức dậy, hòa vào sự chuyển động của vũ trụ, tất cả đem lại nguồn năng lượng mới cho một ngày. Con người là một sinh vật đặc biệt, vì thế, không chỉ chuyển mình khi ngày mới bắt đầu, nhưng còn khai mở một nguồn năng lực mới cho bản thân và cho mọi người, đặc biệt còn hướng về trời cao. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 5 mùa thường niên, nhắc nhở cho con người hãy ý thức về sứ mạng cao cả của mình là làm việc, là sáng tạo và là chuyển trao nguồn năng lượng cho vũ trụ, cho con người bằng con đường lao động và mở ra, mở trái tim, mở khối óc và mở vòng tay. Tất cả như trao ban, tất cả như cho đi, để rồi kết thúc một ngày là đón nhận, là tận hưởng niềm vui và hạnh phúc của việc cho đi.

Sách Gióp trong Kinh thánh Cựu ước, kể lại câu chuyện cuộc đời của một nhân vật là Gióp, ông có một trái tim mở ra cho Thiên Chúa, có một vòng tay mở ra với mọi người, có một cuộc đời mở ra với thiên nhiên, vì thế, dù giàu có, nhưng tất cả những gì ông có như là của chung, sẵn sàng cho đi và kết thúc cuộc đời là niềm vui vỡ òa: “Bấy giờ Gióp nói rằng: “Khổ dịch là đời sống của con người trên trái đất, ngày của họ giống như ngày của người làm công. Cũng như người nô lệ khát khao bóng mát, như người làm công ước mong lãnh tiền công thế nào, thì tôi cũng có những tháng nhàn rỗi, có những đêm người ta bắt tôi làm việc cực nhọc. Nếu tôi đi ngủ, thì tôi lại nói: “Chừng nào tôi mới thức dậy, và chừng nào là đến chiều? Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối”. Ngày của tôi qua nhanh hơn chiếc thoi đưa, nó tàn lụn đi mà không mang lại tia hy vọng nào. Hãy nhớ rằng đời sống tôi chỉ là một hơi thở! Mắt tôi sẽ không nhìn thấy hạnh phúc”. Phận người là làm việc, là vất vả, nhưng tất cả không phải để hưởng thụ nhưng để thấy cuộc đời, dù vất vả nhưng rất có ý nghĩa khi biết làm việc, biết sống.

Sau khi được chọn gọi là Tông đồ cho dân ngoại, thánh Phaolô luôn ý thức ơn gọi cao quý của mình, là đem ơn cứu độ cho tha nhân. Vì thế, trong lá thư gởi con cái thành Co-rin-tho, thánh nhân bắt đầu từ cuộc đời và ơn gọi của mình, nhắc mọi người hãy cố gắng làm việc theo ơn gọi của mình, làm việc trong niềm tin và phó thác: “Anh em thân mến, nếu tôi rao giảng Tin Mừng, thì không phải để làm cho tôi vinh quang, mà vì đó là một nhu cầu đối với tôi. Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng. Giả như nếu tôi tự ý đảm nhận việc ấy, thì tôi có công; nhưng nếu tôi bị ép buộc, thì tôi phải làm trọn nghĩa vụ đã giao phó cho tôi. Vậy thì phần thưởng của tôi ở đâu? Khi rao giảng Tin Mừng, tôi đem Tin Mừng biếu không, tôi không dùng quyền mà Tin Mừng dành cho tôi”. Mang trên mình một ơn gọi lớn lao, nên cần có trách nhiệm, cần làm việc để ơn gọi đó đơm bông kết trái. Người tín hữu Kitô có cần thiết được nhắc bảo, được khuyên nhủ, để sống ơn gọi mình cách trưởng thành và có trách nhiệm. Đừng để cho những xu hướng của một xã hội thiếu tinh thần trách nhiệm, chi phối và tác động tới giá trị của ơn gọi và bổn phận hàng ngày của mình.

Dù là Con Thiên Chúa, nhưng khi đi vào gia đình nhân loại, Đức Giêsu vẫn làm việc miệt mài, vẫn tất bật với ơn gọi, với những trăn trở của một người Cha, tất cả mọi công việc đều khởi đi từ tình yêu thương. Thánh Marcô kể lại một ngày sống tiêu biểu của Ngài, đó là làm việc và làm việc, từ việc quan trọng nhất là tìm ý Cha trên trời, đến việc chữa lành những vết thương tâm hồn cũng như thể xác, tất cả chìm đắm trong công việc của bổn phận: “Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người. Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó”. Một trái tim mở, một con người mở, một vòng tay mở, tất cả như toát lên vẻ đẹp của người loan báo tin vui, mở ra để trao ban, mở ra để chia sẻ và mở ra để được sống và sống dồi dào.

Ông Gióp, một con người tiêu biểu trong Thánh Kinh, luôn chăm chỉ làm việc, không chỉ dựa vào tài lực của mình, nhưng dựa vào Thiên Chúa qua niềm tin của mình, dẫu có bị thử thách khắc nghiệt, nhưng ông vẫn im lặng trong sự quan phòng của Thiên Chúa, dù người thân có chê bai, cao ngạo với Thiên Chúa, ông vẫn im lặng, bởi ông biết Thiên Chúa là ai. Kết thúc cuộc đời, ông là người hạnh phúc nhất, được thưởng công gấp bội. Niềm tin vẫn là một động lực giúp con người sống và làm việc, tin vào nhau trong gia đình, luôn là động lực giúp xây dựng tổ ấm, tin trong cuộc đời, luôn là điểm tựa tinh thần, để vượt qua mọi thử thách, kể cả đau khổ và thất bại. Con người luôn có Thiên Chúa đi bên cạnh, nếu họ tin thì sẽ được yêu và được che chở, bên cạnh đó cần có một thái độ khiêm tốn và chân thành nữa. Thiên Chúa yêu thích những tâm hồn đơn sơ, Ngài vui thích ở giữa họ và mong được chia sẻ niềm vui và mọi thử thách với họ, hãy vững tin vào một Thiên Chúa, con người sẽ được bình an và hạnh phúc.

Một ngày làm việc của Đức Giêsu không nhàn rỗi tí nào, bận bịu vì kẻ vào người ra xin chữa bệnh, xin trừ quỷ, thế nhưng, Ngài không than vãn, không cáu gắt và cũng không chối từ một ai. Tâm tình cúi xuống của Con Thiên Chúa làm người, diễn đạt một chiều sâu của tình yêu tự hiến, luôn lo lắng, luôn quan tâm và luôn sẵn sàng hy sinh tất cả. Cuộc đời của Ngài là cho đi, là trao ban là sống cùng, sống với và sống cho con người. Một ngày bận rộn như thế, đủ cho con người thấy Thiên Chúa vẫn luôn làm việc để cứu độ con người, để giúp đỡ con người và để giải thoát con người khỏi những thế lực của thế gian, của ma quỷ. Hơn nữa, Thiên Chúa bận bịu làm việc để con người được chữa lành, được hạnh phúc. Đứng nhìn những người bệnh, những người bị ma quỷ hành hạ được chữa lành, chắc Đức Giêsu rất hạnh phúc, và ấm lòng, bởi con cái mình từ nay được bình an, được tự do, không bị dằn vặt, không bị giày xéo từ tâm hồn cho đến thể xác. Một Thiên Chúa tình yêu, luôn yêu thương, chăm lo cho con người.

Không chỉ có đôi tay mở ra vì con người, không chỉ có trái tim mở ra cho con người, Đức Giesu còn có một con người mở ra tất cả. Từ sáng sớm, Ngài đã mở khối óc để lắng nghe và tìm ý Cha yêu, từ thiên ý đó, Ngài mở trái tim và vòng tay của mình, để tình yêu trời cao tuôn chảy tới mọi người, mọi tâm hồn. Ơn cứu độ cũng từ đó, chảy mãi chảy mãi tới tận cùng trái đất. Một Thiên Chúa mở ra cho con người qua cuộc sống, kể cả trong lời cầu nguyện, Đức Giêsu muốn giới thiệu một hình mẫu người môn đệ của tin mừng, đó là biết mở ra, biết trao ban và biết cho đi, đừng sống ích kỷ, hẹp hòi, hay ganh tị, đừng sống trong sự tính toán hơn thiệt của thế gian, hãy là người tìm ý Cha trên trời và sống chan hòa với anh chị em, đó là những phút giây hạnh phúc trong đời. Hạnh phúc của Con Thiên Chúa làm người là được cho đi, được trao ban, Ngài mong được họa lại hình ảnh đó trong cuộc đời người tín hữu Kitô, ai sẽ là người cho Thiên Chúa mượn cuộc đời, để họa lại bức tranh đó???

Lạy Chúa, để niềm vui Nước Trời được lan tỏa và ơn cứu độ được tuôn chảy đến với mọi tâm hồn, cần có một cuộc sống mở ra, xin giúp chúng con biết học nơi Thầy Chí Thánh, sống với trái tim mở, với khối óc mở và với đôi bàn tay mở, để trao ban, để cho đi và để đồng hành. Chúa đã mở ra tất cả cho con người khi bị treo trên thập giá, xin cho chúng con biết học nơi Chúa bài học cho đi, để ngày sau chúng con nhận được vòng nguyệt quế của người chiến thắng từ tay Thiên Chúa Cha, để chúng con được dẫn vào nơi dành cho người đầy tớ khôn ngoan và trung tín trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Amen.

NGÀY SỐNG CỦA CHÚA GIÊSU
Chúa Nhật 5 Thường Niên năm B: Mc 1, 29-39 - Lm. Thái Nguyên

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu: khởi đầu là cầu nguyện, tiếp đến là rao giảng và chữa lành bệnh tật thể xác cũng như tâm hồn. Ngày sống của Chúa Giêsu như khuôn mẫu để cho chúng ta nhìn lại nhịp sống thường ngày của chính mình.

Quan trọng hơn hết là cầu nguyện. “Từ sáng sớm… Ngài đi ra một nơi thanh vắng và cầu nguyện”. Cầu nguyện là nhu cầu thật sự của Chúa Giêsu. Ngài là con người của mọi người, nhưng trước hết Ngài là người Con của Thiên Chúa. Ngài cần có không gian và thời gian yên tịnh để sống riêng tư một mình. Ngài cần sống bên Cha để tỏ bày về gánh nặng công việc, về những đau khổ của loài người, về cuộc chiến chống Satan. Người cần Cha cảm thông và nâng đỡ, cần ánh sáng và nghị lực để làm tròn sứ mạng. Ngài cầu nguyện vì khao khát được kết hiệp mật thiết với Cha. Để rồi từ Cha, Ngài đi ra với mọi người, và từ mọi người, Ngài lại trở về bên Cha, như một vận hành liên tục để kín múc và chuyển thông sự sống mới cho con người.

Cầu nguyện cần thiết đối với Chúa Giêsu như thế, huống chi đối với chúng ta, những con người luôn yếu đuối mỏng giòn. Những ai thiếu đời sống cầu nguyện dù là linh mục hay tu sĩ thì cũng không thể tin được, bởi vì họ không có sức sống linh thiêng của Chúa, nên mọi tiếp xúc và rao giảng cũng chỉ là phàm tục.Bí quyết nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu là cầu nguyện. Không cầu nguyện, dù có làm phép lạ, con cũng đừng tin.” (ĐHV 122). Mọi hoạt động của chúng ta phải bắt nguồn từ cầu nguyện:“Hoạt động mà không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa.” (ĐHV 118). Chúng ta hãy noi gương Đức Giêsu, dành thời giờ để chìm sâu trong Chúa mỗi ngày, nhất là mỗi sáng khi ngày lên và mỗi tối khi đêm về. Đây là điều không thể ép uổng hay cố ráng, nhưng phát xuất tự con tim yêu mến, với lòng khao khát sống thuộc về Chúa hoàn toàn, và nhờ đó có thể trao ban Chúa cho người khác.

Việc quan trọng thứ hai là rao giảng Tin mừng. Đây chính là trọng tâm của sứ mạng mà Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến trần gian. Ngài không chỉ rao giảng Tin Mừng mà còn là Tin Mừng. Những ai đón nhận Ngài, thì Ngài cho họ làm con Thiên Chúa (x. Rm 8, 13). Là Kitô hữu, chúng ta cũng đã được sai đi để loan báo Tin Mừng: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20, 21). Thần học gia Maurice Zundel quả quyết rằng: “Đức Kitô còn dở dang và chưa thành toàn bao lâu toàn thể nhân loại chưa tháp nhập vào Ngài”. Mỗi người phải là một tin mừng cho những người chung quanh. Thánh Phaolô nhắc nhớ cho ta: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Ta có cảm thấy nhức nhối với lời nhắc nhở này không?

Việc thứ ba là chữa lành. “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người”. Lời rao giảng của Đức Giêsu còn được thể hiện bằng hành vi yêu thương và chữa lành mọi bệnh tật. Tin Mừng Ngài rao giảng có sức giải phóng con người khỏi sự trói buộc của sự dữ và ma quỉ. Chúa Giêsu đụng chạm đến biển khổ của nhân loại, nhưng Ngài không mong múc cạn, chỉ mong làm vơi đi, cùng chia sẻ và ban cho nó một ý nghĩa, để hướng mọi người đến ơn cứu độ toàn diện mà Ngài sẽ thực hiện trong biến cố tử nạn và phục sinh. Là môn đệ, chúng ta cũng phải trở nên hình ảnh sống động của Đức Giêsu trong việc xoa dịu những nỗi đau khổ của bao người xung quanh mình, làm những gì có thể làm cho họ. Có khi ta cảm thấy bất lực, không biết phải nói gì hay phải làm gì. Những lúc như vậy, chỉ cần chúng ta biết thinh lặng, lắng nghe và đồng cảm với nỗi đau của họ, cũng đã là một sự an ủi và mãn nguyện cho họ rồi.

Điều thứ tư cho thấy Chúa Giêsu - con người của tự do: “Chúng ta hãy đi nơi khác… để Thầy còn rao giảng ở đó nữa”. Ngài luôn đi qua, luôn ra khỏi những tình cảm, những thành công, những mến chuộng và tán tụng của người đời (x. Ga 6, 14-15). Ngài luôn vượt trên những thành kiến, những phân biệt, những nghi kỵ, những kỳ thị, những tập tục, những lề thói, và ngay cả những luật lệ tôn giáo và truyền thống dân tộc. Ngài không dừng lại ở một địa điểm hay thành trì nào, không bám trụ ở một vị trí hay vai trò nào, không bám lấy chức tước hay địa vị nào. Ngài buông lơi tất cả, đi qua tất cả, ra khỏi tất cả, vì Điểm Hẹn cuối cùng của Ngài là trên “đồi vinh quang” của tự do, để mang đến tự do cho con người. Theo Chúa Giêsu, chúng ta cũng là những con người của tự do: tự do để yêu thương, để phục vụ và hiến thân mình, làm cho ơn cứu độ của Thiên Chúa được lan rộng đến mọi người.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Cuộc sống con vẫn ồn ào náo động,
vẫn luôn bị mê hoặc bởi cái “tôi”,
với cảm xúc sục sôi nhiều ham muốn.


Con cần trở về trong thinh lặng,
để sống với Chúa trong yên bình,
để thấy rõ mình trong yên tĩnh.


Thiếu thinh lặng để gặp Chúa,
tâm con sẽ bồn chồn manh động,
và bung xung theo những thói thị phi.


Thiếu yên lặng để nghe Chúa,
con sẽ bị cuốn theo phù du thế tục,
cũng ham mê những điều phàm tục.


Thiếu trầm lặng để sống thuộc về Chúa,
con sẽ sống như bao người đang sống,
dễ vong thân xa lạc với chính mình.


Thiếu tĩnh lặng để kín múc thần lực,
con sẽ như muối không còn mặn,
như men không còn nồng,
như hạt giống vẫn trơ trơ.


Thiếu bình lặng để quy hướng về Chúa,
con sẽ luôn hối hả và đon đả,
lo chạy tìm những thứ trong thiên hạ,
cứ ngỡ là vinh hoa, ai ngờ bả phù hoa.


Xin cho con quí chuộng sự thinh lặng,
luôn đều đặn mỗi ngày kề bên Chúa,
để từ đó con đến với mọi người,
đem lại sức sống mới thật thắm tươi,
đó là chính sự sống của Tin Mừng,
mà đời con đang trở thành nhân chứng,
để Chúa được tuyên xưng khắp mọi nơi. Amen.


 

 
 

CHỈ ĐỨNG VỮNG KHI DỰA VÀO ƠN CHÚA
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB.

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần V Thường Niên, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta thức rằng: Chúng ta là con cái trong nhà, chỉ đứng vững khi dựa vào ơn Chúa, vì thế, chúng ta hãy nài xin Chúa hằng che chở chúng ta.

Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô cực lực phản đối những người cậy dựa vào Lề Luật để rao giảng một tin mừng khác với Tin Mừng mà ngài nhận được từ nơi Đức Giêsu: Nếu tôi còn muốn làm đẹp lòng người đời, thì tôi không phải là tôi tớ của Đức Kitô. Tin Mừng tôi loan báo không phải là do loài người. Vì không có ai trong loài người đã truyền lại hay dạy cho tôi Tin Mừng ấy, nhưng là chính Đức Giêsu Kitô đã mặc khải.

Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, cùng quan điểm với thánh Phaolô: chúng ta được cứu độ là nhờ ân sủng, chứ không phải nhờ Lề Luật, thánh Autinh đã nói: Thánh Phaolô tông đồ viết thư cho tín hữu Galát, là để giúp họ hiểu biết rằng ân sủng làm cho họ không còn phải lệ thuộc vào Luật Môsê nữa. Thật vậy, Trước khi đức tin đến, chúng ta bị Lề Luật giam giữ, nhưng, khi đức tin đến, thì chúng ta không còn ở dưới quyền giám hộ nữa.

Trong bài đọc một của Thánh Lễ, ông Gióp đã cho thấy: một cuộc đời không có Chúa, không biết tựa nương vào Chúa là một cuộc đời buồn thảm, bi thương: Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa, và chấm dứt, không một tia hy vọng. Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ.

Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 146, vịnh gia đã kêu gọi hãy cậy trông vào Chúa, bởi vì, chỉ có Người mới có thể chữa lành chúng ta: Hãy ca ngợi Chúa đi! Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ; những vết thương, băng bó cho lành. Người ấn định con số các vì sao, và đặt tên cho từng ngôi một.

Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô đã thốt lên: Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng. Thử hỏi có tình yêu nào: mà người được yêu, lại không cảm thấy: có nhu cầu, cần phải nói cho người khác biết về người mình yêu? Thánh nhân đã tự nguyện: Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được nhiều người.

Trong bài đọc một, ông Gióp đã cho thấy: đời sống con người vô cùng tẻ nhạt: Vừa nằm xuống, tôi đã nhủ thầm:“Khi nào trời sáng?”Mới thức dậy, tôi liền tự hỏi:“Bao giờ chiều buông?”Mãi tới lúc hoàng hôn, tôi chìm trong mê sảng. Bài Tin Mừng thì lại cho thấy con người mắc đủ thứ bệnh tật khổ đau. Tuy nhiên, lời Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay đem lại cho chúng ta một niềm hy vọng tươi sáng: Đức Kitô đã mang lấy các tật nguyền của ta, và gánh lấy các bệnh hoạn của ta, thánh Máccô đã tường thuật trong bài Tin Mừng: Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật.

Cuộc sống là thế đấy: đầy những thất vọng khổ đau. Chỉ có một mình Chúa mới làm thỏa mãn những khát vọng của chúng ta. Cậy dựa vào Chúa, chúng ta sẽ được bình an hạnh phúc; cậy dựa vào thế gian, chúng ta sẽ được thỏa mãn nhất thời, nhưng rồi, lại phải chuốc lấy những thất vọng khổ đau. Giữa những phong ba bão táp của cuộc đời, chúng ta hãy đặt niềm trông cậy vững vàng vào Chúa, Người sẽ không làm cho chúng ta thất vọng bao giờ, cho dẫu, ngay giây phút hiện tại, có thể chúng ta bị thiệt thòi, mất mát. Ước gì chúng ta luôn nhớ rằng: chúng ta là con cái của Chúa, chúng ta chỉ đứng vững khi dựa vào ơn Chúa, Chúa sẽ mang lại cho chúng ta những gì hơn cả chúng ta trông đợi, bởi vì, Người luôn yêu thương chăm sóc chúng ta, như lời Ca Hiệp Lễ mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay: Họng ráo khô, Chúa cho uống phỉ tình; bụng đói lả, N

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...