Chúa Nhật VIII Thường Niên - Năm C
Chúa Nhật VIII Thường Niên - Năm C
Lc 6, 39-45
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄChúa Nhật VIII Thường Niên - Năm C
Dẫn vào Thánh Lễ
Anh chị em thân mến! Biết mình là chuyện không dễ. Người Hy Lạp có một câu danh ngôn: “Hãy biết mình.” Chẳng ai gần gũi mình bằng chính bản thân mình. Vậy mà tôi vẫn là một bí ẩn đối với tôi. Người ta thích làm những bản trắc nghiệm để biết về chỉ số thông minh, về tâm lý, tính tình … nhưng để biết mình, cần trắc nghiệm bằng cả cuộc đời.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói về chuyện biết mình. Tôi thường chỉ thấy cái rác nhỏ trong mắt anh em hơn là thấy cái xà nơi mắt mình, tôi khó chấp nhận những thiếu sót nơi mình. Lời nói của tôi có phản ánh xác thực những tâm tình bên trong không? chúng bày tỏ về tôi điều gì? một trái tim nhân hậu, thân tình và công bình chăng?
Chúng ta đã xét đoán người khác, thấy lỗi của anh em, còn bản thân thì không chấp nhận lời góp ý sửa đổi. . Xin Chúa giúp mỗi chúng ta can đảm dám nhìn nhận con người thực của mình, nhờ đó mới có thể sửa đổi nên hoàn thiện hơn.
Ca nhập lễ
Chúa đã cứu trợ tôi, đã đưa tôi đến chỗ thênh thang rộng rãi, và đã cứu sống tôi, bởi vì Người thương tôi.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, xin an bài cho mọi việc ở trần gian luôn diễn tiến trong hoà bình trật tự, để tất cả chúng con được nhờ, và Hội Thánh được an vui thờ phượng Chúa. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Hc 27, 5-8
“Ðừng ca tụng người nào trước khi nghe người ấy nói”.
Trích sách Huấn Ca.
Khi người ta sàng, những rác rến còn lại thế nào, thì nết xấu của một người cũng xuất hiện trong lời nói kẻ ấy như vậy. Lò lửa thì nung luyện bình sành, còn gian nan thì thử những người công chính. Xem trái liền biết cây thế nào, thì nghe lời nói cũng biết tư tưởng lòng người như thể ấy. Ðừng ca tụng người nào trước khi nghe người ấy nói, vì lời nói là sự thử thách của con người.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 91, 2-3. 13-14. 15-16
Ðáp: Lạy Chúa, thiện hảo thay việc khen ngợi Chúa! (x. c. 2a).
Xướng: Thiện hảo thay việc khen ngợi Chúa, và đàn ca danh Ngài, ôi Ðấng Tối Cao, hầu loan truyền tình thương Ngài vào buổi sớm, và lòng trung tín Ngài vào lúc ban đêm.
Xướng: Người hiền đức như cây chà là nở hoa tươi tốt, vươn mình lên như cây hương bá đất Liban. Họ được vun trồng trong nhà Chúa, trong hành lang nhà Thiên Chúa chúng tôi họ nở bông.
Xướng: Ngay trong tuổi già họ còn sinh trái, họ đầy nhựa sống và họ sống xanh tươi, để họ loan truyền Chúa nhường bao công chính, Chúa là Ðá Tảng của tôi, nơi Chúa chẳng có gian tà!
Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 54-58
“Người đã ban cho chúng ta sự chiến thắng nhờ Ðức Giêsu Kitô”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, khi xác hay chết này mặc lấy sự trường sinh, thì lúc ấy ứng nghiệm lời đã ghi chép rằng: “Sự chết đã tiêu tan trong chiến thắng”. “Hỡi tử thần, chiến thắng của ngươi ở đâu? Hỡi tử thần, nọc độc của ngươi ở đâu? Nọc độc của sự chết là tội, thế lực của tội là lề luật”. Cảm tạ ơn Thiên Chúa, Ðấng đã ban cho chúng ta chiến thắng nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Cho nên, hỡi anh em thân mến, anh em hãy ăn ở bền đỗ và đừng nao núng; hãy luôn luôn thăng tiến trong công trình của Chúa. Hãy biết rằng công lao khó nhọc của anh em không phải là uổng phí trong Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 6, 39-45
“Miệng nói những điều đầy ứ trong lòng”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? Môn đệ không trọng hơn Thầy: nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi.
“Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh’, trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi? Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi.
“Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu; và ngược lại, cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái được trái vả ở bụi gai, và cũng không hái được trái nho nơi cây dâu đất. Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện; và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu mời gọi hết thảy mọi người Kitô hữu hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời. Với ước muốn sống trọn lành, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:
1. “Lời nói là sự thử thách của con người” – Xin cho các vị lãnh đạo dân Chúa được sự bình thản trước những lời vu khống, những phê bình chỉ trích, để gương sáng của các ngài sẽ đánh động họ hồi tâm.
2. “Anh em hãy ăn ở bền đỗ và không nao núng” – Xin cho các Kitô hữu biết cảm thông và tôn trọng nhau, để danh Chúa được tỏa sáng nơi những hành vi của họ.
3. “Cứ xem trái thì biết cây”,- Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta, biết trung thành xét mình mỗi ngày, hầu nhận ra lỗi lầm thiếu sót để khắc phục sửa chữa, đồng thời nhận ra những ưu điểm để phát huy.
4. “Hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ sẽ trông thấy rõ, để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi”.- Xin cho chúng ta nhìn những người con của Chúa như chính Chúa nhìn họ, vượt lên trên những dáng vẻ bề ngoài, và như thế, chỉ nhìn thấy những điều tốt lành nơi mỗi anh chị em.
Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con phải luôn sống lương thiện, ngay thẳng, nhất là bác ái với mọi người. Xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng con có thể sống như Chúa dạy. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, Chúa đã ban cho chúng con của lễ này để dâng lên Chúa, thế mà Chúa lại thương coi đó là biểu hiện lòng thành của chúng con; xin cho của lễ Chúa ban tặng mang lại cho chúng con phần thưởng là hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Tôi sẽ hát mừng Chúa, vì Chúa ban ân huệ cho tôi,và tôi sẽ ca khen thánh danh Chúa là Đấng Tối Cao.
Hoặc đọc:
Chúa phán: “Này đây Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa rất nhân hậu từ bi, Chúa đã cho chúng con dự tiệc Thánh Thể, ước chi tiệc Thánh Thể này sau khi đã nuôi dưỡng chúng con trên đường dương thế, cũng đưa chúng con về quê trời hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
Cọng rơm và cái xà
Sống trên đời, chúng ta giống như một người đeo hai cái giỏ. Cái giỏ phía trước mặt thì đựng những sai lỗi của người khác, còn cái giỏ phía sau lưng thì chất đầy những sai lỗi của bản thân.
Vì thế, chúng ta thường nhìn thấy rất rõ những sau lỗi của người khác để rồi lên tiếng phê bình một cách gay gắt và chỉ trích một cách thậm tệ.
Trong khi đó, những sao lỗi của bản thân thì lại chẳng nhìn thấy. Và nếu có nhìn thấy chăng nữa, thì cũng sẽ đưa ra một ngàn lẻ một lý do để bênh vực và bào chữa:
– Vì thế này, bởi thế kia, tại thế nọ… nên mới ra nông nỗi. Còn nếu cứ như thế này, cứ như thế kia, cứ như thế nọ… thì đâu đến nỗi.
Chúng ta nên nhớ một câu danh ngôn của người Pháp:
– Avec les “si”, on peut mettre Paris dans une bouteille. Có nghĩa là với những chữ “nếu”, người ta có thể bỏ cả thành phố Paris vào trong một cái chai.
Sở dĩ như thế nhiều khi chỉ vì cái dã tâm, cái ác ý của chúng ta mà thôi. Thực vậy, rất nhiều lần chúng ta đã muốn vùi dập người khác xuống tận bùn đen, còn bản thân chúng ta thì lại muốn được ca tụng, được vượt trổi lên đến tận mây xanh.
Sự ghen ghét làm mờ cả đôi mắt chúng ta , như tục ngữ đã diễn tả:
– Việc người thì sáng, còn việc mình thì quáng.
– Chân mình những phẩm lê nhê,
Lại cầm bó đuốc mà rê chân người.
Đáng lẽ ra chúng ta phải cư xử nghiêm khác với bản thân mình mà rộng rãi với người khác, thì chúng ta lại hành động trái ngược lại, cư xử nghiêm khắc với người khác mà rộng rãi với chính bản thân mình.
Đáng lẽ ra chúng ta phải lấy cái xà ra khỏi mắt chúng ta trước đã, rồi mới thấy mà lấy cái rơm, cái rác ra khỏi mắt anh em mình, thì trái lại, chúng ta chỉ thấy được cái rơm, cái rác trong mắt anh em, mà quên đi cái xà còn đang nằm ở trong mắt mình.
Hơn thế nữa, người xưa đã nói:
– Nhân vô thập toàn, có nghĩa là chẳng ai là người hoàn toàn, trái lại ai cùng có những khuyết điểm của mình.
Hay như Thánh vĩnh cũng đã bảo:
– Người công chính mỗi ngày còn sai lỗi tới bảy lần, huống nữa là chúng ta.
Thân phận con người thật là mỏng dòn và dễ vỡ như một chiếc bình sành, chúng ta có thể vấp ngã bất kỳ lúc nào và bất kỳ ở đâu. Sở dĩ chúng ta còn đứng vững và trung thành cho tới ngày hôm nay, tất cả đều do sự trợ giúp và nâng đỡ của tình thương và ơn sủng Chúa.
Vì thế, điều quan trọng đó là phải biết nhìn nhận những sai lỗi khuyết điểm của mình, để rồi cố gắng uốn nắn, nỗ lực sửa đổi, nhờ đó thăng tiến bản thân, đổi mới cuộc đời.
Đức Hồng y Verdier đã phát biểu như sau:
– Kể từ khi làm Tổng Giám mục Paris, tôi đã bị thiệt mất ba điều quí giá, một là không còn được đi lại tự do, vì công việc quá nhiều. Hai là không có bạn bè, vì ai cũng sợ làm mất thời giờ của tôi. Ba là không được nghe biết sự thật, vì kính nể nên ai cũng khen ngợi và tâng bốc tôi.
Vì thế, để biết rõ mình hơn, chúng ta cần phải khiêm nhường để hồi tâm xét mình, kiểm điểm lại cuộc sống xem trong mối liên hệ đối với Thiên Chúa, đối với tha nhân và đối với bản thân có gì là trục trặc, có gì là bất ổn.
Việc xét mình và kiểm điểm như thế giống như việc chúng ta soi mình vào trong gương, xem trên khuôn mặt chúng ta có nhọ nhem và mang vết bẩn hay không, nếu có thì chúng ta phải vội vã cọ rửa và lau chùi ngay.
Người xưa đã từng khuyên nhủ:
– Tri bỉ, tri kỷ, bách chiến bách thắng. Có nghĩa là biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng.
Muốn biết mình, không gì hơn là phải xét mình, phải kiểm điểm bản thân và cuộc sống chúng ta.
Ngày xưa, thánh Augustinô vốn thường có thói quen cầu nguyện vời những lời lẽ như thế này:
– Domine, noverim te et noverim me. Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con. Biết Chúa để nhờ đó con sẽ yêu mến Chúa nhiều hơn. Biết con để nhờ đó sẽ uốn nắn sửa đổi nhưng sai lỗi khuyết điểm, hầu luôn sống đẹp lòng Chúa.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, nhân vô thập toàn, đã là người thì ai cũng có những sai lỗi và khuyết điểm của mình. Đứng trước những khuyết điểm của người khác, xin Chúa cho chúng con biết cảm thông và tha thứ, như Chúa đã từng cảm thông và tha thứ cho chúng con cũng như cho những kẻ tội lỗi trong Phúc âm. Còn đứng trước những sai lỗi của bản thân, xin Chúa giúp chúng con biết nhận lỗi, xin lỗi và nhất là sửa lỗi, để nhờ đó chúng con thăng tiến bản thân, đổi mới cuộc đời và luôn làm đẹp lòng Chúa.
CHÚA NHẬT TUẦN 8 THƯỜNG NIÊN –2001
(Lc. 6: 39-45) Lm Lã Mộng Thường
Chúa nhật thứ 8 mùa thường niên C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 6, 39-45)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? Môn đệ không trọng hơn Thầy: nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi.
“Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh’, trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi? Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi.
“Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu; và ngược lại, cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái được trái vả ở bụi gai, và cũng không hái được trái nho nơi cây dâu đất. Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện; và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra”.
Suy niệm
Sinh ra là một con người, ai cũng bị chi phối bởi những giới hạn của một tạo vật đến từ hạt bụi. Dù chỉ là một hạt bụi hóa kiếp là thế, nhưng con người được Thiên Chúa trao tặng cho một khối óc đầy kỳ diệu và bí ẩn. Từ nơi khối óc này, lý trí và ý chí của con người hoạt động không ngừng, đưa con người đạt tới những thành công trong cuộc sống với nhiều lãnh vực khác nhau. Những thành công đó giúp con người phát huy tính xã hội của bản thân, cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày một tốt đẹp và hạnh phúc, đồng thời, những thành công đó cũng có những mặt trái nhất định, tạo ra những hiềm khích, ganh tị và chia rẽ giữa con người với con người, hơn nữa còn gây ra biết bao đau khổ cho Thiên Chúa, khi tính toán hơn thiệt với Ngài, tất cả đều do sự ganh tị và ích kỷ. Tuần lễ thứ 8 mùa thường niên trở về, người tín hữu được mời thẩm định lại những giá trị tinh thần mà bấy lâu, vô tình đã để quên chúng, hay vô tình coi nhẹ sự có mặt của nó trong mọi sinh hoạt của con người, đó là sự khiêm tốn cần và đủ.
Trở lại với những lời khôn ngoan của sách Huấn Ca, tác giả đã gợi lên những kinh nghiệm sống của bao thế hệ, họ đã gặp nhiều thất bại, đau khổ trong tương quan con người, và những kinh nghiệm đó nay được gợi nhắc để một lần nữa, con người không rơi vào vết xe đổ của quá khứ: “Khi người ta sàng, những rác rến còn lại thế nào, thì nết xấu của một người cũng xuất hiện trong lời nói kẻ ấy như vậy. Lò lửa thì nung luyện bình sành, còn gian nan thì thử những người công chính”. So sánh người này với kẻ kia, ganh tị người này với người nọ, là những chủ đề luôn được quan tâm và như câu chuyện làm quà trong cuộc sống. Tốt xấu nơi một con người đâu thể đánh giá qua lời nói, khuôn mặt hay diện mạo bên ngoài, chỉ vì không thích, chỉ vì không trân trọng, hơn nữa, còn đội lên đầu nhau cái mũ hiềm khích và thiếu thiện cảm, để rồi cuộc đời của họ không còn tích cực và hy vọng nữa: “Ðừng ca tụng người nào trước khi nghe người ấy nói, vì lời nói là sự thử thách của con người”.
Đọc lại những lời nhắn nhủ của thánh Phaolô trong các lá thư gởi cộng đoàn giáo hội tại Cô-rin-tô, ẩn hiện đâu đó là những mầm mống gây chia rẽ giữa cộng đoàn giáo hội, dù hiện diện giữa cộng đoàn hay không, thánh nhân luôn theo dõi để sửa dạy và giúp họ ý thức rằng, họ là con cái của Thiên Chúa, là anh chị em với nhau trong cùng một gia đình: “Hỡi anh em thân mến, anh em hãy ăn ở bền đỗ và đừng nao núng; hãy luôn luôn thăng tiến trong công trình của Chúa. Hãy biết rằng công lao khó nhọc của anh em không phải là uổng phí trong Chúa”. Làm việc để sinh sống hay để xây dựng cộng đoàn theo tinh thần của Tin Mừng, theo ánh sáng của Lời Chúa, sẽ đem lại cho bao điều tốt đẹp và hạnh phúc, dù biết thế nhưng con người vẫn bị chi phối do những xu hướng của xã hội, những quan niệm của thế gian, do đó, vô tình họ đã đang đi xa dần quỹ đạo tình yêu của Thiên Chúa giữa lòng Giáo hội.
Khi bước vào ngôi nhà của nhân loại, Đức Giêsu luôn ước mong con người mỗi ngày một hoàn thiện ơn gọi làm người, ơn gọi làm con Thiên Chúa, vì thế, Ngài không chỉ dạy dỗ con người về ơn cứu độ, về chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, nhưng Ngài còn hướng dẫn họ những bài học nhân bản, những yếu tố cần thiết để xây dựng tình người. Bài Tin mừng Chúa nhật thứ 8 này là một điển hình, để có được chiều sâu thiêng liêng của tình người, cần có sự khiêm tốn đến từ tình yêu: “Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh’, trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi? Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi”. Xét xử tha nhân là điều mỗi người không nên để xảy ra trong tương quan tình người hàng ngày. Chỉ vì chưa yêu thương tha nhân đủ, chưa thực hiện giới răn thứ hai của Thiên Chúa đủ, nên con người thiếu đi sự khiêm tốn, thiếu tình yêu thương, nên xét đoán, nghi ngờ và coi thường anh chị em của mình.
Sống khiêm tốn là sống theo sự thật, đó là một định nghĩa về sự khiêm tốn của các nhà đạo đức học. nếu bạn và tôi sống đúng sự thật của chính mình, hay nói cách khác là ý thức về con người bất toàn của bản thân, chắc chắn sẽ hạn chế rất nhiều những lời xét đoán, những lời chê bai, khích bác tha nhân, có thể đó là những người thân thương, có thể đó là bạn bè, có thể đó là những người cộng tác của mình. Chấp nhận sự thật của chính mình là một điều không đơn giản, bởi ai cũng cho mình là hoàn hảo khi được lớn lên, được sống trong vỏ bọc của truyền thống, của cộng đoàn xứ đạo, hơn nữa, còn được sống trong chiếc áo giáp của vật chất và tiền của. Chính khi họ lầm tưởng những yếu tố đó giúp họ hoàn hảo là lúc bản chất thật nơi con người của họ là trần trụi, là yếu đuối vô cùng bị phơi bày. Dù biết là thế, nhưng mấy ai dám cởi bỏ chiếc áo thế gian đó ra để sống thực với chính mình, sống thực với anh chị em trong gia đình của Thiên Chúa.
Khi bước vào đời sống công khai, Đức Giêsu đã khẳng định lại một lần nữa, những giới răn nào là quan trọng nhất đối với con người, dù những giới răn đó đã được Thiên Chúa đề nghị từ thời Cựu ước rồi, thế nhưng, dân chúng vẫn hoài nghi về ý nghĩa cùng với tinh thần thực hành những giới răn đó. Chính vì hoài nghi và lơ là trong việc thực hành các giới răn đó, nên việc xét đoán tha nhân, khinh bỉ anh em mình luôn tồn tại trong các cộng đoàn. Câu chuyện xét đoán tha nhân, khinh bỉ anh em chưa dừng lại, nhưng kéo dài tới tận hôm nay. Sống trong thời đại Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý, nhưng con người vẫn coi mình là cái rốn của vũ trụ, là tâm điểm của nhân loại, vì thế, tình người giữa cộng đoàn chưa thực sự được tôn trọng, tình yêu thương tin mừng chưa thực sự được quan tâm. Dẫu biết rằng xu hướng cuộc sống luôn thay đổi, luôn lôi kéo con người đứng về phía vật chất và hưởng thụ, nhưng giá trị của tình người vẫn mãi là một yếu tố rất linh thiêng, cần phải tôn trọng và chăm chút từng ngày.
“Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu; và ngược lại, cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt”. Lời dạy của Đức Giêsu ngày nào đó vẫn còn rất mới cho hôm nay, nếu bạn là con cái Thiên Chúa, hãy sinh sôi nảy nở những hoa thơm trái ngọt của tình Trời, của Tin Mừng, của tình yêu đích thực, và ngược lại, nếu bạn là con cái ma quỷ, tất nhiên sẽ sinh ra những quả đắng, những quả mang hương vị của chia rẽ, hương vị của ghen ghét và hương vị của xét đoán. Thiên Chúa mong muốn con người hãy dùng chính cuộc đời của mình để làm nảy sinh những hoa trái của Thần Khí chứ không dùng đời sống của người tín hữu để làm nảy sinh những hoa trái đắng chát cho mọi người. Mong muốn của Thiên Chúa sẽ toại nguyện nếu con người quảng đại sửa đổi chính mình, cộng tác với ơn thánh, sẽ có một gia đình ấm áp tình huynh đệ cộng đoàn. Đó là điều Thiên Chúa đang đợi chờ nơi con người.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đi bước trước khi tha thứ cho những người phản bội và bán đứng Thầy mình cho kẻ thù, dù tha thứ nhưng Chúa không đòi điều kiện, không xét đoán và cũng không oán thù, bởi Chúa là tình yêu, xin cho chúng con luôn biết mình là người có Chúa Kitô trong mình, cần phải thay đổi cách suy nghĩ về tha nhân, cần phải thay đổi hình ảnh con người bất toàn nơi tha nhân, để tha thứ, để đón nhận và để yêu thương. Chúa đã kéo tất cả mọi lầm lỗi của con người lên trên thập giá, đóng vào đó tất cả, xin cho chúng con biết lấy tất cả mọi tật xấu của mình, đóng đinh vào thập giá của Chúa, để chúng con trở nên con người mới, con người của lời chứng tình yêu, con người của lời chứng tha thứ và con người của lời chứng Tin mừng. Amen.
CÁI ĐÀ VÀ CÁI RÁC
(CN VIII TN C) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
“Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? (Lc 6,39). Một lời khẳng định dưới dạng nghi vấn thì như bắt buộc người nghe phải nhìn nhận. Quả thật chân lý Chúa Giêsu nói là hiển nhiên. Một sự thật tự nó rõ ràng thì không cần phải nhấn mạnh. Điều Chúa Giêsu muốn thực sự nói đó là có nhiều người đang mù mà cứ tưởng mình sáng và đáng quan ngại hơn đó là nhiều người bị “quáng gà” qua hình ảnh “cái đà ở trong mắt” mà cứ tưởng mình trông thấy rõ ràng và rồi bình thản, vô tư đi hướng dẫn kẻ khác. Việc hướng dẫn tha nhân xét về mặt tiêu cực đó là sửa sai, cảnh báo tha nhân về những mê lầm, sai lạc hay tội ác của họ và về mặt tích cực thì đó là khích lệ, động viên, hướng dẫn tha nhân sống quảng đại với chí cống hiến qua các bậc sống hay qua những sứ vụ cao cả để phụng sự Thiên Chúa, phục vụ đồng loại…
Sửa dạy kẻ mê muội, răn bảo kẻ có tội là điều tất yếu phải thực thi nếu chúng ta muốn sống đức yêu thương mà Giáo Hội đã minh định rõ chúng trong các mối thương người (thương linh hồn bảy mối). Có thể luận lý rằng điều quan trọng là nội dung lời sửa dạy, răn bảo chứ không nhất thiết cần phải hoàn hảo rồi mới được quyền sửa bảo tha nhân. Điều này quả là không sai nhưng nếu bản thân chúng ta không tự sửa mình trước thì rất có thể việc sửa bảo của chúng ta sẽ dễ bị lệch chuẩn. Cái đà đang còn ở trong mắt mình thì làm sao chúng ta có thể thấy rõ cái rác trong mắt anh em. Hơn nữa khi bản thân không tích cực sửa sai mình thì việc mình sửa bảo tha nhân có thể nghiêng chiều mục đích phê phán, xét đoán hơn là xây dựng, và cũng có thể nhằm mục đích che đậy tội của mình khi cố tình moi móc lầm lỗi của tha nhân. Đây là trường hợp của một số biệt phái và luật sĩ thời Chúa Giêsu đã bị Người thẳng thừng gọi là “đồ giả hình”. Một vấn đề đặt ra là ai dám tự hào mình hoàn hảo để có thể sửa bảo tha nhân? Chắc chắn trong phận thụ tạo, ngoài Mẹ Maria ra thì chẳng một ai là hoàn hảo, chính vì thế điều kiện thực tiễn xem ra có thể chấp nhận đó là bản thân chúng ta biết nỗ lực sửa đổi, canh tân. Và khi một người đã quyết chí canh tân, thay đổi một cách nào đó thì họ được quyền sửa dạy tha nhân.
Giúp tha nhân hướng thượng trong sự quảng đại và chí cống hiến là một điều tốt đáng làm và đáng trân trọng. Tuy nhiên ở lãnh vực này thì đòi hỏi người hướng dẫn cần sáng suốt và ngay chính hơn nhiều. Sai lầm của những người trong vai trò lãnh đạo thì gây họa và di hại cho tha nhân cho xã hội nhiều điều xấu xa và tệ hại cách lâu dài và hậu quả thật khó khắc phục cũng như khó sửa chữa ngày một ngày hai. Vì lý do này mà chúng ta thấy Chúa Giêsu dường như kịch liệt lên án nhiều nhà lãnh đạo Do Thái thời bấy giờ với những lời lẽ gay gắt “khốn cho các ngươi, khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái…”. Có thể nhận ra nguyên nhân những sai lầm của nhiều nhà lãnh đạo xã hội và tôn giáo xưa lẫn nay đó là sự cao ngạo, tự tôn và sự tham lam ích kỷ vô độ.
Một hệ quả khó lường của sự tự tôn, tự kiêu đó là dễ phạm sai lầm gây hậu quả nghiêm trọng cho chính bản thân và cho tha nhân. Và nếu người tự kiêu, tự tôn đang giữ vị trí cao, đang nắm vai trò lớn trong xã hội hoặc trong tập thể tôn giáo thì còn đáng quan ngại hơn nhiều. Sai lầm là thân phận con người, một chuyện thường tình dễ thứ tha. Nhưng việc khắc phục hậu quả là một vấn đề nan giải, nhất là khi hậu quả ấy lại di hại cho đám đông dân chúng, đặc biệt những người yếu hèn, thấp cổ, bé phận.
Chuyện mù dẫn mù, cả hai lăn cù xuống hố thì có thể xảy ra, nhưng chỉ là biến cố nhất thời và không kéo dài lâu. Cái tai hại hơn cả đó là cái sự “quáng gà” của những người đang trong vai vế hướng dẫn kẻ khác. Biết một cách phiếm diện, biết một chiều, biết chưa rõ mà những tưởng rằng mình đã biết đủ đầy, biết rõ toàn diện thì bản thân không dễ nhận ra sai lầm của mình và tha nhân nhiều khi cũng khó phát hiện.
Sự tham lam, ích kỷ vô độ cũng là một nguyên nhân gây ra không biết bao nhiêu sự sai lầm của rất nhiều người, nhất là khi họ có quyền lực trong tay để phục vụ cho sự tham lam của họ. Các chế độ độc quyền, độc tài đều sinh ra vô số sự độc ác cho nhân loại mà lịch sử đã minh chứng. Một trong những tiến bộ của xã hội loài người đó là quy định hạn kỳ của những chức vị lãnh đạo. Và một điểm tích cực của nó là giới hạn những sai lầm của các vị lãnh đạo, nếu có. Chúng ta cũng có thể nhận ra xu hướng tiến bộ này đã và đang hình thành ngay trong cả sinh hoạt của Giáo Hội Công giáo mà rõ nét nhất là trong các Hội Dòng.
Chuyện cái đà trong mắt mình và cái rác trong mắt tha nhân là chuyện thường tình của kiếp người xưa lẫn nay. Tuy nhiên không được xem nhẹ, xí xóa hay bỏ qua nó, khi lợi ích và hạnh phúc của tha nhân vì thế mà bị tổn hại.