Chúa Nhật XII Thường Niên – Năm B

“Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người”. (Mc 4, 35-40)

Chúa Nhật XII Thường Niên – Năm B


Mc 4, 35-41

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XII Thường Niên – Năm B

Dẫn vào thánh lễ

Anh chị em thân mến! Tin Mừng Chúa Nhật XII quanh năm hôm nay, cho chúng ta thấy Chúa Giêsu quả là Thiên Chúa, Người đã quát gió lộng, bão tố trên biển khơi đang gầm thét đẩy xô phải im lặng, khiến các môn đệ kinh ngạc “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người”.
Người là Đấng mà Thánh Phaolô Tông Đồ rao giảng rằng: một người đã chết vì mọi người, rằng Đức Kitô đã chết thay cho mọi người chúng ta, là những kẻ đã chết do tội lỗi. Thiên Chúa yêu thương thế gian như thế, nhưhg chúng ta lại không nhận ra tình yêu của Ngài dành cho chúng ta, nên vẫn cứ tiếp tục sai phạm.
Giờ đây trước khi cử hành Thánh lễ, chúng ta hãy cúi đầu thống hốì vì những tội lỗi đã phạm đến Chúa và anh chị em.

Ca nhập lễ
Chúa là mãnh lực của dân Người, là chiến luỹ bảo vệ mạng sống người Chúa đã xức dầu. Lạy Chúa là phần rỗi tôi, xin cứu sống dân Chúa, và chúc phúc cho phần gia nghiệp Chúa, xin hãy chăn dắt họ đến muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng trọn niềm tôn kính và ái mộ Thánh Danh, vì những ai được Chúa cho khăng khít với Chúa, Chúa sẽ chẳng bỏ rơi bao giờ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: G 38, 1. 8-11
“Sóng cồn của ngươi phải dừng lại đây”.
Trích sách Gióp.
Bấy giờ từ cơn gió lốc, Chúa đáp lời Gióp rằng: “Khi nước chảy mạnh vỡ bờ như sinh ra bởi lòng mẹ, ai đã lấy cửa mà ngăn lại, lúc Ta lấy mây làm áo che nó, và lấy u tối che phủ nó như khăn bọc con trẻ? Ta đã vạch biên giới chung quanh nó, đã đặt khung cửa và then chốt mà phán rằng: “Ngươi chảy đến đây mà thôi, không được chảy xa nữa và vỗ sóng ba đào cũng phải dừng tại đây”.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 106, 23-24. 25-26. 28-29. 30-31
Ðáp: Hãy tán tạ Chúa, bởi đức từ bi Người còn muôn thuở (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Những người xuống tàu vượt biển ra khơi, làm nghề thương mại trên nơi nước cả, họ đã nhìn thấy những kỳ công của Chúa, và những việc huyền diệu của Người ở chỗ thâm uyên.
Xướng: Chúa lên tiếng, và Người đã khiến phong ba nổi dậy, Người đã khiến cho sóng biển dâng cao. Những người đó lên tới trời xanh, xuống lòng biển thẳm, tâm hồn họ bủn rủn trong cảnh gian nguy. 
Xướng: Họ đã kêu cầu Chúa trong cơn khốn khó, và Người đã giải thoát họ khỏi chỗ lo âu. Người biến đổi phong ba thành gió thổi hiu hiu, và bao làn sóng biển đều im lặng. 
Xướng: Họ mừng vui vì thấy sóng biển yên, và Chúa đã đưa họ cập bến ước mong. Những người đó hãy cảm ơn Chúa vì lòng nhân hậu, và những điều kỳ diệu của Người đối với con người ta!

Bài Ðọc II: 2 Cr 5, 14-17
“Ðây mọi cái mới đã được tạo dựng”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, lòng mến của Ðức Kitô thúc bách chúng ta; chúng ta xác tín điều này là một người đã chết vì mọi người, vậy mọi người đều đã chết. Và Ðức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, thì không còn sống cho chính mình nữa, mà là sống cho Ðấng đã chết và sống lại vì họ.
Vì thế, từ nay chúng ta không còn biết ai theo xác thịt nữa. Mặc dù nếu chúng ta đã biết Ðức Kitô theo xác thịt, thì giờ đây chúng ta không còn biết như thế nữa. Vậy nếu ai đã trở nên một tạo vật mới trong Ðức Kitô, thì những gì cũ đã qua rồi, vì đây mọi sự đều được trở nên mới.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 1, 14 và 12b
Alleluia, alleluia! – Ngôi Lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 4, 35-40
“Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”. Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?” Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”
Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu
Chủ tếAnh chị em thân mến! Thiên Chúa đã dùng quyền năng giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết, để chúng ta được sống trong tình thương quan phòng của Chúa, được sống gắn bó với Ngài. Chúng ta hãy dâng lên Chúa những ước nguyện chân thành.
1. “Sóng vỗ ba đào phải dừng tại đây” Xin Chúa cho các vị Chủ chăn, đặt niềm tin sâu sắc vào sự hiện diện kịp thời của Chúa trước những phong ba bão tố xông đánh Hội Thánh, để các ngài đủ can đảm thi hành sứ vụ Chúa trao ban.
2. “Lòng mến của Đức Kỉtô thúc bách chúng ta”.- Xin cho các tu sĩ nam nữ, các tông đồ giáo dân biết hi sinh vì tình yêu Chúa Kitô mà dấn thân phục vụ tha nhân và các linh hồn.
3. “Hãy im đi, hãy lặng đi” – Xin cho các gia đình công giáo chạy đến lòng thương xót Chúa, để Người giải hòa mọi bất ổn, bất đồng trong gia đình, hầu an vui sống dưới sự che chở của Người.
4. “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?” – Xin cho những người đang gặp khổ đau trong giáo xứ chúng ta nhờ đức tin hướng dẫn, lướt thắng mọi sợ hãi trước bất cứ nghịch cảnh nào, vì biết rằng Chúa thử thách rồi Ngài lại cứu gỡ.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin củng cố đức tin cho chúng con, để mặc dù với cảm quan nhân loại, chúng con thây như Chúa đang ngủ khi thuyền đời chúng con lâm cơn bão tố chúng con vẫn biết hướng nhìn về Chúa bằng ánh mắt tin yêu, xác tín rằng Chúa vẫn luồn đồng hành với chúng con, Chúa hằng sông và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ
Lạy Thiên Chúa từ bi, chúng con hiến dâng những lễ vật này để tạ tội và ngợi khen Chúa; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và dùng của lễ này mà thanh tẩy chúng con, hầu chúng con có thể dâng lên những tâm tình làm đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ
Lạy Chúa, muôn loài để mắt cậy trông vào Chúa, và Chúa ban lương thực cho chúng đúng theo giờ.
Hoặc đọc:
Chúa phán: “Ta là mục tử tốt lành, và Ta thí mạng sống Ta vì các chiên Ta”.

Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho chúng con rước Mình và Máu Con Chúa để đổi mới chúng con, xin cho chúng con được chắn chắn hưởng ơn cứu độ, nhờ mầu nhiệm cử hành trong thánh lễ này. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Sóng gió
Sưu tầm

Con thuyền của các môn đệ trong bài Tin Mừng sáng hôm nay chính là hình ảnh cuộc đời chúng ta. Thực vậy, cuộc đời chúng ta với bao nhiêu phong ba bão táp, đó là những thất bại của bản thân, những khó khăn của cuộc sống, của xã hội, những khổ đau của những người xunh quanh, làm cho chúng ta nhiều lúc chán nản tuyệt vọng.

Tại sao lại có những sóng gió trong cuộc đời? Phải chăng Thiên Chúa đã bỏ rơi chúng ta? Có người cho rằng chính Thiên Chúa thử thách để rèn luyện và củng cố niềm tin nơi chúng ta. Có người lại cho rằng do trình độ hạn chế của con người trước sức mạnh của thiên nhiên. Nhưng có lẽ nguyên nhân trực tiếp nhất vẫn là do cách đối xử của con người đối với con người trong cuộc sống.

Thực vậy, chính thái độ vô trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ đã dẫn đến tình trạng tuổi trẻ lang thang, bụi đời. Chính sự ích kỷ tàn nhẫn của một số người đã tước đoạt đi những phương tiện sống và phẩm giá của những người khác.

Nghịch cảnh và sóng gió như vẫn tồn tại song song với số phận và lịch sử con người. Các môn đệ cũng như chúng ta phải đương đầu, phải đối phó với cuồng phong. Thế nhưng chúng ta sẽ tìm thấy niềm an ủi nơi Thiên Chúa bởi vì dưới bàn tay quyền năng và yêu thương của Ngài, sóng gió cũng phải khuất phục và sự bình an sẽ trở lại với chúng ta.

Sự dữ tuy tràn lan, nhưng ơn sủng của Ngài vẫn dư đầy, bởi vì Ngài luôn yêu thương chúng ta, Ngài không hề bỏ rơi con người. Bằng chứng là Đức Kitô đã đến, Ngài tìm mọi phương cách, thậm chí cả đến cái chết của mình để cho chúng ta thêm xác tín vào tình thương của Ngài. Một vị Thiên Chúa nhân lành như vậy, nhất định sẽ không bao giờ muốn cho con người phải đau khổ, nhất định Ngài sẽ cứu chúng ta.

Làm sao chúng ta có thể thất vọng và chán nản khi Ngài vẫn ở bên chúng ta và vẫn yêu thương chúng ta. Mặc dù ngày nay Thiên Chúa không còn trực tiếp làm phép lạ để truyền cho sóng gió phải yên lặng, nhưng Ngài dùng bàn tay của những người nhiệt tâm làm vơi giảm những nghịch cảnh, những bất công trong cuộc sống. Và cũng không ít những con người đang đấu tranh cho công bằng xã hội. Nhiều khi họ cũng đã phải trả giá cho những đấu tranh ấy bằng chính mạng sống của mình.

Còn chúng ta thì sao? Niềm tin vào một Thiên Chúa toàn năng và yêu thương lẽ nào lại để cho chúng ta phải buông xuôi và tuyệt vọng bởi vì Đức Kitô chính là niềm hy vọng, chính là sức sống trong cuộc đời chúng ta.
 

THỬ THÁCH TRONG CUỘC ĐỜI
Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Trong đời ta gặp nhiều trường hợp giả vờ rất đáng yêu. Chẳng hạn bà mẹ trẻ giả vờ trốn đứa con nhỏ, để nó phải lo âu đi tìm. Và khi thấy nó đã lo âu đến độ tuyệt vọng, sắp khóc đến nơi, bấy giờ bà mẹ mới xuất hiện. Vừa thấy bà mẹ xuất hiện, đứa trẻ vui mừng khôn xiết. Và nó càng yêu mến, càng bám chặt lấy mẹ nó hơn nữa.

Chúa Giêsu cũng có nhiều lần giả vờ như thế. Lần giả vờ được minh nhiên ghi lại trong Tin Mừng là khi Người cùng hai môn đệ đi trên đường Emmaus. Khi đã đến nơi, Người giả vờ muốn đi xa hơn, làm cho các môn đệ phải tha thiết nài nỉ Người mới chịu ở lại. Khi Người ở lại, các môn đệ vui mừng khôn xiết. Và niềm vui lên đến tuyệt đỉnh khi các môn đệ nhận ra Người lúc bẻ bánh.

Hôm nay tuy Tin Mừng không minh nhiên ghi lại, nhưng ta có thể đoán biết Chúa Giêsu đang giả vờ. Vì sóng to gió lớn dập vùi làm cho thuyền chòng chành nghiêng ngả, nước tràn vào đến nỗi thuyền có nguy cơ bị chìm đắm, trong khi đó các tông đồ xôn xao chạy ngược chạy xuôi, hò hét nhau tìm cách tát nước ra. Giữa khung cảnh như thế, làm sao có thể nằm ngủ ngon lành được. Chỉ có thể là giả vờ. Việc giả vờ của Chúa phát xuất do tình yêu.

Vì yêu thương ta, Chúa muốn ta đáp lại tình yêu thương của Chúa. Đó là định luật thông thường trong tình yêu. Khi yêu ai cũng muốn được đáp trả. Chúa không đi ra ngoài định luật thông thường đó. Người tha thiết yêu ta. Người mong ta yêu mến gắn bó với Người, nên đôi khi Người giả vờ lãng quên để ta nhớ mà chạy đến với Người, gắn bó với Người hơn. Như bà mẹ muốn đứa con tỏ ra cần đến mẹ, tha thiết đi tìm mẹ, hốt hoảng khi không thấy mẹ, Chúa cũng mong ta cần đến Chúa, tha thiết đi tìm Chúa và hốt hoảng lo âu khi thấy vắng bóng Chúa.

Vì yêu thương ta, Chúa muốn rèn luyện ta nên người. Để rèn luyện ta, Chúa gửi những thử thách tới. Cuộc đời ví như mặt biển cả mênh mông. Mỗi người là một con thuyền lênh đênh trên mặt nước. Sóng gió là những thử thách trong cuộc đời. Những thử thách Chúa gửi đến giúp ta trưởng thành ở ba phương diện.

Những thử thách giúp ta biết mình hơn. Bình thường ta nghĩ mình chẳng kém thua ai. Nhưng khi gặp thử thách mới biết mình thật yếu đuối. Thánh Phêrô thấy Chúa đi trên mặt nước thì tưởng mình cũng đi được. Nhưng chỉ được mấy bước đã chìm xuống. Các tông đồ là những bạn chài đã quen với sóng nước. Thế mà vẫn kinh hoảng trước bão tố. Đã chứng kiến biết bao phép lạ Chúa làm, nhưng khi gặp gió bão vẫn hoảng kinh. Thử thách giúp ta biết mình. Biết mình để thêm khôn ngoan, thêm trông cậy và nhất là để biết rèn luyện bản thân cho tiến bộ hơn.

Thử thách giúp ta biết yêu mến, cậy trông vào Chúa hơn. Có thử thách ta mới biết sức mình, biết có những việc ở ngoài tầm tay của mình, chẳng ai có thể giúp mình ngoài Chúa. Vì thế gặp nhiều thử thách giúp ta biết cậy trông phó thác vào Chúa hơn. Gặp thử thách ta mới biết chẳng ai yêu thương ta bằng Chúa. Chúa sẽ không để ta bị thử thách quá sức chịu đựng, nên ta sẽ biết yêu mến Chúa hơn.

Thử thách giúp đức tin vững mạnh. Chẳng có thử thách nào kéo dài mãi mãi. Chúa chỉ cho thử thách một thời gian. Rồi Chúa lại can thiệp để sóng yên biển lặng. Khi sóng yên biển lặng rồi, các môn đệ càng vững tin nơi Chúa hơn. Để từ nay các ngài không còn cuống quít lo sợ mỗi khi gặp gian nan nữa. Đời sống mỗi người chúng ta cũng thế. Ai càng gặp nhiều thử thách thì càng trở nên từng trải, vững vàng.

Đời sống không thể thiếu thử thách. Hãy biết rằng Chúa cho phép thử thách vì yêu thương ta, để rèn luyện ta nên người. Hơn nữa Chúa luôn ở bên ta. Vì thế ta hãy vững tin, hãy cậy trông phó thác và hãy biết tận dụng những khó khăn để đức tin thêm vững mạnh. Thử thách rồi sẽ qua đi. Nhưng cách ta phản ứng trước thử thách lại tồn tại và tạo thành giá trị đời ta. Ước gì mọi thử thách ta gặp trong đời đều biến thành cơ hội cho ta được thêm lòng, lòng cậy và lòng mến Chúa.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Tại sao Chúa cho ta bị thử thách? Thử thách có cần thiết không?

2) Thử thách giúp ta trưởng thành thế nào?

3) Ta phải sống thế nào trong thử thách để vượt lên trên thử thách?

Chúa nhật thứ 12 thường niên -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 4, 35-40).
 
Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”. Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?” Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”
 
Suy niệm
 
Cuộc sống không là một con đường bằng phẳng, đầy màu hồng, nhưng luôn có những thách đố và khó khăn nhất định, bởi thế, cần có sự mạnh dạn của niềm tin vào hôm nay và ngày mai. Hành trình đức tin của mỗi tín hữu Kitô cũng thế, để có thể can đảm đón nhận thập giá cuộc đời, cần có sự mạnh dạn và tự tin để đối diện với sự thật, với mọi khó khăn. Chúa nhật thứ 12 thường niên, Mẹ Giáo hội nhắn gởi con cái hãy vững tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới, giữa lòng Giáo hội, nơi mỗi gia đình và trong chính con người của mình. Được như thế, cuộc đời mới là một lời chứng cho những giá trị Tin Mừng cách sống động và xác tín trong mọi hoàn cảnh, mọi biến cố đến với mỗi người.
 
Sống trong sự chăm sóc của Thiên Chúa, ông Gióp và gia đình luôn ngập tràn hạnh phúc. Niềm hạnh phúc đó được biểu lộ bằng sự khiêm tốn và xác tín, thế nhưng, khi cuộc sống bình yên, niềm tin đó chưa có thể kiểm chứng và hiển lộ chiều sâu, chiều rộng của nó. Bài đọc 1 được trích từ sách Ông Gióp, tác giả kể lại câu chuyện gia đình và bản thân ông đối diện về những thiệt hại tài sản, con cái, bạn hữu và bệnh tật, niềm tin của ông, của gia đình sẽ bị mai một, hay vẫn luôn kiên định? Chính lúc tăm tối nhất, Thiên Chúa đã lên tiếng, không phải Ngài bỏ rơi, nhưng là để niềm tin được lớn lên, được xác tín và được sinh hoa thơm quả ngọt: “Chúa đáp lời Gióp rằng: “Khi nước chảy mạnh vỡ bờ như sinh ra bởi lòng mẹ, ai đã lấy cửa mà ngăn lại, lúc Ta lấy mây làm áo che nó, và lấy u tối che phủ nó như khăn bọc con trẻ? Ta đã vạch biên giới chung quanh nó, đã đặt khung cửa và then chốt mà phán rằng: “Ngươi chảy đến đây mà thôi, không được chảy xa nữa và vỗ sóng ba đào cũng phải dừng tại đây”. Bệnh tật, đau khổ, đại dịch đến từ tội lỗi và sự chết, trong những biến cố đó, Thiên Chúa sử dụng để thanh luyện niềm tin con người, đồng thời, mở ra cho con người thấy tình thương của Thiên Chúa có chiều rộng và chiều sâu khác hẳn tình thương của nhân loại. Trong biến cố lớn của gia đình, ông Gióp được nghe những lời thầm trách và dụ dỗ của các bạn, nhưng ông bỏ ngoài tai tất cả, đón nhận mọi nghịch cảnh đó trong niềm tin mãnh liệt. Quả là một niềm tin đến từ sự khiêm tốn đủ và có chiều sâu nội tâm thật sâu xa.
 
Khi được chọn và được mời lên đường trong ơn gọi chứng nhân Tin Mừng, thánh Phaolô đã bày tỏ sự trung thành của ông dành cho Thiên Chúa cách vẹn toàn và sâu sắc, ngài coi sự sống của ngài như là một sự diện hiện gần gũi của Thiên Chúa dành cho ai khiêm tốn và trung thành trong niềm tin. Tất cả đã được thánh nhân gởi gắm trong lá thư mục vụ gởi cộng đoàn tín hữu Cô-rin-tô. Khi con người nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong bản thân, họ sẽ can đảm sống với, sống cùng và sống cho Thiên Chúa trong ơn gọi làm người và là một môn đệ: “Anh em thân mến, lòng mến của Ðức Kitô thúc bách chúng ta; chúng ta xác tín điều này là một người đã chết vì mọi người, vậy mọi người đều đã chết. Và Ðức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, thì không còn sống cho chính mình nữa, mà là sống cho Ðấng đã chết và sống lại vì họ”. Để có được sự minh định rõ ràng như thế, cần có một niềm tin thật sâu xa và kiên vững, thánh Phaolô hơn ai hết, đã trải qua những phút giây trong hành trình đức tin của ngài như thế, chính trong kinh nghiệm đó, lời chứng bằng cuộc sống sẽ là một lời chứng sống động và thực tiễn nhất, và lời chứng đó hôm nay rất cần cho sự lớn lên của Giáo hội và các cộng đoàn.
 
Để thay đổi hoàn cảnh hiện tại, Đức Giêsu đã cùng các môn đệ đi qua bờ bên kia của biển hồ Ti-bê-ri-a, chính trong lúc thay đổi đó, Đức Giêsu mới thấy được niềm tin của các học trò mình, và đây cũng là lúc các môn đệ thấy cuộc đời mình không phải lúc nào cũng an toàn, cũng vững vàng, không cần đến Thiên Chúa, không cần đến cộng đoàn: “Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”. Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?”. An toàn từ môi trường sống, an phận với chỗ đứng của mình, các môn đệ đã rơi vào sự hụt hẫng khi phải thay đổi hoàn cảnh hiện tại. Chính lúc đó, họ mới chạy đi tìm Thiên Chúa, chỗ dựa vững chắc và là nơi ẩn náu cho cuộc đời. Cũng trong biến cố đó, các môn đệ nhận ra được tương quan giữa con người với Thiên Chúa không chỉ cần lúc hoạn nạn, đau khổ, hay bất hạnh, nhưng trong cuộc sống, con người cần gắn bó với Thiên Chúa từng phút giây của cuộc sống. Trong cơn hoạn nạn, Thiên Chúa không trao cho các ông cái phao cứu hộ, nhưng Ngài đề nghị các ông coi lại niềm tin của mình dành cho Thiên Chúa là một niềm tin khiêm tốn, kiên định, hay chỉ dừng lại đã có đủ mọi nhu cầu cuộc sống hay đã được an toàn trong vỏ bọc hiện tại.
 
Thầy ơi chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm sao? Đây là lời than trách của các môn đệ khi thấy sóng to gió lớn nổi lên giữa biển. Lời than trách đó hôm nay đang được lặp đi lặp lại nhiều lần từ các môn đệ, các chứng nhân Tin Mừng, khi chứng kiến nhiều đổi thay giữa cuộc đời. Dịch bệnh hoành hành, làm tan nát bao đất nước, làm chia ly bao gia đình, làm ngậm ngùi bao trái tim vì sự chết chóc, thế là lời than vãn đó lại vang lên: Thầy ơi chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm sao? Chiến tranh ác liệt đang tàn phá sự liên đới giữa các quốc gia, gây chết chóc cho bao người, và lời cầu cứu đó được lặp lại: Thầy ơi chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm sao? Những biến cố đó đâu phải là thiên tai nhưng là nhân tai, là hậu quả đến từ tham vọng của con người, thế thì con người nên than trách Thiên Chúa hay cầu xin sự tha thứ từ Ngài? Bao gia đình đang bị rạn nứt vì chia ly, vì bạo hành, vì đói khổ: Thầy ơi chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm sao? Bao sự sống đang bị bức tử trước khi chào đời, bao người già đang chết dần chết mòn vì bị bỏ rơi, vì sự vô tâm của cháu con: Thầy ơi chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm sao? Thầm trách Thiên Chúa có thể coi là căn bệnh trầm kha của con người, trong khi đó niềm tin là điều cần thiết để con người đứng lên, loại bỏ những khó khăn, những thách đố trong cuộc sống, thì con người không quan tâm.
 
“Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?”. Thiên Chúa là một người Cha nhân lành, một người cha không bao giờ đứng nhìn con cái bị hành hạ trong bệnh tật, bị dày vò trong chiến tranh hận thù, bị tuyệt vọng do bạo hành và bức tử sự sống, nhưng người Cha đó luôn tìm mọi phương cách để đem đến cho con cái sự bình an và hạnh phúc. Vượt biển trần gian, sóng to gió lớn có thể lúc nửa đêm, có thể giữa ban ngày hay chiều tối cũng như bất cứ lúc nào, nếu con người có chút niềm tin bằng hạt cải, chắc sẽ vững tin hơn để đón nhận mọi biến cố, mọi câu chuyện cuộc đời cách tích cực hơn và nhẹ nhàng hơn, đồng thời nhận ra sự hiện diện yêu thương của người Cha bên cạnh mình. Lời nhắc của Đức Giêsu xem ra nhẹ nhàng nhưng rất sâu sắc bởi con người cứ ỷ lại nơi Thiên Chúa nên thiếu sự cố gắng từ chính mình, và cũng có những lúc nại vào tình thương bao la của người Cha đó, con người đã thoái thác trách nhiệm và lo cho cái tôi của mình, tìm cách để có được chỗ ngồi bên trái hay bên phải của các thần linh thế gian. Đó là một lối sống đạo đang nổi bật do ảnh hưởng chủ nghĩa cá nhân và thực dụng vật chất, chứ không đến từ sự khiêm tốn đức tin và chân thành trong lòng mến.
 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đến trần gian đem theo niềm tin và hy vọng cho con người, Chúa muốn con người hãy sống niềm tin và hy vọng đó cách sống động, xin cho chúng con biết cố gắng hiểu được khát mong của Chúa và thực hành niềm tin cách cụ thể và năng động hơn. Chúa luôn hiện diện bên cạnh con người trong mọi sinh hoạt cuộc sống, xin cho chúng con luôn vững niềm tin trước mọi cuồng phong của biển đời, đồng thời biết trau dồi cho niềm tin đó lớn lên trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 

CHẤT VẤN
(Chúa Nhật XII TN B)

Hai từ “chất vấn” xem ra ít gây thiện cảm hơn là các từ “hỏi” hay là “đặt vấn đề”. Dù là đặt vấn đề hay đặt câu hỏi hay chất vấn thì mục đích nhắm đều là để được sáng tỏ một vấn đề nào đó mà người chất vấn chưa nắm rõ hay chưa đồng thuận. Dĩ nhiên ở các xã hội độc tài, chuyên chế thì ít có ai dám to gan chất vấn người cầm quyền, vì sợ mang vạ vào thân. Lại có những thể chế muốn chứng tỏ rằng có sự dân chủ nên “cho phép” người ta chất vấn nhưng thực chất vẫn không muốn người bị trị có quyền chất vấn.

Nhân dịp mẹ Hội Thánh dọn cho đoàn tín hữu bài đọc thứ nhất và bài Tin Mừng trong Chúa Nhật XII TN B, xin đặt câu hỏi là chúng ta có được phép chất vấn Thiên Chúa không? Một trận cuồng phong trên biển cả xem ra là chuyện thường tình của giới tự nhiên. Thế nhưng, khi gió lớn, sóng to ập vào thuyền của tôi, thì đó không còn là chuyện bình thường. Những tai ương, hoạn nạn, dịch bệnh do thiên tai hay do nhân họa vẫn mãi là những sự dữ đối với những người trực tiếp hay gián tiếp gánh chịu. Chúng ta có quyền hỏi Thiên Chúa không hay chúng ta có nên đặt vấn đề không, nhất là những vấn đề liên quan đến sự dữ?

Trước vấn nạn sự dữ thì dường như không chỉ khó hiểu mà còn khó chấp nhận. Người làm sự lành mà phải gánh sự dữ thì vẫn có đó trước mắt chúng ta, không riêng gì mình ông Gióp thuở nào. Về vấn đề này, sách Gióp và Cựu ước nói chung, thường có câu trả lời rằng như chiếc bình sành không thể và không có quyền chất vấn người thợ gốm, thì con người trong kiếp thụ tạo hữu hạn không có quyền chất vấn Thiên Chúa, Đấng dựng nên vũ trụ vạn vật, dựng nên con người từ hư vô. Ông Gióp cuối cùng đã biết phận để rồi “lấy tay che miệng” (x.G 40,4) và “xin rút lại những gì đã nói” (x.G 42,6).

Tân ước lại cho chúng ta một cái nhìn có vẻ như ngược lại nhưng thực ra là bổ túc, là hoàn thiện cái nhìn của Cựu ước. Đến thế gian, Chúa Kitô không ngại ngần trước các vấn nạn người ta đặt ra. Người còn gợi ý để cho các môn đệ chất vấn bằng việc đặt câu hỏi trước. “Người ta bảo Con Người là ai?... Còn các con, các con bảo thầy là ai? (Mt 16,13). Các tông đồ, các môn đệ đã không ngại ngần “chất vấn” Thầy chí Thánh. “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4, 38). Chúa ơi, Chúa ở đâu khi con đang trong cảnh khốn cùng? Con biết Chúa không vui thích gì khi con người phải khổ, phải chết, thế mà sao cái khổ, cái chết vẫn mãi đe dọa chúng con? Sao con làm người trong cái hình hài này, ở một thời đại, một hoàn cảnh không chút gì thuận lợi? Tại sao những người độc tài, độc quyền, độc ác cứ mãi nhởn nhơ trong nhung lụa? Nhiều câu hỏi tại sao thỉnh thoảng lại đến mà như không có lời giải đáp, đúng hơn là khó làm thỏa lòng thỏa trí chúng ta.

Điểm tới của những lời chất vấn là lòng tin. “Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?” Dù như khiển trách, nhưng Chúa Giêsu đã biết các môn đệ vốn có lòng tin vào Người nhưng lòng tin ấy đang còn non yếu. Không tin vào Thầy thì cớ sao các ngài lại đánh thức Thầy dậy để xin cứu giúp. Đức tin không phải là một thực tại đã hoàn thành mà là một quá trình dấn thân. Niềm tin của Kitô hữu là tiến trình bước theo Đức Kitô. Tiến trình ấy không luôn trơn tru, thẳng tắp, kiểu thuận buồm xuôi gió. Có khi nó chững lại vì gặp vật cản, có khi chệch hướng, thậm chí có lúc bị giật lùi. Những câu hỏi, những lời chất vấn xuất hiện là một trong những động lực hay là cách thế để ta vượt qua vật cản, chỉnh hướng và tiến lên. Như thế, các câu hỏi hay những lời chất vấn trở thành một phương thế củng cố niềm tin, thanh luyện đức tin.

Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI thời làm Hồng Y đã từng khẳng định: “Chúng ta đã học biết, đã sống, và đàng khác chúng ta đã thấy đức tin được xây dựng hết sức hoàn hảo và được hệ thống hoá quá đáng, tới độ người ta không còn dễ dàng đến được với đức tin nữa. Vậy tôi nghĩ rằng chúng ta cần một thứ cách mạng đức tin, theo một nghĩa phức hợp. Trước hết chúng ta cần đến một cuộc cách mạng này để có được lòng can đảm nói ngược lại với những xác tín tổng quát” (Muối cho đời – trang 42). Khi trên ngai giáo hoàng, mở đầu cho tập sách “Đức Giêsu thành Nagiarét”, ngài cũng thẳng thắn và sẵn sàng đón nhận những ý kiến “chống lại” những “tìm hiểu” của ngài về “diện mạo của Chúa” (x. Phần I - trang 31).
Chúa Kitô không ngần ngại trước những lời chất vấn của người Do Thái và các câu hỏi của các môn đệ, vì nhờ chúng mà căn tính và sứ mạng của Người ngày càng được tỏ bày, và qua đó đức tin của nhiều người được hình thành và vững mạnh. Quả thật, chẳng có ai dám to gan cho rằng mình đã nắm trọn chân lý hay đã vững vàng trong đức tin. Thế mà đã có lúc chúng lại ngại ngần và có khi lại sợ người đồng đạo, sợ người “ngoại đạo” chất vấn niềm tin của chúng ta. Cần thú nhận rằng chính chúng ta cũng rất ngại ngùng chất vấn niềm tin của mình, đúng hơn là đặt vấn đề về một vài nội hàm của đức tin vì sợ rằng sẽ có nguy cơ lạc đạo hay bị gán ghép là rối đạo. Trong tình bạn thì các câu hỏi hay những lời chất vấn là chuyện thường tình như lẽ đương nhiên. Chúng chỉ là bất thường trong mối quan hệ chủ tớ. Chúa Kitô đã khẳng định Người không muốn chúng ta làm người tôi tớ mà là bạn hữu (x.Ga 15,15).

Chúa Kitô mãi là dấu hỏi cho con người đến tận cùng lịch sử. Hiện nay, chúng ta chỉ thấy lờ mờ như trong gương, sau này chúng ta sẽ thấy Người như chính Người là. Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy (x.1Cor 13,12). Chính vì thế, vị trí, vai trò của những câu hỏi luôn còn đó. Và một trong những vai trò chính yếu của chúng là dẫn chúng ta đến với niềm tin. Mỗi khi chúng ta không còn biết đặt vấn đề thì rất có thể là chúng ta đang ở trong tình trạng “cuồng tín” hay là vô tín. Khi chúng ta ngần ngại tha nhân đặt vấn đề hay chúng ta thấy khó chịu khi tha nhân, khi người dưới quyền chất vấn chúng ta thì có lẽ chính chúng ta đang có vấn đề. Một trong những vấn đề thật khó chối cãi, đó là chúng ta chưa thực sự tin vào sự ngay chính của bản thân hay của công việc mình đang thực hiện. Và một điều khá chắc chắn nữa, đó là người ta cũng chưa tin vào chúng ta. Mong sao những lời sau đây của ngài Hồng Y J.Ratzinger mà nay là Đức Bênêđictô XVI có điều kiện thành hiện thực: “Chúng ta phải có can đảm đứng lên chống lại cái được coi như chuẩn mực cho con người vào cuối thế kỷ XX này, và tái khám phá đức tin nguyên tuyền” (Muối cho đời – trang 43).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 

 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...