Chúa Nhật XIX Thường Niên -Năm B

“Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” (Ga 6,41-51)

Chúa Nhật XIX Thường Niên -Năm B

cn t19 TNb

Ga 6,41-51


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XIX Thường Niên -Năm B

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Lời Chúa hôm nay xoay quanh vấn đề bánh hằng sống. Trong bài Cựu ước thiên thần đưa bánh và nước đến cho tiên tri Êlia ăn uống. Ăn uống rồi ông ngủ tiếp, thiên thần lại phải đánh thức dậy, dục ông ăn uống nữa, hầu có sức vượt hết đoạn đường gian khổ để đến núi Hôreb. Êlia đã mang một thái độ dửng dưng, bất cần trước của ăn Thiên Chúa ban cho, vì ông chán nản và muốn chết. Nhưng ăn uống xong, ông lấy lại khí thế, sức mạnh và niềm vui để tiếp tục cuộc hành trình. Trong bài Tin Mừng Đức Kitô ban bánh trường sinh cho dân chúng, và nhiều người cũng có thái độ thản nhiên hoặc nghi ngờ, khiến Chúa phải nói mạnh: Ta là bánh ban sự sống, cha ông các ngươi ăn Manna rồi chết, nhưng ai ăn bánh này sẽ sống đời đời. Bánh là lương thực không thể thiếu đối với sự sống tự nhiên của con người. Nhưng còn một sự sống khác, sự sống siêu nhiên, nên con người cần một thứ bánh có thể ban sự sống siêu nhiên ấy cho con người. Giờ đây, chúng ta hãy cúi đầu xin Chúa thứ tha những thiếu sót, để sốt sáng dâng Thánh Lễ.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin Chúa nhìn lại lời minh ước, và xin đừng nỡ lãng quên đời sống con người cơ khổ. Lạy Chúa, xin Chúa đứng lên xét xử, và xin đừng quên lãng những ai tìm kiếm Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con đã được phúc gọi Chúa là Cha; xin cho chúng con ngày càng thêm lòng hiếu thảo, hầu đáng được hưởng gia nghiệp Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: 1 V 19, 4-8

“Nhờ sức của nuôi ấy, ông mới đi tới núi của Thiên Chúa”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Êlia đi một ngày đàng vào trong hoang địa. Khi đến nơi kia, và ngồi dưới gốc cây tùng, ông xin được chết mà rằng: “Lạy Chúa, đã đủ rồi, xin cất mạng sống con đi: vì con chẳng hơn gì các tổ phụ con”. Rồi ông nằm ngủ dưới bóng cây tùng. Và đây Thiên Thần Chúa đánh thức ông và bảo rằng: “Hãy chỗi dậy mà ăn”. Ông nhìn thấy gần đầu ông có chiếc bánh lùi và một bình nước: ông ăn uống, rồi ngủ lại. Thiên Thần Chúa trở lại đánh thức ông lần thứ hai và bảo: “Hãy chỗi dậy mà ăn: vì đường ngươi phải đi còn xa”. Ông liền chỗi dậy ăn uống, và nhờ sức của nuôi ấy, ông đi bốn mươi ngày bốn mươi đêm mới tới Horeb, núi của Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7. 8-9

Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao (c. 9a).

Xướng: Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. 

Xướng: Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi điều lo sợ.

Xướng: Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn.

Xướng: Thiên Thần Chúa hạ trại đồn binh chung quanh những người sợ Chúa, và bênh chữa họ. Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; phúc đức ai tìm nương tựa ở nơi Người. 

Bài Ðọc II: Ep 4, 30 – 5, 2

“Anh em hãy sống trong tình thương, như Ðức Kitô đã sống”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, anh em chớ làm phiền hà Thánh Thần của Thiên Chúa, vì trong Người, anh em được ghi ấn tín để chờ đợi ngày cứu chuộc đến. Anh em hãy loại ra khỏi anh em mọi thứ gay gắt, tức giận, nóng nảy, dức lác, chửi rủa, cùng mọi thứ độc ác. Anh em hãy ăn ở hiền hậu với nhau, hãy thương xót và tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Ðức Kitô. Vậy anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, như con cái rất yêu dấu của Người: hãy sống trong tình thương, như Ðức Kitô đã yêu thương chúng ta và phó Mình làm của dâng và lễ tế thơm tho ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa vì chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 15, 15b

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 6, 41-52

“Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, những người Do-thái kêu trách Chúa Giêsu, vì Người đã phán rằng: “Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống”. Họ nói: “Chớ thì ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse sao? Chúng ta đều biết rõ cha mẹ của ông. Vậy làm sao ông lại nói: ‘Ta bởi trời mà xuống'”.

Chúa Giêsu trả lời cùng họ rằng: “Các ngươi chớ thì thầm với nhau. Không ai đến được với Ta nếu Cha, là Ðấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong sách các tiên tri có chép rằng: ‘Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo’. Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta. Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Ðấng bởi Thiên Chúa mà ra, Ðấng ấy đã thấy Cha. Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời.

“Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Ðây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”.

Ðó là lời Chúa.

Lời ngyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã sai con Ngài đến cứu chuộc chúng ta, và kêu gọi chúng ta yêu mến Ngài. Tin tưởng vào tình thương của Chúa, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin :

1.”Hãy chỗi dậy mà ăn “ – Xin cho các vị lãnh đạo dân Chúa, biết luôn chạy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để kín múc nguồn sức sống. Để giữa muôn ngàn thử thách đau thương vẫn luôn can đảm làm chứng cho Chúa.

2. “Đức Kitô đã yêu thương chúng ta và đã phó mình làm của dâng và lễ tế thơm tho…vì chúng ta” – Xin cho mọi thành phần dân Chúa, nhờ hiệp thông với Chúa Giêsu Thánh Thể, thêm vững tin, thêm lòng mến, để cũng có thể nên lễ dâng thơm tho cùng với Người, hầu mưu ích cho nhân loại.

3. “Chớ thì ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse sao?” – Xin cho người Do Thái là dân được tuyển chọn, biết nhận ra Chúa Giêsu chính là Đấng Thiên Sai đã đến, để cũng được phúc lãnh nhận bánh Trường Sinh ban sự sống đời đời.

4. “Ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời” – Xin cho các em thiếu nhi trong giáo xứ chúng ta siêng năng rước Chúa Giêsu Thánh Thể, để sự sống của Chúa thêm lớn mạnh trong các em.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô, hằng ngày chúng con được diễm phúc hiệp thông với Chúa qua bí tích tình yêu, xin giúp chúng con luôn biết lắng nghe Lời Chúa, sống hoàn thiện,trở nên tấm bánh dâng lên Thiên Chúa, và mưu ích cho nhiều người, Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Giáo Hội bánh và rượu này, để Giáo Hội dùng làm của lễ dâng lên Chúa; cúi xin Chúa nhân từ chấp nhận, và dùng quyền năng biến đổi thành bí tích cứu độ chúng con. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy ca tụng Chúa, Đấng đã cho ngươi ăn no tinh hoa lúa mì.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận bí tích nhiệm mầu là Mình và Máu Ðức Kitô; xin cho bí tích này giải thoát chúng con khỏi tội lỗi, và giúp chúng con luôn vững vàng sống theo chân lý của Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

thầy ban trót thân mình…
“Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” (Ga 6,41-51)

Suy niệm: Trong trọn bản văn Thánh Lễ của Sách Lễ Rôma, những chữ được in đậm và to nhất chính là ‘lời truyền phép’: “TẤT CẢ CÁC CON HÃY NHẬN LẤY MÀ ĂN, VÌ NÀY LÀ MÌNH THẦY, SẼ BỊ NỘP VÌ CÁC CON... TẤT CẢ CÁC CON HÃY NHẬN LẤY MÀ UỐNG, VÌ NÀY LÀ CHÉN MÁU THẦY, MÁU GIAO ƯỚC MỚI VÀ VĨNH CỬU, SẼ ĐỔ RA CHO CÁC CON VÀ NHIỀU NGƯỜI ĐƯỢC THA TỘI...” In đậm và to nhất, bởi vì đây là những lời quan trọng nhất, đây là khoảnh khắc đậm đặc ý nghĩa YÊU THƯƠNG nhất của Thánh Lễ. Trong khoảnh khắc này, Chúa Giê-su dứt khoát trao hiến chính sự sống của Ngài cho chúng ta. Và đây không phải là một quyết định bốc đồng kiểu ‘anh hùng rơm’; đây là cả một chương trình hiến thân được vạch ra từ trước, như bản văn Tin Mừng hôm nay xác nhận.

Mời Bạn: Hãy nghe với cả tâm hồn mình, hãy nghe như lần đầu tiên được nghe những lời tha thiết của Chúa: “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con; này là Máu Thầy sẽ đổ ra cho các con...” Và bạn hãy cảm nhận niềm hạnh phúc được Chúa yêu thương đến mức đó.

Chia sẻ: Hẳn bạn từng trao tặng điều gì thật quí cho bạn hữu, người thân? Hãy mô tả kinh nghiệm ấy. Rồi bạn nhìn lại hành động của Chúa: Ngài yêu thương ta đến mức trao chính bản thân, chính sự sống của Ngài chứ không phải chỉ là một cái gì đó ở ngoài Ngài!

Sống Lời Chúa: Bạn sốt sắng tham dự Thánh Lễ và rước lễ với cả tâm tình.

Cầu nguyện: Hát: “Thầy yêu chúng con lời ai nói cho cùng... Thầy yêu chúng con Thầy ban trót thân mình, để nuôi chúng con ngày lưu ký trần gian...”

Ngày 11: Lạy Chúa! Nếu những việc bất trắc là những điều mà chúng con không thể chấp nhận, thì ngay lập tức, chúng sẽ biến thành những nỗi sợ hãi trong chúng con. Còn nếu chúng con chấp nhận chúng hoàn toàn, chúng con sẽ trở nên sống động, tỉnh táo và đầy sáng tạo. Chúng con sẽ biến những khó khăn thành những cơ hội để nên giống Chúa và đến gần Chúa hơn. Khi ấy, những khả năng lớn trong chúng con sẽ được mở ra. Điều này có nghĩa là, sự sợ hãi không còn là nhân tố chi phối những gì chúng con làm, và không còn ngăn cản hành động đổi mới của chúng con. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

 

Bánh Hằng Sống

Cách đây không lâu, dân chúng tại thủ đô Paris đã bàn tán xôn xao vì một mẩu tin khủng khiếp: Một sinh viên gốc Nhật, đã giết một cô gái, chặt ra từng khúc, rồi bỏ vào tủ lạnh định ăn dần cho đến hết. Khi bị bắt, anh ta đã khai như sau: Cô gái ấy là người yêu của tôi. Tôi yêu cô đến độ muốn biến cô ấy thành máu thịt của tôi, cho nên đã giết đi và ăn thịt cô ấy. Chỉ tiếc rằng mới ăn được có vài ngày thì đã bị phát giác.

Mẩu chuyện trên khiến cho chúng ta cảm thông được thái độ của người Do Thái khi nghe Chúa Giêsu xác quyết: Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì sẽ được sống đời đời. Vấn đề không gây ra một ngộ nhận nào, Ngài đã lặp đi lặp lại lời xác quyết ấy.

Cô gái nói trên hẳn không bao giờ có được cái ý tưởng điên khùng là trở nên của ăn cho người mình yêu, hầu hai người trở nên một. Thế nhưng cái sáng kiến điên khùng ấy đã được Thiên Chúa thực hiện qua Đức Kitô. Ngài đã để cho mình bị giết và trở nên lương thực cho những người mình yêu quý. Trước một cái gì quá sức tưởng tượng, con người bỗng trở nên dửng dưng vì vậy hiện nay có biết bao nhiêu người chịu Mình Thánh Chúa mà không hề cảm thấy được hiệp nhất trong tình yêu. Máu thịt Đức Kitô không chỉ là Mình Thánh trong bí tích Thánh Thể, mà còn là lời Chúa bởi vì “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta”. Ngày hôm nay Chúa phán: Ai ăn bánh này thì sẽ được sống muôn đời. Đây không phải là một lời hứa nhưng là một lời xác quyết, một lời khẳng định.

Thế nhưng, rất nhiều người đã từng nghe lời Chúa, đã từng rước lễ mà sao đời sống nội tâm vẫn cứ èo uột. Có thể vì họ không gắn bó với Chúa. Có thể họ chưa bao giờ đọc Lời Chúa với tâm trạng của một người yêu đọc bức thư tình. Có thể họ chưa đủ tin như người Do Thái ngày xưa.

Phúc Âm cho chúng ta thấy: Người đàn bà mắc chứng bệnh băng huyết, đã chạm đến gấu áo Ngài với niềm tin mãnh liệt và rồi bà đã được chữa khỏi, bởi vì sức mạnh từ Ngài được chuyển thông cho bà.

Với chúng ta cũng vậy, đến với Thánh Thể mà thiếu đi niềm tin yêu, thì e rằng miếng bánh ấy không bổ dưỡng bằng thức ăn vật chất. Đến với Thánh Thể mà thiếu đi niềm tin yêu, thì sợ rằng nó không hấp dẫn và hữu hiệu bằng một đoạn sách tầm thường. Ngôi Lời đã làm người. Và con người ấy đã trở nên lương thực nuôi sống tâm hồn chúng ta.

Nếu ngày hôm nay, bản thân chúng ta chưa tìm được sự bình an, và cuộc đời chúng ta vẫn còn nặng nề và mệt nhọc. Nếu cõi lòng chúng ta vẫn dửng dưng trước tiếng gọi của anh em, thì lỗi chắc chắn không phải là do Chúa. Ai ăn bánh này thì sẽ được sống đời đời. Phải chăng tôi quá ốm yếu để không dùng nổi thứ lương thực trường sinh này?

Tấm bánh bẻ ra

Ta là bánh ban sự sống. Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã ban phát và nuôi sống dân chúng ngay khi Ngài còn ở giữa họ, không phải từ những tấm bánh cho bao nhiêu ngàn người ăn để rồi họ cũng chết như tổ tiên họ. Nhưng Ngài đã ban chính mình Ngài cho dân chúng, qua tất cả những phép lạ như một quà tặng cho nhân loại.

Ngài ban chính mình Ngài qua tình thương mà con người thấy được ở lời nói và hành động của Ngài. Ngài đã ban chính mình Ngài qua cái chết trên thập giá như một dấu chứng cho tình yêu, cho chân lý và cho chương trình cứu độ của Ngài. Ngài đã ban tất cả những gì cao quí nhất, cả đến mạng sống cho mọi người, như thế Ngài đã trở nên bánh ban sự sống cho chúng ta. Tình thương, lời Chúa và cuộc sống của Ngài vẫn luôn luôn là nguồn sống cho chúng ta, là động lực cho muôn người nối gót Ngài đi cải tạo thế giới bằng tình thương. Chính vì thế mà những ai sống trong Ngài, tin vào Ngài thì đã có sự sống đời đời. Lẽ tất nhiên, Chúa còn hứa ban chính mình Ngài trong Bí tích Thánh Thể.

Nhưng ở đây chúng ta muốn nói đến Ngài như tấm bánh đem lại sự sống. Ngài là Đấng bị ăn. Thực vậy, trong bữa tiệc ly Ngài đã phán: Các con hãy cầm lấy mà ăn, vì này là mình Ta. Thế nhưng, chúng ta không phải được kết hiệp với Ngài qua Bí tích Thánh Thể, mà còn một cách khác Ngài đã muốn chúng ta dùng để được kết hiệp thực sự với Ngài: Ai yêu mến Ta thì hãy giữ lời Ta. Lời Chúa là bánh ban sự sống cũng có giá trị ngang hàng với bàn tiệc Thánh Thể. Chúa là tấm bánh được ban để cho chúng ta ăn. Và khi chúng ta ăn, chúng ta cũng phải trở thành bánh thịt ngon, để anh em chúng ta có thể ăn. Chúng ta sống bằng tình thương, bằng lời Chúa và bằng chính cuộc sống của Ngài thế nào, thì mọi người chung quanh chúng ta cũng được sống bằng tình thương, bằng lời nói và bằng chính cuộc sống tín hữu của chúng ta như vậy.

Nếu tất cả cuộc đời, lời nói và hành động của chúng ta đều xuất phát một cách chân thành từ tình thương, thì chúng ta sẽ là những tấm bánh thơm ngon cho ngưới anh em. Còn nếu cuộc đời chúng ta chỉ toàn gương xấu, tính ích kỷ, chỉ biết lo đến phần rỗi của riêng cá nhân mình: ai chết mặc ai, miễn là ta lên thiên đàng, thì không ai gọi chúng ta là những tấm bánh được, mà chỉ là một thứ rác rưởi, một thứ cặn bã cần tống đi mà thôi. Chúa là tấm bánh cho ta, thì ta cũng phải là tấm bánh bẻ ra cho những người anh em.

Bánh bởi trời
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Cuộc đời tiên tri Êlia là một cuộc chiến đấu anh dũng và kiên cường. Một mình người phải chiến đấu chống lại cả một dân tộc bỏ đạo do hoàng hậu Dêdaben cầm đầu. Người khiển trách dân chúng vì họ đã nghe theo hoàng hậu mà bỏ Chúa. Người thách thức 400 sư sãi của thần Baan trong một cuộc dâng của lễ cầu mưa. Người đã chiến thắng. Nhưng chính vì chiến thắng. Người bị hoàng hậu săn đuổi, phải chạy trốn vào sa mạc. Hôm nay, đói khát đến lả người, vị tiên tri dũng mãnh rồi cũng cảm thấy mệt mỏi rã rời. Người mất hết sức lực thể chất lẫn tinh thần. Chẳng thiết sống, người xin Chúa cất người ra khỏi thế gian phiền nhiễu đầy bất trắc. Người mất hết sức phấn đấu. Người chỉ muốn an nghỉ trong Chúa. Nhưng Chúa sai thiên thần đem bánh cho người. Ăn được bánh bởi trời, tiên tri mới đủ sức vượt qua sa mạc, sau cùng đi tới núi của Thiên Chúa.

Tương tự như thế, đời sống ta cũng là một chuyến đi về nhà Thiên Chúa. Để đến với Thiên Chúa, ta phải vượt qua sa mạc cuộc đời đầy chông gai cạm bẫy. Đường đi rất xa và rất khó khăn. Những chiến đấu có thể sẽ khiến ta mệt mỏi rã rời. Ta sẽ chẳng đủ sức đi trọn con đường nếu không được nâng đỡ, an ủi. Để giúp ta đủ sức chiến đấu và đi trọn con đường khó khăn thử thách tiến về nhà Cha. Thiên Chúa đầy tình yêu thương đã ban cho ta tấm bánh bởi trời. Tấm bánh bởi trời mà Chúa Cha ban cho ta chính là Đức Giêsu Kitô, người Con duy nhất của Người. Món quà của Chúa Cha ban được thực hiện dưới hai hình thức: Lời Chúa và Phép Thánh Thể.

Đức Giêsu Kitô là Lời Ban Sự Sống của Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa là Lời Ban Sự Sống. Chính Đức Giêsu đã khẳng định điều này khi Người trả lời ma quỉ cám dỗ: “Người ta sống không nguyên bởi bánh. Nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”. Thật vậy, chính Lời Chúa làm cho sự sống xuất hiện. Nhờ Lời quyền năng của Thiên Chúa, vũ trụ được tạo thành. Lời Chúa là lẽ sống của Đức Giêsu, nên trọn đời Người luôn đi tìm thực hiện thánh ý Chúa Cha: “Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng sai Thầy”. Xưa kia, Thiên Chúa nói qua trung gian các tổ phụ và các tiên tri. Nay, Đức Giêsu là Lời của Thiên Chúa trực tiếp nói với nhân loại. Lời Người ban sự sống cho Ladarô, cho con trai bà góa thành Naim. Lời Người tha thứ tội lỗi cho Mađalêna, cho người phụ nữ ngoại tình, cho Giakêu. Lời Người hoán cải người phụ nữ xứ Samaria. Người đưa tất cả những người tội lỗi trở về con đường sự sống. Lời Người đã giúp cho bao thế hệ tìm thấy lẽ sống. Lời Người ban cho họ một sự sống mới, tươi trẻ, phong phú, dồi dào hơn. Chính vì thế, thánh Phêrô đã lên tiếng tuyên xưng: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đi theo ai. Chỉ Thầy mới có những Lời ban sự sống đời đời”.

Ban Lời hằng sống chưa đủ với tình yêu thương của Người, Đức Giêsu còn ban cho ta chính bản thân Người trong bí tích Thánh Thể. Thật là một tình yêu sâu xa tha thiết. Khi nuôi dưỡng ta bằng chính thịt máu Người, Đức Giêsu không những muốn kết hiệp mật thiết với ta trong từng thớ thịt, từng dòng máu, mà Người còn muốn ban cho ta sự sống đời đời. Bí tích Thánh Thể là lương thực thần linh. Lương thực thần linh ban sự sống thần linh. Qua bí tích Thánh thể, sự sống thần linh dần dần thấm nhập bản thân ta. Đây là một tiến trình thần hóa chầm chậm. Ta trở nên một thân thể với Đức Giêsu. Ta sống cùng sự sống của Người, sự sống đời đời trong hạnh phúc của Thiên Chúa.

Thánh lễ chính là bữa tiệc trong đó Thiên Chúa dọn ra hai bàn tiệc. Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Cả hai bàn tiệc cũng đều là chính Đức Giêsu. Trong thánh lễ, ta nghe lời Chúa dạy dỗ ta. Lời Chúa chỉ cho ta con đường ngay thẳng, con đường hạnh phúc, con đường đưa ta về với Chúa. Thánh Thể Chúa ban sức mạnh giúp ta đủ sức đương đầu với những khó khăn thử thách của cuộc đời.

Bởi thế, khi tham dự thánh lễ, ta cần lưu ý lắng nghe Lời Chúa. Chúa muốn nói riêng với từng người. Hãy lắng nghe để tìm ra điều Chúa muốn nhắn gửi. Hãy lắng nghe để tìm ra lẽ sống. Hãy lắng nghe để biết con đường phải đi. Lời Chúa là con đường đưa tới sự thật và sự sống.

Hãy rước lễ một cách kính cẩn sốt sắng. Phép Thánh Thể chính là một quà tặng của tình yêu Thiên Chúa. Hãy hưởng nếm sự ngọt ngào được kề cận Thiên Chúa. Hãy múc lấy nơi Thánh thể nguồn sức mạnh để thắng vượt những thử thách trong cuộc đời. Hãy để Thánh Thể uốn nắn, biến đổi ta để ta ngày càng nên giống Người hơn. Hãy nếm cảm hương vị thiên đàng ngay khi còn tại thế.

Lạy Chúa là Cha vô cùng yêu thương, con cảm tạ Cha đã ban cho con chính Con Một yêu quý của Cha làm bánh trường sinh nuôi dưỡng và đưa chúng con vào sự sống đời đời.


ĂN BÁNH NÀY SỐNG MUÔN ĐỜI
(CHÚA NHẬT TUẦN 19 TN NĂM B)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 19 Thường Niên, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúng ta đã được phúc gọi Chúa là Cha, xin Chúa cho chúng ta ngày càng thêm lòng hiếu thảo, hầu đáng được hưởng gia nghiệp Chúa hứa ban.

Ngày càng thêm lòng hiếu thảo với Chúa, bởi vì, Người là Cha nhân ái hằng xót thương ta, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Hôsê cho thấy: Không một hình ảnh nào có khả năng diễn tả hết những gì Thiên Chúa mặc khải cho ta về tình thương của Người. Sau khi trình bày Thiên Chúa như người chồng bị phản bội, Hôsê lại nói Thiên Chúa như người cha nhân ái bị con cái đối xử bạc bẽo. Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải người phàm. Ta đã yêu thương ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương.

Ngày càng thêm lòng hiếu thảo với Chúa, bằng cách sống ngay thẳng, thuần khiết theo đường hoàn hảo, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, trong sách Đối Thoại, thánh Catarina Xiêna nói: Xin Chúa cho con biết vì lý do gì hoặc vì ai mà Chúa đã đặt con người lên địa vị cao trọng như thế? Chắc chắn chỉ có tình yêu khôn lường đã thúc đẩy Chúa nhìn ngắm thụ tạo của Chúa nơi chính Chúa, và đã “say mê” nó… Lạy Chúa, con xin ca ngợi tình thương và công lý, con đàn hát kính Ngài. Con sẽ sống theo lòng thuần khiết ở trong cửa trong nhà. Con nguyện chủ tâm theo đường hoàn hảo, bao giờ Ngài mới đến cùng con?

Ngày càng thêm lòng hiếu thảo với Chúa, bởi vì, Thiên Chúa tốt lành, luôn quan phòng mọi sự cho ta, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách các Vua quyển I cho thấy: Nhờ lương thực ấy bổ dưỡng, ông Êlia đi suốt bốn mươi ngày, bốn mươi đêm tới Khôrếp, là núi của Thiên Chúa. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 33, vịnh gia đã cho thấy: Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy. Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi. Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa, xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên. Ngày càng thêm lòng hiếu thảo với Chúa, bằng cách sống bác ái, yêu thương nhau, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Trong bài Tin Mừng, người Dothái xầm xì phản đối, bởi vì, Đức Giêsu đã nói: “Tôi là bánh từ trời xuống.” Khi Đức Giêsu tuyên bố: Người là Bánh Hằng Sống, Bánh bởi trời xuống, thì người ta bàn tán, xầm xì với nhau, bởi vì, họ biết rõ Người xuất thân từ đâu, vậy mà, Người lại nói mình từ trời xuống. Chúa đã chấp nhận để cho người ta bàn tán, xì xào về nguồn gốc của mình, chỉ vì tình yêu thương khôn tả, mà Người đã dành cho chúng ta: Chúng ta là hình ảnh của Chúa, ấy thế mà, Chúa lại trở nên giống chúng ta, khi mang lấy thân phận phàm nhân. Chúa đã lấy nhân tính khốn cùng và tội lỗi của Ađam, làm đám mây che khuất thần tính vĩnh cửu của Chúa. Người đã trở nên sự công chính của chúng ta, khi Người tự nguyện mang lấy mọi điều bất chính và gian ác của chúng ta, và đã trừng phạt chúng nơi chính mình Người. Ôi tình yêu sâu thẳm dường nào! Thử hỏi có con tim nào chai đá đến nỗi không rúng động, không vỡ ra trước Đấng cao cả dường ấy, lại hạ mình tới mức thấp hèn như thế này, để trở nên lương thực nuôi sống chúng ta? Ai không tin và khước từ Chúa, thì sẽ tự kết án chính mình; Ai mở lòng ra tin nhận Người, thì sẽ được sự sống đời đời. Chúng ta đã được phúc gọi Chúa là Cha, ước gì chúng ta ngày càng thêm lòng hiếu thảo với Chúa, hầu, chúng ta đáng được hưởng gia nghiệp Chúa hứa ban. Ước gì được như thế!

 

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XIX Thường niên -Năm B

CN19TNb 2

Ga 6, 41-52
“Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
        
Khi ấy, những người Do-thái kêu trách Chúa Giêsu, vì Người đã phán rằng: “Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống”. Họ nói: “Chớ thì ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse sao? Chúng ta đều biết rõ cha mẹ của ông. Vậy làm sao ông lại nói: ‘Ta bởi trời mà xuống’”.
        
Chúa Giêsu trả lời cùng họ rằng: “Các ngươi chớ thì thầm với nhau. Không ai đến được với Ta nếu Cha, là Ðấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong sách các tiên tri có chép rằng: ‘Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo’. Ai nghe lời giáo hóa của Cha, thì đến với Ta. Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Ðấng bởi Thiên Chúa mà ra, Ðấng ấy đã thấy Cha. Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời.
        
“Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Ðây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”.
        
Ðó là lời Chúa.

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XIX Thường Niên -Năm B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm

 

NGUỒN TRỢ LỰC ĐỜI TA
(Chúa Nhật XIX TN B) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Một hiện thực của cuộc đời tại thế là không ai được ở mãi trên các tầng mây cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Sau phút giây vinh quang, thành công, sốt sắng là một chuỗi ngày vất vả, truân chuyên lẫn nhàm chán của đời thường, và chưa kể đến biết bao trở ngại phải đương đầu và cả những thất bại phải chuốc lấy cách này cách khác. Thời kỳ sốt mến sau ngày chịu chức linh mục, giai đoạn thánh thiện sau ngày tuyên khấn trong Hội dòng, tháng ngày mặn nồng sau lễ hôn ước, khoảng thời gian sau khi nhận một nhiệm sở, một chức vụ… sao mà chẳng thể được lâu. Thế rồi ta phải hạ cánh với các cảnh ngộ cuộc đời dù chẳng mong và thường không như ý.
        
Cảnh ngộ của Ngôn sứ Êlia qua bài đọc thứ nhất của Chúa nhật XIX Thường niên -Năm B là một minh chứng. Trước mặt vua Akhap, một mình thách đấu với 450 ngôn sứ thần Baal trên núi Carmel, ngài Êlia thật can trường và đáng khâm phục. Êlia đã chiến thắng, khi cầu khẩn Thiên Chúa và được Người nhậm lời cho lửa từ trời xuống thiêu hủy lễ vật. Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất chúng ta phải tôn thờ, ngoài Người ra, tất thảy đều là “sản phẩm do tay loài người làm nên”. Êlia hãnh diện về niềm tin của mình. Ngài phấn khởi về chiến công của mình.
        
Thế nhưng Êlia đã phải lập tức rời bỏ vinh quang của chiến thắng lẫy lừng ấy để chạy trốn khỏi sự truy diệt của hoàng hậu Giêgiaben. Chỉ mỗi một tiểu đồng cùng chung cảnh ngộ với ngài. Nhưng khi vào sa mạc, thì ngôn sứ Êlia chỉ còn một thân một mình. Một mình một thân trong cảnh tình của kẻ chiến bại giữa hoang mạc khô cằn. Êlia buồn bã, thất vọng, Ngài xin Chúa cất mạng sống mình đi: “Lạy Đức Chúa, đủ rồi! bây giờ, xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con”. Thành công thì chốc lát, nhưng khó khăn, cảnh gập ghềnh thì ít thoảng qua. Cuộc đời làm con Chúa, cuộc đời người tông đồ không ít lần rơi vào cảnh “đêm tối của đức tin”. Tha nhân vẫn có đó mà ta như bước đi một mình. Như Êlia, đã đôi lần ta muốn thiếp ngủ đi.
        
Chúa lại đến đánh thức ta. “Chỗi dậy mau, vì đường vẫn còn xa!” (x.1V 19,7) Thiên Chúa không để một ai chịu thử thách quá sức mình. “Ơn Ta đủ cho con” (x.2 Cor 12,9). Nguồn trợ lực không phải ở dưới trần này mà là từ trên cao. Khi trao cho vị ngôn sứ bánh và nước, sứ thần muốn khẳng định với Êlia và với chúng ta rằng Chúa chính là nguồn sống đích thực đời ta, là năng lực giúp ta tiến bước trên cõi lữ thứ này.
        
Nguồn sống từ trời cao không còn là thứ bánh vật chất thưở nào cho dân đi trong hoang mạc 40 năm về đất hứa hay cho Êlia đủ sức tiếp bước trong 40 ngày để đến núi Horeb gặp Chúa. Nguồn sống ấy nay đã được tỏ bày cách minh nhiên là chính Đấng từ trời xuống, Giêsu Kitô. “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 50-51). Chúa Kitô không ngại ngần tỏ bày một sự thật cho dù nó đi ngược với quan niệm thời bấy giờ. Người Do Thái vẫn hằng quan niệm ăn thịt ai, là xem người đó như kẻ thù (x.Tv 27,2; Dcr 11,9), và uống máu là một trọng tội đáng bị tru diệt (x.St 9,4; Lv 3,17; Dnl 12,23). Chắc chắn Chúa Giêsu biết rõ điều này, thế mà Người vẫn minh nhiên công bố thì ta đủ thấy tầm quan trọng của chân lý được tuyên rao.
        
Khi tuyên bố mình chính là bánh hằng sống, Chúa Giêsu khẳng định Người chính là nguồn sống của chúng ta. Ai muốn được sống, sống đời đời thì phải đón nhận Người, vì không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Người (x.Ga 14,6). Người là lẽ sống, là nguồn sống của đời chúng ta. Người là nguồn trợ lực giúp chúng ta vững trước trước gian nan, khốn khó. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).
        
Thực tế đã có đó nhiều người vững vàng trong cảnh lao tù, khốn khó, nhờ sức mạnh của Thánh Thể Chúa. Đã có đó nhiều vị tông đồ lấy lại được sức mạnh mà kiên trì với sứ mệnh nhờ những phút giây hiện diện trước Thánh Thể. Cành nho chỉ có thể sinh trái, đơm hoa nhờ kết liền với thân nho. Không có Người thì chúng ta chẳng thể làm được sự gì tốt đẹp (x.Ga 15,1-8). Kitô hữu chúng ta ít nhiều đều xác tín và cảm nghiệm chân lý này ngay trong cuộc đời của mình.
        
Sau khi Chúa Kitô truyền hãy cầm lấy bánh mà ăn, hãy cầm lấy chén mà uống, thì Người đã truyền rằng hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy (x.1Cor 11,23-25). Đón nhận Chúa Kitô là bánh hằng sống, là lương thực trường sinh, là nguồn trợ lực trong những cơn gian nan, khốn khó, cô đơn, thất vọng, để có thể tiếp tục hành trình dương thế, thì chính chúng ta cũng phải trở nên tấm bánh trao ban sự sống, nguồn trợ lực cho tha nhân. Thiết tưởng cũng thật cần thiết kiểm điểm xem sự hiện diện của chúng ta có đem lại sự bình an, sức sống, nguồn trợ lực cho những người mà chúng ta gặp gỡ hay đang chung sống với chúng ta như thế nào?


Chúa nhật XIX thường niên -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 6, 41-52)

Khi ấy, những người Do-thái kêu trách Chúa Giêsu, vì Người đã phán rằng: “Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống”. Họ nói: “Chớ thì ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse sao? Chúng ta đều biết rõ cha mẹ của ông. Vậy làm sao ông lại nói: ‘Ta bởi trời mà xuống’”.

Chúa Giêsu trả lời cùng họ rằng: “Các ngươi chớ thì thầm với nhau. Không ai đến được với Ta nếu Cha, là Ðấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong sách các tiên tri có chép rằng: ‘Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo’. Ai nghe lời giáo hóa của Cha, thì đến với Ta. Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Ðấng bởi Thiên Chúa mà ra, Ðấng ấy đã thấy Cha. Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời.

“Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Ðây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”.

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XIX Thường Niên - Năm B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh

 
 

Suy niệm

Khi bình minh ló dạng, từng hạt nắng len qua mọi góc khuất của đêm tối, rửa sạch mọi hạt bụi của đêm dài, đem tới một sức sống mới, từ niềm vui của một ngày mới các sinh vật dưới bầu trời như đón lấy một nguồn sinh lực cần thiết cho một ngày mới. Con người cũng vậy, được hít thở những hạt không khí của ngày mới, sức sống tích cực như ùa vào cơ thể và tâm hồn, đem lại nhiều năng lượng và nguồn tư duy tích cực hơn. Trong hành trình đức tin của người tín hữu Kitô, không thiếu những đêm tối đức tin, nhiều lúc như đi vào ngõ cụt, niềm tin bị hoang mang, chính lúc đó, ánh sáng của ngày mới đem tới những lương thực tinh thần, những nguồn năng lượng mới cho niềm tin, tất cả như một bàn tay vô hình dẫn họ đi qua vùng tối đó, tới một miền sáng của tình yêu và sức sống siêu nhiên. Bàn tay đó chính là bàn tay của một Thiên Chúa tình yêu luôn đỡ nâng và che chở cho con người.

Câu chuyện cuộc đời và ơn gọi của tiên tri Ê-li-a, là một bức tranh vô cùng sống động về tương quan tình yêu giữa Thiên Chúa và người được chọn. Ông ta đã thể hiện vai trò tiên tri của mình để bảo vệ một niềm tin đang bị tục hóa bởi niềm tin đa thần của dân chúng, sau cuộc vật lộn giữa các vị đại diện cho các thần linh ngoại bang và một Thiên Chúa uy quyền, kết thúc là một thảm bại cho các thần ngoại, tiên tri đã bị truy lùng, ông trốn chạy trong sự thất vọng, có phải Thiên Chúa đã ruồng bỏ tôi, đó là suy nghĩ của một con người được Thiên Chúa chọn: “Trong những ngày ấy, Êlia đi một ngày đàng vào trong hoang địa. Khi đến nơi kia, và ngồi dưới gốc cây tùng, ông xin được chết mà rằng: “Lạy Chúa, đã đủ rồi, xin cất mạng sống con đi: vì con chẳng hơn gì các tổ phụ con”. Rồi ông nằm ngủ dưới bóng cây tùng”. Sự chán nản và thất vọng xâm chiếm tâm hồn nhà tiên tri, tài năng và sức lực con người có làm thay đổi vận mệnh cuộc đời không, khi không còn hình bóng Thiên Chúa trong tâm hồn, con người có thể sống và thực hiện ơn gọi của mình vẹn toàn được không hay chỉ là sự thất bại.

Bỏ tất cả mọi sự đi theo một anh chàng tên là Giêsu để được ăn uống no nê, có làm thay đổi cuộc đời và niềm tin của người Do-thái không, phần nào họ đã bộc lộ chất người khi tìm kiếm Thiên Chúa để được thỏa mãn lương thực thể xác, bỏ quên lời dạy dỗ của Ngài đó là hãy tìm kiếm lương thực tinh thần, đó mới là nguồn sống siêu nhiên, giúp con người tồn tại và phát triển: “Khi ấy, những người Do-thái kêu trách Chúa Giêsu, vì Người đã phán rằng: “Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống”. Họ nói: “Chớ thì ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse sao? Chúng ta đều biết rõ cha mẹ của ông. Vậy làm sao ông lại nói: ‘Ta bởi trời mà xuống’. Chúa Giêsu trả lời cùng họ rằng: “Các ngươi chớ thì thầm với nhau. Không ai đến được với Ta nếu Cha, là Ðấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết”. Niềm tin của người Do-thái phần nào đang rơi vào ngõ cụt khi họ có một lối tư duy quá thực dụng, tin vào một Thiên Chúa để được che chở, tìm Ngài để được ăn uống no nê, còn những gì Ngài đem từ trời đến cho họ, thì họ coi nhẹ và như là dửng dưng. Một niềm tin như thế làm sao cảm nghiệm được thế nào là bánh ban sự sống, thế nào là nguồn sống siêu nhiên giúp họ gắn bó với Thiên Chúa khắng khít hơn.

Tiên tri Ê-li-a đã đón nhận những tấm bánh và bình nước do các Thiên Thần đem đến cho ông, sau khi ăn, ông đã đi tiếp 40 ngày để gặp gỡ Thiên Chúa. Đó là hình ảnh của tấm bánh thiêng liêng và chén máu trường sinh mà Đức Giêsu đem đến cho con người. Thánh Phaolô đã cảm nghiệm rằng đó là lúc con người đón nhận một Ngôi Vị chứ không phải là đón nhận một sự vật dù đó là một sự vật thiêng liêng, con người còn phải thay đổi lối sống của chính mình: “Anh em hãy loại ra khỏi anh em mọi thứ gay gắt, tức giận, nóng nảy, dức lác, chửi rủa, cùng mọi thứ độc ác. Anh em hãy ăn ở hiền hậu với nhau, hãy thương xót và tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Ðức Kitô. Vậy anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, như con cái rất yêu dấu của Người: hãy sống trong tình thương, như Ðức Kitô đã yêu thương chúng ta và phó Mình làm của dâng và lễ tế thơm tho ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa vì chúng ta”. Trong giao tiếp hàng ngày, con người gặp gỡ nhau trong tương quan nhân vị, dù chỉ là tương quan nhân vị, nhưng họ phải trân trọng và yêu thương, do đó, trong mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người, đó là một của gặp gỡ giữa một Ngôi Vị và một nhân vị, một Thiên Chúa và một tạo vật, vì thế, con người cần phải thay đổi chính mình từ lối tư duy, từ thái độ sống cho đến niềm tin của mình.

Hàng ngày, người tín hữu Kitô được tham dự Thánh lễ, trong đó họ được hiệp lễ với Thiên Chúa qua bí tích Thánh Thể, người tín hữu Kitô hiểu đó là một sự kết hợp giữa Thiên Chúa và con người, Thiên Chúa đi vào trong từng hạt máu, từng hơi thở của con người, giúp họ có thêm năng lượng để thay đổi niềm tin, thay đổi thái độ sống, cũng từ mối thông hiệp này, Thiên Chúa theo chân con người đi vào cuộc sống và chia sẻ với họ tất cả những khó khăn, những thất bại và bất hạnh. Dù được hướng dẫn là thế, nhưng chỉ vì niềm tin còn thiếu đi một chút sâu đậm của lòng mến, nên họ chỉ dừng lại và cho rằng việc hiệp lễ chỉ là đón nhận một sự vật thiêng liêng chứ chưa phải là đón nhận một Ngôi Vị. Vì thế, chán nản, thất vọng và nhiều lúc than trách Thiên Chúa sẽ là một vấn đề tất yếu.

Đức Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể để ở lại với con người, để chia sẻ những ưu tư lắng lo trong cuộc đời con người, Ngài hiện diện dù là thiêng liêng nhưng luôn trong tư cách là một Ngôi Vị, một Thiên Chúa cúi xuống với con người, chứ không chỉ là một sự vật thiêng liêng. Ngài ở đó với con người như một người Cha, một người BẠN, một người ANH, để đồng hành với con người trong hành trình đức tin và trong phận người. Do đó, câu chuyện cuộc đời tiên tri Ê-li-a và con người hôm nay được hiểu là một vấn nạn, khi thành công trong cuộc sống, họ đặt Thiên Chúa lên đỉnh đầu, khi thất bại, họ trách cứ và than phiền về Ngài. Thiên Chúa cứ mãi im lặng, Ngài chẳng lên tiếng, chắc phải có lý do chứ, niềm tin không chỉ là tuân giữ một số giới luật, không chỉ là dừng lại một số nghi thức thánh, nhưng cần có một chiều sâu nội tâm, tất cả như cộng góp lại, giúp con người bước vào một tương quan thánh, tương quan giữa Ngôi Vị Thiên Chúa và một tạo vật, chính tương quan đó mới thực sự giúp con người bình an và hạnh phúc.

Lạy Chúa,  dù có được ăn bánh no nê nhưng dân chúng vẫn chưa nhận ra bài học Ngài muốn họ hướng đến, đó là hãy tìm kiếm bánh trường sinh qua việc mở rộng trái tim và tâm hồn cho Thiên Chúa đi vào trong con người và cuộc đời của mình, xin giúp chúng con hiểu được ý nghĩa thánh thiêng đó, để thay đổi niềm tin, thay đổi tương quan giữa chúng con với Chúa dù mỗi ngày chúng con vẫn rước lễ. Chúa đã cúi xuống với con người, mong muốn đến và ở lại trong ngôi nhà tâm hồn và đồng hành trong hành trình đức tin với chúng con, xin giúp chúng con nhận ra chiều sâu của tình yêu cúi xuống đó, để chúng con đền đáp bằng sự thay đổi tích cực trong đời sống đạo, trong mỗi ơn gọi của chúng con. Amen.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...