Chúa Nhật XVII Thường Niên - Năm C

Chúa Nhật XVII Thường Niên - Năm C   Dẫn vào Thánh Lễ Anh chị em thân mến! Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật XVII năm C hôm nay Hội Thánh muốn tất cả con cái phải kiên
 

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật XVII năm C hôm nay Hội Thánh muốn tất cả con cái phải kiên tâm, bền chí cầu nguyện. Thật vậy, đoạn sách Sáng Thế Ký đã cho ta thấy: Ông Abraham cò cưa trả giá với Thiên Chúa về điều ông muốn xin. Còn Thánh Phaolô tông đồ khuyên nhủ dân thành Colôsê phải kiên nhẫn cầu nguyện vì Người đã ân xá mọi tội lỗi cho chúng ta. Chính vì thế mà bài đáp ca lập đi lập lại câu “Lạy Chúa, khi tôi kêu cầu, Chúa đã nhận lời tôi”

Lòng thương xót của Chúa sẵn sàng tha thứ cho người tội lỗi và sẵn sàng nghe lời cầu của con người. Vậy giờ đây chúng ta hãy thành tâm hối lỗi để tham dự Thánh Lễ.

Ca nhập lễ

Thiên Chúa ngự trong thánh điện của Người; Thiên Chúa tạo nhà cửa cho những kẻ bị bỏ rơi. Chính Người ban cho dân Người được quyền năng và mãnh lực.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là sức mạnh và là niềm trông cậy của chúng con không có Chúa chẳng có chi vững bền, chẳng có chi thánh thiện; xin mở lòng nhân hậu hướng dẫn chúng con để khi biết cách dùng những của cải chóng qua đời này, chúng con đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: St 18, 20-32

"Lạy Chúa, nếu con nói, xin Chúa đừng nổi giận".

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Chúa phán: "Tiếng kêu la của dân Sôđôma và Gômôra đã gia tăng, và tội lỗi chúng quá nặng nề! Ta sẽ xuống coi việc chúng làm có như tiếng kêu thấu đến tai Ta hay không, để Ta sẽ biết rõ".

Các vị ấy bỏ nơi đó, đi về hướng thành Sôđôma. Nhưng Abraham vẫn còn đứng trước mặt Chúa. Ông tiến lại gần Người và thưa: "Chớ thì Chúa sắp tiêu diệt người công chính cùng với kẻ tội lỗi sao? Nếu có năm mươi người công chính trong thành, họ cũng chết chung hay sao? Chúa không tha thứ cho cả thành vì năm chục người công chính đang ở trong đó sao? Xin Chúa đừng làm như vậy, đừng sát hại người công chính cùng với kẻ dữ! Xin đừng làm thế! Chúa phán xét thế giới, Chúa không xét đoán như thế đâu". Chúa phán cùng Abraham rằng: "Nếu Ta tìm thấy trong thành Sôđôma năm mươi người công chính, Ta sẽ vì họ mà tha thứ cho cả thành". Abraham thưa lại: "Dù con chỉ là tro bụi, con đã bắt đầu nói, nên con xin thưa cùng Chúa. Nếu trong số năm mươi người công chính đó còn thiếu năm người thì sao? Vì bốn mươi lăm người công chính, Chúa có tàn phá cả thành không?" Chúa phán: "Nếu Ta tìm thấy bốn mươi lăm người công chính, Ta sẽ không phá huỷ cả thành". Abraham lại thưa cùng Chúa rằng: "Nhưng nếu có bốn mươi người thì Chúa sẽ làm gì?" Chúa phán: "Ta sẽ vì bốn mươi người đó mà không trừng phạt cả thành". Abraham thưa: "Lạy Chúa, nếu con lên tiếng, xin Chúa đừng nổi giận. Nếu ở đây tìm được ba mươi người công chính thì sao?" Chúa phán: "Nếu Ta tìm được ba mươi người, Ta sẽ không phạt". Abraham nói: "Vì con đã trót nói thì con sẽ thưa cùng Chúa: Nếu trong thành tìm được hai mươi người công chính thì sao?" Chúa phán: "Vì hai mươi người đó Ta sẽ không tàn sát". Abraham thưa: "Lạy Chúa, xin đừng nổi giận, con chỉ xin thưa lần này nữa thôi: Nếu tìm được mười người công chính ở đó thì sao?" Chúa phán: "Vì mười người đó, Ta sẽ không tàn phá".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 137, 1-2a. 2bc-3. 6-7ab. 7c-8

Ðáp: Lạy Chúa, khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con (c. 3a).

Xướng: Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin: trước mặt các Thiên Thần, con đàn ca mừng Chúa; con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài. 

Xướng: Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con; Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh. 

Xướng: Quả thật Chúa cao cả và thương nhìn kẻ khiêm cung; còn người kiêu ngạo thì Ngài ngó tự đàng xa. Nếu con đi giữa cảnh gian truân, Chúa giữ gìn con sống; Chúa ra tay phản đối quân thù giận dữ.

Xướng: Tay hữu Chúa khiến con được sống an lành. Chúa sẽ hoàn tất cho con những điều đã khởi sự. Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời; xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Ngài.

Bài Ðọc II: Cl 2, 12-14

"Người đã khiến anh em chung sống với Người và tha thứ mọi tội lỗi".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôssê.

Anh em thân mến, nhờ phép rửa tội, anh em đã được mai táng làm một với Ðức Kitô, anh em cũng được sống lại với Người, bởi đã tin vào quyền năng Thiên Chúa, Ðấng đã cho Người từ cõi chết sống lại.

Anh em vốn đã chết vì tội lỗi anh em và bởi không cắt bì tính xác thịt của anh em, nhưng Thiên Chúa đã cho anh em được chung sống với Người, Người đã ân xá mọi tội lỗi chúng ta, đã huỷ bỏ bản văn tự bất lợi cho chúng ta, vì làm cho chúng ta bị kết án; Người đã huỷ bỏ bản văn tự đó bằng cách đóng đinh nó vào thập giá.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời, và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 11, 1-13

"Các ngươi hãy xin thì sẽ được".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi kia. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: "Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông". Người nói với các ông:

"Khi các con cầu nguyện, hãy nói: 'Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ'".

Và Người còn bảo các ông rằng: "Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: 'Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy'. Và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: 'Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được'. Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần.

"Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho.

"Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá, lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy, nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người".

Ðó là lời Chúa.

Lời Nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Cầu nguyện là một trong những sinh hoạt công giáo chính yếu và là linh hồn của đời sống Kitô hữu. Trong tin tưởng, chúng ta xin Chúa Thánh Thần đến giúp chúng ta biết cầu nguyện cho xứng đáng.

1. “Chớ gì Chúa sắp tiêu diệt người công chính cùng với kẻ tội lỗi sao"?.- Xin cho mọi Kitô hữu luôn biết vâng nghe và sốt sắng thi hành lời khuyên nhủ của các Mục tử trong Hội Thánh, để thánh hoá bản thân, gia đình và xã hội.

2. “Khi tôi kêu cầu Chúa đã nhậm lời tôi”.- Xin cho mọi người ý thức rằng: Việc cầu nguyện rất cần thiết cho đời sống đức tin của chúng ta, trong một thế giới đang mất dần niềm tin vào Thiên Chúa.

3. “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”- Xin cho những người quản lý lương thực khắp nơi, biết mở tấm lòng nhân ái rộng tay trợ giúp những người đang gặp cơn túng đói, được đủ cơm ăn áo mặc cần thiết.

4. “Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho”- Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết khiêm tốn, tin tưởng, bền chí chạy lại với Chúa trước mọi cơn gian nan khốn khó, để được Chúa giải quyết khỏi mọi khó khăn.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha nhân từ và khoan dung, xin củng cố niềm tin của chúng con, để hằng ngày chúng con biết sum họp bên nhau trước mặt Cha trong giờ kinh tôi gia đình, để Cha hiện diện, yêu thương và chúc phúc. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng lên những của lễ Chúa đã rộng ban cho chúng con; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và cho lễ tế này đem lại ân sủng dồi dào để chúng con được thánh hóa trong cuộc đời hiện tại và đạt tới hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin...

Ca hiệp lễ

Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con tham dự vào bí tích Thánh Thể, để chúng con đời đời tưởng nhớ Ðức Giêsu Con Một Chúa, đã chịu khổ hình và sống lại hiển vinh; xin cho bí tích tình yêu Người trối lại dẫn chúng con tới hưởng ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin...

Suy niệm

Suy niệm Chúa nhật 17 thường niên - năm C
Lm Pet. Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 11, 1-13)

 
Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi kia. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: "Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông". Người nói với các ông:
 
"Khi các con cầu nguyện, hãy nói: 'Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ'".
 
Và Người còn bảo các ông rằng: "Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: 'Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy'. Và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: 'Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được'. Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần.
 
"Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho.
 
"Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá, lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy, nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người".
 
Suy niệm
 
Hàng ngày, mỗi người ai cũng cần có những nhu cầu về ăn uống, để giúp cho thể xác phát triển và tồn tại, những nhu cầu đó có thể là thức ăn, có thể là đồ uống, có thể là giải trí, có thể là giao lưu với mọi người. Tất cả làm cho cơ thể được phát triển trong sự quân bình. Vậy thì đời sống tinh thần có cần đến những nhu cầu để mỗi người có thể làm mới những suy nghĩ, làm mới mọi công việc và đặc biệt là tìm thấy được giá trị của con người trong những suy nghĩ và những khoảng không gian yên tĩnh giúp cho họ quân bình về đời sống tinh thần, khi sống giữa một thế giới ồn ào và coi trọng về vật chất.
 
Từng bước đi theo Thầy, các môn đệ nhận thấy nơi con người của Thầy có một năng lượng thiêng liêng, chính nguồn năng lượng đó giúp Thầy luôn tìm những khoảng khắc để gặp gỡ Chúa Cha, để tìm thánh ý Ngài trước những biến cố cuộc đời. Những khoảng khắc chìm sâu trong thế giới tĩnh lặng đó được gọi là cuộc trò chuyện giữa Chúa Con với Cha của mình trên trời. Nhận thấy đó là một nhu cầu trong đời sống tinh thần, các môn đệ xin Thầy hướng dẫn cách trò chuyện đó, như là để tiếp nhận thêm năng lượng cho đời sống tinh thần và hơn nữa giúp cho họ phát triển quân bình trong vai trò là một người môn đệ của Đức Giêsu. Cũng từ những mong muốn đơn thành đó, Đức Giêsu đã hướng dẫn họ cách trò chuyện sao để đem lại giá trị thiêng liêng cho bản thân và đem về nhiều hoa trái cho tha nhân.
 
Chúng ta cùng trở lại với cuộc trò chuyện của tổ phụ Abraham với các Thiên Sứ khi họ mang theo sứ mạng tận diệt những thành phố tội lỗi. Cuộc trò chuyện đó như là một cuộc trao đổi, ngã giá và sâu xa hơn nữa là giúp tha nhân tránh được sự trừng phạt của Thiên Chúa. Tác giả sách Sáng thế ký kể lại cuộc trò chuyện đó thật nhẹ nhàng, không có tính hình thức, không mang nặng công thức, chỉ là những lời chân thành đến từ tình người, đến từ tình yêu thương giữa những kẻ tội lỗi với nhau. Trong cuộc trò chuyện đó, tổ phụ Abraham không xin gì cho mình hay cho gia đình, cũng không xin gì cho tương lai hay những nhu cầu về cuộc sống, ông chỉ cầu mong dân các thành đó được tai qua nạn khỏi trước những cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Cuộc ngã giá đã đến hồi kết và Thiên Chúa đã không thua lòng quảng đại của con người, sẵn sàng tha thứ tội chết, tiếc thay, trong các thành ấy, không có đủ số người, dù ít ỏi, để được hưởng sự khoan hồng của Thiên Chúa. “Chớ thì Chúa sắp tiêu diệt người công chính cùng với kẻ tội lỗi sao? Nếu có năm mươi người công chính trong thành, họ cũng chết chung hay sao? Chúa không tha thứ cho cả thành vì năm chục người công chính đang ở trong đó sao? Xin Chúa đừng làm như vậy, đừng sát hại người công chính cùng với kẻ dữ! Xin đừng làm thế! Chúa phán xét thế giới, Chúa không xét đoán như thế đâu”. Khi con người trò chuyện với Thiên Chúa và hướng về tha nhân, hướng về những tội nhân, chúng ta thấy Thiên Chúa đã động lòng trắc ẩn, thi thố tình thương với con người trước sự trăn trở của người công chính dành cho kẻ tội nhân. Đó cũng là lúc nội dung của cuộc trò chuyện được hiện thực hoá bằng tình thương và tình người. Chính lúc được hiện thực hoá như vậy, con người, dù tội lỗi, vẫn trở nên to lớn và có thể trò chuyện với Thiên Chúa như người con trò chuyện với người Cha đầy tình thương của mình.
 
Trên hành trình truyền giáo, thánh Phaolo đã tâm sự với con cái của Ngài tại thành Colose, nơi niềm tin của bao tín hữu đang bị thử thách và hơn nữa họ chưa nhận ra được giá trị của mầu nhiệm cứu độ. “Anh em vốn đã chết vì tội lỗi anh em và bởi không cắt bì tính xác thịt của anh em, nhưng Thiên Chúa đã cho anh em được chung sống với Người, Người đã ân xá mọi tội lỗi chúng ta, đã huỷ bỏ bản văn tự bất lợi cho chúng ta, vì làm cho chúng ta bị kết án; Người đã huỷ bỏ bản văn tự đó bằng cách đóng đinh nó vào thập giá”. Ngài khuyên bảo con cái của Ngài hãy cố gắng để tạ ơn Thiên Chúa mỗi ngày, tâm tình tạ ơn đó được biến thành tâm tình cầu nguyện. Hãy cầu nguyện liên lỉ để tạ ơn Thiên Chúa đã để Ngài tha thứ mọi tội lỗi, để Ngài luôn giữ gìn mỗi người và mọi người.
 
Trước những đòi hỏi của đời sống tinh thần, các môn đệ của Đức Giêsu đã xin Ngài hướng dẫn họ cầu nguyện, đặc biệt là giúp họ biết lúc nào phải cầu nguyện và sẽ cầu nguyện như thế nào để tâm hồn họ bình an, tình hiệp thông với Thiên Chúa và với tha nhân ngày một khắng khít hơn. Trước lời cầu xin chân thành đó, Đức Giêsu đã giúp họ cầu nguyện và hơn nữa, Ngài muốn hướng dẫn họ hãy bắt đầu từ mối tương quan của mình với Thiên Chúa, rồi sau đó là mối tương quan với tha nhân. Chắc chắn là các môn đệ đã hơn một lần cầu nguyện nhưng các ngài lúng túng vì chẳng biết nói gì và cầu xin gì, vì thế, các ông đã xin Thầy hướng dẫn. "Khi các con cầu nguyện, hãy nói: 'Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ'". Có thể nói cầu nguyện như là một nhu cầu của đời sống tâm linh, một thức ăn không thể thiếu của tâm hồn, của hành trình đức tin nơi mỗi người, thế nhưng, để lời cầu nguyện đó trở thành sức mạnh và dưỡng chất của tâm hồn, chúng ta được mời gọi tách khỏi thế giới ồn ào này, đi vào khoảng không tĩnh lặng, nơi đó, sự gắn kết giữa tâm hồn chúng ta với Thiên Chúa là một sự gắn kết thiêng liêng, một sự gắn kết giữa một đấng vô hình và một tạo vật đầy khiếm khuyết. Bên cạnh đó, sự ảnh hưởng từ cuộc sống bên ngoài đã làm tác động đến quan niệm về lời cầu nguyện và cung cách cầu nguyện của mỗi người. Trong một thế giới thực dụng và nặng màu sắc vật chất, yếu tố hiệu năng vẫn luôn được quan tâm, làm sao để lời cầu nguyện có hiệu quả, đem lại những giá trị thực trong cuộc sống của bản thân, làm sao để sau khi cầu nguyện, các nhu cầu về cuộc sống được thoả mãn, đem lại nhiều năng suất cho cuộc sống thể lý. Do bởi tác động như thế, việc cầu nguyện của người tín hữu hôm nay vẫn là một việc làm thiêng liêng xem ra rất khó, đòi hỏi họ phải làm việc nhiều hơn trong lúc cầu nguyện, sẽ cầu xin gì, cầu xin cho ai, cầu xin cho nhu cầu nào ở hiện tại của tôi, của gia đình, của con cái và tất cả những điều đó giúp tôi nổi trội hơn những người chung quanh. Theo sự hướng dẫn của Đức Giêsu, mỗi lúc cầu nguyện, chúng ta hãy bắt đầu bằng tâm tình chúc tụng và tri ân Chúa Cha, đấng đã yêu thương con người, cứu độ con người và hằng chăm sóc con người, thứ đến là lời cầu nguyện cho Giáo hội của Chúa, đó là gia đình Ngài đã thiết lập ở trần gian, để mọi người có thể sống chung với nhau trong tình hiệp thông, giúp nhau nên thánh trong ơn gọi của mình. Và sau đó là lời cầu nguyện cho tha nhân, cho họ được hiệp nhất với nhau, cho họ luôn biết cùng nhau xây dựng gia đình của Thiên Chúa là Giáo hội, những nhu cầu của bản thân được coi là phần thứ yếu trong nội dung lời cầu nguyện, bởi không có người cha nào cho con cái hòn đá khi chúng xin quả trứng, hoặc cho chúng con rắn khi chúng xin con cá.
 
Trong một xã hội thực dụng thế này, liệu rằng đời sống cầu nguyện có còn là một nhu cầu của người Kitô hữu nữa hay không? Họ chỉ đến với Thiên Chúa khi đau ốm, bệnh tật, hoặc khi gia đình hay bản thân cần sự bình yên và may mắn, họ cũng đến với Thiên Chúa khi gặp thất bại và khổ đau về thể xác và tinh thần. Nếu như thế, việc cầu nguyện chỉ còn là những lời van xin cho nhu cầu cuộc sống thể lý của con người, và tất cả những mối tương quan khác sẽ không còn được quan tâm, không còn được đưa vào nội dung của lời cầu nguyện nữa sao? Đức Giêsu trong lúc dạy các môn đệ cầu nguyện, Ngài muốn họ luôn luôn hướng về Chúa Cha, đấng luôn yêu thương con người, để tìm thánh ý của Cha trong mọi hoàn cảnh, mọi biến cố và mọi ơn gọi, rồi từ đó, mọi nhu cầu cuộc sống, Chúa Cha sẽ gởi đến cho mỗi người như là một sự chăm sóc ân cần của Ngài. Hơn nữa, Ngài còn muốn các môn đệ và chúng ta quan tâm đến tha nhân, đến anh chị em của mình, đặc biệt là những người bất hạnh và khổ đau về tinh thần lẫn thể xác. Họ đang đợi chờ nơi các môn đệ một lời cầu nguyện và một sự cảm thông.
 
Mỗi ơn gọi, dù đó là ơn gọi hôn nhân hay ơn gọi dâng hiến, việc cầu nguyện vẫn luôn được mời gọi thực hiện hàng ngày, từ lúc thức dậy cho đến lúc kết thúc một ngày sống, đặc biệt là khi tham dự Thánh lễ, thế nhưng, còn lại được bao người còn nhớ để cầu nguyện khi thức dậy, còn nhớ để cám ơn Thiên Chúa khi ngày sống kết thúc, nếu còn nhớ chắc cũng chỉ là cần thiết cho nhu cầu về công ăn việc làm, về tương lai có được thuận lợi trong đời sống dâng hiến hay không, một lúc nào đó, việc cầu nguyện của con người như đang chờ sự ban phát từ Thiên Chúa, còn con người thụ động đợi chờ. Nếu là vậy, việc cầu nguyện sẽ trở nên một dịp để con người được hưởng thụ, được nhận lại cho mình, chứ không hề có sự hy sinh hay cố gắng của bản thân, ngay cả trong đời sống dâng hiến, một ơn gọi luôn quan tâm đến việc cầu nguyện, thì cũng chẳng còn thời gian, chẳng còn đủ sự tĩnh lặng của tâm hồn để cầu nguyện với Thiên Chúa nữa, bởi công việc, bởi trách nhiệm và bởi nhu cầu công việc kiếm sống đã lôi cuốn họ vào vòng xoáy của cơm áo gạo tiền. Nếu là vậy, liệu cuộc sống con người hôm nay đang quên dần và mất luôn thói quen cầu nguyện với Thiên Chúa, dù họ biết đó là một nhu cầu tinh thần của con người, để con người có thể sống và sống dồi dào với ơn phúc Thiên Chúa tuôn đổ hàng ngày trong việc cầu nguyện.
 
Lạy Chúa, giữa một thế giới ồn ào và nhiều cám dỗ, chúng con chẳng biết sẽ cầu nguyện như thế nào, xin Chúa dạy chúng con cầu nguyện như thế nào và cầu nguyện lúc nào, để chúng con luôn được ở lại trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa Cha, Chúa cũng đã nêu gương cho các môn đệ, cho chúng con về việc cầu nguyện, xin giúp mỗi người chúng con cũng biết giúp nhau cầu nguyện, đặc biệt là nêu gương cho con cái, cho anh chị em chúng con trong việc cầu nguyện mỗi ngày. Chúa đã đón nhận thánh ý Chúa Cha trong mọi hoàn cảnh, mọi nỗi khổ đau, tất cả đều nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện, xin Chúa giúp chúng con luôn biết cầu nguyện để đón nhận thánh ý Chúa trong mọi biến cố cuộc đời, trong từ hoàn cảnh của gia đình và trong đời sống dâng hiến. Amen.

 

Lm Pet. Trần Bảo Ninh


Cầu nguyện
Sưu tầm

Giữa đêm khuya, một căn nhà ở nơi hẻo lánh bỗng bốc cháy. Trong cơn hoảng hốt, vợ chồng con cái đều thoát ra ngoài và bất lực đứng nhìn ngọn lửa. Rồi mọi người sực nhớ đứa con trai út mới lên năm vẫn còn bị kẹt trên gác. Phải làm gì đây? Không ai có thể đi vào được. Giữa lúc mọi người đang bấn loạn thì từ cánh cửa sổ trên gác, cậu bé thò đầu ra và kêu la thất thánh. Từ phía dưới, người cha nói với cậu: Con hãy nhảy xuống đi. Nhưng làm sao cậu bé dám làm theo lời cha, bởi vì nhìn xuống, cậu chỉ thấy khói và lửa. Cậu bé thốt lên trong tuyệt vọng: Làm sao con dám nhảy xuống vì không thấy ba. Thế nhưng người cha đã trấn an: Con không thấy ba nhưng ba thấy con. Con cứ nhảy xuống đi. Thế là với tất cả tin tưởng, cậu bé nhảy từ trên gác xuống và nằm gọn trong cánh tay của người cha.

Là con cái của Thiên Chúa, cho dầu chúng ta có rơi vào hoàn cảnh nào chăng nữa, chúng ta vẫn luôn rơi vào vòng tay của Thiên Chúa, đó là tất cả Tin Mừng Chúa Giêsu đã đem đến trong thế gian.

Thiên Chúa luôn yêu thương con người, dù con người không biết Ngài, dù con người có khước từ và phản bội tình yêu của Ngài, Ngài vẫn một mực yêu thương. Đó là tất cả những gì Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta qua cuộc sống của Ngài. Cách cư xử và cái chết của Ngài đã cho chúng ta thấy Thiên Chúa là Cha yêu thương chúng ta.

Đồng thời Chúa Giêsu cũng dạy cho chúng ta cách thức đáp trả tình yêu của Thiên Chúa, đó là hãy chu toàn thánh ý của Thiên Chúa. Lời kinh Lạy Cha Ngài để lại cho Giáo Hội chính là chương trình sống của Ngài, chính là tiếng xin vâng của Ngài đối với Chúa Cha. Từ sáng đến chiều, xuyên qua những giao tiếp và giảng dạy, Ngài luôn để lộ một cử chỉ duy nhất, đó là thuộc trọn về Chúa Cha, tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu của Chúa Cha. Để lại cho chúng ta kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu không chỉ truyền lại một công thức, mà là cả cuộc sống xin vâng của Ngài.

Do đó, cầu nguyện không có nghĩa là đọc lại một câu kinh, mà chính đi vào tâm tình và cuộc sống của Chúa Giêsu. Một người tín hữu luôn chu toàn thánh ý Thiên Chúa và luôn sống với hai chữ xin vâng hằng sẽ không ngừng kêu lên: Tôi đã cầu xin được khoẻ mạnh để làm những điều vĩ đại, thế nhưng Chúa lại ban cho tôi những bệnh tật để tôi làm những việc tốt hơn. Tôi đã xin giàu sang để được hạnh phúc, thế nhưng Chúa đã ban cho tôi sự nghèo khó để tôi được khôn ngoan hơn. Tôi đã không nhận được điều tôi kêu cầu, nhưng tôi nhận được niềm hy vọng. Những lời cầu xin mà tôi chưa từng thốt lên, tất cả đều được nhận lời. Bởi vì tất cả đều là hồng ân của Chúa.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...