Chúa Nhật XX Thường Niên – Năm C

“Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ”. (Lc 12, 49-53)

Chúa Nhật XX Thường Niên – Năm C


Lc 12, 49-53

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XX Thường Niên – Năm C

Ca nhập lễ

Lạy Chúa là khiên thuẫn của chúng tôi, xin hãy trông xem, hãy nhìn tới dung mạo người được Chúa tấn phong. Thực một ngày sống trong hành lang nhà Chúa, đáng quí hơn ngàn ngày ở nơi đâu khác.

Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến! “Thầy đến để đem lửa xuống thế gian”. Lửa đây chính là sứ mạng cứu độ của Chúa, là ngọn lửa tình yêu mà Người muốn dùng để thanh tẩy, đốt nóng và làm cho bừng cháy lên ơn cứu độ của Người. Và Người khắc khoải biết bao để “lửa ấy vẫn cháy mãi lên” thiêu hủy những cằn cỗi, thanh lọc những ô nhơ, làm ấm lại cõi lòng băng giá và soi sáng con người trên bước đường tìm kiếm sự thật. Chúa muốn ngọn lửa tình yêu mà Người đã từng đem đến trần gian mãi mãi được thắp sáng lên trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Người yêu thương ta như đối tượng của tình yêu Người, mặc dù chúng ta vô ơn, bội phản hay quay lưng lại với tình yêu đó. Người kêu gọi từng người chúng ta hãy tiếp nối sứ mạng đem lửa thắp sáng khắp thế giới, bằng chính cuộc sống chứng nhân của mỗi người trong mọi hoàn cảnh.

Giờ đây chúng ta hãy thành tâm để đón nhận ân sủng và bình an của Chúa Giêsu trong việc cử hành Mầu nhiệm Thánh này.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa dành muôn ân huệ thiêng liêng cho những người mến Chúa xin đổ tràn tình yêu nồng nhiệt xuống tâm hồn chúng con, giúp chúng con một niềm mến Chúa trong mọi sự và hơn mọi loài, hầu được hưởng gia nghiệp Chúa hứa, là gia nghiệp cao quý hơn những gì lòng người dám ước mong. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Gr 38, 4-6. 8-10

“Ngài đã sinh ra tôi làm người bất thuận sống trên vũ trụ”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Trong những ngày ấy, các thủ lãnh tâu vua rằng: “Chúng tôi xin bệ hạ cho lệnh giết người này, vì nó cố ý nói những lời làm lũng đoạn tinh thần chiến sĩ còn sống sót trong thành này và toàn dân. Thực sự tên này không tìm hoà bình cho dân, mà chỉ tìm tai hoạ”. Vua Sêđêcia phán rằng: “Ðấy nó ở trong tay các ngươi, vì nhà vua không thể từ chối các ngươi điều gì”. Họ liền bắt Giêrêmia và quăng xuống giếng của Melkia con Amêlec, giếng này ở trong sân khám đường, họ dùng dây thả Giêrêmia xuống giếng. Giếng không có nước, chỉ có bùn, nên ông Giêrêmia sa xuống bùn.

Abđêmêlech ra khỏi đền vua và đến tâu vua rằng: “Tâu bệ hạ, những người này chỉ toàn làm những điều ác đối với tiên tri Giêrêmia, họ ném ông xuống giếng cho chết đói dưới đó, vì trong thành hết bánh ăn”. Vậy vua truyền dạy Abđêmêlech người Êthiôpi rằng: “Hãy đem ba mươi người ở đây theo ngươi, và kéo tiên tri Giêrêmia ra khỏi giếng trước khi ông chết”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 39, 2. 3. 4. 18

Ðáp: Lạy Chúa, xin cấp tốc trợ phù con (c. 14b).

Xướng: Tôi đã cậy trông, tôi đã cậy trông ở Chúa, Người đã nghiêng mình về bên tôi, và Người đã nghe tiếng tôi kêu cầu.

Xướng: Người đã kéo tôi ra khỏi hố diệt vong, khỏi chỗ bùn nhơ; Người đã đặt chân tôi trên đá cứng, và đã làm vững bước chân tôi. 

Xướng: Và Người đã đặt trong miệng tôi một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta; nhiều người đã chứng kiến và tôn sợ, và họ sẽ cậy trông vào Chúa. 

Xướng: Phần con, khốn khổ cơ bần, nhưng mà có Chúa ân cần chăm nom. Người là Ðấng phù trợ và giải thoát con, ôi lạy Chúa, xin Ngài đừng chậm trễ. 

Bài Ðọc II: Dt 12, 1-4

“Chúng ta hãy kiên quyết xông ra chiến trận đang chờ đợi ta”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, cả chúng ta, chúng ta cũng có một đoàn thể chứng nhân đông đảo như đám mây bao quanh, chúng ta hãy trút bỏ tất cả những gì làm cho chúng ta nặng nề và tội lỗi bao quanh chúng ta. Chúng ta hãy cương quyết xông pha chiến trận đang chờ đợi ta. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Ðức Giêsu, Ðấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn, và rồi lên ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. Anh em hãy tưởng nghĩ đến Ðấng đã liều thân chịu cuộc tấn công dữ dội của những người tội lỗi vào chính con người của Ngài, ngõ hầu anh em khỏi mỏi mệt mà thất vọng. Vì chưng, trong khi chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa đến nỗi phải đổ máu.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 8, 12

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 12, 49-53

“Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Đã hơn hai ngàn năm qua Đức Kitô đã đem Tin Mừng đến cho nhân loại, bằng chính lửa tình yêu qua cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người hầu biến đổi bộ mặt địa cầu, dù gặp rất nhiều những chống đối, nhưng Người đã thắng thế gian. Với lòng tôn kính tin tưởng chúng ta dâng lời cầu xin.

1. “Đối với tiên tri Giêrêmia, họ ném ông xuống giếng cho chết”– Xin cho Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, các Linh mục được sự khôn ngoan và sức mạnh, để các ngài luôn bình tĩnh, dũng cảm chấp nhận mọi nghịch cảnh và cả cái chết vì thi hành nhiệm vụ hướng dẫn đoàn chiên.

2. “Chúng ta hãy kiên quyết xông ra chiến trận đang chờ đợi ta”- Xin cho các Kitô hữu ý thức được bổn phận của những người con, đã được thánh hiến qua Bí tích Rửa Tội, là phải làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa là Cha mà tôn thờ yêu mến và suy phục.

3. “Thầy không đến đem bình an, nhưng đem chia rẽ”.- Xin cho những người đang trên đường tìm về Chân Lý được ơn dũng mạnh, để họ sẵn sàng chấp nhận những đối kháng, thù nghịch của cả những người thân.

4. “Thầy mong muốn biết bao cho lửa ấy cháy lên”– Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta, luôn được lòng sốt mến và hăng say lo việc tìm kiếm Nước Trời.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin cho lửa tình yêu mà Chúa đem xuống thế gian bùng cháy nơi mỗi người chúng con, để chúng con luôn khắc khoải cứu rỗi muôn người như Chúa. Nhờ đó, chúng con biết tận dụng mọi cơ hội, để mưu tìm phần rỗi cho các linh hồn. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận lễ vật của chúng con và thực hiện cuộc trao đổi kỳ diệu trong thánh lễ này: là cho chúng con được đón nhận chính Chúa khi chúng con dâng tiến của lễ do Chúa tặng ban. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban bí tích Thánh Thể cho chúng con được tham dự vào sự sống của Ðức Kitô; xin cho chúng con được trở nên giống như Người, để mai sau được vào thiên quốc cùng Người chung hưởng phúc vinh quang. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

Rước lễ

Có một cô sinh viên, được đặc ân mỗi tuần mang Mình Thánh Chúa đến cho một cụ già sống lẻ loi và cô quạnh. Cô sinh viên đã kể lại như thế này: Sau khi tới nơi, tôi ngồi xuống cạnh cụ, đọc lại bài Phúc Âm ngày Chúa nhật cho cụ nghe, rồi bàn bạc trao đổi với cụ về một vài điểm mà đoạn Phúc Âm ấy đã gợi lên. Tiếp đến là giây phút cụ trông đợi cả tuần lễ. Tôi và cụ cùng nhau đọc kinh Lạy Cha. Rồi tôi giờ Mình Thánh lên và nói với cụ: Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian, phúc cho ai được mời tới dự tiệc Con Thiên Chúa. Và cụ đáp lại: Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh. Đoạn tôi trao Mình Thánh cho cụ. Sau một vài phút thinh lặng, tôi giúp cụ cầu nguyện: Lạy Chúa, ước gì Mình Thánh Chúa mà cụ vừa lãnh nhận, mang lại cho cụ sức khoẻ phần hồn cũng như phần xác. Xin Chúa giải thoát cụ khỏi mọi khổ đau và bệnh tật, xin hãy dùng sức mạnh của Chúa mà nâng đỡ, chở che để cụ cũng sẽ được phục sinh trong cuộc sống mới vào ngày sau hết. Sau đó, hai người ngồi nói chuyện một lúc rồi tôi tạm biệt và hứa sẽ cầu nguyện cho nhau và hẹn gặp lại vào Chúa nhật tuần tới.

Câu chuyện đơn sơ trên cho chúng ta thấy loại đức tin mà Chúa Giêsu muốn chúng ta có như lời Ngài đã nói qua đoạn Phúc Âm sáng hôm nay: Ta là bánh Hằng Sống từ trời xuống. Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống Máu Ta thì kẻ ấy sống trong Ta và Ta sống trong kẻ ấy. Cụ già và cô sinh viên đều chứng tỏ đức tin của họ vào lời nói ấy của Chúa, bằng cách trao ban cũng như nhận lãnh Mình Thánh Chúa Giêsu, bằng cách cùng cầu nguyện chung với nhau.

Và như thế, việc rước lễ phải là một cảm nghiệm của đức tin, được thực hiện kèm theo lời cầu nguyện. Lúc rước lễ là như một viên kim cương. Còn thời gian trước và sau rước lễ là như một sợi dây vàng. Tự bản tính, viên kim cương vốn đã xinh đẹp, nhưng nó sẽ trở nên vô cùng đẹp đẽ hơn nếu được gắn vào giữa sợi dây vàng và trở thành trung tâm điểm. Cũng thế, tự bản tính việc rước lễ là một cảm nghiệm tuyệt đẹp, nhưng nó sẽ trở nên vô cùng tốt đẹp nếu được kèm theo những tâm tình cầu nguyện. Vậy chúng ta đã cầu nguyện thế nào trước và sau khi rước lễ? Tâm hồn chúng ta nghĩ gì khi tiến lên bàn thánh Chúa. Chúng ta có tâm sự với Chúa như với người bạn thân hay không? Chúng ta có biết cảm tạ Ngài, xin Ngài tha thứ và hướng dẫn chúng ta trên vạn nẻo đường đời?

Điểm thứ hai câu chuyện trên cho thấy đó là thứ tình thương Chúa muốn chúng ta phải có với tư cách là những Kitô hữu. Thực vậy, tình thương giữa cụ già và cô sinh viên là loại tình thương mà mỗi người chúng ta cần phải cố gắng vun trồng cho nhau. Và bí tích Thánh Thể chính là một phương tiện giúp chúng ta sống gắn bó mật thiết với nhau hơn như lời thánh Phaolô đã viết: Mặc dù chúng ta tuy nhiều, nhưng cùng chia sẻ một tấm bánh và làm nên một thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô. Vậy việc rước lễ có làm cho đời sống chúng ta dồi dào tình thương mến, nhất là đối với những người khổ đau và bất hạnh hay không? Nói cách khác, việc rước lễ có lôi kéo chúng ta đến gần Chúa và đến gần nhau hay không?
 

CHÚA NHẬT 19C THƯỜNG NIÊN – 2001
(Lc. 12:49-53) Lm Lã Mộng Thường

Lời Phúc Âm vừa được công bố đã khiến chúng ta ai nấy đều cảm thấy ngỡ ngàng bởi xưa nay chúng ta thường được nghe giảng dạy rằng Đức Giêsu đến đem bình an cho mọi người. Ngài là Thiên Chúa của sự an bình. Dĩ nhiên, nơi cuộc đời trần ai vất vả, lắm nỗi nguy nan khốn khó, chúng ta vẫn thường cầu xin Chúa ban cho sự an bình chẳng những nơi tâm hồn mà cả cuộc đời. Phúc Âm Luca cũng ghi lại khi Đức Giêsu được sinh ra, “Các thiên thần cùng đoàn lũ cơ binh trên trời ngợi khen Thiên Chúa rằng: Vinh quang Thiên Chúa trên trời và dưới đất bình an cho kẻ người thương” (Lc. 2:14).

Tuy nhiên, qua Phúc Âm Luca, Đức Giêsu rõ ràng tuyên bố chẳng những với các môn đồ mà còn cả với chúng ta, “Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ”. Thực ra, nơi cuộc sống thế trần, Đức Giêsu không đem đến sự chia rẽ thì cũng đã chia rẽ từ muôn thuở bởi không những thân xác, hình thức bên ngoài mà ngay cả tâm tính không ai giống ai; đâu có người nào chịu chấp nhận xuôi theo lề lối hoặc ý nghĩ của người khác.

Tự xét nơi cõi lòng, mỗi người chúng ta đều là một quan tòa theo ý riêng, xét xử luyên thuyên và phê bình tất cả mọi người chung quanh bởi họ đã vô tình hay hữu ý có thái độ hoặc thực hiện những công việc không hợp hoặc không theo khuôn mẫu hạn hẹp riêng của mình. Cũng có thể bởi nếu không lên tiếng nói nọ kia thì không ai biết mình quan trọng nên chúng ta cần họ để ý đến mình chăng; thế nên chúng ta cần tỏ cho họ biết ít nhất mình đang hiện diện nơi cõi trần gian này. Cổ nhân chúng ta để lại câu ngạn ngữ, “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Bể Đông tức là biển Thái Bình, ôm dọc theo bờ biển Việt Nam. Từ ngàn xưa tới nay, bể Đông vẫn đầy nước; tất nhiên chưa ai có thể tát cạn… Như vậy, vẫn chưa có cặp vợ chồng nào thuận nhau. Gia đình vẫn lâm vào cảnh Phúc Âm đề cập tới, cha mẹ, con cái chống nhau, nhất là nàng dâu và mẹ chồng thì ai cũng rõ. Sự thể chống đối hiển nhiên đã như thế tại sao Đức Giêsu lại đề cập đến nơi Phúc Âm. Sự chia rẽ, chống đối theo phương diện nào đối với những kẻ tin theo Ngài.

Chúng ta đã nhiều lần nghe hay đọc những câu Phúc Âm, “Kẻ yêu cha mẹ hơn Ta không đáng là môn đệ Ta”, hoặc, “Nếu mắt các con nên cớ vấp phạm cho các con thì hãy móc mà quăng nó đi”; nếu tay các con nên cớ vấp phạm cho các con thì hãy chặt mà quăng nó đi… nhưng đâu có ai thực hiện theo nghĩa đen. Đại ý những câu Phúc Âm này dùng cha mẹ, con cái, mắt, tay để ám chỉ về quan niệm, chiều hướng suy tư bình thường thế tục không thể dùng để am hiểu Phúc Âm. Chúng ta cần dứt bỏ mọi quan niệm quen dùng để nhận định về sự việc cuộc đời hầu có một tâm hồn mở rộng, không bị lệ thuộc hay ràng buộc hoặc ám ảnh bởi lối suy tư thường tình thì mới có thể nghiệm chứng Lời Chúa nơi Phúc Âm.

Bởi vậy, sự đối nghịch, chia rẽ mà Phúc Âm nói tới ở ngay nơi tâm tư mỗi người khi đem so sánh với những sự khôn ngoan của Lời Chúa được giãi bày qua những lời dạy dỗ của Đức Giêsu. Chẳng hạn xưa nay chúng ta đã được dạy theo lối ám định qua câu nói, “Thiên Chúa ngự trị trên chín tầng trời, vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời” nhưng chúng ta đã vô tình hiểu theo sự tưởng tượng về một nơi chốn nào đó cao vời, xa xôi không ai biết được, trong khi Phúc Âm thánh Gioan được viết, “Nhưng giờ đã đến - và chính là lúc này đây - những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Gn. 4:23).

Như vậy, sự thể đã rõ ràng, bất cứ ai tin nơi Đức Giêsu đều cần và phải để ý suy nghiệm những lời giảng dạy của Ngài được ghi lại nơi Phúc Âm. Kẻ nào nói hay nghĩ rằng mình tin vào Đức Giêsu mà không suy nghiệm Phúc Âm đều là những người hoặc là không tin gì hết hoặc là tôn thờ ngẫu tượng bởi họ không cần biết họ tin gì. Sự chia rẽ, đối nghịch phát sinh từ sự khác biệt giữa lời dạy của Đức Giêsu nơi Phúc Âm và quan niệm thế tục, hữu vi thường tình chúng ta đã quá quen thuộc nơi cuộc sống.

Nhận định như thế, bài Phúc Âm hôm nay khuyến khích và thách đố mỗi người chúng ta tự đặt lại vấn đề về đức tin, niềm tin, cũng như thái độ, sự thực hiện đức tin của chúng ta đối với những lời giảng dạy của Đức Giêsu nơi Phúc Âm. Chúng ta tuyên xưng, chấp nhận, và nghĩ rằng Đức Giêsu cũng như những lời giảng dạy của Ngài là đường, là sự thật, và là sự sống… vậy thái độ của chúng ta thế nào đối với những lời dạy của Ngài? Chúng ta có bao giờ tự hỏi Đức Giêsu dạy chúng ta những gì không? Chúng ta có bao giờ lật Phúc Âm để nhận ra sự thật Ngài dạy không? Lời dạy của Ngài là đường vậy con đường này dẫn chúng ta tới đâu? Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết về Thiên Chúa như thế nào? Ngài mang đến Tin Mừng Nước Trời, Tin Mừng Cứu Độ, vậy Tin Mừng Nước Trời là gì? Ngài nói thế nào về Tin Mừng nơi Phúc Âm? Đức Giêsu dạy chúng ta về đức tin hay lòng tin như thế nào? Tại sao hoặc ý nghĩa thế nào khi Phúc Âm ghi lại câu nói của Đức Giêsu, “Những ai nghe và học nơi Cha thì sẽ đến với Ta?” Phỏng nghe và học nơi Thiên Chúa có nghĩa mở rộng lòng suy nghiệm những lời dạy của Đức Giêsu nơi Phúc Âm?

Hôm nay, chúng ta cùng với ca đoàn Sao Mai mừng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời. Chúng ta cùng hiệp lòng dâng lên những lời cảm tạ vì Chúa đã ban cho chúng ta một hồng ân đặc biệt đó là các công sức và những cố gắng mà các thành viên của ca đoàn đã đóng góp cho cộng đồng để có lời ca, tiếng nhạc giúp chúng ta ca tụng Thiên Chúa và Đức Mẹ. Ai cũng nhận biết rõ một điều đó là chúng ta chỉ bị phiền hà vì những điều tốt lành chúng ta thực hiện với lòng chân thành. Lẽ tất nhiên, sự việc nào cũng tự hàm chứa ít nhất hai phương diện hay động lực đối nghịch, thuận lòng người này thì lại phiền tâm trí người khác. Dẫu chúng ta đã quá quen thuộc với câu ca dao, “Ở sao cho vừa lòng người”, nhưng chúng ta thường có những ước mơ muốn người khác hoàn thành những gì chính mình thiếu sót, thế nên hát nhiều khi phát sinh hỏng để thuận câu nói hát hỏng. Bởi đó, nhân ngày ca đoàn mừng lễ quan thày, chúng ta thành tâm khẩn cầu cùng Chúa trả công bội hậu cho quý anh chị em thành viên của ca đoàn đồng thời chúng ta cũng cầu xin Chúa và Đức Mẹ soi sáng, tăng thêm năng lực cho quý anh chị em trong công việc giúp cộng đồng tôn thờ Thiên Chúa. Amen.


HIỆP SỐNG TIN MỪNG

LM ĐAN VINH - HHTM

CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN C

(Gr 38, 4-10; Dt 12, 1-4; Lc 12, 49-53)

CỘNG TÁC LÀM BÙNG CHÁY NGỌN LỬA TIN YÊU TRONG MỌI NGƯỜI

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 12, 49-53

(49) Thầy đã đến ném Lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi Lửa ấy đã bùng lên! (50) Thầy còn một phép Rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (51) Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo anh em biết: Không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. (52) Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau: ba chống lại hai, hai chống lại ba. (53) Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng”.

2. Ý CHÍNH:

- SỨ VỤ CỦA ĐỨC GIÊ-SU: là đem Lửa xuống trần gian và ước mong cho ngọn Lửa đó bùng cháy lên trong lòng mọi người. Sứ vụ của Đức Giê-su là còn phải chịu một phép Rửa là trải qua cuộc Tử Nạn và Phục Sinh để ban ơn cứu độ cho lòai người.

- NHỮNG ĐÒI HỎI ĐỐI VỚI MÔN ĐỆ: Đức Giê-su đòi môn đệ hãy chia sẻ sự đau khổ Người sắp phải chịu. Vì thực tế sẽ có sự chia rẽ: trong cùng một nhà có những người tin Chúa và có kẻ không tin. Nhưng ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu độ.

3. CHÚ THÍCH:

- C 49-50: + Thầy đã đến ném Lửa vào mặt đất: Trong Thánh kinh, Lửa biểu tượng sự phán xét của Thiên Chúa, nhất là trong ngày tận thế, để thiêu hủy trừng phạt những kẻ gian ác và thanh luyện số ít người trung tín còn sót lại (x. Lv 10, 2; Lc 3, 9). Lửa cũng là biểu tượng của Thần Khí Thiên Chúa, hâm nóng lòng hai môn đệ làng Em-mau, khi họ cùng đi đường đàm đạo với Chúa Phục Sinh (x. Lc 24, 32). Lửa Thần Khí cũng đậu xuống trên các Tông đồ để thánh hóa các ông vào lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2, 3-19). Lửa còn ám chỉ những đau khổ mà Đức Giê-su phải chịu để thanh luyện con cái Ít-ra-en giống như vàng được thanh luyện trong lửa để nên tinh ròng (x. Mc 13, 1-4; Is 1, 25). + Thầy những ước mong phải chi Lửa ấy đã bùng lên: Đức Giê-su mong ước ban Lửa Thần Khí cứu độ cho thế gian. Đó là nhiệm vụ duy nhất của Người. + Thầy còn một phép Rửa phải chịu: Phép Rửa là sự dìm mình dưới mặt nước. Thời Giáo hội sơ khai người chịu phép Rửa phải được nhận chìm toàn thân trong một hồ nước và sau đó trồi lên. Phép Rửa này tượng trưng cho sự chết của Đức Giê-su: Người cũng chịu chết và được an táng trong lòng đất, rồi ngày thứ ba sẽ trỗi dậy trong vinh quang. + Lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất: Đức Giê-su thao thức chu toàn sứ vụ được Chúa Cha trao phó là phải trải qua cuộc Tử nạn và Phục sinh để ban ơn cứu độ cho loài người.

- C 51-53: + Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao?: Hòa bình hay bình an (Shalom) là mức sung mãn của sự sống, là quà tặng tuyệt vời của Đấng Mê-si-a (x. Is 9, 5-6; Lc 1, 79). + Không phải thế đâu: Thứ bình an Chúa ban không phải là thứ bình an dễ dãi nơi trần gian, như Người đã nói: “Thầy ban bình an của Thầy không như thế gian ban tặng” (Ga 14, 27). Cũng không phải là thứ “bình an vô sự” mà các ngôn sứ giả đã mơ tưởng (x. Gr 6, 16; Ed 13, 10.16). + Nhưng là đem sự chia rẽ: Đứng trước Đức Giê-su, người ta phải dứt khoát lựa chọn: Tin theo Chúa hay chống lại Người. Sự lựa chọn này là nguyên nhân gây ra chia rẽ ngay trong nội bộ mỗi gia đình. + Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai...: Theo lời các ngôn sứ thì sự chia rẽ là một đặc điểm của thời kỳ sau hết (x. Mk 7, 6; Ml 3, 24). Vào thời Giáo hội sơ khai, các tín hữu chỉ là một thiểu số ở giữa một thế giới ngoại giáo lớn lao. Họ luôn bị giằng co giữa tin hay không tin, chọn Chúa hay chọn thế gian. Đức Giê-su đòi những ai tin Người phải sẵn sàng vượt lên trên tình cảm gia đình ruột thịt để dứt khóat chọn Chúa và dấn bước đi theo Người (x. Lc 14, 26; 18, 29-30).

4. CÂU HỎI: 1) Theo Thánh kinh, Lửa là biểu tượng cho điều gì? 2) Phép Rửa mà Đức Giê-su sắp phải chịu ám chỉ sự kiện nào? 3) Bình an mà Đức Giê-su ban khác với bình an của thế gian ra sao? 4) Tại sao Đức Giê-su lại đến đem sự chia rẽ cho các gia đình thay vì lẽ ra phải đem sự bình an?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Thầy đã đến ném Lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi Lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12, 49).

2. CÂU CHUYỆN:

1) THẮP SÁNG NGỌN LỬA TIN YÊU TRONG LÒNG MỖI NGƯỜI:

Một hôm, Mẹ Tê-rê-sa ghé thăm một người đàn ông đang sống trong một túp lều tồi tàn, lụp xụp. Bên trong căn lều là cả một bãi rác: Mùng mền, chăn chiếu, quần áo hỗn độn, rách nát và hôi hám. Mọi đồ đạc trong lều đều được che phủ bằng một lớp bụi dầy. Ông sống cô độc và không chịu lui tới với ai nên ông cũng đã bị mọi người chung quanh xa lánh. Mẹ Tê-rê-sa và các chị nữ tu đã vào trong lều và lên tiếng chào hỏi, nhưng ông làm thinh không đáp lại. Thấy căn lều hỗn độn và bụi bặm, các chị đã xin phép ông được dọn dẹp, nhưng ông cũng chẳng trả lời. Mặc kệ ! Các chị cứ bắt tay vào việc dọn dẹp, xếp đặt, lau chùi. Thấy trong góc lều có một cây đèn dầu, mẹ Tê-rê-sa đã lấy ra lau chùi. Khi lớp bụi được chùi sạch, mẹ đã kêu lên:

- Ồ, cây đèn đẹp quá!

 Ông lão bỗng lên tiếng:

- Đó là cây đèn tôi đã tặng vợ tôi nhân dịp đám cưới. Mẹ hỏi:

- Ông không bao giờ thắp đèn lên sao?

- Không, từ khi vợ tôi qua đời, tôi không bao giờ thắp đèn cả.

- Thế ông có muốn chúng tôi tới thăm ông mỗi ngày và thắp đèn lên cho ông không? Thấy các nữ tu tử tế, ông đồng ý.

Từ đó, mỗi chiều các chị nữ tu đều ghé thăm, truyện trò và thắp đèn lên cho ông. Dần dà, ông trở nên vui vẻ yêu đời hơn. Ông bắt đầu nói chuyện cởi mở với các nữ tu và khi được khuyến khích, ông cũng đã đi lại thăm viếng các nhà hàng xóm. Mọi người khác cũng bắt đầu đến thăm ông. Căn lều hiu quạnh của ông lão giờ đã trở nên ấm áp hơn. Trước kia, căn lều tăm tối không những vì ông không thắp đèn, mà còn vì ngọn lửa trong tim ông đã lịm tắt nên ông không nghĩ đến việc phải thắp sáng nó lên. Nay căn lều đã bừng lên niềm vui không phải do ánh sáng của ngọn đèn dầu, mà do ánh sáng tin yêu trong trái tim ông đã bùng cháy trở lại. Trước kia ông tỏ ra thù ghét xa lánh mọi người là do ánh lửa trong trái tim đã tàn lụi. Nay nhờ các nữ tu nhen nhúm, ngọn lửa tin yêu ấy lại bùng lên. Ông đã biết nghĩ đến người khác và đến thăm nhà hàng xóm, và ông cũng được mọi người chung quanh đến thăm và giúp đỡ ông.

2) LỄ MỪNG NGÂN KHÁNH MANG LẠI HIỆU QUẢ THIẾT THỰC:

Tại một giáo xứ kia, sắp đến ngày mừng ngân khánh kỷ niệm 25 năm thụ phong linh mục của cha sở. Giáo dân trong xứ đã âm thầm mở một cuộc lạc quyên để có tiền tổ chức liên hoan và biếu cha tiền vé máy bay và các chi phí khác cho một tháng nghỉ hè sắp tới của cha. Biết được ý định của giáo dân, cha sở đã phát biểu như sau: “Anh chị em thân mến. Tôi biết anh chị em lúc nào cũng quảng đại đối với tôi. Anh chị em đã dâng cúng tiền của để chi phí các khỏan sinh hoạt cho nhà thờ và cho tôi. Hiện nay tôi biết anh chị em đang quyên góp để cho tôi phương tiện đi nghỉ hè nhân dịp kỷ niệm 25 năm thụ phong linh mục của tôi. Tôi xin cám ơn lòng tốt của anh chị em. Nhân dịp này tôi xin chia sẻ với anh chị em nguyện ước tha thiết nhất trong cuộc đời linh mục của tôi là: làm thế nào để đưa được nhiều người về làm con Thiên Chúa; Làm thế nào để những anh chị em công giáo siêng năng đến nhà thờ tham dự các thánh lễ Chúa nhật. Vậy nguyện vọng của tôi nhân dịp mừng ngân khánh linh mục không phải là tiền bạc vật chất, nhưng là làm sao có được 25 người quay về với Chúa. Cộng đoàn giáo xứ hiểu ý cha sở, nên trong ngày mừng ngân khánh linh mục của cha, họ đã chọn 25 người có quá khứ tội lỗi xếp hàng vào đoàn dâng lễ vật hôm ấy. Những người này mặc quần áo trắng khi lên dâng lễ trên bàn thờ. Trong phần Lời nguyện Cộng đoàn, họ cũng nêu lên quyết tâm sẽ đi theo Chúa tới cùng và xin Chúa giúp họ từ bỏ những thói hư tật xấu như rượu chè, bài bạc...

3) NGỌN LỬA NHIỆT TÌNH TIN YÊU CHÚA CỦA Ô-DA-NAM:

Vào năm 1843, khi Thủ đô Paris nước Pháp đang xáo trộn do cuộc cách mạng. Đạo Công giáo bị đe dọa, nhiều cơ sở tôn giáo bị cướp phá. Năm ấy Ô-da-nam (Ozanam) đang học ngành luật. Dầu mới chỉ là một thanh niên 17 tuổi, nhưng Ô-da-nam đã can đảm dùng ngòi bút và việc làm để bênh đỡ Hội Thánh đang gặp nguy nan. Cậu năng đọc Kinh Thánh, năng đến nhà thờ dự thánh lễ và rước lễ mỗi ngày. Cậu được thụ huấn với một vị giáo sư nổi tiếng là Ampère về mặt học thức cũng như về mặt đạo đức. Cậu mạnh mẽ phục vụ Hội Thánh. Cùng với Ô-da-nam, các sinh viên trước kia rụt rè lo sợ bao nhiêu thì nay lại nhiệt thành và hăng say bấy nhiêu. Các vị giáo sư trong trường đều phải kiêng nể. Cậu tổ chức những buổi diễn thuyết, những cuộc nói chuyện làm sống lại một bầu khí đạo đức trong nhà trường. Về phía dân chúng, cậu đã cùng 6 anh em khác thành lập hội Bác ái Vinh sơn, để thăm viếng chia sẻ bác ái cho những người nghèo khổ bệnh tật. Năm 18 tuổi, cậu cùng các bạn trong hội đã thề hứa: Nhất quyết hy sinh và sẵn sàng hiến cả mạng sống cho người nghèo. Ô-da-nam đã trở nên một ngọn lửa hồng rực sáng của Đức Ki-tô. Hội Thánh hôm nay cũng rất cần những tín hữu nhiệt thành yêu mến và phục vụ Chúa nơi tha nhân giống như Ô-da-nam.

4) TÌNH YÊU ĐÃ CHIẾN THẮNG SỰ CHẾT:

Thánh nữ PÉC-PÊ-TU-A (Perpetua) là con của một gia đình quí tộc, nhưng đã bị bắt vì tin theo đạo công giáo. Cha của cô là người lương đã đến nhà tù thuyết phục con gái bỏ đạo. Bấy giờ cô liền chỉ tay vào chiếc bình hoa và lễ phép thưa với cha: ”Thưa cha, người ta có thể gọi vật này  bằng một cái tên khác với tên là cái bình không? Đối với con cũng thế, con không thể cho mình một cái tên nào khác ngoài tên là người tín hữu Ki-tô”. Tức quá, ông bố đã đánh đập cô tàn nhẫn, rồi bỏ đi không còn lui tới thăm viếng cô nữa. Perpetua có một con nhỏ đang còn bú mẹ, nên cô cảm thấy rất đau khổ khi phải xa con. Đứa bé bị đói lả được người nhà mang vào nhà tù xin lính canh để cô cho con bú. Họ hy vọng cô sẽ bỏ đạo để được tha về nhà với con, nhưng cô vẫn kiên quyết trung thành với Chúa.

Khi biết con gái sắp bị kết án tử hình, người cha lại đến khuyên con: ”Con ơi, hãy thương đến mái tóc bạc của cha, hãy nhớ đến đôi tay cha đã dưỡng nuôi con. Hãy nhớ tới mẹ con, anh em con  và nhất là thương đến đứa con bé bỏng của con. Nó làm sao sống được nếu không có mẹ bên cạnh. Con hãy bỏ đạo đi, bỏ đi cái đạo đã làm cho gia đình nhà ta phải ly tán đau khổ!”.

Tuy rất cảm động, nhưng Perpetua chỉ biết nghẹn ngào trả lời cha: ”Thưa cha, chúng ta hãy cứ để cho quan tòa xét xử, bởi vì con đã tín thác mạng sống của con trong tay Chúa”. Hôm ra tòa, cùng với các bạn, do lửa tin yêu thôi thúc Perpetua đã can đảm tuyên xưng đức tin và sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho Chúa.

Còn chúng ta hôm nay khi phải lựa chọn, chúng ta sẽ chọn Chúa hay chọn tình cảm gia đình, hay chọn theo các đam mê xác thịt, của cải hay chức quyền trần gian?

3. SUY NIỆM:

Đức Giê-su được Thiên Chúa sai đến trần gian với sứ vụ ban ơn cứu độ cho loài người. Tin mừng hôm nay cho thấy: Để thi hành sứ vụ Thiên Sai ấy, Người luôn thao thức đi theo ơn soi dẫn của Thánh Thần và vâng phục thánh ý Chúa Cha. Người cũng muốn các môn đệ và các tín hữu hôm nay tích cực cộng tác vào sứ vụ cứu độ này.

1) SỨ VỤ CỦA ĐỨC GIÊ-SU:

Đức Giê-su đem Lửa xuống trần gian và ước mong cho ngọn Lửa đó bùng cháy lên trong lòng mọi người.

a- Thầy đã đến ném Lửa vào mặt đất và Thầy những ước mong phải chi Lửa ấy đã bùng lên! (Lc 12, 49):

Lửa Đức Giêsu mang lại là loại lửa nào?

- Phải chăng là thứ lửa trời đã thiêu hủy thành Sô-đô-ma, hay thứ lửa mà Giacôbê và Gioan yêu cầu thiêu hủy ngôi làng Sa-ma-ri dám từ chối đón tiếp Thầy trò? (Lc 9, 55). Phải chăng là thứ lửa mà cây không trái (x.Mt 3, 10), hay những cành nho khô héo bị quăng vào (x.Ga 15, 6)? Lửa này có phải lửa kinh khủng của ngày phán xét?

- Trong cái nhìn bao dung của thánh Lu-ca, đây chính là Lửa Thánh Thần được đổ xuống trên Cộng Đoàn Hội Thánh Sơ Khai vào lễ Ngũ Tuần để gia tăng sức mạnh, giúp Hội Thánh vượt qua sợ hãi, và can đảm làm chứng cho Chúa, hăng say loan báo Tin Mừng đi khắp thế gian (x Cv 2, 1-13).

Là Lửa Tin Yêu được Đức Giê-su mang vào thế giới tội lỗi, hận thù, giết hại lẫn nhau…, để làm bùng cháy lên tình thương “tứ hải giai huynh đệ”- bốn bể đều là anh em với nhau, hầu cho mọi người biết yêu thương và tạo niềm vui hạnh phúc cho nhau.

- Đức Giê-su ước mong cho ngọn Lửa ấy bùng cháy lên để thế giới sớm thành “Trời Mới Đất Mới” như sách Khải Huyền đã diễn tả như sau: “Bấy giờ tôi thấy Trời Mới Đất Mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa… Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ: Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Cv 21, 1.4). Khi ấy mọi dân nước đều nhận biết tôn thờ một Thiên Chúa là Cha và sống chan hòa hạnh phúc với nhau trong đại gia đình có “Thiên Chúa là Tình Yêu” ngự trị (1 Ga 4, 8).

- Thầy còn một phép Rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!”

Phép Rửa dìm mình trong nước thanh tẩy là hình ảnh diễn tả mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Giê-su. Người luôn vâng theo ý Chúa Cha là chấp nhận cứu chuộc nhân loại bằng con đường « qua đau khổ vào vinh quang » như Người đã ba lần tiên báo cho các môn đệ (x Mt 16, 21; 17, 22-23; 20, 18-19).

Về sau, thánh Phao-lô Tông đồ cũng diễn tả ý nghĩa mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Chúa Giê-su hàm chứa trong nghi thức phép Rửa dìm mình trong nước như sau: «Anh em không biết rằng: Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại» (Rm 5, 3-5).

2) GÓP PHẦN CHU TOÀN SỨ VỤ CỨU ĐỘ TRẦN GIAN CÁCH NÀO?

a- Làm bùng cháy ngọn lửa tin yêu Chúa:

Ngoài việc năng cầu xin Thánh Thần, mỗi tín hữu chúng ta cần siêng năng học sống Lời Chúa hằng tuần noi gương Cộng Đoàn Hội Thánh Sơ Khai. Nhờ đó chúng ta sẽ được gia tăng đức tin mỗi lần tham dự thánh lễ và rước lễ. Khi gặp được Chúa, chúng ta sẽ nhiệt thành giới thiệu Chúa cho tha nhân, như hai môn đệ làng Em-mau đã lập tức quay lại Giê-ru-sa-lem để loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho nhóm Tông đồ và các bạn (x Lc 24, 13-35). Rồi đến lượt các môn đệ sau khi đón nhận lửa Thánh Thần vào lễ Ngũ Tuần, đã nhiệt thành đi rao giảng Tin Mừng và làm chứng nhân cho Chúa “tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tân cùng trái đất” (x. Cv 1, 8).

b- Sẵn sàng chịu bách hại vì đức tin: Không phải chỉ những người tội lỗi gian ác mới bị người đời thù ghét, mà cả những người lương thiện cũng có thể bị kẻ xấu ganh ghét bách hại do bất đồng quan điểm hoặc do lòng ganh ghét đố kỵ. Trong cuộc sống cũng có biết bao gương sáng của những vị anh hùng. Họ mang lửa nhiệt tình can đảm trong tim để làm chứng cho sự thật của Tin Mừng. Họ cũng đã trải qua “một phép rửa” đau khổ như Đức Giêsu đã phải chịu. Chẳng hạn: Mục sư MÁC-TIN LU-THƠ KINH (Martin Luther King) do can đảm bênh vực quyền bình đẳng cho người da đen nên đã bị bọn phân biệt chủng tộc ám sát. Đức Giám mục HEN-ĐƠ CA-MA-RA (Helder Camara) cũng đã can đảm đấu tranh cho người nghèo nên đã bị thù ghét giết hại… Nhưng chính cái chết của các ngài lại trở thành ngọn lửa thiêng bùng cháy phát ra ánh sáng chân lý, giúp nhiều người nhận biết tin yêu Chúa và hợp tác chống lại sự gian ác của ma quỷ.

c- Hăng say loan báo Tin Mừng Nước Trời: Ngày nay Chúa Phục Sinh cũng sai chúng ta đi loan báo Tin Mừng tình thương, để góp phần xua tan bóng tối “văn hóa sự chết” là những bất công hận thù, nghèo đói, dốt nát và tội ác… bằng cách làm bùng lên ánh sáng “văn hóa sự sống”, là lối sống yêu thương khiêm nhường phục vụ vô vụ lợi. Sở dĩ ngày nay sau hơn hai mươi thế kỷ loan báo Tin Mừng mà nhân loại vẫn còn nhiều bất công và tội ác, một phần cũng là do lỗi của các tín hữu chúng ta: do ngọn lửa tin yêu Chúa nơi chúng ta còn yếu, như MAHATMA GANDHI, vị thánh của dân tộc Ấn Độ đã nhận định: "Một vật cứng rắn đến đâu, cũng sẽ tan chảy trong lửa. Nếu vật ấy không tan chảy, chính vì ngọn lửa còn chưa đủ mạnh".

d- Sống Tình Yêu Thương cụ thể: Mỗi tín hữu chúng ta hãy cố gắng sống Tin Mừng Tình Thương không chỉ bằng lời nói, nhưng còn bằng sự chia sẻ và phục vụ như lời cầu của mẹ TÊ-RÊ-SA CAN-QUÝT-TA: “Lạy Chúa Giê-su thương mến. Xin ban cho chúng con tỏa lan hương thơm của Chúa đến mọi nơi chúng con đi. Xin hãy làm tràn ngập tâm hồn chúng con bằng Thần Khí và sự sống của Chúa. Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con để chúng con chiếu tỏa sức sống của Chúa. Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con, để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con. Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng cuộc sống chứng tá, và bằng trái tim cháy lửa tin yêu Chúa.”

4. CÂU HỎI: Thế giới hiện còn nhiều bóng tối. Vậy bạn sẽ làm gì để đẩy lùi bóng tối của ma quỷ là nền văn hóa sự chết như: tội lỗi, bạo lực, đam mê và các tệ nạn xã hội… ra khỏi môi trường gia đình, khu xóm và nơi làm việc?

5. NGUYỆN CẦU

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Lời Chúa hôm nay đòi chúng con phải chọn lựa dứt khoát. Xin cho chúng con biết chọn theo Chúa, sẵn sàng tuyên chiến với các đam mê tội lỗi. Cũng như hạt lúa cần phải bị mục nát đi mới có thể mọc lên thành cây lúa; Như bác nông dân cần phải chịu vất vả một nắng hai sương nơi cánh đồng lúa, mới hy vọng có được mùa gặt bội thu… Xin cho chúng con cũng sẵn sàng chịu đựng gian khổ gặp phải khi đi loan báo Tin mừng. Nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ đưa được nhiều người về làm con Thiên Chúa và góp phần biến đổi xã hội trần gian hôm nay thành Thiên Đàng hạnh phúc mai sau.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

Chúa nhật thứ 20 mùa thường niên -C

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 12, 49-53).

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng”.

Suy niệm

Trở thành con Thiên Chúa qua bí tích Thánh tẩy là một ân huệ đối với người tín hữu Kitô, mang trong mình ấn tích của người con Thiên Chúa, thì người tín hữu phải sống theo giới răn của Ngài. Sống theo các giới răn của Ngài là cùng với Mẹ Giáo hội và Chúa Thánh Thần, xây dựng một gia đình thiêng liêng của Thiên Chúa ngay tại trần thế. Là gia đình của Thiên Chúa, điều tất yếu là lấy tình yêu làm nền tảng và là kim chỉ nam, để sống, để xây dựng và để hoàn thiện cộng đoàn huynh đệ đó. Bước vào tuần lễ thứ 20 mùa thường niên, Lời Chúa nhắc nhở cho con cái Ngài, hãy cùng nhau xây dựng hòa bình, xây dựng tình huynh đệ cộng đoàn dựa trên nền tảng là những giá trị của Tin mừng. Nhận thức và hiểu được chiều sâu của ơn gọi Kitô hữu, mỗi người mới thực sự sống tinh thần tỉnh thức, luôn gắn bó với Thiên Chúa, và đó cũng là thái độ sẵn sàng của đức tin.

Ma quỷ là kẻ thù của Thiên Chúa, chúng luôn tìm mọi phương thế để phá hủy những giá trị của Thiên Chúa đã được thiết định trên trần gian. Kế hoạch của chúng đã được các học trò thực hiện với những việc làm gây chia rẽ, gây tang thương, gây chiến tranh, do đó, câu chuyện cuộc đời và ơn gọi của tiên tri Giê-rê-mi-a được tác giả kể lại trong bài đọc 1, là một minh chứng về những gì ma quỷ đang thực hiện trong thế giới này: “Trong những ngày ấy, các thủ lãnh tâu vua rằng: “Chúng tôi xin bệ hạ cho lệnh giết người này, vì nó cố ý nói những lời làm lũng đoạn tinh thần chiến sĩ còn sống sót trong thành này và toàn dân. Thực sự tên này không tìm hoà bình cho dân, mà chỉ tìm tai hoạ”. Tiên tri Giê-rê-mi-a là người của Thiên Chúa sai đến, để chấn hưng, để tái thiết lại đời sống tôn giáo trong cộng đoàn dân riêng của Ngài. Ông đã chỉ dạy cho họ cách sửa đổi thái độ sống và suy nghĩ của mình, trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Tất cả dựa trên Lời của Thiên Chúa. Thế nhưng, ông đã chìm đắm trong hạnh phúc hay bất hạnh vậy, cuối cùng ông bị vu oan, bị bắt bớ, bị thả xuống giếng đầy bùn, hòng có thể bóp nghẹt sự sống, nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi ông, đã cứu ông thoát nạn. Thiên Chúa không bao giờ bội tín, đặc biệt, Ngài yêu thương con cái bằng một tình yêu không tính toán.

Tác giả lá thư gởi tín hữu Do Thái trong bài đọc 2, đã khuyến khích người đọc hãy cố gắng vững niềm tin, bởi chính Đức Giêsu cũng phải cố gắng để loại bỏ những gì không phù hợp với thánh ý Chúa Cha, hầu có thể chu toàn trọng trách Chúa Cha giao phó cho Ngài trong mầu nhiệm nhập thể: “Anh em thân mến, cả chúng ta, chúng ta cũng có một đoàn thể chứng nhân đông đảo như đám mây bao quanh, chúng ta hãy trút bỏ tất cả những gì làm cho chúng ta nặng nề và tội lỗi bao quanh chúng ta. Chúng ta hãy cương quyết xông pha chiến trận đang chờ đợi ta. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Ðức Giêsu, Ðấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn, và rồi lên ngự bên hữu ngai Thiên Chúa”. Đức Giêsu được coi như mẫu mực của sự trung thành, Ngài đã vượt qua mọi cám dỗ để thực hiện những gì Chúa Cha đã nói với Ngài. Và hôm nay, người tín hữu đã và đang nghe Thiên Chúa nói qua Thánh Kinh, qua Mẹ Giáo hội, để khỏi lầm lạc trong đức tin và trách vụ xây dựng gia đình Thiên Chúa nơi trần gian. Thế nhưng, không thiếu những người con của Thiên Chúa, đã chối bỏ những giá trị thiêng liêng đó, bước ra ngoài gia đình Thiên Chúa ngay trong cộng đoàn hay xứ đạo. Chắc Thiên Chúa sẽ ngậm ngùi với thái độ của những người con bất trung và bất kính như thế.

Khát khao của Đức Giêsu khi đến trần gian, là xây dựng một dân riêng của Thiên Chúa dựa trên nền tảng là tình yêu đích thực, vô vị lợi, không có bóng dáng của tính toán hơn thiệt, hay lợi ích nhóm, thế nhưng, khi kết thúc sứ mạng ở trần gian, Ngài vẫn chưa thể hoàn tất ước nguyện đó, và mời con người tiếp tục công việc dở dang đó, với chức tư tế và tiên tri cộng đồng. Ngọn lửa tình yêu Ngài đem vào thế gian, là ngọn lửa của niềm tin, của tình yêu và lòng mến, thế nhưng, ma quỷ đã len lỏi vào, dập tắt những đốm lửa nhỏ ấy bằng những thủ đoạn, hòng phá vỡ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Ngài không chấp nhận thất bại, Ngài sai Thánh Thần Ngôi Ba tiếp tục công việc của Ngôi Hai: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ”. Đức Giêsu là Thiên Chúa, Ngài mong mỏi tất cả mọi người được cứu độ, được ở lại trong ngôi nhà tình yêu của Chúa Cha, thế nhưng, vì tôn trọng sự tự do của con người, Ngài muốn con người hãy có những nhạy bén trong chọn lựa, để điểm đến cuối cùng của cuộc đời không phải là nơi bị luận phạt, nhưng là nơi ngập tràn hạnh phúc và bình an.

Người tín hữu luôn cho rằng tự do là bản thân thích làm điều gì, ăn cái gì, mặc cái gì là do mình định đoạt, nhưng đó là khái niệm về tự do theo kiểu thế gian. Còn tự do được hiểu dưới ánh sáng của Thánh Kinh, là con người không còn bị lệ thuộc vào tội lỗi, vào sự chết và ma quỷ nữa, họ sẽ chọn lựa những giá trị nào đem lại cho bản thân hạnh phúc và bình an hôm nay và mai sau. Vì thế, người tín hữu được tự do chọn lựa ơn cứu độ cho mình, nghĩa là chấp nhận một Thiên Chúa hiện diện trong cuộc đời và ở bên cạnh mình, chấp nhận sống theo các giới răn của Ngài. Nếu hiểu được như thế, người tín hữu sẽ cộng tác với Thiên Chúa cách tích cực, để ơn cứu độ của Ngài được lan tỏa tới mọi tâm hồn và mọi gia đình. Đó là khắc khoải, là mong mỏi của Con Thiên Chúa làm người.

Tiếc rằng, con người đã hiểu khái niệm tự do trong hành trình đức tin của mình theo góc nhìn của thế gian, do đó, họ khước từ cộng tác với Chúa Thánh Thần, để xây dựng hòa bình trong thế giới, để kiến tạo tình hiệp thông giữa cộng đoàn xứ đạo, để chia sẻ và thông cảm cũng như giúp đỡ những người khó nghèo và bệnh tật trong cộng đoàn. Lời nói lung lay, gương bày lôi cuốn, Thiên Chúa dùng Lời của Ngài để nhắc nhở, dung tiếng lương tâm để thúc đẩy, nhưng Ngài còn muốn con người hãy dùng gương sáng hàng ngày, để lôi kéo những con người tội lỗi, những con người lầm lạc và cả những con người phản bội Thiên Chúa, quay trở về với Ngài trong tâm tình sám hối, để được tha thứ và được cứu độ.

Ngọn lửa Đức Giêsu mang tới trần gian không phải là ngọn lửa chia rẽ hay hận thù, cũng như là khinh miệt, nhưng ngọn lửa đó là chính Thiên Chúa, là tình yêu của Ngài và là ơn cứu độ của Thiên Chúa. Khát mong của Thiên Chúa là con người hãy cố gắng thức tỉnh lương tâm của mình trước mọi biến cố, mọi sự việc, để thánh ý Chúa được đón nhận trong niềm tin và phó thác, con người hãy cố gắng biện phân, đâu là giá trị đích thực của Nước Trời, đâu là giá trị của thế gian, để con người biết vượt qua cái tôi và sự ích kỷ, để cùng với Chúa Thánh Thần, làm tái sinh những con người mang họa ảnh Thiên Chúa, cũng như có sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời.

Khi chiến tranh, bệnh tật đang hoành hành trong thế giới, đang làm cho tâm hồn con người bất an, thì tình yêu và sự cảm thông sẽ giúp xoa dịu những nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần. Muốn có hòa bình không chỉ dừng tiếng súng, nhưng cần hơn vẫn là tình người trong sự cảm thông và chia sẻ. Tất cả sẽ làm cho hơi ấm tình người bừng cháy và lan tỏa giữa cộng đoàn. Có phải con người đang sống trong một xã hội dạy cho họ hãy cố gắng tìm cho thật nhiều tiền, nhiều của và có địa vị trong xã hội, họ sẽ hạnh phúc, sẽ bình an, có phải con người đang sống trong một xã hội mà chuyện lừa bịp và giả dối đang trở thành một lẽ tất yếu trong cuộc sống, có phải con người đang sống trong một xã hội mà giá trị đạo đức con người thấp hơn vật chất và sĩ diện cá nhân, với những ảnh hưởng đó, giá trị tinh thần của người tín hữu hôm nay đang bị gặm nhấm từ trong trứng nước, từ trong gia đình và cộng đoàn. Nếu sự thật là vậy, thì làm sao những đốm lửa của tình yêu, của sự tha thứ và của tình huynh đệ cộng đoàn có thể cháy lên được, và như thế là khát mong của Đức Giêsu lại trở thành một điều xa xỉ và vô ích sao?

Lạy Chúa Giêsu, chúng con luôn tin rằng sự hiện diện của Chúa trong thế giới, sẽ đem lại cho con người sự bình an, hạnh phúc và ấm áp tình người, xin củng cố niềm tin mong manh của chúng con, để những giá trị tinh thần đó, không bị mai một và biến mất trong hành trình đức tin của mỗi người. Chúa đã dùng cái chết trên thập giá để minh chứng cho một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu tha thứ và chờ đón, xin giúp chúng con luôn hướng về thập giá, nơi có một vòng tay yêu thương đang chờ đón chúng con, nơi có một tình yêu đang mong mỏi cứu độ con người. Amen.

LỬA CHÁY – SỰ THẬT TỎ BÀY
(Chúa Nhật XX TN C) - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

“Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ” (Lc 12, 51). Thoạt nghe những lời trên của Chúa Giêsu hẳn nhiều người giật mình. Một tôn sư lỗi lạc, một vị đại ngôn sứ, một Đấng Thiên sai mà tuyên phán những lời ấy thì thật chướng tai, khó nghe. Là người, ai cũng đều khát mong được sống trong an bình. “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết” là một sự thật hầu như hiển nhiên. Thế thì chúng ta phải hiểu nội hàm lời tuyên bố của Chúa Giêsu trên đây như thế nào?

Để hiểu đúng và tương đối chính xác lời một ai đó thì cần thiết phải xem xét ngữ cảnh khi người ấy nói. Tin Mừng thánh Luca tường thuật ngữ cảnh trước đó là việc Chúa Giêsu khử trừ một tên quỷ câm ra khỏi người bị nó ám và người câm nói được (x.Lc 11, 14-23). Tiếp đến Người tuyên bố rằng ai nghe và giữ lời Thiên Chúa mới là người có hạnh phúc thật. Rồi Người tự cho mình hơn cả Ngôn sứ Giona khi thẳng thắn công bố sự thật. Tiếp đến Chúa Giêsu nói về sự nhận thức như là ánh đèn dẫn lối chúng ta đi (x.Lc 11, 37-36). Sau đó Người khiển trách nhiều người Pharisiêu và nhiều nhà thông luật đã sống và hướng dẫn kẻ khác trong sự lầm lạc cho dù biết họ sẽ tức tối tìm cách hãm hại Người (x.Lc 11, 37-54). Rồi Người khuyến dụ các môn đệ đừng sợ và hãy can đảm công bố sự thật (x.Lc 12, 1-12), đừng lo thu tích của cải đời này nhưng hãy tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa và luôn sống trong tinh thần tỉnh thức và sẵn sàng là chu toàn bổn phận với nhưng người được giao phó cho mình chăm nom (x.Lc 12, 13-48).

Trong ngữ cảnh này, Chúa Giêsu đã long trọng tuyên bố: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa ấy cháy lên!” (Lc 12, 49). Ngọn lửa mà Chúa Giêsu đem xuống thế gian chính là ánh sáng chân lý như lời Người khẳng định với Philatô: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18, 37).

Ánh sáng chân lý đã bừng lên thì sự thật, sự giả, điều tốt, điều xấu sẽ được phân biệt rõ ràng. Ánh sáng chân lý đã chiếu soi thì sự thiện hảo nhất thời, chóng qua và hạnh phúc đích thực, vĩnh tồn sẽ được biện phân. Cảnh mập mờ của buổi thời hổn mang sẽ bị xoá dần và con người chúng ta cần phải chọn lựa dứt khoát. Chọn lựa là hy sinh. Đau đớn là chuyện thường tình khi phải bỏ cái này để chọn cái kia, nhất là khi cái này đã từng gắn bó với mình và nó chưa hẳn là xấu.
 
Sự xâu xé trong tâm hồn luôn có đó khi chúng ta phải chọn lựa giữa điều lành và điều dữ, giữa một điều tốt và một điều tốt hơn, giữa hạnh phúc nhất thời và hạnh phúc vĩnh cửu. Bị giằng co, bị xâu xé là một lẽ rất tự nhiên vì điều tốt hơn chưa thực sự ở trong tầm tay và hạnh phúc vĩnh cửu vẫn đang còn ở phía chân trời xa. Đây chính là sự chia rẽ mà Chúa Giêsu muốn đề cập.

Ai đến với tôi mà không từ bỏ cửa nhà, ruộng nương, cha mẹ, vợ con… và không vác thập giá mình thì không thể làm môn đệ của tôi (x.Lc 14, 26-27). Dù là một lối nói kiểu so sánh nhưng Chúa Giêsu đã thẳng thừng đưa ra một đòi hỏi có tính triệt để rằng phải chọn Người trên hết và trước hết. Tất cả chỉ vì lý do này: Người chính là Thiên Chúa thật, nhờ Người mà mọi được tạo thành. Dĩ nhiên khi đã can đảm chịu xâu xé, chịu bắt bớ để chọn Người làm Thầy và làm Chúa của mình, chúng ta sẽ lại nhận được mọi sự như trên cách gấp bội và nhất là sự sống trường sinh (x.Mc 10, 28-30).

Lửa đã cháy lên. Ánh sáng đã đến thế gian. Sự thật đã được tỏ bày. Vấn đề còn lại là sự chọn lựa của chúng ta. Chọn lựa là phải hy sinh. Thiện hảo nào cũng có giá của nó. Dù là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa ban cho, nhưng hạnh phúc vĩnh cửu dứt khoát không phải là thứ hàng hoá rẻ tiền.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...