Chúa Nhật XXIII Thường Niên - Năm C

Chúa Nhật XXIII Thường Niên - Năm C    Nghe MP3:    Dẫn vào Thánh lễ Anh chị em thân mến! Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật XXIII năm C hôm nay, cho
 

 Nghe MP3: 

 

Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến! Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật XXIII năm C hôm nay, cho chúng ta biết Chúa Giêsu đang trên đường tiến về Giêrusalem, và có rất nhiều người đi theo, nên Chúa Giêsu đưa ra những điều kiện để có thể theo Người làm môn đệ, đó là: từ bỏ những người thân, kể cả mạng sống mình, vác Thập Giá mà theo Chúa. Đây quả là điều kiện vô cùng khó khăn cho những ai muốn theo Đức Kitô, muốn tôn vinh Người là Sư Phụ.

Nhờ lời Chúa nhắc nhở và ơn thánh trợ giúp, chúng ta sẽ can đảm hơn để từ bỏ con người trần tục của mình, kiên quyết hơn trước những lôi kéo và cám dỗ của trần gian và nhiệt thành, hăng say bước theo chân Chúa đến đỉnh đồi Can-vê với tâm hồn thống hối ăn năn.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa là Đấng công minh và xét xử chính trực; Xin Chúa đối xử với tôi tớ Chúa theo lượng từ bi của Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, nhờ Ðức Kitô Con Một Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng con và nhận làm nghĩa tử, xin lấy tình cha mà âu yếm đoái nhìn; này chúng con là những kẻ tin kính Ðức Kitô, xin cho chúng con được trở nên những người tự do đích thực và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: Kn 9, 13-18

"Ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn".

Trích sách Khôn Ngoan.

Ai trong loài người có thể biết được ý định của Thiên Chúa? Hay ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn? Vì những ý tưởng của loài hay chết thì mập mờ, và những dự định của chúng tôi đều không chắc chắn. Vì xác hay hư nát làm cho linh hồn ra nặng nề, và nhà bụi đất làm cho lý trí hay lo lắng nhiều điều ra nặng nề.

Chúng tôi ước lượng cách khó khăn các việc dưới đất, và khó nhọc tìm thấy những sự trước mắt. Còn những sự trên trời, nào ai khám phá ra được? Ai hiểu thấu Thánh ý của Chúa, nếu Chúa không ban sự khôn ngoan, và không sai Thánh Thần Chúa từ trời cao xuống. Như thế, mọi đường lối những kẻ ở dưới đất được sửa lại ngay thẳng, và loài người học biết những sự đẹp lòng Chúa.

Vì, lạy Chúa, những ai sống đẹp lòng Chúa từ ban đầu, thì được ơn cứu độ nhờ sự khôn ngoan.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 89, 3-4. 5-6. 12-13. 14 và 17

Ðáp: Thân lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia (c. 1).

Xướng: Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến cho con người trở về bụi đất, Ngài phán: "Hãy trở về gốc, hỡi con người". 

Xướng: Chúa khiến họ trôi đi, họ như kẻ mơ màng buổi sáng, họ như cây cỏ mọc xanh tươi. Ban sáng cỏ nở hoa và xanh tốt, buổi chiều nó bị xén đi và nó héo khô. 

Xướng: Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chớ còn để tới bao giờ? xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài. 

Xướng: Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin cho chúng con được hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con, sự nghiệp tay chúng con làm ra, xin Ngài củng cố, xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra.

Bài Ðọc II: Plm 9b-10. 12-17

"Con hãy tiếp nhận nó không phải như một người nô lệ, nhưng như một người anh em rất thân mến".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gởi cho Philêmon.

Con thân mến, Phaolô già nua, và hiện đang bị cầm tù vì Ðức Giêsu Kitô, cha nài xin con cho Ônêsimô, đứa con cha đã sinh ra trong xiềng xích.

Cha trao nó lại cho con. Phần con, con hãy đón nhận nó như ruột thịt của cha. Cha cũng muốn giữ nó lại để thay con mà giúp đỡ cha trong lúc cha bị xiềng xích vì Tin Mừng. Nhưng vì chưa biết ý con, nên cha không muốn làm gì, để việc nghĩa con làm là một việc tự ý, chớ không vì ép buộc. Vì biết đâu nó xa con một thời gian để rồi con sẽ tiếp nhận muôn đời, không phải như một người nô lệ, nhưng thay vì nô lệ, thì như một người anh em rất thân mến, đặc biệt đối với cha, huống chi là đối với con, về phần xác cũng như trong Chúa. Vậy nếu con nhận cha là bạn hữu, thì xin con hãy đón nhận nó như chính mình cha vậy.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta". - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 14, 25-33

"Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng: "Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta.

"Có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không? Kẻo đặt móng rồi mà không thể hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế giễu người đó rằng: 'Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi'.

"Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng? Bằng chẳng nổi, thì khi đối phương còn ở xa, vua ấy sai một phái đoàn đến cầu hoà. Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta".

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Giữa những nhộn nhịp và lôi cuốn của thế tục, chúng ta cần phải có những thời gian lặng tĩnh, để có thể nghe được tiếng Chúa mời gọi dấn thân, can đảm từ bỏ tất cả, để trở nên những chiến sĩ của vương quốc tình yêu trong một thế giới hỗn độn này. Chúng ta cùng hiệp nhau cầu xin :

1. “Ai trong loài người có thể biết được ý định của Thiên Chúa?” - Xin cho các vị Chủ chăn được sự khôn ngoan, trong việc tìm kiếm ý Chúa khi thi hành thánh chức, để những gì các ngài thực hiện đều đem lại vinh quang cho Thiên Chúa và ích lợi cho đoàn chiên.

2. “Con hãy tiếp nhận nó ...như một người anh em rất thân mến - Xin cho các tín hữu nhớ lại ấn tích rửa tội đã lãnh nhận, đòi buộc họ phải đoạn tuyệt với tội lỗi để thuộc về Chúa. Nhờ đó, họ sẽ cố gắng duy trì mối dây hiệp thông với Chúa và nhìn nhận mọi người là anh em.

3. “Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác” - Xin cho những ngòi chiến tranh đang bùng nổ giữa các dân tộc được dập tắt ngay từ đầu, để mọi người có thể được hưởng một cuộc sống ấm no, thanh bình và nhận ra bàn tay quan phòng kỳ diệu của Chúa .

4. “Ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta” - Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết nhìn lên Chúa như mẫu gương, và động lực thúc đẩy chúng ta chiến thắng bản thân, để xứng đáng là môn đệ đích thực của Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hoàn toàn vâng theo ý Chúa Cha, chấp nhận hủy mình để nên nguồn ơn cứu độ cho chúng con. Xin giúp chúng con biết chết cho bản thân mỗi ngày, để đời chúng con cũng được hiệp với hi tế đền tội của Chúa dâng lên Chúa Cha, Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời..

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa uy linh cao cả, Chúa làm cho chúng con biết nhiệt thành phụng sự Chúa và sống hoà thuận thương yêu nhau. Ước chi của lễ này giúp chúng con tôn thờ Chúa cho phải đạo và ước chi tiệc Thánh chúng con cùng nhau chia sẻ thúc đẩy chúng con nên ý hợp tâm đầu. Chúng con cầu xin...

 Ca hiệp lễ

Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn tôi khát Chúa, Chúa trời ôi, hồn tôi khát Chúa Trời, Chúa trời hằng sống.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã dùng lời Chúa và Bánh Thánh để dưỡng nuôi và thêm sức mạnh cho chúng con; xin cho chúng con biết tận dụng những hồng ân này hầu đáng được thông phần sự sống của Ðức Kitô luôn mãi. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy Niệm

THẬP GIÁ LÀ GÌ?
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

“Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu. Người quay lại bảo họ: Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em, và cả mạng sống mình nữa thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,25-27).

Những lời của Chúa Giêsu nói với đám đông dân chúng đi theo Người quả là “chói tai”. Làm sao có thể sống đúng phẩm vị con người khi dứt bỏ các nghĩa tình tự nhiên của gia đình? Các nhà nghiên cứu Tin Mừng cho chúng ta biết đây là kiểu nói so sánh của người Do Thái thời bấy giờ. Từ bỏ điều gì đó không phải vì nó không tốt nhưng vì nó tốt thua điều sẽ chọn. Đạo hiếu thảo và tình gia đình vốn là tốt nhưng chúng vẫn thua Đấng lập nên chúng. Đến đây chúng ta mới hiểu câu trả lời của Chúa Giêsu khi Phêrô thưa: Này chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy thì Người đã đáp lại ai bỏ nhà cửa, anh chị em… vì Thầy thì sẽ được gấp trăm những gì đã từ bỏ ngay cả ở đời này, cùng với sự ngược đãi và sự sống vĩnh cửu ở đời sau (x.Mc 10,28-30).

Xin đặc biệt đề cập đến nội dung thứ hai như là điều kiện tất yếu để có thể làm môn đệ Chúa Giêsu đó là vác lấy thập giá chính mình. Để có thể hiểu mầu nhiệm thập giá thì chúng ta cần phải nắm rõ thập giá theo tính lịch sử của nó.

Thập giá tự nó là một sự dữ mà đế quốc Rôma dùng như án hình áp đặt lên người dân bị trị. Những ai có quốc tịch Roma như thánh Phaolô thì không bị án hình này. Thời bấy giờ quan Philatô thường áp dụng án hình này để trừng trị nhiều người Do Thái, cách riêng những người “làm cách mạng” chống đối Chính quyền đế quốc đang đô hộ dân tộc họ. Như thế xét về lịch sử thời bấy giờ thì những người phải vác thập giá và chết trên thập giá là những người can đảm hiến dâng mạng sống vì nền độc lập tự do của dân tộc. Và ngược lại thập giá là công cụ để Chính quyền đế quốc kìm kẹp dân bị trị trong kiếp nô lệ.

Chúa Giêsu trên đường rao giảng Tin Mừng đã nhiều lần tiên báo án hình thập giá mà Người phải chịu. Người chấp nhận thập giá không phải là để giải phóng dân tộc Do Thái ra khỏi ách nô lệ của đế quốc Rôma nhưng là để giải thoát mọi người ra khỏi ách nô lệ của thần dữ mà bước vào đời sống tự do của con cái Cha trên trời. Cái giá phải trả cho sự tự do của nhân loại không dễ dàng chút nào. Có khi Chúa Giêsu cương quyết lên Giêrusalem để gánh lấy nó, nhưng Người cũng đã đôi lần xao xuyến và đã đổ mồ hôi pha lẫn máu trong vườn cây dầu (x.Lc 22,44).

Các thế lực bạo quyền ngày nay vẫn còn dùng “thập giá” để kìm kẹp người dân trong cảnh nô lệ. Dù chẳng còn là hai thanh gỗ chéo nhau như xưa, nhưng vẫn là sự bắt bớ, đàn áp dựa trên những chính sách, cơ chế, luật lệ bất chính, bất minh. Vì một nền dân chủ và sự tự do cho quê hương, cho dân tộc thì đã và đang có đó rất, rất nhiều người can đảm vác lấy “thập giá”. Hàng vạn vạn người dân Hồng Kông, cách riêng các bạn trẻ xuống đường biểu tình trong thời gian gần đây dù bị bách hại là một minh chứng điển hình.

Thần dữ vẫn còn giam cầm con người bằng “thập giá” là những nỗi sợ hãi, sợ khổ, sợ khó, sợ hy sinh… để bắt con người mãi mang kiếp nô lệ sự hưởng thụ ích kỷ, làm tôi sự tham lam vô độ, làm đầy tớ các danh vọng chóng qua…

Theo thiển ý, để có thể làm môn đệ Chúa Kitô thì:

- Không được phép đặt “thập giá” lên đầu lên cổ bất cứ ai. Không được kìm hãm tha nhân trong vòng nô lệ dưới bất cứ hình thức nào. Không được góp tay cách trực tiếp hay gián tiếp cho bạo quyền cũng như cho thần dữ.

- Phải can đảm vác lấy thập giá khi sự tự do của bản thân, của tha nhân, của dân tộc… nhất là sự tự do của đời con cái Chúa đòi hỏi chúng ta dõi bước theo chân Thầy Chí Thánh Giêsu.

Thập giá không dễ vác chút nào, chính vì thế cần phải tập luyện dần dần. Ước gì chúng ta biết khởi đi từ việc tập nói không với sự hưởng thụ, tiến đến nói không với sự thỏa hiệp để được an thân, thủ phận và rồi chúng ta sẽ biết nói không, không chấp nhận cảnh kiếp đời nô lệ, vong thân. Và mong sao chúng ta có chút xác tín rằng mình không bao giờ lẻ loi đơn côi khi phải đối diện với thử thách, gian khổ, vì Đấng vác thập giá lên đỉnh đồi Can-vê năm xưa đã chiến thắng ác thần và Người mãi đồng hành với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x.Mt 28,20).

 

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Suy niệm Chúa nhật 23 Thường niên - năm C
Lm Pet. Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 14, 25-33)
 
Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng: “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta.
 
“Có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không? Kẻo đặt móng rồi mà không thể hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế giễu người đó rằng: 'Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi'.
 
“Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng? Bằng chẳng nổi, thì khi đối phương còn ở xa, vua ấy sai một phái đoàn đến cầu hoà. Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.
 
Suy niệm

Trong những tuần vừa qua, phụng vụ lời Chúa mời gọi mỗi người hãy từng nấc thang một trong cuộc đời, để vươn mình lên tới Thiên Chúa, đó là con đường hẹp, đó là thái độ khiêm tốn, đó là sự chọn lựa đúng đắn và đó là những nẻo đường bác ái. Bước sang tuần lễ 23 này, một lần nữa phụng vụ lời Chúa mời chúng ta hãy từ bỏ mọi sự, vác lấy thập giá cuộc đời của mình, lên đường theo Thầy vào đời, theo Thầy lên đồi Can-vê và theo Thầy về trời.
 
Có ai dưới bầu trời này biết được ý định của Thiên Chúa thế nào? Có ai hiểu được đường lối của Ngài ra sao, đó là tâm tình tác giả sách Khôn ngoan gợi nhắc cho chúng ta. Thiên Chúa là Đấng toàn năng, khả tri, làm sao một tạo vật là con người có thể hiểu được mọi kế hoạch và đường lối của Ngài được. Nếu như con người muốn đến gần Ngài, hãy đi theo con đường Ngài đã hướng dẫn. “Ai hiểu thấu Thánh ý của Chúa, nếu Chúa không ban sự khôn ngoan, và không sai Thánh Thần Chúa từ trời cao xuống. Như thế, mọi đường lối những kẻ ở dưới đất được sửa lại ngay thẳng, và loài người học biết những sự đẹp lòng Chúa”. Con người cần sự khôn ngoan của Thiên Chúa để mỗi ngày, từ ý thức cho đến thái độ sống, có thể phần nào nhận ra được con đường Thiên Chúa mời gọi mình lên đường. Lời mời sẽ được gởi đến từng người khác nhau, nhưng bản thân có dám từ bỏ tất cả những ràng buộc để lên đường hay không, đó là một vấn nạn cuộc đời.
 
Câu chuyện của thánh Phaolô nói với ông Philêmon trong bài đọc 2 như một lời trần tình của ngài. Người cộng sự Ônêsimô là một người đã bỏ anh em ra đi vì bất đồng, thế nhưng, với thánh Phaolô, đó là một tai nạn, một sự chia rẽ nội bộ, ngài rất đau khổ. Qua lá thư này, ngài muốn Philêmon hãy đón nhận người cộng sự đó như là đón nhận một điều gì trái với lẽ thường tình. Chính vì trái ngược đó sẽ là một gương sáng cho anh em, đón nhận Ônêsimô là đón nhận chính Phaolô, là đón nhận đấng đã sai Phaolô lên đường. Để đón nhận nhau trong đời phục vụ không phải là chuyện giản đơn, nhưng đòi hỏi phải từ bỏ mình rất nhiều, từ bỏ sự tính toán, từ bỏ tính ích kỷ và nhỏ nhen của bản thân mỗi ngày và trong mỗi công việc. “Vậy nếu con nhận cha là bạn hữu, thì xin con hãy đón nhận nó như chính mình cha vậy”.
 
Lời nhắc của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng đưa con người đến một nấc thang mới trên con đường về trời, đó là chấp nhận từ bỏ. Đức Giêsu mời con người trước hết hãy khiêm tốn chấp nhận sự thật, mình là một con người. Thứ đến, hãy biết sống với mọi người trong tinh thần bác ái và tha thứ, rồi với bản thân, hãy biết chọn lựa cái gì đúng đắn và có giá trị cho cả đời sau. Đó là chọn con đường hẹp, con đường giữ cho bản thân khỏi bị tục hoá, khỏi bị vong thân và khỏi bị sa ngã. Đi vào con đường hẹp, hãy đọc kỹ những hướng dẫn khác, đó là biết từ bỏ cái tôi của mình, từ bỏ những gì thuộc về thế gian, từ bỏ những gì giữ đôi chân mình, không cho lên đường. Từ bỏ rồi còn phải biết chấp nhận hiện tại của bản thân. Không thiếu những người can đảm từ bỏ mọi thứ trong cuộc sống, ngay cả gia đình, nhưng để chấp nhận hiện tại của bản thân thì không dám. Nếu là vậy sẽ thua thiệt, sẽ là một con người sống vô dụng và vô ích. “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta”. Đức Giêsu đòi hỏi người môn đệ phải từ bỏ. Từ bỏ tình cảm riêng tư, từ bỏ tương quan tự nhiên như là gia đình, là anh chị em với nhau, từ bỏ những tương quan xã hội, bởi tất cả những yếu tố đó chưa thực sự đưa con người đến với tha nhân trong tinh thần vị tha và phục vụ. Để có một chọn lựa đúng đắn, người ta thường có những tiêu chí, và chọn lựa này sẽ có điểm đến là Nước Trời. Hướng về điểm đến đó để con người có những chọn lựa đúng đắn, đem lại những giá trị không chỉ cho hôm nay mà còn cho tương lai và cho đời sau nữa. Có chọn lựa để rồi từ bỏ, con người mới thấy được giá trị Nước Trời lớn lao như thế nào, giá trị đó không thể ngang bằng với gia đình, với anh chị em trong một nhà, hay giá trị đó ngang bằng với những giá trị về cuộc sống như quyền bính, địa vị hay vật chất con người đang sở hữu. Bên cạnh thái độ từ bỏ, Đức Giêsu còn mời con người đón nhận thập giá cuộc đời của bản thân, chấp nhận thập giá là chấp nhận những nghịch lý trong cuộc sống, từ tình cảm gia đình và tình liên đới con người, hãy chọn tình liên đới con người, bởi nó đến từ giới răn của Thiên Chúa. Từ những giá trị tạm thời là vật chất, của cải, địa vị và quyền bính trong xã hội và bên kia là giá trị vĩnh cửu trong Nước Trời, hãy chọn phần tốt nhất là Nước Trời. Nhưng khi chọn lựa những điều đó có thể đem đến cho bản thân sự thiệt thòi, sự bất thường trong cuộc sống và cả những dị nghị, những lời đàm tiếu từ dư luận nữa. Nước Trời không thể so sánh với những giá trị thực tại của trần thế, nhưng sẽ là phần thưởng vô giá cho những ai dám từ bỏ, dám chấp nhận những bất thường để chọn lấy, để chiếm đoạt và để dìm mình vào đó ngay từ hôm nay.
 
Là một thành viên trong xã hội, mỗi cá nhân đều có tương quan với mọi sinh hoạt của cuộc sống, ngay cả những thay đổi, những xáo trộn và những biến động của xã hội đều tác động ít nhiều lên cuộc sống bản thân. Do đó, để chấp nhận sống theo những giá trị của Tin Mừng không phải là một câu chuyện đơn giản nhưng là những thách đố rất lớn đối với các gia đình Kitô giáo. Không thể nào đi ngược lại với mọi sinh hoạt từ cuộc sống, các gia đình phải hoà nhập vào đó nhưng luôn đặt những giá trị của Tin Mừng lên trên những giá trị của thế gian, đòi hỏi từ bỏ của Tin Mừng là thế. Nhưng để thực hiện được, đòi hỏi phải có một đức tin thật sống động, một lập trường thật kiên định và bên cạnh đó là sự liên đới giữa các thành viên trong gia đình, trong cộng đoàn giáo xứ với nhau. Chấp nhận vác thập giá cuộc đời là chấp nhận một cuộc phiêu lưu trong mỗi ơn gọi, cuộc phiêu lưu đó phải trả một giá rất đắt, lắm lúc nguy hại cả sự sống. Sức mạnh nào có thể giúp người tín hữu thực hiện được điều đó nếu không đến từ Chúa Thánh Thần và các bí tích. Nếu các gia đình còn đề cao giá trị của Thánh lễ, đề cao giá trị của việc cầu nguyện, thì việc chấp nhận những nghịch lý của Tin Mừng trong cuộc sống là điều có thể, và việc từ bỏ những giá trị trần thế để chạy đua hòng chiếm đoạt những giá trị Nước Trời là những chọn lựa mang tính sống còn của mỗi người.
 
Từ bỏ mọi trải nghiệm từ cuộc sống và chấp nhận dấn thân vào đời sống phục vụ qua mỗi linh đạo, là ơn gọi đặc biệt của các Tu sĩ. Tất cả đến từ ân sủng của Thiên Chúa. Mỗi cá nhân đã cảm nghiệm được điều đó trong hành trình ơn gọi của mình. Thế nhưng, khi bước vào hành trình đó, lắm lúc sự bất toàn của con người chen lẫn vào đó là Tham – Sân – Si đã phần nào làm rơi nước mắt của bao người. Quyền bính, địa vị và cái tôi của bản thân như là những chướng ngại vật để mỗi người sống ơn gọi đó vẹn toàn với Thiên Chúa. Từ bỏ cái tôi, từ bỏ tính ích kỷ, từ bỏ luôn những thói quen không mấy tích cực, và cũng là một đòi hỏi vô cùng khó khăn đối với các Tu sĩ. Không chỉ là các thành viên trong các cộng đoàn, mà ngay cả những người có trách nhiệm, những người bề trên, để nói từ bỏ thì vô cùng dễ nhưng để hành động thì vô cùng khó. Thầy Chí Thánh trong phận người cũng đã đối diện với những thách đố như thế, Ngài đã cầu xin sự trợ giúp từ Chúa Cha, xin cho Ngài biết chấp nhận nhưng không chấp nhận theo ý riêng mà chấp nhận theo ý Chúa Cha. Một thái độ từ bỏ cách dứt khoát và rõ ràng. Đó cũng là điểm đến để những ai muốn nên giống Thầy trên đường tận hiến hướng về và mong muốn đặt chân tới điểm đến đó trong niềm tin và sự cố gắng của bản thân.
 
Hoà nhập chứ không hoà tan vẫn là một châm ngôn sống của người Kitô hữu trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ này. Làm sao tôi có thể chấp nhận thua thiệt và thấp kém hơn bạn bè và đồng nghiệp, bởi phía trước tôi là tương lai của bản thân, của gia đình. Làm sao tôi có thể chấp nhận một thái độ lạnh nhạt, một sự kỳ thị và một sự trù dập khi đứng ra bảo vệ sự thật, bảo vệ mạng sống và bảo vệ phẩm giá con người cho anh chị em mình. Liệu rằng đó có phải là thập giá mà mỗi người nên đón nhận trong niềm tin và sự tín thác hay đón nhận trong sự miễn cưỡng và ép buộc?
 
Lạy Chúa Giêsu, khi bước vào trần thế với mầu nhiệm nhập thể, Ngài đã trở nên giống chúng con về mọi mặt, ngoại trừ tội lỗi, Ngài đã chấp nhận thập giá cuộc đời là trở nên một sứ điệp sống động của tình thương Chúa Cha trong chương trình cứu độ con người, xin giúp mỗi người chúng con biết hoán đổi cuộc đời của mình thành sứ điệp của tình thương qua thái độ từ bỏ và phục vụ tha nhân trong mỗi ơn gọi Chúa trao. Chúa đã chọn thánh ý Chúa Cha để sống và thực hiện mỗi ngày, xin cho chúng con luôn lấy những giá trị của Tin Mừng làm kim chỉ nam cho cuộc đời và cho ơn gọi của mình. Thập giá là một khổ hình nhưng Chúa đã chọn để bày tỏ tột đỉnh của tình thương đến từ Thiên Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết chọn lựa tinh thần phục vụ vô vị lợi để trao tặng cho tha nhân một chút tình người ấm áp, để tất cả giúp nhau sống ơn gọi Kitô hữu vẹn toàn hơn. Amen.
 

Lm Pet. Trần Bảo Ninh

Thập giá đời thường
Sưu tầm

Khi ngắm đàng thánh giá, giữa mỗi chặng chúng ta thường đọc:

- Chúng con kính lạy và ngợi khen Chúa Kitô. Vì Chúa đã dùng thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

Và hôm nay, qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, Chúa Giêsu cũng bảo:

- Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo Ta.

Điều Chúa muốn là mỗi người hãy ngồi lại để nhận rõ đâu là thập giá của mình để vác theo Chúa, để không còn than thân trách phận, để không còn trốn chạy và bỏ cuộc.

Nói thế chúng ta cứ tưởng là một điều gì xa vời nhưng trái lại, đó là một điều thật gần gũi, bởi vì trong chương trình cứu độ, Chúa bao giờ cũng để thập giá vừa tầm tay mỗi người. Chu toàn bổn của mình hằng ngày đó chính là cây thập giá đời thường mà mỗi người phải trung thành vác cho đến cùng, mặc dù nhiều khi cũng cực nhọc, vô vị và đơn điệu lắm.

Dầu muốn dầu không, một khi đã sống trên cõi đời này, chúng ta vẫn phải kề vai vác lấy thập giá của mình. Chi bằng hãy can đảm vác lấy với Chúa và theo Chúa, lúc đó chúng ta sẽ cảm thấy được bình an trong tâm hồn, và tìm thấy được những giá trị cao cả hơn.

Người ta hỏi một anh đạp xích lô như thế này:

- Anh đạp xích lô để làm gì?

- Tôi đạp xích lô để kiếm tiền.

- Vậy anh kiếm tiền để làm gì?

- Tôi kiếm tiền để mua gạo ăn?

- Mua gạo ăn để làm gì?

- Để đạp xích lô.

Và chúng ta gọi đó là một chiếc vòng luẩn quẩn. Phải, cuộc đời mỗi người chúng ta cũng thế. Nếu không cố gắng vươn lên, chúng ta cũng sẽ mãi mãi ở trong chiếc vòng luẩn quẩn ấy. Tuy nhiên đối với chúng ta thì không phải chỉ có vậy, bởi vì chúng ta phải vươn lên tới những giá trị siêu nhiên. Thực vậy, nếu chúng ta đạp xích lô để chu toàn bổn phận Chúa trao phó là lo lắng cho cuộc sống của mình và của gia đình, như lòng Chúa mong ước, nói cách khác, nếu chúng ta biết làm những công việc nhỏ bé tầm thường ấy vì lòng yêu mến Chúa, thì đó là chúng ta đang vác thập giá mình với Chúa và theo Chúa.

Như vậy, chúng ta có thể nói cuộc đời chúng ta chồng chất những thập giá bởi vì mỗi nỗi buồn, mỗi niềm đau chẳng hạn như bệnh hoạn tật nguyền, chết chóc tang tóc... đều là một thập giá. Tuy nhiên, cùng với Chúa chúng ta sẽ không thất vọng chán nản, trái lại chúng ta sẽ vui mừng và phấn khởi, bởi vì mỗi nỗi buồn, mỗi niềm đau sẽ là một sợi chỉ vàng dệt thành tấm vải cuộc đời chúng ta và làm cho tấm vải cuộc đời ấy thực sự có một giá trị siêu nhiên cao quý trước mặt Chúa.

Hơn thế nữa, nếu chúng ta biết vác thập giá mình mà bước theo Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ không đi vào ngõ cụt vô nghĩa, sẽ không đi vào sự chết, nhưng sẽ tiến đến vinh quang phục sinh muôn đời với Chúa.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...