Chúa Nhật XXIV Thường Niên - Năm A

"Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy". (Mt 18, 21-35)

Chúa Nhật XXIV Thường Niên - Năm A


 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXIV Thường Niên - Năm A


Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là đấng sáng tạo, nuôi dưỡng và chăm sóc mọi loài trong vũ trụ này, Ngài là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Vì vậy, Chúa ban bình an cho những ai trông cậy vào Ngài.

Giờ đây, chúng ta cùng nhau hiệp lòng, hiệp ý để dâng lên Chúa Thánh Lễ tạ ơn và để biểu tỏ tính thiện chí của mỗi người đối với cộng đoàn, bằng sự khiêm nhường từ nội tâm, khát mong cảm nghiệm được hiệu quả ơn tha thứ của Chúa và của anh chị em, ngay trong đời sống trần gian này.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin ban bình an cho những ai trông cậy vào Chúa, xin cho các tiên tri của Chúa được trung trực; xin nhậm lời cầu nguyện của tôi tớ Chúa, và của Is-ra-el dân Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là Ðấng sáng tạo và điều khiển muôn loài, xin nhìn đến chúng con và cho chúng con biết tận tình thờ phượng Chúa, hầu luôn được cảm thấy rõ ràng lòng Chúa yêu thương. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: Hc 27, 33 - 28, 9

"Hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha".

Trích sách Huấn Ca.

Thịnh nộ và giận dữ, cả hai đều đáng ghê tởm, người có tội đều mắc cả hai. Ai muốn báo thù, sẽ bị Chúa báo thù, và Chúa nghiêm trị tội lỗi nó. Ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha. Người này tích lòng giận ghét người kia, mà dám xin Chúa cứu chữa sao? Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lỗi nó làm sao? Nó là xác thịt mà tích lòng thịnh nộ, thì dám xin Chúa tha thứ làm sao? Ai sẽ khẩn cầu cho tội ác nó?

Ngươi hãy nhớ đến điều sau hết, và chấm dứt hận thù: hãy nhớ đến sự hư nát và sự chết, hãy trung thành với các giới răn. Hãy nhớ kính sợ Thiên Chúa, và đừng giận ghét kẻ khác. Hãy nhớ đến giao ước của Ðấng Tối Cao, và hãy bỏ qua sự lầm lỗi của kẻ khác.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 9-10. 11-12

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân

Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Xướng: Người đã thứ tha cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân; Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng.

Xướng: Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi.

Xướng: Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân hậu Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi.

Bài Ðọc II: Rm 14, 7-9

"Dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa; nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy, dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa. Vì lẽ ấy, nếu Ðức Kitô đã chết và sống lại, là để cai trị kẻ sống và kẻ chết.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống, Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 18, 21-35

"Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.

"Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả". Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.

"Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: "Hãy trả nợ cho ta". Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh". Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong.

"Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến vào bảo rằng: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?" Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.

"Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình".

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Trong cuộc hành trình bước theo Đức Kitô, Con Thiên Chúa, chúng ta xác tin rằng: Thiên Chúa luôn nâng đỡ mỗi người bằng tình yêu và quyền năng của Ngài. Vì thế, chúng ta cùng tha thiết cậy trông dâng lên Chúa những lời nguyện xin :

1. “Ai muốn báo thù, sẽ bị Chúa báo thù, và Chúa nghiêm trị tội lỗi nó”. - Xin thanh tẩy những bất hòa, chia rẽ trong Hội Thánh, để mọi người được hiệp nhất trong cùng một Chúa Thánh Thần, dưới sự lãnh đạo của các vị Chủ chăn. Nhờ đó mọi người đến với Hội Thánh hưởng tình bác ái chân thành.

2. “Không ai trong anh em được sống cho mình”. - Xin Chúa gia tăng trong Hội Thánh những thợ nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng, để dưới ánh sáng Lời Chúa, con người biết sống yêu thương, và hưởng nền hòa bình trong công lý và tình thương.

3. “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lẩn”. - Xin cho các tín hữu quên đi những cạnh tranh trong cuộc sống, quên đi những hận thù ghen ghét, mà phát triển con người Kitô hữu là sống yêu thương, tha thứ, xóa bỏ oán thù để xứng đáng là những kẻ tin theo Chúa.

4. “Sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta thương ngươi". - Xin cho tội nhân thấu hiểu được lòng Chúa khoan dung nhân hậu, để họ nhận biết lỗi lầm, thực tình thông hối và quyết tâm trở về với Chúa qua Bí tích Hòa Giải.

Chủ tế: Lạy Chúa, chúng con chỉ là những con nợ bất lực trước món nợ tình thương của Chúa. Xin cho chúng con luôn nhớ đến lòng thương xót Chúa mà sống khiêm tốn, tha thứ cho nhau một cách chân thành, để khi chúng con đọc chung kinh Lạy Cha, chúng con xứng đáng lãnh nhận ơn tha thứ. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con cầu nguyện và thương nhận những lễ vật này để hiến lễ mỗi người chúng con dâng mà tôn vinh Danh Thánh, giúp mọi người đạt tới ơn cứu độ. Chúng con cầu xin...

Ca hiệp lễ

Ôi Thiên Chúa, cao quý thay ân sủng của Ngài. Con người ta tìm nương tựa trong bóng cánh của Ngài.

Hoặc đọc:

Chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa, là thông hiệp với máu Chúa Kitô, và tấm bánh mà chúng ta bẻ ra, là thông phần vào mình Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin làm cho sức mạnh của bí tích này tràn ngập chúng con cả hồn lẫn xác, để chúng con không còn sống theo những cảm nghĩ tự nhiên, nhưng luôn theo ơn Thánh Thần hướng dẫn. Chúng con cầu xin...

Suy niệm
 

LUẬT NHÂN QUẢ CỦA CHÚA (Mt 18,21-35)

Bấy giờ tôn chủ đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18,32-33)

Suy niệm: Nhiều người mặc nhiên coi câu nói ‘gieo nhân nào gặt quả nấy’ như một quy luật hoàn toàn máy móc. Vì thế khi thấy ai đó gặp phải điều không may, họ quy kết ngay rằng hẳn “anh ta hay cha mẹ anh ta” đã làm điều chi bất nhân thất đức nên mới bị trừng phạt ‘quả báo nhãn tiền’ như thế (x. Ga 9,1-2). Chúa Giê-su không nói luật nhân quả là sai nhưng Ngài cho biết căn nguyên của luật ấy là chính Thiên Chúa và mỗi người đều đã nhận được cái “nhân” tối thượng là ơn tha thứ nhờ lòng thương xót của Ngài: “Tôn chủ” đã tha nợ cho người đầy tớ món nợ vô cùng lớn chỉ vì “anh đã van xin Ngài.” Vì thế từ cái “nhân” tốt lành đó mỗi người sẽ phải sinh “quả ngọt” bằng cách “thương xót người khác như chính Chúa đã thương xót mình”. Ngược lại, người ta sẽ nhận phải cái kết là “trái đắng” nếu họ cư xử nghiệt ngã vô cảm với anh em mình.

Bạn thân mến! Những việc lành phúc đức của bạn, việc bạn bao dung tha thứ cho người khác đúng là những nhân tốt lành để bạn gặt được quả phúc mai sau, nhưng, bạn nhớ rằng đó cũng là việc bạn phải làm để đáp lại việc trước đó Chúa đã xoá cho bạn món nợ vô cùng lớn là tội lỗi mà bạn đã xúc phạm đến Chúa và anh em. Bạn hãy nhớ luật nhân quả của Chúa là: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).

Sống Lời Chúa: Mỗi tối xét mình, thấy mình còn hờn giận ai, bạn hãy tìm cách tốt nhất để làm hoà với họ.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

Tha thứ
(Sưu tầm)

Ở bên Nhật, có một tên sát nhân khét tiếng đã từng giết hại nhiều người, hắn chẳng may bị bắt và bị tống giam trong ngục, chờ ngày lãnh nhận bản án tử hình. Thế rồi có hai phụ nữ đạo đức đã tới thăm viếng và trò truyện với hắn, nhưng hắn đã đáp lại bằng một cái nhìn hằn học. Trước khi ra về, họ đã để lại cho hắn cuốn Phúc âm với hy vọng mong manh là hắn sẽ đọc.

Quả thật, vì chẳng có việc gì làm, nên hắn đã tò mò mở ra, và rồi hình như có một sức thu hút nào đó, khiến hắn tiếp tục đọc, đọc mãi cho đến lời cầu của Chúa Giêsu trên thập giá:

- Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.

Hắn đã dừng lại và nói:

- Sự kiện trên đã làm cho tôi xúc động và tôi cảm thấy dường như sự hung dữ và tàn bạo của tôi đã tan biến, bởi vì tôi đã tin.

Câu chuyện trên làm cho chúng ta nhớ tới người trộm lành trên thập giá. Mặc dù quãng đời dĩ vãng chồng chất những tội lỗi, nhưng rồi anh đã được Chúa tha thứ. Chính Ngài đã nói với anh:

- Ta bảo thật, ngay hôm nay anh sẽ được ở trên thiên đàng với Ta.

Tên sát nhân ở Nhật Bản, cũng như người trộm lành đều là những kẻ tàn bạo, thế mà Chúa đã xót thương, cho ăn năn sám hối vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời, thì tự hỏi làm sao chúng ta lại khước từ, chẳng tha thứ cho nhau.

Chính Ngài đã khẳng định qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay:

- Thầy không bảo các con phải tha thứ đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy lần, có nghĩa là phải tha thứ cho nhau mãi mãi.

Và để xác minh cho sự thật trên người ta đã đưa ra một câu chuyện cụ thể đó là câu chuyện về tên đầy tớ độc ác. Như chúng ta thấy, khi mắc nợ ai, chúng ta phải hoàn trả cho họ, đó là bổn phận của đức công bằng.

Cũng vậy, tên đầy tớ mắc nợ nhà vua mười ngàn nén bạc, mà hắn thì không có gì để trả, vì thế, nhà vua cứ dựa theo sự công bằng để ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con và tài sản mà trả nợ. Thế nhưng, nhà vua đã không hành động như thế. Ông đã không cư xử với hắn theo sự công bằng, mà theo lòng thương xót, bởi thế ông đã tha bổng cho y, và đòi y cũng phải thương xót đối với những người chung quanh:

- Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, thì đến lượt ngươi, ngươi cũng phải thương xót bạn ngươi như ta đã thương xót ngươi.

Trong mối liên hệ giữa người với người, chúng ta thấy công bằng phải đi trước bác ái và làm nền tảng cho bác ái, bởi vì nếu không có công bằng thì cũng chẳng có bác ái. Thế nhưng nhiều lúc chúng ta phải vượt lên trên cái nền tảng công bằng này để biểu lộ một tình yêu thương và tha thứ.

Còn chúng ta thì sao, liệu chúng ta có sẵn sàng tha thứ cho anh em để rồi bản thân chúng ta sẽ được hưởng nhờ lòng thương xót của Chúa hay không?

Chúa Nhật 24 Thường Niên – Năm A
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 18, 21-35).
 
Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.
“Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.
“Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: “Hãy trả nợ cho ta”. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh”. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong.
“Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến vào bảo rằng: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.
“Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.
 
Suy niệm

Tha thứ luôn được coi là một hành động của tình yêu. Khi con người sống với nhau bằng tình yêu thực sự, thì tha thứ luôn là người bạn đồng hành, luôn là một hành động cần có để biểu lộ chiều sâu của tình yêu mỗi người dành cho nhau. Hình ảnh này khởi đi từ tình yêu Thiên Chúa, Chúa Cha đã yêu con người, yêu không bờ bến, yêu không cần đền đáp, Ngài yêu con người ngay khi con người còn là một tội nhân, Ngài yêu con người đến nỗi đã tha thứ cho con người tất cả. Chúa nhật 24 thường niên trở về, phụng vụ Lời Chúa là lời của Thiên Chúa mời con người hãy yêu thương nhau, và hãy tha thứ cho nhau, chính lúc tha thứ cho nhau, là lúc con người họa lại khuôn mặt tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình và của tha nhân.

Là họa ảnh của Thiên Chúa, mỗi người có một giá trị rất lớn lao trước mặt Thiên Chúa, hơn nữa, họ con mang trong mình sự sống là hơi thở của Thiên Chúa, do đó, tác giả sách Huấn ca đã gởi tới mỗi người lời khuyên bảo: “Ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha. Người này tích lòng giận ghét người kia, mà dám xin Chúa cứu chữa sao?”. Thấy được chiều sâu nội tâm của con người luôn có những khiếm khuyết, những lầm lỗi, vì thế, tác giả gợi nhắc mỗi người hãy ý thức điều này: “Thịnh nộ và giận dữ, cả hai đều đáng ghê tởm, người có tội đều mắc cả hai. Ai muốn báo thù, sẽ bị Chúa báo thù, và Chúa nghiêm trị tội lỗi nó”. Sự hiện hữu của con người trong thế giới này không phải là vĩnh viễn, nhưng chỉ là hữu hạn, do đó, con người hãy cố gắng sống tốt mỗi ngày, chính sự cố gắng đó nói lên giá trị của con người trước mặt Thiên Chúa, và sẽ nhận được tình thương và sự tha thứ đến từ Ngài: “Hãy nhớ đến sự hư nát và sự chết, hãy trung thành với các giới răn. Hãy nhớ kính sợ Thiên Chúa, và đừng giận ghét kẻ khác. Hãy nhớ đến giao ước của Ðấng Tối Cao, và hãy bỏ qua sự lầm lỗi của kẻ khác”. Nếu hôm nay ngươi yêu thương và tha thứ cho tha nhân, mai ngày, ngươi sẽ được Thiên Chúa yêu thương và tha thứ tất cả, còn được Ngài đưa vào trong gia đình của Ngài là Nước Trời.
 
Mỗi ngày trong hành trình đức tin của mình, thánh Phaolô tông đồ xác tín hơn về niềm tin và ơn gọi của mình, dù có sinh sau đẻ muộn, thánh nhân luôn ý thức bản thân là một chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Đức Giêsu Kito, Thầy Chí Thánh, do đó, trong lá thư gởi giáo đoàn Roma, thánh nhân bộc bạch niềm tin và tình yêu của mình dành cho mỗi thành viên, đồng thời, ngài cũng khuyên bảo họ: “Anh em thân mến, không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa; nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy, dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa”. Khi sống cho anh em mình là dấu hiệu của tình liên đới huynh đệ trong một gia đình, trong một thân thể mầu nhiệm, trong tình liên đới đó, sự sống của Thiên Chúa kết nối các tâm hồn với nhau, vì vậy, cần có sự cảm thông, cần có sự tha thứ, cần có sự quan tâm lẫn nhau. Tất cả là dấu chỉ của tình huynh đệ gia đình Thiên Chúa. Khi cuộc sống vươn tới tầm cao đó, là lúc con người không còn sống cho mình nữa mà là sống cho Thiên Chúa và thuộc trọn về Thiên Chúa, ngay hôm nay và mai sau.
 
Cuộc sống con người là một cuộc chiến, chiến đấu với bản thân, chiến đấu với những cám dỗ, chiến đấu với những nghịch cảnh, tranh đấu trong công ăn việc làm, tranh đấu với những tham vọng, những địa vị trong cuộc sống. Chính vì tranh đấu dai dẳng mà hố sâu giữa con người với nhau ngày càng sâu, khó có thể san lấp, vì thế, trong thế giới nhân loại, chiến tranh luôn diễn ra đó đây, ngay cả trong công ăn việc làm cũng thế. Để lấp đầy những hố sâu ngăn cách đó, cần có một động lực vô hình là tình yêu, mà đỉnh cao của tình yêu là tha thứ. Hành động tha thứ giúp con người thông cảm với nhau, giúp con người xích lại gần nhau để giúp nhau sửa lỗi, giúp nhau phản tỉnh cuộc đời, giúp nhau giữ vững giá trị của con người trong cuộc sống. Để tha thứ được đâu phải chỉ nói suông, nhưng là một quá trình đấu tranh với bản thân, với cái tôi của mình. Nhưng để tha thứ được, cần có tình yêu thương, đó là lúc nhìn nhận giá trị của tha nhân như là giá trị của bản thân, rồi cảm thông, rồi đón nhận sự khác biệt, rồi tha thứ, rồi yêu thương nhiều hơn. Hành động tha thứ không phải chỉ một lần nhưng được mời thực hiện mỗi ngày, thánh Phêrô nghĩ rằng tha thứ ba lần là rất quảng đại rồi, thế nhưng, Đức Giêsu đã nói với ông, chừng đó chưa đủ cho cuộc đời: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy”. Một trong những khác biệt giữa các thánh tử đạo trong giáo hội công giáo với các anh hùng dân tộc, đó là sự tha thứ. Các thánh tử đạo đã tha thứ cho những người làm hại đến mình và anh chị em, bởi họ chỉ là nạn nhân của tội lỗi, của ma quỷ, họ cũng là con người, là anh chị em con cái Thiên Chúa. Các thánh tử đạo đã tha thứ và cầu nguyện nhiều cho họ khi họ chưa hiểu việc họ làm, còn các anh hùng dân tộc luôn kết án những ai xâm phạm sự sống của họ và mọi người, thậm chí có những lời kết án rất nặng nề, không có chút bóng dáng của tình yêu thương.
 
Đức Giêsu đã thực hiện hành động tha thứ cách tuyệt vời khi Ngài bị treo trên thập giá bởi một bản án bất công. Chính vì yêu thương con người, Ngài đã đón nhận họ trong thân phận một tội nhân, do đó, lời cầu nguyện đẹp nhất, ý nghĩa nhất, tuyệt vời nhất của Đức Giêsu trên thập giá: “Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Chọn lựa con đường mang tên Giêsu là lúc chúng ta cùng với Ngài họa lại bức tranh tình yêu Thiên Chúa trong cuộc sống như Ngài đã thể hiện trên đồi Canvê, là yêu thương mọi người, kể cả kẻ thù, kẻ chống đối Thiên Chúa và Giáo hội, yêu thương những người đang làm hại tha nhân hàng ngày, và luôn sẵn sàng tha thứ cho mọi người, không chỉ tha bảy lần, mà là tha thứ cả đời, tha thứ mọi nơi mọi lúc. Một hành động đong đầy tình người, tình trời và tình huynh đệ gia đình Thiên Chúa. Để thực hiện được hành động đó cần cố gắng nhiều từ sự cảm nghiệm của bản thân, tôi được Thiên Chúa yêu thương, tha thứ mỗi ngày, mỗi hành động thiếu ý hướng tốt lành, có như vậy mới cảm nhận được nhu cầu của anh chị em là mong được tha thứ, mong được yêu thương, mong được bình an trong tâm hồn. Tôi nhận được tình yêu của Thiên Chúa, nhận được sự tha thứ của Ngài, nhận được sự bình an của Ngài, tôi có trách nhiệm chia sẻ và thực hiện cho tha nhân.
 
Trong đời sống gia đình, mỗi thành viên dù trong cùng tổ ấm, nhưng không thiếu những lầm lỗi, những bất đồng, những sự vô tâm, thiếu trách nhiệm, do đó, cần được yêu thương, cần được tha thứ. Để có một tổ ấm thực sự, cần có sự hiện diện của tình yêu thương giữa vợ chồng với nhau, một tình yêu hy sinh, một tình yêu thông cảm, một tình yêu tha thứ, rồi nữa là tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái, thông cảm với con cái trước những khó khăn của xã hội mà chúng đang là thành viên, đồng cảm với cha mẹ với công ăn việc làm ngày càng bấp bênh. Có được sự thông cảm và chia sẻ vậy, tha thứ mới có thể hiện hữu giữa gia đình. Ngay cả đời sống dâng hiến cũng không ngoại lệ, trong mỗi cộng đoàn, bao con người xa lạ, khác biệt mọi thứ cùng tìm về sống bên cạnh nhau để giúp nhau gọt dũa những lầm lỗi để được nên thánh. Dù ước muốn thật chân thành và cao đẹp, nhưng chưa thể thoát khỏi những xu hướng, những trào lưu từ xã hội, bởi đó, tìm kiếm một tình yêu thương thực sự nơi các cộng đoàn có phải là việc làm bất khả thi không? nếu như tình yêu thương thực sự có mặt, hành động tha thứ và đón nhận nhau sẽ là nét son tuyệt vời hiện diện giữa các cộng đoàn, tiếc thay, tình yêu thương và tha thứ đó chỉ là một hình thức bên ngoài, chưa có chiều sâu nội tâm và chưa có ý nghĩa thiêng liêng.
 
Lạy Chúa, con được Chúa tha thứ mỗi ngày, được Chúa yêu mỗi ngày, xin Chúa giúp con can đảm yêu thương và tha thứ mọi người, dù đó là người đang làm con đau khổ, đang làm con tổn thương, Chúa đã cầu nguyện cho những người đã xâm hại Chúa, xin giúp con mỗi ngày biết cầu nguyện cho những người đang giận ghét Thiên Chúa, oán thù Giáo hội và thiếu thiện cảm với các tín hữu Kitô, để mỗi ngày họ nhận ra họ đang được yêu thương, đang được tha thứ từ Thiên Chúa. Xin cho con luôn biết sửa mình để cảm thức về tội thôi thúc con sống khiêm tốn, sống chân thành và biết tha thứ nhiều hơn. Amen.


VÌ SAO PHẢI QUẢNG ĐẠI THA THỨ?
(Chúa Nhật XXIV TN A) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Tha thứ là một chủ đề không có gì mới lạ. Đã là con người thì phải biết tha thứ. Đây là một trong những đức luân lý nhân bản. Và tôn giáo nào cũng dạy con người sống phải biết đại lượng, khoan dung, tha thứ cho người lỗi phạm đến mình. Sự oán ghét, hận thù thỉnh thoảng có mặc chiếc áo của sự công bình làm con người thấy hả hê khi kẻ có tội phải bị đền nợ. Thế nhưng điều ấy chẳng thể thực sự “có hậu” vì “lấy oán trả oán thì oán oán chồng chất”. Vấn đề đặt ra là vì sao chúng ta phải quảng đại tha thứ cho nhau và cần phải tha thứ liên lỉ như Chúa Giêsu khẳng định với Phêrô là đến bảy mươi lần bảy?

Phụng vụ Lời Chúa ngày Chúa Nhật XXIV TN A, đặc biệt bài trích Sách Huấn ca và bài trích Tin Mừng Thánh Matthêu đã nêu rõ nguyên nhân khiến chúng ta phải tha thứ cho nhau cách quảng đại và liên lỉ đó là vì chúng ta cũng là kẻ có tội và đã được Thiên Chúa tha thứ cách liên lỉ và quảng đại. Đồng thời việc tha thứ cho nhau còn là điều kiện như tất yếu để nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Chúng ta đều là kẻ có tội. Đã là người ít có ai dám to gan khẳng định mình vẹn sạch, không vương bẩn tội nhơ. Cha ông chúng ta cảm nghiệm rằng: Đa thọ đa nhục, đa phú đa ưu. Cũng như càng giàu có thì càng thêm nhiều mối lo thì càng thêm tuổi thì tội lỗi càng chất chồng. Mọi thứ tội mà chúng ta phạm đến Thiên Chúa đều to lớn và nặng nề như món nợ không bao giờ có thể trả được. Mười ngàn nén vàng mà anh đầy tớ mắc nợ nhà vua theo câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể là một minh họa. Mức độ nặng nhẹ của tội mà chúng ta phạm không nguyên chỉ căn cứ vào loại tội gì mà còn căn cứ vào người mà chúng ta xúc phạm. Mọi tội lỗi của chúng ta đều xúc phạm đến chính Thiên Chúa, vì chúng ta đã cố tình đi ngược với đường lối Người chỉ dạy, làm trái với giới răn Người ban truyền. Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành đã dựng nên muôn vật muôn loài và dựng nên chúng ta từ hư vô. Người còn là Người cha chí ái đã yêu thương chúng ta đến nỗi đã ban chính Con Một cho chúng ta. Chính vì thế bất cứ thứ loại tội nào dù lớn hay bé, dù mặt này hay khía cạnh kia, khi đã xúc phạm đến Đấng Toàn Năng và Toàn Thiện thì đều đáng chịu “tru di cửu tộc”.

Thế mà Thiên Chúa lại tỏ bày tình yêu, lòng khoan dung nhân hậu với chúng ta không bút nào tả xiết. Người đã yêu thương nhân loại chúng ta đến nỗi trao ban chính Người Con Một để chúng ta được thứ tha, được hòa giải với Người và dĩ nhiên là để cho chúng ta được hưởng gia tài là hạnh phúc vĩnh cửu. Thánh Gioan Tông đồ quả quyết chính Thiên Chúa đã đi bước trước trong việc yêu thương chúng ta. Thánh Phaolô, vị Tông Đồ dân ngoại cũng đã khẳng định rằng Chúa Kitô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là kẻ phản nghịch. Anh đầy tớ mắc món nợ kếch xù trong câu chuyện dụ ngôn, không xin tha mà chỉ xin cho khất nợ một kỳ hạn, thì đức vua lại chạnh lòng thương cho anh về và xí xóa luôn cả món nợ kếch xù ấy. Lòng xót thương tha thứ của Thiên Chúa là thế đó. Đức Bênêđictô XVI trong Thông Điệp đầu triều đại Giáo hoàng của Ngài, Thông điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu” đã nhận định: Tình yêu của Thiên Chúa như chống lại sự công minh của Người (số 10).

Một định luật tất yếu: Nước trên nguồn tuôn đổ dạt dào thì nó cần phải được chảy xuôi về hạ lưu. Đã đón nhận tình yêu tha thứ cách dồi dào và nhưng không, thì chúng ta phải biết yêu thương tha thứ cho nhau cách quảng đại và liên lỉ. Tuy nhiên một thực tế dường như không thể chối, đó là dòng suối ân tình tha thứ đã từng bị chặn đứng bởi tấm lòng hẹp hòi, nhỏ nhen của chúng ta trước lầm lỗi của tha nhân. Cần xác định rằng mọi lỗi lầm mà tha nhân phạm đến chúng ta đều chỉ là món nợ lẻ, không đáng kể. Chúng ta cũng chỉ là thọ tạo như tha nhân không hơn không kém. Chúng ta đồng thời cũng là những tội nhân đầy hạn chế và bất toàn và hơn nữa cái tình mà chúng ta dành cho tha nhân lại có giới hạn, chính vì thế những lỗi lầm mà tha nhân xúc phạm đến chúng dù ở mức nào đi nữa thì chẳng đáng là bao. Thế mà như người đầy tớ vừa được tha một món nợ kếch xù trong chuyện dụ ngôn, chúng ta nhiều khi lại ghim gút lỗi lầm của tha nhân đến độ có hành vi nhẫn tâm và tàn ác dường như không thể tưởng.

Một định luật tất yếu thứ hai: Khi dòng chảy bị chặn thì nguồn nước sẽ trào lênh láng ra ngoài. Dù Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ nhưng chúng ta sẽ không nhận được hồng ân ấy, nếu chúng ta khép lòng từ tâm của mình trước tha nhân. Xin cùng nhau ngẫm nghĩ Lời Chúa trong Sách Huấn ca: “Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành! Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình! Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận, thì ai sẽ xin tha tội cho nó?” (Hc 28,3-5). Chúa Giêsu kết thúc câu chuyện dụ ngôn bằng những lời sau: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế (tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông), nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35). Trước đó, khi dạy các môn đệ cầu nguyện với Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu cũng đã khẳng định điều tương tự: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 14-15).

Là Kitô hữu Công giáo, chúng ta đã từng nhiều lần đến tòa cáo giải. Căn cứ vào lời khẳng định của Chúa Giêsu thì vẫn có đó nhiều người dù đã xưng thú tội lỗi, đã nhận được lời xá giải: “Cha tha tội cho con…” , nhưng tội họ vẫn còn đó, nghĩa là chưa nhận được hồng ân tha thứ của Thiên Chúa, tất thảy chỉ vì họ chưa thực lòng tha thứ cho tha nhân, những người đã lỗi phạm đến họ.

 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...