Chúa Nhật XXIX Thường Niên –Năm A
“Cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho ông Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa”. (Mt 22, 15-21)
Chúa Nhật XXIX Thường Niên –Năm A
Mt 22,15-21
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXIX Thường Niên –Năm A
Ca nhập lễ
Lạy Chúa, tôi kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời tôi, xin ghé tai về bên tôi, xin nghe rõ tiếng tôi. Lạy Chúa, xin gìn giữ tôi như con ngươi mắt Chúa, xin che chở tôi trong bóng cánh của Ngài.
Dẫn vào Thánh Lễ
Anh chị em thân mến! Là công dân của quốc gia trần thế và Nước Trời, chúng ta có nghĩa vụ đối với thế quyền và đối với Thiên Chúa. Là công dân của Nước Trời hay Vương Quốc của Thiên Chúa, chúng ta có nghĩa vụ phải tìm kiếm, nhận biết, tôn thờ, yêu mến Thiên Chúa và làm cho Nước Thiên Chúa được mỗi ngày một rộng mở.
Ngày nay người ta dễ bị cuốn hút vào đời sống vật chất, tiện nghi, hưởng thụ, ích kỷ nên rất khó nhớ tới và chu toàn các nghĩa vụ thiêng liêng của mình đối với Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và cứu độ.
Trong ý nghĩa này, chúng ta cần hoán cải bản thân, để thi hành các bổn phận cho tốt bằng việc thành tâm hốì lỗi.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin tạo cho chúng con một tấm lòng trung tín và quảng đại để chúng con nhiệt thành phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Is 45, 1. 4-6
“Ta đã cầm tay hữu của Cyrô để bắt các dân suy phục trước mặt nó”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ðây Chúa phán cùng Cyrô, kẻ xức dầu của Chúa mà Ta đã cầm tay hữu nó, để bắt các dân suy phục trước mặt nó, bắt các vua quay lưng lại, mở các cửa trước mặt nó, và các cửa không được đóng lại:
Nhân vì Giacóp tôi tớ Ta, và Israel kẻ Ta kén chọn, Ta đã gọi đích danh ngươi: Ta đã kêu gọi ngươi khi ngươi không nhận biết Ta. Ta là Chúa, và chẳng còn chúa nào khác: ngoài Ta ra, không có Thiên Chúa nào nữa. Ta đã thắt lưng cho ngươi khi ngươi không nhận biết Ta, để các kẻ từ đông sang tây nhận biết rằng ngoài Ta ra không có ai khác: Ta là Chúa, và chẳng có chúa nào khác.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 95, 1 và 3. 4-5. 7-8. 9-10a và c
Ðáp: Hãy kính tặng Thiên Chúa quyền thế với vinh quang (c. 7b).
Xướng: Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa, hỡi toàn thể địa cầu. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc. – Ðáp.
Xướng: Vì Thiên Chúa, Người hùng vĩ và rất đáng ngợi khen, Người khả uý hơn mọi bậc chúa tể. Vì mọi chúa tể của chư dân là hư ảo, nhưng Thiên Chúa đã tác tạo trời xanh. – Ðáp.
Xướng: Hãy kính tặng Thiên Chúa, hỡi người chư dân bá tánh, hãy kính tặng Thiên Chúa quyền thế với vinh quang, hãy kính tặng Thiên Chúa vinh quang xứng với danh Người. Hãy mang lễ vật, tiến vào hành lang nhà Chúa. – Ðáp.
Xướng: Mặc lễ phục, thờ lạy Thiên Chúa. Toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước thiên nhan, hãy công bố giữa chư dân rằng Thiên Chúa ngự trị. Người cai quản chư dân theo đường đoan chính. – Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Tx 1, 1-5b
“Tôi hằng nhớ đến đức tin, đức cậy và đức mến của anh em”.
Khởi đầu thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Phaolô, Silvanô và Timôthêu kính gửi giáo đoàn thành Thêxalônica trong Thiên Chúa Cha và trong Chúa Giêsu Kitô. Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an.
Tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa cho mọi người anh em, trong khi tôi cầu nguyện, tôi hằng nhớ đến anh em không ngừng; tôi nhớ đến sự nghiệp của lòng tin, công việc của lòng bác ái, sự vững lòng trông cậy của anh em vào Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta. Hỡi anh em là những kẻ được Thiên Chúa yêu mến, tôi từng biết anh em được Chúa tuyển chọn, bởi vì Tin Mừng của chúng tôi ở nơi anh em, không phải chỉ với lời nói mà thôi, mà là với quyền năng, với Thánh Thần và với lòng xác tín.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 10, 27
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta”. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 22, 15-21
“Cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho ông Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, các người biệt phái họp nhau lại bàn mưu để bắt bẻ Chúa Giêsu trong lời nói. Các ông sai môn đồ của các ông đi với những người thuộc phái Hêrôđê đến nói với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người ngay chính, căn cứ theo sự thật mà dạy bảo đường lối Thiên Chúa. Thầy chẳng cần để ý đến ai, vì Thầy không tây vị người nào. Vậy xin Thầy nói cho chúng tôi biết Thầy nghĩ thế nào: Có được phép nộp thuế cho Cêsarê hay không?” Chúa Giêsu thừa hiểu ác ý của họ, nên nói: “Bọn người giả hình, các ngươi gài bẫy Ta làm gì? Hãy đưa Ta xem đồng tiền nộp thuế”. Họ đưa cho Người một đồng bạc. Và Chúa Giêsu hỏi họ: “Hình tượng và danh hiệu này là của ai?” Họ thưa rằng: “Của Cêsarê”. Bấy giờ Người bảo họ rằng: “Vậy, cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Để có thể thể thực hiện được nghĩa vụ ”tốt đạo, đẹp đời” cho trọn vẹn và an bình, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin:
1. “Ta đã gọi đích danh ngươi: Ta đã kêu gọi ngươi…”.– Xin cho các vị lãnh đạo dân Chúa, luôn khôn ngoan để xử trí trong mọi việc mà nhu cầu mục vụ đòi hỏi, và can đảm mưu tìm vinh danh Chúa, để có thể chu toàn trọn vẹn ý Chúa.
2. “Cái gì của Cesarê thì hãy trả cho Cesarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa“.- Xin cho các công dân trần gian sau khi lãnh nhận phép Thánh Tẩy, trở thành tín hữu của Nước Trời, biết đặt định đúng mức giá trị siêu nhiên và tự nhiên, để dâng lên Thiên Chúa những gì của Ngài và trả cho trần gian những gì thuộc trần gian.
3. “Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít”,– Xin Chúa sai nhiều sứ giả Tin Mừng đến những cánh đồng hoang vu chưa được gieo vãi hạt giống Lời Chúa và khai quang tâm trí nhiều người, để họ dễ dàng chấp nhận sứ điệp cứu độ của Chúa
4. “Hỡi anh em là những người được Thiên Chúa yêu mến”.— Xin thánh ý Chúa như kim chỉ nam hướng dẫn cuộc đời mỗi người trong giáo xứ chúng ta, để trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng an tâm, can đảm sống theo ý Chúa và kết hiệp với Ngài.
Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa sẽ hỏi mỗi người chúng con “hình tượng và danh hiệu này là của ai?”. Xin cho chúng con mỗi ngày đều biết đóng ấn hình ảnh Thiên Chúa, và khắc ghi danh hiệu Kitô hữu, càng ngày càng sâu đậm hơn trong đời sống, để mọi người nhận ra Nước Trời đang hiện diện nơi chứng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô …
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết phụng thờ Chúa tại bàn thánh này, với tâm hồn tự do của con cái Chúa, để những mầu nhiệm chúng con đang cử hành đem lại cho chúng con nguồn ơn thanh tẩy. Chúng con cầu xin..
Ca hiệp lễ
Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, và nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.
Hoặc đọc:
Con Người đến, để ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa vừa gọi chúng con tời bàn tiệc Nước Trời và ban dồi dào sức sống mới, xin Chúa phù trợ chúng con trong cuộc sống hằng ngày và dạy chúng con biết tìm kiếm những hồng ân vĩnh cửu. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
Của César
Ngày nay trước vấn đề tục hoá, vai trò của tôn giáo dường như mỗi lúc một mờ nhạt. Thế nhưng rải rác đó đây vẫn còn những sự kiện đáng cho chúng ta suy nghĩ. Chẳng hạn giáo chủ Khomenei ra lệnh hành quyết đối với nhà văn Salman Rushdie vì ông này đã báng bổ Hồi giáo qua cuốn “Vần thơ của ác quỷ”. Và cũng đã lâu, các học giả Hồi giáo đòi lấy đầu bà Thủ tướng Butto nước Pakistan vì bà này dám huỷ bỏ luật chặt tay những kẻ trộm cắp. Trong bối cảnh đó thì đoạn Tin Mừng sáng hôm nay có ý nghĩa gì?
Đây là lần đầu tiên bọn biệt phái và phe Hêrôđê liên kết với nhau tưởng rằng sẽ mưu cầu đại sự, ai ngờ chỉ nhằm loại bỏ Chúa Giêsu bằng cách gài bẫy Ngài trước một vấn đề xem ra nan giải: Có được phép nộp thuế cho César hay không? Nêu lên câu hỏi này, bọn biệt pháp chỉ chờ câu trả lời có để ghép tội Chúa Giêsu là kẻ chống phá tôn giáo, đi với đế quốc. Trong khi phe Hêrôđê thì lại chờ câu trả lời không để xếp Ngài vào số những kẻ thù địch với chính quyền. Có hay không, phần thiệt luôn nghiêng về Chúa Giêsu.
Nhưng thật bất ngờ đến độ chưng hửng, Chúa Giêsu không những đã vạch trần thủ đoạn nham hiểm của họ, mà còn đẩy họ tới chỗ phải chịu trách nhiệm về những chọn lựa của mình. Ngài nói: Của César hãy trả cho César. Đây là một sự kiện thực tế bởi vì họ tiêu dùng tiền Rôma thì cũng phải đóng thuế cho Rôma. Quyền lợi đi liền với nghĩa vụ. Nộp thuế cho César không phải là một hành vi phạm thánh như bọn biệt phái cố tình dàn dựng, nhưng là một hành động hợp lý với những ai có ý thức xã hội.
Bọn biệt phái thì chưng hửng còn phe Hêrôđê thì cụt hứng. Những tưởng đã chụp mũ được Chúa Giêsu trong góc độ chính trị, nếu Ngài phủ nhận quyền bính của César, nhưng Ngài lại muốn khẳng định mình trong cương vị tôn giáo. Thế nên, chẳng thể bảo Ngài là thoả hiệp hay chống đối, bởi vì Ngài là con người tôn giáo biết chu toàn mọi bổn phận công dân.
Vượt trên vấn nạn của kẻ thù, Chúa Giêsu còn mời gọi họ bước tới với trách nhiệm tôn giáo. Dù đứng trong lập trường nào, họ đều là những người Do Thái, kính mến Thiên Chúa và tuân giữ luật lệ của Maisen, nên bổn phận trước hết của họ phải là bổn phận tôn giáo: của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa. Qua đó Ngài cũng xác quyết vê quyền tối thượng của Thiên Chúa. Thực vậy, Thiên Chúa là chủ và quyền năng của Ngài bao trùm mọi lãnh vực. Ngài không tự đặt mình ngang hàng với César để tranh chấp hay bảo vệ những quyền lợi của mình. Bởi vì nộp thuế hay không nộp thuế cho César đâu có thêm bớt được cho vinh quang của Ngài. Do đó, chúng ta có thể chu toàn những bổn phận đối với Thiên Chúa mà vẫn cứ an tâm nộp thuế cho César.
Chúng ta không phải chỉ ngỡ ngàng và thán phục cung cách trả lời của Chúa Giêsu, mà còn ngỡ ngàng và thán phục hơn nữa với nội dung của lời giải đáp, có sức làm bật tung những lối nhìn tù túng. Có thể nói được rằng chỉ có một bổn phận duy nhất là làm đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng bao trùm trong mọi lãnh vực. Bởi vì đạo chỉ đẹp hơn khi ở trong đời và đời chỉ tốt hơn khi ở trong đạo.
CỦA THIÊN CHÚA TRẢ CHO THIÊN CHÚA
Suy niệm của ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.
Người Do Thái muốn gài bẫy Chúa nên đưa ra câu hỏi hóc búa. Không ngờ Chúa trả lời thật khôn ngoan: “Của César trả cho César, của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa”. Với câu trả lời này, Chúa Giêsu minh định hai điều:
Thứ nhất: Tôn giáo và chính trị tách biệt nhau. Chính trị không thể trở thành tôn giáo hoặc bắt tôn giáo làm nô lệ. Tôn giáo cũng không thể đi vào chính trị, đánh mất bản chất của mình.
Thứ hai: Mỗi người phải chu toàn hai nhiệm vụ. Nhiệm vụ đối với xã hội là “trả cho César” những gì của César. Nhiệm vụ đối với Thiên Chúa: “trả cho Thiên Chúa” những gì thuộc về Thiên Chúa.
Hình và huy hiệu khắc trên đồng tiền là của hoàng đế César vì thế phải trả lại cho ông. Nhưng linh hồn con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa nên linh hồn phải được trả về cho Thiên Chúa.
Để có được đồng tiền mang hình ảnh César, người dân phải làm việc vất vả. Cũng thế, để linh mang hình ảnh Thiên Chúa, con người cũng phải ra sức làm việc.
Nhưng hai cách làm việc thật khác xa nhau. Để chia sẻ phần nào quyền lực của vua chúa trần gian, người ta phải làm việc theo cách vua chúa đó là tìm chiếm hữu của cải. Để trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa, con người phải suy nghĩ và hành động như Thiên Chúa đó là yêu thương và cho đi.
Bí tích Thánh Thể là minh họa rõ nét nhất về tính cách yêu thương và cho đi của Thiên Chúa. Nói về bí tích Thánh Thể, lòng trí ta tự nhiên hướng về bữa Tiệc Ly, cuộc Khổ Nạn và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Qua đó ta thấy một vài khía cạnh trong tình yêu của Chúa.
Đó là tình yêu phục vụ. Tin Mừng thánh Gioan thuật lại. Chúa Giêsu yêu thương những kẻ thuộc về mình thì yêu thương cho đến cùng. Nên trong bữa ăn tối, Người cầm lấy chậu nước và khăn rồi đi rửa chân cho từng môn đệ.
Đó là tình yêu tự hiến. Khi lập phép Thánh Thể. Chúa Giêsu đã nói: “Đây là Mình Thày bị nộp vì anh em; Đây là Máu Thày đổ ra cho anh em và mọi người được tha tội” (Lc 22,19).
Đó là tình yêu hiền lành khiêm nhường. Chúa Giêsu cam lòng chịu kết án oan ức, chịu sỉ nhục, chịu hành hạ chịu chết mà chẳng một lời oán thán.
Đó tình yêu tha thứ. Không chỉ tha thứ mà còn cầu xin Chúa Cha tha cho những kẻ làm hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ lầm không biết” (Lc 23,34). Người cũng tha thứ cho kẻ trộm lành: “Thật Ta bảo thật, hôm nay con sẽ ở với Ta trên thiên đàng” (Lc 23,43).
Đó là tình yêu muốn tiếp diễn mãi mãi. Nên Người truyền cho ta: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (Lc 22,19). Cử hành thánh lễ, chầu Mình Thánh, kiệu Thánh Thể để Chúa ở mãi với ta, tiếp tục bày tỏ tình yêu thương với ta.
Người mong muốn kéo dài tình yêu của Người cho đến tận cùng không gian và đến tận cùng thời gian nơi cuộc đời chúng ta. Vì thế khi ta chịu lễ, ta phải kết hiệp mật thiết với Người, nên một với Người. Nên một với Người là biến đổi để ta suy nghĩ, nói năng và hành động như Người, nghĩa là sống như Người.
Sống như Chúa là hãy có tình yêu thương phục vụ. Vì Chúa đã dạy: “Như Thày đã rửa chân cho các con, các con cũng hãy rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Sống như Chúa là hãy có tình yêu tự hiến. Quên mình vì hạnh phúc của người khác. Dám hy sinh thời giờ, sức khỏe, tiền bạc vì anh em. Sống như Chúa là hãy có lòng hiền lành khiêm nhường. Vì Chúa đã dạy: “Hãy học cùng Thày, vì Thày hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Sống như Chúa là hãy tha thứ, không phải chỉ tha thứ 7 lần mà đến 70 lần 7 (x. Mt 18,21-22).
Sống như thế, ta trở nên hình ảnh sống động của Thiên Chúa giữa trần gian. Sống như thế, ta trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Sống như thế ta tôn sùng bí tích Thánh Thể một cách thiết thực và hữu hiệu nhất. Sống như thế là sống nhờ Thánh Thể. Không còn sống cho những giá trị trần gian mau qua, nhưng sống cho những giá trị vĩnh cửu của Nước Trời.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin dạy con biết sống bí tích Thánh Thể để con được kết hiệp với Chúa và càng ngày càng nên giống Chúa hơn. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1- Ban đã phải trả cho César những gì thuộc về César. Nhưng bạn có thực sự trả cho Chúa những gì thuộc về Người không?
2- Bạn làm gì để nên giống Chúa?
3- Qua bí tích Thánh Thể, bạn có thể hiểu được gì về tình yêu Chúa đối với bạn?
CỦA XÊDA TRẢ XÊDA, CỦA THIÊN CHÚA TRẢ THIÊN CHÚA
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB.
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật XXIX Thường Niên, Năm A này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa là Chúa các chúa, Vua muôn vua, vì thế, Chúa là Đấng rất đáng chúng ta tôn thờ và phụng sự. Chúng ta tôn thờ Chúa như thần dân đối với Vua trong Vương Quốc của Người, và chúng ta phụng sự Chúa như con thơ đối với Cha hiền trong Nhà của Người. Do đó, chúng ta không chỉ xin ơn trung tín: để tuân giữ những gì Chúa truyền dạy, mà còn phải xin cho mình có lòng quảng đại: để làm hơn cả những gì luật dạy, mà đáp lại tình phụ tử bao la cao cả của Người.
Trong bài đọc một của Thánh Lễ hôm nay, Chúa phán với ngôn sứ Isaia rằng: Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác; chẳng có ai là Thiên Chúa, ngoại trừ Ta. Thiên Chúa cao cả quyền năng, muốn làm gì là Chúa làm nên: Đức Chúa đã cầm lấy tay phải vua Kyrô để bắt các dân tộc suy phục ông, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách hôm nay, Thiên Chúa đã can thiệp để cứu thoát Dân của Người, khi cất nhấc cô Étte lên ngôi hoàng hậu thay cho bà Vátti, đúng như lời Thánh Vịnh 112 nói: Ai sánh tày Thượng Đế Chúa ta, Đấng ngự chốn cao vời, cúi xuống để nhìn xem bầu trời trái đất? Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi, ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro, đặt ngồi chung với hàng quyền quý.
Bởi vì Thiên Chúa là Đấng rất đáng chúng ta tôn thờ và phụng sự, nên trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 95, vịnh gia đã kêu gọi chúng ta: Hãy dâng Chúa quyền lực và vinh quang, xứng danh Người. Hãy bưng lễ vật, bước vào tiền đình Chúa, và thờ lạy Chúa uy nghiêm thánh thiện, toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước Thánh Nhan. Tuy Thiên Chúa cao cả quyền năng, nhưng, Người không phải là một ông chủ hà khắc, trái lại, Người luôn tỏ lòng yêu thương đối với con cái mình, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh đã cho thấy: Chúng ta cầu nguyện với Đấng đã biết chúng ta cần gì trước khi chúng ta xin. Thiên Chúa chúng ta không cần chúng ta tỏ ý muốn của chúng ta cho Người biết, vì Người không thể không biết, nhưng, Người muốn dùng việc cầu nguyện để kích thích lòng khao khát của chúng ta, hầu chúng ta có thể lãnh nhận ơn Người sẵn sàng ban cho, như ngôn sứ Giêrêmia đã nói: Các ngươi hết lòng kiếm Ta, Ta sẽ cho gặp; đến cầu nguyện với Ta, Ta sẽ nhậm lời các ngươi. Chính Ta biết kế hoạch Ta sẽ làm cho các ngươi, kế hoạch thịnh vượng chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng.
Tâm tình chính đáng và phải đạo mà chúng ta dành cho Thiên Chúa, chính là: lòng tin, lòng mến, và lòng trông cậy chúng ta đặt nơi Người. Khi chúng ta dám can đảm sống như các tín hữu Thêxalônica trong bài đọc hai của Thánh Lễ hôm nay: làm việc vì lòng tin, khó nhọc vì lòng mến, và kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa, sống như thế, chúng ta sẽ cho mọi người thấy: chúng ta sống trong thế gian, nhưng, không thuộc về thế gian: Giữa thế gian, chúng ta chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời, và làm sáng tỏ lời ban sự sống như câu Tung Hô Tin Mừng của ngày lễ hôm nay mời gọi.
Chúng ta sống tương quan với Đấng Sáng Tạo và với các thụ tạo của Người ở hai chiều kích: công bình và bác ái. Hội Thánh dạy chúng ta có hai cách ăn năn tội: cách chẳng trọn và cách trọn; “cách chẳng trọn” là không phạm tội vì sợ hình phạt hỏa ngục, còn “cách trọn” là vì lòng yêu mến Chúa.
“Của Xêda, trả về Xêda”, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin ơn trung tín để chúng ta trung thành tuân giữ nghĩa vụ của một công dân trong Nước Chúa: thờ phượng Chúa và sống công bình với tha nhân. “Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin ơn quảng đại để chúng ta sẵn sàng dấn thân làm hơn cả những gì luật buộc, hầu đáp đền tình yêu vô bờ mà Chúa dành cho chúng ta, bởi vì, Người là Cha nhân hậu, hằng luôn yêu thương chăm sóc chúng ta; và chúng ta phải yêu thương tha nhân, bởi vì, chúng ta đều là anh chị em của nhau, con cùng một Cha trên trời.
“Của Xêda”, đồng tiền có in hình ảnh của Xêda, tức những gì thuộc về thụ tạo của Thiên Chúa, “Của Thiên Chúa”, nén vàng có in hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Người. Tất cả là của Thiên Chúa, Người đã ban cho chúng ta cách nhưng không. Do đó, những gì chúng ta nhận được từ Thiên Chúa, hay từ các thụ tạo của Người là tha nhân và thiên nhiên vạn vật xung quanh chúng ta, thì theo lẽ công bình và những đòi hỏi của tình yêu, chúng ta cũng phải có những tâm tình, thái độ hồi đáp tương xứng và còn hơn thế nữa, để giữa một thế giới tăm tối bị bao bọc bởi những bất công, hận thù, chia rẽ, chúng ta chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời, và làm sáng tỏ lời ban sự sống như câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay.
TRÁNH NHẦM LẪN ĐÁNG TIẾC
“Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa.” (Mt 22,15-21)
Suy niệm: Lập trường rõ ràng, dứt khoát của Chúa Giê-su đối với Thiên Chúa và tiền của giúp các môn đệ khỏi đánh đồng, nhầm lẫn các giá trị phải chọn lựa trong cuộc sống. Lắm khi người môn đệ khó phân định rạch ròi đâu là ý Chúa, lãnh vực nào thuộc về Ngài và đâu là ý cũng như lãnh vực của Xê-da - đại diện cho tiền của và danh vọng. Hiện nay chủ nghĩa quốc gia-tôn giáo đang trỗi dậy đó đây, đề cao quyền của quốc gia trên tôn giáo, sự tự trị của tôn giáo tại đất nước mình. Người môn đệ dễ bị cám dỗ ngã theo rồi hành động theo chủ nghĩa quốc gia-tôn giáo ấy, phản lại tính phổ quát của đức tin, đức ái. Lúc đó họ trở thành những tín đồ cuồng tín, không chinh phục được ai, trái lại, làm cho nhiều người lìa xa Thiên Chúa. Tín hữu là người vừa mắc nợ tổ quốc về lòng trung thành, vừa mang ơn Thiên Chúa về tình yêu cứu độ. Người tín hữu phải chu toàn cả hai vai trò, không được bỏ vai này phò vai kia.
Mời Bạn: Chúa bảo môn đệ phải nộp thuế phần đời cũng là cách Chúa muốn môn đệ lưu ý đến đưa giá trị Nước Trời vào xã hội trần thế. Thế giới này do Chúa dựng nên, Ngài mơ ước xã hội ấy trở thành Vương quốc của công lý, tình yêu, sự thật, tình phụ tử với Thiên Chúa chi phối đời sống con người. “Của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa” là thế đó.
Sống Lời Chúa: Là Ki-tô hữu, Chúa bảo ta không được trốn thuế; là công dân Nước Trời, Chúa bảo ta đóng góp theo khả năng cho nhu cầu vật chất của Giáo hội nữa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở rộng lòng con, cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người anh chị em, để Nước Chúa được hiển trị mọi ngày.
VẤN NẠN QUYỀN BÍNH
(Chúa Nhật XXIX TN A) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
“Của Xêda hãy trả cho Xêda. Của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa” (Mt 22,21). Câu nói của chúa Giêsu năm nào đã làm cho nhiều người Pharisêu và nhóm người phe Hêrôđê là những người đầy dã tâm đang tìm mọi cách hãm hại Người phải chưng hửng. Chúa Giêsu đã thoát khỏi cái bẫy hiểm độc của những người vốn không thích nhau, thì nay lại hợp sức giăng ra. Nhân câu chuyện thú vị này và nhất là qua câu trả lời của Chúa Giêsu, xin có một cái nhìn về vấn nạn quyền bính trong các xã hội dân sự cũng như trong các tập thể tôn giáo.
Con người là hữu thể có tính xã hội, một trong những yếu tố nền tảng làm nên con người. Quyền bính có ra là do yêu cầu của tính xã hội. Đã là tập thể thì phải có người đứng đầu để lãnh đạo. Không có người lãnh đạo thì sẽ dẫn đến tình trạng hỗn độn, cá lớn nuốt cá bé. Chính vì thế sự hiện hữu của quyền bính là điều tất yếu. Quyền bính có ra là để gìn giữ xã hội ổn định trong trật tự, công bằng, xây dựng công ích, bảo vệ kẻ cô thân, yếu thế, người bất hạnh, tạo điều kiện cho mỗi người và mọi người có được môi sinh thuận lợi để tồn tại, phát triển và được hưởng hạnh phúc đích thực. Theo viễn kiến này và dưới ánh sáng đức tin, chúng ta nhìn nhận rằng Thiên Chúa muốn có sự hiện hữu của quyền bính và quyền bính là một trong những công trình của Thiên Chúa, nghĩa là do Thiên Chúa làm nên.
Những gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa. Xêda là hoàng đế của La mã hoặc bất cứ vị hoàng đế của nước nào cũng đều thuộc về Thiên Chúa. Ngày nay, Tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng, Quốc Hội, Tòa án… là quyền bính xã hội và chúng đều thuộc về Thiên Chúa. Vì thuộc về Thiên Chúa thì những người nắm giữ quyền bính ấy phải hành động theo thánh ý Thiên Chúa. Hoàng đế Kyrô khi ra sắc chỉ cho dân Do Thái bị lưu đày trước đây được hồi hương và tái thiết Đền thờ thì đã được ngôn sứ Isaia nhìn nhận như là người được Thiên Chúa tuyển chọn. Hoàng đế Kyrô còn được gọi là người được xức dầu vì ông đã thực thi thánh ý Thiên Chúa (x.Is 45,1).
Chúng ta cần phân biệt sự hiện hữu của quyền bính với người nắm quyền bính. Sự hiện hữu của quyền bính là chính đáng, hợp pháp và phải đạo vì do Thiên Chúa làm nên. Tuy nhiên không phải bất cứ ai nắm quyền bính cũng đều chính đáng, vì có thể họ chiếm lấy quyền bính cách không hợp pháp hoặc họ thực thi quyền bính cách không phải đạo. Lịch sử cho thấy có trường hợp người ta đã chiếm lấy quyền bính cách “ma đạo” và hành quyền kiểu độc tài, phi nhân và phi luân.
Xét quyền bính như là một cơ cấu tổ chức điều hành một tập thể xã hội hay tôn giáo thì nó thật chính đáng và hợp lý. Tuy nhiên hình thức quyền bính này cũng cần phải được chỉnh sửa cho phù hợp với sự phát triển của con người và xã hội để phục vụ cách hữu hiệu ngày mỗi hơn. Nhiều hình thái cơ cấu, tổ chức không chỉ cần phải được đổi mới mà thậm chí còn phải bị thay thế. Ngày nay xem ra những hình thái quyền bính mang tính độc tài, chuyên chế không còn lý do để hiện hữu. Xin đừng quên một trong những nội dung họp bàn của Thượng Hội Đồng đang tiến hành ở Rôma hiện nay đó là chỉnh sửa, thay đổi cơ cấu, thiết chế... tức là quyền bính trong Giáo Hội Công giáo.
Xét những con người nắm quyền bính thì trước hết chúng ta cần xem xét cách thức họ nắm giữ quyền hành có hợp pháp không, có minh bạch và công bằng không. Một cách thức xem ra được gọi là khá công bằng hiện nay để xây dựng công quyền xã hội đó là “phổ thông đầu phiếu”. Và dù được tổ chức bầu bán công khai thì cũng cần phải xét xem việc bầu bán ấy có tiến hành trong sự tự do và công bằng hay không. Thực tế đã có đó những cuộc bầu bán tuy là công khai những chỉ là một thứ hình thức hợp pháp hóa sự độc quyền.
Kế đến chúng ta cần xem xét những người cho dù đảm nhận quyền bính cách hợp pháp nhưng họ có hành quyền cách công tâm và đúng mực không, dĩ nhiên là ở một mức độ nào đó khả dĩ có thể chấp nhận. Nếu người đang nắm quyền mà thực thi quyền bính trái với đường lối của Thiên Chúa cách minh nhiên thì họ không chỉ không đáng được tôn trọng mà thậm chí còn cần phải bị thay thế.
Chúng ta phải thực thi nghĩa vụ “con người mang tính xã hội” của mình, phải tích cực tham gia và xây dựng quyền bính xã hội cũng như tôn giáo để làm cho nó ngày càng thuộc về Thiên Chúa hơn. Giáo hội Công giáo chỉ cấm hàng giáo sĩ và tu sĩ không được tham gia vào các chức vụ công quyền, trừ khi có lý do thật khẩn thiết và được ban phép (GL Đ.287.2 ; Đ.672). Với tín hữu hàng giáo dân thì việc trực tiếp hay gián tiếp tham gia công quyền và xây dựng công quyền ngày càng trở thành “chính quyền” là một nghĩa vụ khẩn thiết, không thể xao nhãng hay bỏ qua vì bất cứ lý do gì.
“Giáo sĩ trị” không chỉ là một tệ nạn trong Giáo hội Công giáo mà ngày nay còn được xem như là một hình thái tội lỗi. Kitô hữu chúng ta phải có bổn phận làm lành mạnh hoá cơ chế hữu hình của Giáo hội và góp phần theo khả năng và hoàn cảnh của mình để những người nắm quyền bính, cụ thể là các mục tử ngày càng trở nên là những người tôi tớ, những người phục vụ thiện ích của con người, phục vụ phần rỗi các linh hồn.