Chúa Nhật XXV Thường Niên – Năm C

“Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”. Lc 16, 10-13 {hoặc 1-13}

Chúa Nhật XXV Thường Niên – Năm C

Lc 16, 1-13


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXV Thường Niên – Năm C

Dẫn vào thánh lễ

Anh chị em thân mến! Sau khi dùng những dụ ngôn về lòng thương xót, để trả lời cho những chỉ trích của người Biệt Phái và Kinh Sư, về việc Người ân cần tiếp rước những kẻ tội lỗi. Giờ đây, Chúa Giêsu trở về với các môn đệ, để trao đổi với các ông một số chủ đề liên quan đến sự khôn khéo trong việc đối nhân xử thế và vấn đề tiền của. Chúa Giêsu bắt đầu trao đổi với các môn đệ về dụ ngôn người quản lý bất lương. Bài học Chúa muốn dạy là phải khôn khéo và mạo hiểm, phải dùng sáng kiến và tài sản để tạo cho ta một tương lai trong Nước Chúa. Chúa dạy phải quyết định cho nhanh và quả quyết đối với đời sống thiêng liêng. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn khôn ngoan, để sử dụng những của cải phi nghĩa đời này, ngõ hầu mang lại những ơn ích và công nghiệp đời sau. Muốn được vậy, giờ đây chúng ta gột rửa tâm hồn khỏi những bịn rịn tiền bạc, bằng lòng thống hối ăn năn để dâng Thánh lễ hôm nay cho đẹp lòng Chúa.

Ca nhập lễ

Chúa phán: Ta là phần rỗi của dân Ta. Họ đã kêu cầu Ta trong mọi nỗi gian truân. Ta đã nhậm lời họ, và Ta sẽ là Chúa của họ đến muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người, xin giúp chúng con hằng vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sau này đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Am 8, 4-7

“Chống lại những kẻ lấy tiền mua người nghèo”.

Trích sách Tiên tri Amos.

Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp kẻ nghèo khó, và muốn tiêu diệt hết những kẻ bần cùng trong cả nước. Các ngươi bảo: “Bao giờ qua tuần trăng mới để chúng tôi bán hàng? Khi nào hết ngày Sabbat để chúng tôi bán lúa mạch. Chúng tôi sẽ giảm lường đong, tăng giá và làm cân giả. Chúng tôi sẽ lấy tiền mua người nghèo, lấy đôi dép đổi lấy người túng thiếu. Chúng tôi sẽ bán lúa mục nát”. Vì Giacóp kiêu căng, Chúa đã thề rằng: “Ta sẽ không bao giờ lãng quên tất cả các việc chúng làm cho đến cùng”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 112, 1-2. 4-6. 7-8

Ðáp: Hãy ngợi khen Chúa, Ðấng nâng cao kẻ túng thiếu (c. 1a & 7b).

Xướng: Hãy ngợi khen, hỡi những người tôi tớ Chúa, chư vị hãy ngợi khen danh Chúa. Nguyện danh Chúa được chúc tụng từ bây giờ và cho đến muôn đời. 

Xướng: Chúa siêu việt trên hết thảy chư dân, trên muôn cõi trời là vinh quang của Chúa… và Người để mắt nhìn coi khắp cả trên trời dưới đất. 

Xướng: Người nâng cao kẻ túng thiếu từ chỗ bụi tro, và cất nhắc bạn cơ bần từ nơi phẩn thổ, hầu cho họ ngồi với những bậc quân vương, với những bậc quân vương của dân Người. 

Bài Ðọc II: 1 Tm 2, 1-8

“Cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho mọi người. Ngài muốn cho mọi người được cứu độ”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi Timôthêu.

Trước tiên, cha khuyên hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người: cho vua chúa, và tất cả những bậc vị vọng, để chúng ta được sống bằng yên vô sự, trong tinh thần đạo đức và thanh sạch. Ðó là điều tốt lành và đẹp lòng Ðấng Cứu Ðộ chúng ta là Thiên Chúa. Người muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến nhận biết chân lý.

Vì chỉ có một Thiên Chúa, và một Ðấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, là Ðức Giêsu Kitô, cũng là con người. Người đã phó mình làm giá cứu chuộc thay cho mọi người, để nên chứng tá trong thời của Người, mà vì chứng tá đó, cha đã được đặt lên làm kẻ rao giảng, làm Tông đồ (cha nói thật chứ không nói dối), và làm Thầy dạy dân ngoại trong đức tin và chân lý. Vậy cha muốn rằng những người đàn ông cầu nguyện trong mọi nơi, hãy giơ lên hai tay thanh sạch, không oán hờn và cạnh tranh.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 17, 17b và a

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật”. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 16, 10-13 {hoặc 1-13}

“Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: {“Một người phú hộ kia có một người quản lý, và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: ‘Tôi nghe nói anh sao đó? Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay, anh không thể làm quản lý nữa’. Người quản lý nghĩ thầm rằng: ‘Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào, để khi mất chức quản lý, thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ’.

“Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: ‘Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại: năm mươi’. Rồi anh hỏi người khác rằng: ‘Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm giạ lúa miến’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi’. Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng.

“Phần Thầy, Thầy bảo các con: Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời.}

“Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con?

“Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúng ta hãy hiệp lời cầu xin để tâm hồn chúng ta được tràn đầy ơn thánh Chúa, giúp chúng ta biết khôn khéo xử dụng những ơn lành Chúa ban, hầu mưu ích cho chúng ta cũng như cho toàn thể Hội Thánh :

1. “Chúng tôi sẽ lấy tiền mua người nghèo” – Xin cho Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, các Linh mục được tinh thần siêu thoát, luôn trung thành thi hành thừa tác vụ của mình, là rao truyền đức tin và chân lý, để qua các ngài, con người thêm xác tín về một Nước Trời siêu việt đang hình thành giữa lòng nhân loại.

2. “Cha khuyên con hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người ” – Xin cho các Kitô hữu khi miệt mài lo toan những nhu cầu vật chất, vẫn luôn quan tâm phát triển đời sống nội tâm, hầu Thiên Chúa mãi mãi là ông chủ độc nhất, luôn chiếm hữu và điều khiển tâm hồn họ trong từng phút giây.

3. “Anh hãy tính sổ việc quản lý của anh” – Xin cho những người nghèo khó và thất nghiệp có công ăn việc làm xứng hợp với nhân phẩm, và cho những người giầu có biết nhận ra bổn phận mình đối với những người nghèo, sẵn sàng giúp đỡ cách quảng đại, để kiếm cho mình những người bạn hữu đích thực trong đời sống mai sau.

4. “Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ” – Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta đừng vì những mưu tính lợi lộc vật chất, mà quên đi nhu cầu chính đáng cho đời sống tâm linh của mình.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết quản lý tốt những ân huệ mà chúng con đã nhận lãnh, để nhờ đó ân sủng Chúa sinh hiệu quả tốt đẹp và dồi dào nơi chúng con, giúp chúng con luôn tín trung phụng thờ và xứng đáng trở nên những tôi tớ đích thực của Chúa, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ cộng đoàn chúng con dâng, và nhờ thánh lễ này, xin cho chúng con được hưởng những hồng ân cao cả, mà chúng con hết lòng tin tưởng cậy trông. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa đã ban bố các huấn lệnh, để chúng tôi được tuân giữ hết sức ân cần. Nguyện cho đường nẻo tôi vững chắc, để tuân giữ thánh chỉ của Chúa.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ta là mục tử tốt lành, ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã lấy Mình và Máu Ðức Kitô nuôi dưỡng chúng con; xin nâng đỡ và giữ gìn chúng con luôn mãi, để chúng con được hưởng nhờ hiệu quả ơn cứu chuộc trong thánh lễ cũng như trong đời sống hàng ngày. Chúng con cầu xin…

Suy niệm
Hãy là quản gia trung tín và khôn ngoan
Dã Quỳ

Cuộc sống trên trần gian là một hành trình đầy vất vả. Có người thì sung sướng nhẹ nhàng hơn trong công việc làm ăn, có người gian nan khó nhọc lao động, và mọi người gần như cả cuộc đời lao mình vào kiếm tiền để lo cho nhu cầu cuộc sống của mình và gia đình. Đó là sự thật của đời người và là con đường chung của phận người. Thế nên, mỗi người sẽ là quản gia quản lý cuộc đời mình, của cải mình làm ra, cũng như chính sức khỏe, tài trí và những ơn phúc thiêng liêng Chúa ban. Vậy, làm thế nào người Kitô hữu có thể là một quản gia khôn ngoan và trung tín với của cải vật chất và tinh thần để biết lo cho cuộc sống hiện tại và nhất là lo tìm kiếm Nước Trời? Chúng ta hãy lắng nghe những gì Chúa nói với ta qua Tin Mừng hôm nay.

Trước Thiên Chúa, mỗi người chúng ta chỉ là một “Quản lý” chứ không phải ông chủ. Thiên Chúa nhân lành đã ban tràn muôn ân huệ cho chúng ta. Tất cả những gì chúng ta có như: sự sống, tài năng, trí tuệ, sức khỏe, của cải… Chúa đã tin tưởng trao phó cho chúng ta quản lý, nên ta không có quyền phung phí những ân huệ Chúa ban. Vậy ta có thể tiếp tục quản lý hay không là do chính chúng ta. Ta sẽ phải đến trước mặt Người và trả lời về tất cả những của cải vật chất và tinh thần mà ta đã, hay không làm phát triển và sinh lợi khi Người hỏi “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Anh hãy phúc trình về công việc quản lý của anh.” Vì thế, Chúa muốn chúng ta hãy là một người quản lý tốt lành và trung tín về tất cả những ân phúc ta đã lãnh nhận.

Người quản lý bất lương trong Tin Mừng đã lo lắng về việc bảo đảm cho tương lai, nên anh ta  tranh thủ thời gian còn là quản gia để chuẩn bị  “Mình sẽ phải làm gì đây… để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!” Nhưng anh ta chỉ khôn khéo tính toán và lo cho cuộc sống nơi cõi trần tạm bợ! Đối với người Kitô hữu, chúng ta có biết lo cho đời sống tương lai sau cuộc đời nơi trần thế như vậy không? Cuộc sống của chúng ta nơi trần gian, những hành động, lối sống của chúng ta sẽ quyết định tương lai vĩnh cửu của ta. Chúa Giêsu đã không ngừng nhắc nhở chúng ta “Hãy bán tất cả của cải mình mà bố thí. Hãy sắm những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời.” (Lc 12,33).

Chúng ta thấy nhận xét của ông chủ thật hài hước “Ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động  khôn khéo!” Lời khen ngợi này chắc hẳn không thật và không là của một ông chủ bình thường trong cuộc sống. Chắc chắn Chúa Giêsu không cổ vũ cho hành động bất lương của anh quản gia này. Nhất là hành động gian lận của cải của người khác. Chính vì thế, Chúa đau lòng nhận thấy “Con cái đời này khôn khéo hơn con cái sự sáng khi xử sự với người đồng loại!” Chúa cũng không lên án vấn đề làm kinh tế hay quản lý tài sản bởi vì trong lãnh vực này, đòi người quản lý khôn khéo và thông minh để làm sao cho sinh lợi, nhất là trong thời đại hôm nay. Tuy nhiên, Chúa căn dặn chúng ta, những Kitô hữu đừng có cùng sự khôn lanh và tài trí như người quản gia này đối với những “Công việc tinh thần”. Vì chúng ta không thể đạt được gia tài Nước Trời bằng sự khôn khéo thế gian.

Chúng ta có đặt tất cả những tài năng, trí khôn để phục vụ Nước Trời không? Đây là điều Chúa muốn chúng ta, những Kitô hữu “Con cái ánh sáng”, con của Cha chúng ta là Thiên Chúa Tình Yêu và Sự Sáng. Chúa mong chúng ta hãy chiếu tỏa ánh sáng chân thật, công bằng, tình yêu, bác ái… để đẩy lui và xóa tan đi bóng tối trong cuộc sống. Đừng chỉ giữ điều tốt lành, đức hạnh cho riêng mình. Hãy bận tâm và khôn khéo để sinh lợi, để loan báo Tin Mừng và làm cho Nước Chúa hiển hiện. Bởi vì “Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn.” Đối với Chúa, việc lớn đó là “Sự sống vĩnh cửu”, là của cải thiêng liêng, là kho tàng trong Nước Trời. Trái lại, tiền bạc chỉ là việc nhỏ.Vì thế, hãy nhớ “Việc nhỏ thì ít quan trọng”, đó chỉ là cái tạm bợ, chóng qua, nhưng gia tài thiêng liêng mới là điều quan trọng hơn, để rồi ta xứng đáng là một quản lý trung tín và khôn ngoan.

Tiền bạc cũng không phải là của chân thật đối với con người. Sự giàu có không chắc làm cho chúng ta trở thành người tốt, cũng chẳng làm cho ta thông minh, hạnh phúc hay đạo đức hơn. Giá trị chân thật không ở nơi tiền bạc. Vì thế, với Chúa, tiền bạc là một vật bên ngoài. Đó là cái chúng ta “Có” chứ không phải “Là”. Chúng ta có thể có rất nhiều  mà vẫn là một người cùng cực, khổ tâm, bất hạnh… Chúa không đưa ra lời kết án về tiền bạc, nhưng trái lại, Người nói với chúng ta “Hãy dùng tiền của bất chính”, hãy học để có thể trở thành một quản lý tốt biết “quản lý của cải chân thật” của chúng ta.

Ở một phương diện nào đó, bản chất tiền bạc thường được coi là gian dối, vì nó đối nghịch với Thiên Chúa. Với Chúa Giêsu, tiền bạc thường “Bất chính”, là “mammon độc ác”, nên Người đã căn dặn “Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em?” Chúa biết ý nghĩa thông thường của tiền bạc: rất khó kiếm được và rất ích lợi, nó là hoa trái của lao động. Nhưng nếu tiền bạc có được từ sự ức hiếp, gian lận hay tham ô, hà tiện…thì đó là bất chính vì là tước đoạt của những người khác. Và khi ấy người ta đã làm tôi tiền bạc và coi nó là mục đích tối hậu. Trái với anh quản lý bất lương gian lận của cải của chủ để mong những con nợ đón tiếp anh ta sống qua ngày sau khi mất việc, Chúa muốn chúng ta khôn khéo trong việc sử dụng tiền của do chính bàn tay lao động của chúng ta để đạt được gia tài Nước Trời.

Thế nên, Chúa chỉ cho môn đệ “Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè”, vì tiền của có thể phục vụ chúng ta và trở thành phương tiện chuyển tải tình yêu, đó là ý nghĩa sâu xa của dụ ngôn này. Mỗi người chúng ta cũng là những quản lý gia sản của mình, Chúa mong ta biết dùng để tìm kiếm Nước Trời bằng hành động bác ái chia sẻ như lời thánh Phaolô khuyên “Hãy chịu khó dùng đôi tay của mình mà làm ăn lương thiện để có gì chia sẻ với người túng thiếu.” (Ep 4,28b). Đây là điều phúc cho chúng ta, có thể dùng tiền của để đạt được Nước Trời qua việc giúp đỡ anh em nghèo khó “Tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.” Vì chỉ khi biết yêu thương chia sẻ với anh em ngay nơi trần thế này, ta mới xứng đáng hưởng tình yêu xum họp với họ trong Nước Trời.

Của cải và tiền bạc chính nó không phải là xấu. Nó chỉ là phương tiện, được sử dụng để phục vụ con người. Chúa muốn chúng ta hãy biết quản lý nó cách khôn ngoan và trung tín. Không để tiền bạc điều khiển ta hay làm chủ ta, bởi vì Kitô hữu “Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được.” Xin Chúa Thánh Thần luôn soi sáng và hướng dẫn để chúng ta biết tỉnh thức, khôn ngoan mà sử dụng của cải đời này để đạt được hạnh phúc và vinh quang trên Nước Trời.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ơn khôn ngoan theo Tin Mừng, để chúng con biết tích lũy cho mình kho tàng trong Nước Trời bằng đời sống bác ái, cho đi cách quảng đại và biết sử dụng tất cả những ân huệ Chúa ban cách trung tín.  Amen.

CHÚA NHẬT 25C THƯỜNG NIÊN – 2001
(Lc. 16: 1-13) Lm Lã Mộng Thường

Nơi bài Phúc Âm vừa được công bố có dụ ngôn người quản lý phung phí tiền bạc của chủ đã dùng mánh khóe hầu được người khác tiếp đãi khi mất việc. Bài Phúc Âm đưa lên nhận định, “Con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng”. Vì đây chỉ là dụ ngôn nên người quản lý được cho cơ hội giải quyết vấn đề có lợi cho mình.

Trên thực tế, không vị chủ nào lại dại khờ mà để cho người quản lý có được cơ hội như thế. Áp dụng nơi cuộc đời mỗi người, chúng ta đang làm quản lý của chính cuộc đời đã được ban cho với những cơ hội, những hồng ân nơi cuộc sống; phỏng ai đã sẵn sàng tính toán chuẩn bị cho thời điểm tính sổ cuộc đời một cách bất ngờ như đã bao nhiêu người đã ra đi trước chúng ta?

Nhận định nơi bài Phúc Âm về sự tính toán, mưu lược khôn khéo kiếm kế sinh nhai nơi cuộc đời mỗi người quả là xác thực. Dẫu có những trường hợp “Cái khó bó cái khôn” nhưng nhìn vào thực tế, ai trong chúng ta cũng có sự khôn ngoan và năng lực mưu sinh khá cao, vì nếu không thế sao chúng ta có thể được như ngày nay. Lời khuyên răn, “Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời” nơi bản dịch tiếng Việt hình như được dịch theo tứ chứ không theo ý của nguyên bản Phúc Âm.

Suy nghiệm về thực thể sự việc chúng ta nhận thấy rõ ràng, chỉ có con người gian dối chứ sự vật không thể được gọi gian dối. Lối nói “Tiền của gian dối” được dùng để chỉ thành quả của sự gian dối. Tất nhiên Phúc Âm không khuyên chúng ta bày mưu chước gian dối để kiếm tiền bạc. Bởi thế, văn từ nơi Phúc Âm được viết ám định trong khi sự dịch thuật lại quá chú trọng về nghĩa đen và đồng thời bị giới hạn nơi quan điểm thế tục, luân lý, biến Lời Chúa trở nên bất tường. Khi so sánh các lời chú giải, đại khái câu này có nghĩa, hãy dùng tất cả những năng lực thế trần mà chuẩn bị cho hành trình vĩnh cửu sau khi chết. Hiểu như thế mới làm sáng tỏ được câu nói, “Ai trung tín trong việc nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn. Ai gian dối trong việc nhỏ thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con”.

Con người bao gồm thân xác và linh hồn. Khi thân xác qua đi, linh hồn bước vào cõi vô hình. Thân xác nơi cuộc đời hữu hình chính là phương tiện và cơ hội cho linh hồn chuẩn bị cho hành trình sắp tới. Bởi vậy, những toan tính, ước mơ, ý định, ý nghĩ chính là hoạt động của linh hồn phần nào được bày tỏ qua trung gian xác thân. Thế nên, nơi cơ hội cuộc đời, nếu một người không để ý suy nghiệm về thực thể của chính mình nhưng chỉ lo sống cho qua và theo đuổi những ước vọng thế tục, đến lúc linh hồn lìa khỏi xác, mọi sự vinh quang trần thế qua đi, linh hồn sẽ bị bơ vơ không định hướng; của chân thật không có, của cải, danh vọng, ước mơ chóng qua để lại gian trần… Lời Chúa khuyên chúng ta nên chăm chuyên để tâm suy nghiệm về sự hiện hữu của chính mình được ám định bằng cụm từ, “Của chân thật”.

Để ý nhận xét nơi tâm khảm mỗi người, chúng ta đều nhận thấy, khi ước mơ của chúng ta đặt hay định nơi sự việc gì tâm trí luôn hướng chiều về sự việc đó để tìm tòi, suy tính phương cách thực hiện sao cho đạt được thành quả tốt đẹp nhất. Đồng thời qua kinh nghiệm sống, khi đã quyết chí thực hiện công việc gì chúng ta dồn hết tâm trí để hoàn thành thì mới có thể gặt hái được phần nào dự đoán ước mơ. Ngược lại, khi tâm trí phân tán do ảnh hưởng nhiều chiều hướng cũng như ước mơ, chúng ta rơi vào tình trạng “Bắt cá hai tay” và kết quả chỉ là những sự thiệt hại hao phí. Nơi hành trình tâm tưởng cũng thế, chúng ta không thể vừa theo đuổi hành trình đức tin vừa tìm kiếm vinh quang thế tục. Lời Chúa nhắc nhở chúng ta, “Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ vì hoặc nó ghét chủ nầy và mến chủ kia hoặc phục chủ nầy và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”. Văn từ “tiền của” ở đây nơi các bộ Kinh Thánh tiếng Mỹ dịch là “mammon”, mang nghĩa những ước muốn, tham vọng trần gian hoặc bất cứ gì chóng qua nơi cõi thế mà con người theo đuổi.

Chúng ta đều biết, những ước vọng, ý nghĩ, ý định, ham muốn phát xuất từ tâm trí, linh hồn. Những ước vọng, ham muốn mang quyền lực ám ảnh cũng như lôi cuốn tâm trí một người mạnh mẽ hơn bất cứ mãnh lực nào trong cuộc sống ngoại trừ những trường hợp bất khả kháng. Phúc Âm cũng nói cho chúng ta biết ảnh hưởng của ước muốn qua câu, “Điều gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc”. Câu này có nghĩa, bất cứ điều gì, sự gì chúng ta theo đuổi nơi cuộc sống này, sau khi chết, linh hồn của chúng ta cũng bị lệ thuộc và theo đuổi những ước muốn đó. Cũng là điều may đối với những ai được ban cho có cuộc sống thọ. Vì đã phải trải qua những thăng trầm nơi cuộc đời và năng lực lúc tuổi già tiêu tán đồng thời nhận ra giá trị cuộc sống không phải là danh vọng, quyền lực, và tiền của thế tục nên chán ngán, không bị ràng buộc bởi bất cứ tham vọng nào trước khi về cõi vô hình, linh hồn, tâm trí họ ngay khi còn sống đã được thảnh thơi.

Tuy nhiên, đa số chúng ta thường rơi vào những trường hợp tiếc nuối thời vàng son đã qua như sản phẩm của lòng tham sân si hoặc vì đã tiêu pha ngày tháng một cách vô tích sự nên vẫn luôn ham muốn chứng tỏ mình cũng là một thứ gì. Quả thật đáng tội cho kiếp nhân sinh bởi đã không để tâm suy nghiệm Tin Mừng Nước Trời. Cũng có thể vì đã không được nghe nói về Tin Mừng Nước Trời do Đức Giêsu rao giảng nên tâm trí chúng ta trở thành nô lệ cho những giáo điều luân lý thay đổi vô thường tùy thuộc hoàn cảnh, không gian và thời gian kiến tạo lòng ngờ vực những giá trị siêu linh, thế nên hành trình đức tin, hành trình tâm linh của chúng ta chẳng khác gì con thuyền không bến, không biết nơi đâu nương tựa do đó đành bám víu vào những giá trị suy tưởng đem lại mối hy vọng hầu tâm tưởng có niềm an định giả tạo.

Nơi trường hợp này, Phúc Âm ghi lại lời Đức Giêsu quở trách Phêrô và cả chúng ta, “Xéo đi sau Ta, Satan. Ngươi là cớ cho Ta vấp phạm. Ý tưởng của ngươi không phải là thánh ý Thiên Chúa mà là ý tưởng của loài người”.

Tóm lại, Lời Chúa đặt vấn đề chọn lựa nơi tâm trí mỗi người chúng ta. Hoặc là tìm kiếm Nước Thiên Chúa, suy nghiệm về Tin Mừng Nước Trời qua Phúc Âm, hoặc là theo đuổi mơ ước, suy tính, tham vọng thế tục. Chúng ta chỉ có thể thuộc về một trong hai vì nơi lãnh vực này không có trạng thái trung lập. Hoặc là nóng thì nóng hẳn, hoặc là lạnh thì lạnh hẳn. Dở dở ương ương, lời thư thánh Gioan tuyên bố rõ ràng, Ta mửa ra khỏi miệng. Amen.

 

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN C
Am 8, 4-7; 1 Tm 2, 1-8; Lc 16, 1-13
LM ĐAN VINH - HHTM
LÀM CHỦ HAY LÀM ĐẦY TỚ TIỀN BẠC?


 

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 16,1-13

(1) Đức Giê-su còn nói với các môn đệ rằng
: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông anh này đã phung phí của cải nhà ông. (2) Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Anh hãy phúc trình về công việc quản lý của anh. Vì từ nay anh không được làm quản gia nữa”. (3) Người quản gia liền nghĩ bụng: Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cắt chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. (4) Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!”. (5)  Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?”(6) Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu Ô-liu”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi”. (7) Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một ngàn thùng lúa” Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi”. (8) Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại. (9) Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. (10) Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tin trong việc lớn. Ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. (11) Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? (12) Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em? (13) Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ. Vì hoặc ghét chủ này mà yêu chủ kia. Hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”.

2. Ý CHÍNH
: Bài Tin mừng hôm nay dạy các môn đệ phải khôn ngoan, biết nhìn xa để chuẩn bị cho tương lai sau này. Đức Giê-su kể câu chuyện về một quản gia bất lương, đã lợi dụng những giờ phút cuối khi đang còn giữ chức quản lý, để làm ơn cho các con nợ của chủ bằng cách hạ thấp số nợ của họ xuống, với hy vọng sau này sau khi anh bị mất việc thì họ sẽ đền ơn đón anh về nhà họ. Cuối cùng Chúa dạy phải dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi giờ chết đến bị mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp vào chốn an nghỉ đời đời.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-4: + Một nhà phú hộ kia có một người quản gia: Theo luật Do-thái thì người quản gia không phải thuộc hạng tôi tớ được trả lương. Anh ta có quyền thay mặt chủ lo liệu mọi sự. Trường hợp viên quản gia làm thất thoát tiền bạc của chủ, luật pháp cũng không có biện pháp nào bắt anh ta phải hoàn lại của cải đã bị thất thoát. Hình phạt cùng lắm chỉ là sa thải, kèm theo bị mất uy tín mà thôi. Sau khi nhận được giấy sa thải, người quản gia sẽ phải tính sổ sách, liệt kê tài sản. Trong thời gian này, người quản gia vẫn là đại diện cho chủ, và được hành động nhân danh chủ. Trong bài dụ ngôn, việc người quản gia đã phung phí tài sản của chủ để gây thiện cảm với các con nợ tức làm lợi cho mình. Có thể nói anh ta đã "mượn đầu heo nấu cháo" ! Nhưng anh cũng là người khôn khéo biết lợi dụng thời gian ngắn đang còn tại chức để làm ơn cho các con nợ của chủ, hầu đến khi bị chủ cách chức thì anh hy vọng họ sẽ đền ơn giúp lại anh.

- C 5-7: + Một trăm thùng dầu: Thùng dầu là đơn vị chứa khoảng từ 21 đến 45 lít. + Một ngàn thùng lúa: Thùng lúa hay giạ lúa, một đơn vị có số lượng lớn gấp 10 lần thùng dầu nói trên.

- C 8-10: + Ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo: Đức Giê-su khen việc biết chuẩn bị cho tương lai của anh quản gia là hành động khôn khéo. + Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại: Con cái đời này ám chỉ những kẻ thuộc về thế gian. Con cái ánh sáng là những người thuộc về Nước Trời. Con cái thế gian thường bén nhậy trong việc tìm kiếm tiền bạc vật chất, đang khi con cái Nước Trời lại thường khờ dại, không biết xử dụng ơn Chúa để lo cho mình được hưởng ơn cứu độ. + Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè: Người quản gia đã hành động khôn khéo. Còn các môn đệ là con cái sự sáng, cũng phải dùng tiền bạc mà mua lấy bạn hữu. Tiền của bất chính trong câu này không có nghĩa là có nguồn gốc bất chính như trộm cắp gian tham, nhưng bất chính vì tiền bạc thường làm cho người ta ra hư hỏng. Hãy sử dụng nó để giúp đỡ người nghèo, tức là biến nó trở thành đồng tiền có giá trị ở đời sau. + Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn: Tiền của là một vật để trắc nghiệm lòng trung tín. Ở đây Đức Giê-su dạy môn đệ phải trung thành trong việc nhỏ là sử dụng tiền bạc, để biến đồng tiền ấy trở thành của cải chân thật có giá trị lớn lao ở đời sau (x. Mt 25,21; Lc 19,17).

- C 11-13: + Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ: Đức Giê-su nhân cách hóa tiền bạc vật chất vì nó có thể sai khiến người ta như một tà thần. Kiểu nói “làm tôi” ở đây mang ý nghĩa “lụy phục”, “phượng thờ”, làm cho tiền của trở thành tà thần đối nghịch với Thiên Chúa. Vì thế Đức Giê-su đòi các môn đệ phải dứt khoát chọn tôn thờ một mình Thiên Chúa thay vì vừa tôn thờ Thiên Chúa lại vừa tôn thờ tiền của.

4. CÂU HỎI: 1) Tại sao người quản gia bị đánh giá là bất lương? 2) Đức Giê-su muốn các môn đệ của Người noi gương khôn khéo của người quản gia kia thế nào? 3) Khi nói: “Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè”, phải chăng Đức Giê-su dạy các tín hữu dùng tiền lừa đảo trộm cắp hay tham nhũng để giúp đỡ kẻ nghèo? 4) Khi nào tiên bạc trở thành ông chủ? Ta phải làm gì để biến nó nên đầy tớ của ta? 5) Tiền bạc sẽ đem lại hậu quả thế nào một khi trở thành ông chủ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13b).

2. CÂU CHUYỆN:

1) CHỈ MUA ĐƯỢC BẰNG LOẠI “TIỀN CHO ĐI” MÀ THÔI:

Một người kia suốt đời chỉ biết thu gom tiền bạc chứ không chịu chi ra, nên ông ta ngày một giàu thêm. Rồi một hôm ông ta bị đau nặng sắp chết. Trước khi nhắm mắt, ông cho gọi vợ con lại bên giường và trăn trối như sau: “Khi tôi chết, bà nó hãy đem tất cả số vàng tôi đã dành dụm bấy lâu bỏ vào trong quan tài cho tôi, vì tôi sẽ cần dùng tới nó trong thế giới bên kia”. Sau khi ông ta chết, vợ ông đã làm y như lời trăn trối của ông. Trên đường về thế giới bên kia phải đi ngang qua một cái chợ, ông nhà giàu ghé vào xem và thấy người ta mua bán nhiều thứ rất ngon, giống như các chợ dưới trần gian. Ông ta chỉ vào một ký thịt bò tươi và hỏi cô bán hàng giá bao nhiêu. Cô ta trả lời: “Giá một đồng”. Ông nghĩ bụng: “Rẻ thật !”. Ông lại quay sang hỏi nhiều món hàng khác đang bày bán chung quanh, và vật gì giá cũng chỉ một đồng. Ông nhẩm tính với số tiền mang theo khi chết ông sẽ có thể sống sung sướng trong cả ngàn năm nữa. Nhưng đến khi trả tiền để lấy hàng, ông nhà giàu bỡ ngỡ khi người bán không chịu nhận đồng tiền của ông. Cô ta nói với ông rằng: “Ở đây chỉ xài loại “tiền cho đi” mà thôi ! Còn tiền của ông là loại “tiền thu vào”, không có giá trị thanh toán!” Bấy giờ ông nhà giàu rất buồn rầu và thất vọng, vì tiền của bấy lâu nay ky cóp giờ chẳng còn chút giá trị nào cả ! Qua câu chuyện trên, chúng ta rút ra bài học này: Chỉ những “đồng tiền cho đi” mới là “đồng tiền để dành” có giá trị thanh toán ở đời sau và mới thực sự đem lại hạnh phúc đời đời cho ta.

2) MẠNH THƯỜNG QUÂN DÙNG TIỀN BẠC MUA NGHĨA:  

MẠNH THƯỜNG QUÂN nhà giàu có, cho vay mượn nhiều. Một hôm sai Phùng Hoan sang đất Tiết đòi nợ, lúc sắp đi, Phùng Hoan hỏi:

- Tiền nợ thu được có định mua gì về không?

Mạnh Thường Quân nói:

 - Ngươi xem trong nhà ta còn thiếu thứ gì thì mua.

Khi đến đất Tiết, Phùng Hoan cho gọi dân làng lại bảo rằng:              

- Các ngươi công nợ bao nhiêu, Thường Quân đều cho cả. Rồi đem văn tự ra đốt sạch.

Lúc về, Phùng Hoan thưa với Mạnh Thường Quân:

- Nhà tướng công châu báu đầy kho, chó ngựa đầy chuồng, người đẹp đầy nhà, không còn thiếu thứ gì nữa. Chỉ còn thiếu một cái "nghĩa", tôi trộm phép vì tướng công đã mua về.

Mạnh Thường Quân nghe thấy nói thế, cũng không hỏi gì đến tiền nữa. 

Sau Mạnh Thường Quân phải bãi quan về ở đất Tiết, dân đất Tiết nhớ đến ơn xưa ra đón rước đầy đường. Thường Quân bấy giờ mới ngoảnh lại bảo Phùng Hoan rằng:

- Trước tiên sinh vì tôi mua "nghĩa " nghĩa ấy ngày nay tôi mới trông thấy.

3) KHÁC BIỆT GIỮA HAI LOẠI KÍNH:

Một lần kia có một người giàu có nhưng keo kiệt đến gặp vị giáo trưởng của ông và xin giáo trưởng ban phép lành cho ông. Vị giáo trưởng đón tiếp ông nhà giàu một cách thân thiện và đưa vào phòng khách. Rồi giáo trưởng dẫn ông đến cửa sổ nhìn xuống đường phố và nói: “Ông hãy nhìn ra kia và nói cho tôi biết ông thấy gì”.

“Tôi thấy người ta đi qua, đi lại”, ông nhà giàu đáp.

Rồi giáo trưởng đem ông ta ra khỏi cửa sổ, dẫn ông ta đến trước một tấm gương to và nói: “Ông hãy nhìn vào tấm gương này và ông thấy gì”.

“Tôi thấy chính tôi”, ông nhà giàu đáp.

“Thế đấy, ông bạn, hãy để tôi giải thích ý nghĩa điều ấy cho ông. Cửa sổ làm bằng kính cũng giống như tấm gương này. Tuy nhiên, kính của tấm gương có tráng lên một lớp bạc tượng trưng cho đồng tiền. Khi ông nhìn qua kính thường, ông thấy người khác. Nhưng khi ông tráng bạc, ông không còn thấy người khác nữa mà chỉ thấy chính mình. Khi ông chỉ quan tâm đến tiền bạc, ông không còn thấy người khác nữa mà chỉ còn nhìn thấy bản thân mình”.

4) THÀ BỊ CHỘT MỘT MẮT CÒN HƠN MẤT TIỀN CHỮA TRỊ:

Bác sĩ A.J. Gordon kể: ngày nọ, có một ông nhà giầu keo kiệt đến khám mắt. Sau khi khám, bác sĩ cho biết ông ta phải chữa trị cả hai mắt, nếu không muốn bị mù. Ông ta liền hỏi:

- Giá chữa trị mỗi con mắt là bao nhiêu?

- Là 100 đôla. Bác sĩ trả lời.

Nghe vậy, ông nhà giầu thừ người ra suy nghĩ một lúc. Sau đó ông ta nói với bác sĩ: "Tôi chỉ yêu cầu bác sĩ chữa cho tôi một mắt với giá 100 đôla thôi. Vì tôi nghĩ: chỉ cần còn một mắt cũng có thể thấy đường đi và đếm được tiền rồi. Còn chữa hai mắt phải tốn tới 200 đôla là quá nhiều!

3. SUY NIỆM:

1) GIÁ TRỊ CỦA TIỀN BẠC:

Có người đã phát biểu về giá trị tương đối của đồng tiền như sau: Tiền bạc có thể mua vỏ bọc ngoài của các sự vật nhưng không thể mua được điều cốt lõi của chúng được. Nó có thể đem đến cho bạn thức ăn nhưng không đem đến sự ngon miệng; có thể mang thuốc men nhưng không phải mang sức khỏe, mang sự quen biết nhưng không mang bạn bè, mang tôi tớ giúp việc nhà nhưng không phải là lòng trung tín, mang đến những ngày đầy lạc thú xác thịt nhưng không phải là sự bình an và hạnh phúc”. (Henrik Ibsen)

2) CẦN BIẾT KHÔN NGOAN SỬ DỤNG TIỀN BẠC:

Nhìn vào thế giới ngày nay, chúng ta cũng thấy còn đầy dẫy những bất công: Có những người giầu có lối sống hưởng thụ xa hoa hoang phí đang khi nhiều người nghèo ăn không đủ no, mặc không đủ ấm và còn thiếu tất cả những nhu cầu tối thiểu. Sở dĩ có sự giàu nghèo bất công như vậy một phần là do hoàn cảnh xã hội tạo ra, nhưng chủ yếu là do lòng tham của con người, khi mà người giàu chỉ biết ích kỷ để tìm lo cho bản thân, mà không biết nghĩ đến những người nghèo đói bất hạnh ở ngay bên cạnh mình. Qua dụ ngôn về người quản gia bất lương trong Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su muốn các môn đệ và các tín hữu chúng ta cũng phải có thái độ khôn ngoan để biết nhìn xa và có những hành động phù hợp có lợi cho tương lai của mình sau này.

3) CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ĐỐI VỚI TIỀN BẠC?

- Biến đồng tiền thu vào thành đồng tiền cho đi: Nên nhớ rằng: Chỉ khi biết quảng đại ban phát của cải cho những kẻ thiếu thốn, chúng ta mới thực là những người quản gia trung tín và khôn ngoan biết làm theo ý chủ. Chỉ khi biết coi tiền của là phương tiện phục vụ tha nhân, chúng ta mới chứng tỏ mình là tôi trung của Thiên Chúa. Các Rabbi Do thái có câu này: “Kẻ giàu giúp kẻ nghèo ở đời này, nhưng kẻ nghèo sẽ giúp kẻ giàu ở đời sau”.

- Chọn làm chủ thay vì đầy tớ đồng tiền: Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi mình: Tôi hiện đang làm chủ hay đang làm đầy tớ cho đồng tiền?

Tôi sẽ là chủ đồng tiền nếu dám chia sẻ số tiền mình đang có cho người khác, dám cho vay mượn theo đức công bình, dám trả lại cho chủ của khi phát hiện ra đồng tiền mình đang chiếm giữ không phải của mình. Nhất là khi bị mất cắp, tôi sẽ không quá đau buồn như kẻ mất hồn, đến nỗi chẳng còn thiết tha làm bất cứ việc gì khác!

Tôi sẽ là đầy tớ đồng tiền nếu năng nghĩ đến nó, thích mang ra nhìn ngắm và đếm đi đếm lại nhiều lần trong ngày; Năng đề cập đến tiền bạc trong câu chuyện và đề cao sức mạnh vạn năng của nó; Có thái độ tôn trọng đồng tiền hơn mọi thứ có giá trị khác; Sẵn sàng làm bất cứ việc gì dù vi phạm luật pháp hoặc bất công và bất nghĩa… miễn sao có nhiều tiền cho đầy túi tham.

4. THẢO LUẬN: Bạn cần làm gì để tiền bạc trở thành đầy tớ phục vụ cách đắc lực cho các nhu cầu chính đáng của bạn và của tha nhân?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con biết qui hướng trọn cuộc sống về cho Thiên Chúa, từ việc nhỏ đến việc lớn. Xin giúp chúng con dứt khoát nói “không” với bất cứ cám dỗ nào xúi giục chúng con tìm kiếm những đồng tiền bất chính, để chúng con xứng đáng trở thành những môn đệ thực sự của Chúa: luôn sống theo Lời Chúa dạy và mãi mãi thuộc về Chúa.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

Chúa nhật tuần lễ thứ 25 thường niên
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 1-13).

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một người phú hộ kia có một người quản lý, và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: ‘Tôi nghe nói anh sao đó? Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay, anh không thể làm quản lý nữa’. Người quản lý nghĩ thầm rằng: ‘Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào, để khi mất chức quản lý, thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ’.

“Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: ‘Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại: năm mươi’. Rồi anh hỏi người khác rằng: ‘Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm giạ lúa miến’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi’. Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng.

“Phần Thầy, Thầy bảo các con: Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời.

“Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con?

“Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”.

Suy niệm

Sống trong một xã hội kinh tế thị trường, con người luôn tìm mọi phương thế để có công ăn việc làm, hầu cuộc sống bớt đi phần nào cơ cực. Để có thể góp phần cho cuộc sống gia đình tốt hơn từng ngày, con người dùng khả năng suy tư của mình, để chuẩn bị cho tương lai khởi đi từ hiện tại. Chính sự cố gắng lao động đó, nhiều người đã cố gắng làm việc, hiệu quả là những thành công đã đến với họ. Trong đời sống tôn giáo, nếu không nói là mang màu sắc của thị trường thực dụng, nhưng phần nào cũng cần có những suy nghĩ, những chuẩn bị cho phía trước của hành trình đức tin. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 25 thường niên, mời gọi người tín hữu hãy biết tính toán cho cuộc sống mai hậu bằng những hy sinh, những thiệt thòi hiện tại, chuẩn bị cho mình những hành trang cần thiết cho cuộc sống mai sau của chính mình.

Bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử, người nghèo và người giàu vẫn luôn tồn tại song song giữa xã hội. Tiên tri A-mos đã lên tiếng phản đối những người giàu có tiền của, đã dùng chính những đồng tiền, nhiều lúc dơ bẩn, để mua bán, để ép buộc người nghèo phải làm việc, phải phục dịch cho họ. Thái độ sống đó là những tính toán rất thực dụng của người giàu, nhưng họ đã bị lên án vì thiếu tình người: “Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp kẻ nghèo khó, và muốn tiêu diệt hết những kẻ bần cùng trong cả nước. Các ngươi bảo: “Bao giờ qua tuần trăng mới để chúng tôi bán hàng? Khi nào hết ngày Sabbat để chúng tôi bán lúa mạch. Chúng tôi sẽ giảm lường đong, tăng giá và làm cân giả. Chúng tôi sẽ lấy tiền mua người nghèo, lấy đôi dép đổi lấy người túng thiếu. Chúng tôi sẽ bán lúa mục nát”. Từng đồng tiền hiện tại của người giàu được tính toán kỹ lưỡng, được suy nghĩ cẩn thận và được mua bán sòng phẳng, tất cả vì lợi nhuận, vì tương lai của cái tôi, để rồi đánh mất tình người và sự công bằng trong xã hội. Ngay cả ngày Sabath, ngày đặc biệt trong lề luật, họ cũng không dừng những việc làm phi pháp, một thái độ coi thường cả lề luật, coi thường cả tôn giáo và coi thường luôn Thiên Chúa.

Đọc lại những lá thư của thánh Phaolô gởi cho các học trò, bắt gặp đâu đó là những lời tự tình của người thầy, trước những xu hướng thiếu tích cực của xã hội, thánh nhân mong người học trò hãy sống thanh cao, đừng để cho sức mạnh của vật chất, của tiền bạc, điều khiển và làm tục hóa những giá trị nơi người môn đệ đích thực của Thiên Chúa: “Trước tiên, cha khuyên hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người: cho vua chúa, và tất cả những bậc vị vọng, để chúng ta được sống bằng yên vô sự, trong tinh thần đạo đức và thanh sạch. Ðó là điều tốt lành và đẹp lòng Ðấng Cứu Ðộ chúng ta là Thiên Chúa. Người muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến nhận biết chân lý”. Chân lý là nhận biết Thiên Chúa là Đấng nào, Ngài có quyền trên tất cả mọi sự, Ngài có thể đưa con người đi ra khỏi những cám dỗ và áp lực của tiền bạc, của cải, nếu con người dám đặt niềm tin vào đúng chỗ cho cuộc đời.

Trước một tương lai mờ mịt của bản thân, người quản gia đã dùng khả năng tín toán hơn thiệt của mình, để không rơi vào tình trạng khốn cùng. Câu chuyện về người quản gia bất lương trong bài tin mừng là một ví dụ, anh ta đã lợi dụng của cải mình đang quản lý, để tìm một lối đi mới cho tương lai của bản thân: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một người phú hộ kia có một người quản lý, và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: ‘Tôi nghe nói anh sao đó? Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay, anh không thể làm quản lý nữa’. Người quản lý nghĩ thầm rằng: ‘Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào, để khi mất chức quản lý, thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ”. Đức Giêsu không khen cách anh ta lách luật công bằng, nhưng khen anh ta có cách ứng xử nhạy bén và chính xác, khi anh ta đối diện với tương lai mịt mờ. Người quản gia đã hành xử một cách khôn khéo trước vận mệnh không tích cực của mình, để tương lai không rơi vào cảnh bế tắc cùng cực.

Sống trong một xã hội thiên về quyền bính, tham vọng và hưởng thụ, con người luôn phải chạy đua với những tính toán hơn thiệt, thậm chí không chừa những thủ đoạn, để đối phó, để triệt hạ và để tiến thân. Giữa một xã hội như thế, người tín hữu ít nhiều bị cuốn vào đó, trở thành những tín đồ của sự luồn cúi, lạng lách trong quan hệ, gian xảo trong tiền bạc và thủ đoạn trong việc tiến thân. Nếu những giá trị của thế gian đó, ngày càng lấn chiếm những khoảng trống trong trái tim, bấy lâu nay dành cho Thiên Chúa, thì cuộc đời của người tín hữu còn là một lời chứng sống động cho Tin Mừng cứu độ nữa hay không? và những giá trị thánh thiêng trong cuộc đời nay đã thay thế những giá trị thế gian như quyền bính, địa vị, tiền của vật chất, còn Thiên Chúa thì bị đuổi ra ngoài không chốn nương thân. Mang trong mình một trái tim vô biên, con người không thể đi ra khỏi quỹ đạo của cuộc sống ồn ào, nhưng bị lún sâu từng ngày, bị tục hóa từng ngày và bị vong thân từng ngày trong thế giới đầy những màu sắc của thực dụng.

Song hành với những triết lý sống thực dụng và vô thần, người tín hữu nói riêng và con người thời nay nói chung, đang bị ảnh hưởng rất nhiều về ý thức trách nhiệm. Người ta nhận vào cho mình những thành công trong công việc, trong cuộc sống, nhưng sẵn sàng đổ lỗi cho người khác, thậm chí cả Thiên Chúa, về những thất bại, những đổ vỡ trong mọi sinh hoạt trong mọi hoàn cảnh sống. Có thể nói đó là một hành động thoái thác trách nhiệm, thiếu ý thức về bổn phận và không làm chủ được tính tham lam của bản thân. Trong một xã hội như hiện nay, tinh thần trách nhiệm đến từ nền tảng giáo dục, đến từ những bài học đầu đời trong gia đình, thế nhưng, vì mãi chạy theo những tính toán trần thế, cha mẹ và xã hội đều quên đi việc giáo dục tinh thần trách nhiệm cho con cái, cho học trò, đây là một sự lãng quên vô tình hay hữu ý, chắc không khó để tìm câu trả lời cho vấn đề. Từ đây, chạy trốn trách nhiệm và luồn cúi trong cuộc sống, trở thành một lối sống xu nịnh, đi tìm cho bản thân sự an toàn và an phận giữa chốn phồn hoa đô thị. Một xã hội nặng về hình thức và gian dối, đã ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống tôn giáo của các tín hữu. Họ sống đạo theo tinh thần lễ hội, họ hành đạo theo tinh thần công điểm và họ trình bày tôn giáo của họ theo tinh thần của giấy khen. Quả thực, khi đời sống tôn giáo đang hướng đến tình trạng như thế, liệu niềm tin còn tồn tại và ăn sâu vào trong nhận thức và trái tim của mỗi tín hữu Kitô nữa không?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hết lời khen ngợi người quản gia bất lương trong cách dùng tiền của mà anh ta được quản lý, nhưng lại khôn khéo và nhạy bén trong cách ứng xử với đồng loại, xin giúp chúng con luôn biết hướng về sự sống đời sau, về cùng đích cuộc đời, để có một thái độ sống đúng tinh thần của Tin Mừng, của tình thương. Chúa đã nhắc nhở chúng con đừng để cho của cải vật chất và quyền bính thống trị cuộc đời, nhưng hãy biến nó thành phương tiện để xây dựng tình người và tình trời, xin giúp chúng con luôn xác tín những lời răn bảo của Chúa, để mỗi ngày chúng con biết phân định đâu là giá trị vĩnh cửu, đâu là giá trị tạm thời, để cuộc đời chúng con có ý nghĩa hơn trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen.
 

CỦA CẢI HAY THẦN TÀI?
(Chúa Nhật XXV TN C) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột


“Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng” (Am 8,7). Vì sao Thiên Chúa lấy danh mình mà thề những lời đanh thép như thế? Ngôn sứ Amos đã cho chúng ta biết cái lý do. Đó là vì sự gian ác bất công của một số người giàu có trong xã hội nước Israel thời bấy giờ. Tính chất gian ác của sự bất công mà họ gây ra thật đáng lên án vì nạn nhân chính là những người nghèo khổ, cô thân, kém phận. Số phận của các nạn nhân này được ví không hơn gì đôi dép. “Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy đứa cùng khổ” (Am 8, 6).

Đọc Thánh Kinh, đặc biệt những lời từ miệng của Con Thiên Chúa làm người, chúng ta nhận ra chân lý này: hình như Thiên Chúa dễ khoan dung về những lầm lỗi mà con người xúc phạm đến Người, nhưng Người có vẻ rất bất bình trước những điều gian ác mà con người gây ra cho nhau, nhất là cho những người nghèo hèn, thấp cổ bé phận. Nhân chuyện ông Phêrô hỏi rằng khi có người anh em xúc phạm đến mình thì phải tha thứ cho họ mấy lần thì Chúa Giêsu đã kể câu chuyện dụ ngôn về “một người mắc nợ mà không có lòng thương xót (x.Mt 18, 23-35).

Anh “không có lòng thương xót này” mắc nợ đức vua những mười ngàn yến vàng thế mà chỉ với hành vi sấp mình bái lạy và xin khất nợ một kỳ hạn thì đã được đức vua tha bỗng tất cả số nợ khổng lồ. Mức nặng nhẹ của một lỗi hay tội có thể tăng hay giảm tùy vào đối tượng mà hành vi lỗi tội ấy xúc phạm. Theo góc nhìn này thì quả thật mọi hành vi lỗi tội của con người xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng là Chúa Tể càn khôn, thì đều “to lớn và nặng nề” khó bề đền trả được như món nợ “mười ngàn yến vàng” minh họa. Thế mà ông vua trong câu chuyện dụ ngôn xem ra hào phóng cách khác thường. Tuy nhiên khi nghe biết chuyện cái anh “trúng số độc đắc” này lại thiếu lòng thương xót với người bạn vốn mắc nợ anh ta vỏn vẹn chỉ trăm đồng, thì đức vua đã đổi ngược thái độ cách dứt khoát với anh ta và sai gia nhân bắt tống giam anh này vào ngục cho đến khi trả hết món nợ kếch xù kia.

Tình yêu thật có nhiều điều như nghịch lý. Nhiều đấng bậc mẹ cha dễ dàng bỏ qua nhưng lầm lỗi mà con cái xúc phạm đến bản thân mình nhưng dường như không thể chịu nỗi cái cảnh chúng hành khổ, đày đọa những đứa anh em, chị em kém may mắn. Sau khi xác định giới luật tình yêu là mến Chúa hết lòng hết sức hết linh hồn và yêu thương tha nhân như chính mình, thì Chúa Giêsu đã không lấy việc cầu nguyện hay dâng lễ vật vào Đền Thờ để minh họa, nhưng đã đưa ra hình ảnh người Samaritanô nhân hậu, người đã có lòng thương xót một nạn nhân đi từ Giêrusalem về Giêricô bị bọn cướp trấn lột và đánh nguy kịch, bằng cách chăm sóc giúp đỡ nạn nhân cách tận tình mà không chút tính toán thiệt hơn (x.Lc 10, 25-37).

Khi nghe câu chuyện dụ ngôn về người quản gia bất lương, chắc chắn ít ai ngây thơ đến độ nghĩ rằng Chúa Giêsu dạy chúng ta bắt chước sự ranh ma của anh quản gia ăn gian tiền bạc của ông chủ. Chắc chắn sau khi biết được kế ma mãnh của anh này thì dù có chép miệng khen, nhưng rồi thế nào ông chủ cũng sẽ trừng trị anh ta đích đáng. Nội dung chính của câu chuyện dụ ngôn nằm ở câu kết luận: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” (Lc 16, 9).

Chúng ta cần phải xác định rõ hạn từ “tiền của bất chính”. Chắc chắn Chúa Giêsu không bao giờ dạy chúng ta sử dụng những thứ tiền của kiếm được cách bất chính, bất lương hay phi pháp. Thế thì phải hiểu như thế nào đây. Không ngại ngần để khẳng định rằng “Tiền Của bất chính” ở đây phải được hiểu là một mãnh lực xấu. Hầu hết các bản dịch Kinh Thánh đều ghi là “the Mammon of unrighteousness” hay nghĩa tương đương. Nhưng cũng có một vài bản dịch dùng hạn từ “Worldly Wealth” hay “Base Wealth”. Hạn từ “Mammon” nhắc nhớ chúng ta sự thật này: Khi của tiền được tôn phong lên hàng thần thánh thì chắc chắn trở thành một thế lực bất chính. Chúa Kitô đã cảnh báo: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được” (Lc 16, 13). “Vai mang bị bạc kè kè, nói quấy nói quá chúng nghe rầm rầm”. Khi đã đặt niềm tin vào sức mạnh của tiền bạc thì người ta dễ bị cám dỗ không chỉ lao mình vào những hành vi bất nhân, thất đức mà còn bị cám dỗ tự phong thần phong thánh cho bản thân mình.

Thánh Phaolô khẳng định rằng mọi sự thuộc về chúng ta. Chúng ta thuộc về Đức Kitô và Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa. Không gì hơn là hãy trả của cải vật chất về đúng vị trí của nó. Nó là của cải chứ không phải là thần tài. Biết dùng của cải, tiền bạc để làm phát triển tình tương thân tương ái là một trong những phương thế sử dụng của tiền cách hữu ích cho hạnh phúc của chúng ta hôm nay và ngày sau. Nhiều tín hữu phân trần với các vị mục tử rằng: Với chúng con, vấn đề không phải là ở chỗ sử dụng mà là ở khâu tìm kiếm tiền bạc. Đây là một vấn nạn mang tính hiện sinh. Khi của tiền đi vào bằng con đường bất chính thì sự thường nó sẽ đi ra bằng con đường bất nghĩa, bất lương. Chính vì thế sẽ không thừa nếu chúng ta tự đặt câu hỏi: Tôi tìm kiếm của tiền vì mục đích gì? (để làm gì?) và tôi đang kiếm tìm của tiền theo cách thế nào? có chính đáng, hợp pháp, công minh không? Cũng xin đừng quên xem xét cách thế sử dụng tiền bạc của chúng ta. Dù thuộc quyền sở hữu của mình nhưng nếu chúng ta sử dụng của cải cách hoang phí thì cũng lỗi đức công bình và dĩ nhiên đáng bị kết án cách nghiêm minh.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...