Chúa Nhật XXVII Thường Niên – Năm B

“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”. (Mc 10, 2-12)

Chúa Nhật XXVII Thường Niên – Năm B


Mc 10, 2-12
 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXVII Thường Niên – Năm B

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Phụng vụ Chúa Nhật hôm nay đề cập tới một vấn đề căn bản, then chốt nhất của xã hội loài người, đó là gia đình. Tin Mừng như muốn đưa nhân loại và mọi người về những trang đầu của sách khởi nguyên, khi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, tạo dựng con người có nam có nữ, để họ chung sống với nhau trong sợi giây hôn nhân, bất khả phân ly. Đây là gia đình đầu tiên của con người. Để trả lời vấn nạn của những người biệt phái “người ta có được phép rẫy vợ không?” Chúa Giêsu đã nại đến sự kiện này, để đề cập đến gia đình, đến giá trị và đòi hỏi của hôn nhân. Vẫn biết gia đình tự bản chất là thánh thiêng, nhưng lại rất dễ lung lay, đổ vỡ, nên cũng rất cần được quan tâm chăm sóc và hướng dẫn. Hiểu như thế, chúng ta sốt sáng dâng Thánh Lễ để cầu cho các gia đình duy trì được sự hiệp nhất, tình yêu, hạnh phúc. Nhưng để xứng đáng, chúng ta hãy thành tâm xin lỗi Chúa và anh chị em.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã tác tạo mọi sự theo thánh ý Chúa, và không ai có thể chống lại thánh ý Chúa. Vì Chúa đã tạo thành mọi sự trên trời dưới đất, và cả những gì trong bầu trời; Chúa là Chúa tể mọi loài.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, tình thương Chúa thật là cao cả, vượt xa mọi công trạng và ước muốn của con người, xin rộng tình tha thứ những lỗi lầm cắt rứt lương tâm chúng con, và thương ban những ơn trọng đại, lòng chúng con chẳng dám mơ tưởng bao giờ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: St 2, 18-24

“Cả hai nên một thân thể”.

Trích sách Sáng Thế.

Chúa là Thiên Chúa phán: “Ðàn ông ở một mình không tốt. Ta hãy tạo dựng cho nó một nội trợ giống như nó”. Sau khi lấy bùn đất dựng nên mọi thú vật dưới đất và toàn thể chim chóc trên trời, Thiên Chúa dẫn đến trước mặt Ađam để coi ông gọi chúng thế nào, và sinh vật nào Ađam gọi, thì chính đó là tên nó. Ađam liền đặt tên cho mọi súc vật, chim trời và muông thú. Nhưng Ađam không gặp một người nội trợ giống như mình.

Vậy Thiên Chúa khiến cho Ađam ngủ say, và khi ông đang ngủ, Người lấy một xương sườn của ông, và đắp thịt lại. Thiên Chúa làm cho chiếc xương sườn đã lấy từ Ađam trở thành người đàn bà, rồi dẫn đến Ađam. Ađam liền nói: “Bây giờ đây xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi. Người này sẽ được gọi là người nữ, vì bởi người nam mà ra”. Vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai nên một thân thể.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 127, 1-2. 3. 4-5. 6

Ðáp: Nguyện Chúa chúc phúc cho chúng con hết mọi ngày trong đời sống chúng con! (x. c. 5).

Xướng: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người! Công quả tay bạn làm ra bạn được an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may. 

Xướng: Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn. Con cái bạn như chồi non của khóm ô-liu, ở chung quanh bàn ăn của bạn. 

Xướng: Ðó là phúc lộc dành để cho người biết kính sợ Chúa. Nguyện Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem, hết mọi ngày trong đời sống của bạn. 

Xướng: Và để bạn nhìn thấy lũ cháu đàn con. Nguyện xin bình an đến trên đất Israel.

Bài Ðọc II: Dt 2, 9-11

“Ðấng thánh hoá và những người được thánh hoá, tất cả đều do một nguồn gốc”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, Ðấng trong một thời gian bị hạ xuống kém các Thiên Thần, là Ðức Giêsu, chúng ta thấy Người được triều thiên vinh quang và danh dự vì cuộc tử nạn của Người, để nhờ ơn Thiên Chúa, Người chịu chết thay cho mọi người. Quả vậy, thật là thích hợp việc Chúa là nguyên nhân và cùng đích mọi vật, đã dẫn đưa nhiều con cái đến vinh quang và đã lấy cuộc khổ nạn mà làm cho Ðấng đem lại ơn cứu rỗi được hoàn hảo. Vì chưng, Ðấng thánh hoá và những người được thánh hoá, tất cả đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người không hổ thẹn gọi họ là anh em.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 17, 17

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 10, 2-12

“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, những người biệt phái đến gần và hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.

Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: “Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng và lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”.

{Bấy giờ người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”. Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.}

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến!  Sự chung thủy, bền vững trong hôn nhân không những là ý muốn của Thiên Chúa, mà còn là ước vọng của con người, để gia đình được hạnh phúc. Vậy chúng ta cùng dâng lời cầu xin:

1. “Đây xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”.- Xin cho các vị Chủ chăn, không ngừng rao giảng giáo lý hôn nhân cơ bản này, cho bậc vợ chồng trong thời đại hôm nay, để họ tôn trọng luật hôn nhân của Hội Thánh, hầu bảo vệ hạnh phúc cho các gia đình.

2. “Chúa là nguyên nhân và cùng đích mọi vật”.- Xin cho mọi Kitô hữu hiểu rõ rằng: Chính Chúa xây dựng và bảo vệ hôn nhân, nên không ai có quyền phá bỏ những luật lệ chính Ngài đã truyền dạy, mà biết vâng phục và tuân giữ cho đúng ý Chúa.

3. “Sự gì Thiên Chứa kết hợp, loài người không được phân ly”.- Xin cho gia đình ý thức rằng: họ là cộng đoàn cơ bản để xây dựng và phát triển, nên phải luôn luôn hiệp nhất trọn vẹn cả thể xác và tâm hồn, làm cho xã hội thăng tiến và hạnh phúc.

4. “Hãy để trẻ nhỏ đến cùng Thầy đừng ngăn cản chúng” Xin cho các bậc phụ huynh nhớ nhiệm vụ thánh thiêng của họ, là phải giáo dục đức tin cho con em, để chúng sớm nhận biết và tôn thờ Chúa.

Chủ tếLạy Thiên Chúa toàn năng, xin thanh luyện tâm trí chúng con, để chúng con luôn biết tôn trọng luật hôn nhân công giáo, nhờ đó, chúng con biết bảo vệ hạnh phúc cho gia đình, an vui cho xã hội, tương lai tốt đẹp cho thế hệ mai sau. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chính Chúa đã thiết lập lễ tế này để chúng con dâng lên mà tỏ lòng thần phục tôn kính; xin Chúa thương chấp nhận và thánh hoá chúng con, xin cho chúng con được hưởng dồi dào ơn cứu chuộc. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa nhân lành đối với những ai trông cậy vào Người, và đối với tâm hồn kiếm tìm Người.

Hoặc đọc:

Chỉ có một tấm bánh, nên tuy nhiều, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh, và cùng một chén rượu.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận Mình và Máu Ðức Kitô, xin cho chúng con được nên một với Người và no say tình Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm
 

Bất khả phân ly

Bọn Biệt phái hôm nay đưa vấn đề ly dị ra hỏi Chúa Giêsu, không phải là để có thêm kiến thức hay tranh thủ ý kiến của Ngài, nhưng là để giăng bẫy gài Ngài. Một cái bẫy không kém phần thâm độc. Họ chọn đúng lúc có đông đảo dân chúng tụ tập xung quanh Chúa Giêsu để đòi buộc Ngài phải bày tỏ rõ lập trường. Uy tín của Ngài sẽ tùy thuộc vào cách giải quyết của Ngài. Mà theo những người Biệt phái, Chúa Giêsu sẽ không dễ gì thoát được cạm bẫy của họ. Nếu trả lời được phép, thì Ngài sẽ đi ngược lại lề luật của Thiên Chúa. Còn nếu trả lời không được phép, thì Ngài sẽ vi phạm điều Maisen qui định.

Thế nhưng Chúa Giêsu đã vạch trần âm mưu của bọn Biệt phái bằng cách kéo họ về với điều Thiên Chúa muốn người ta thực hiện. Chúa Giêsu đã gợi lại: Khởi đầu cuộc sáng tạo con người, Thiên Chúa dựng nên người nữ, để làm vợ của người nam, nghĩa là làm người bạn đường, bình đẳng với người nam…

Để diễn tả ý tưởng này, Kinh Thánh cho thấy Thiên Chúa đã dựng nên người nữ, không phải bằng bụi đất, mà bằng chính xương thịt của người nam. Và trong quan niệm của người Do Thái, thì lồng ngực được cấu tạo bởi bộ xương sườn đó chính là trung tâm của sự sống con người. Như thế, giữa người nam và người nữ, giữa người vợ và người chồng, có một mối quan hệ mật thiết với nhau, quan hệ xương máu, quan hệ cuộc sống. Và trong ý định của Thiên Chúa, nam và nữ, vợ và chồng được tạo dựng để trở nên một huyết nhục. Do đó mà điều gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly.

Nhưng trong thực tế, Maisen đã cho phép ly dị. Theo Chúa Giêsu, thì việc làm của Maisen không có tính cách qui định về một lý tưởng phải theo đuổi, mà chỉ là một nhượng bộ bởi sự cứng lòng của người Do Thái. Thay vì thực hiện lý tưởng của khởi đầu cuộc sáng tạo, nghĩa là coi vợ mình như một người bạn đường, như một phần của cuộc sống mình, thì người ta đã coi vợ mình như là một phương tiện thỏa mãn những ước muốn ích kỷ, để rồi sẽ dẫy bỏ khi không cần thiết.

Sự ích kỷ đó đã phổ biến đến nỗi Maisen phải nhượng bộ, nhằm giải quyết sự yếu đuối của con người cùng thời với ông, đồng thời nó còn phản ảnh cho một quan niệm hôn nhân thời bấy giờ: Người vợ không được nhìn nhận là bình đẳng với người chồng.

Ngoài ra, có lẽ cũng nhằm sửa đổi cái nhìn của người ta về con người trong xã hội, mà ở đây Chúa Giêsu đã dạy các tông đồ thái độ phải có đối với các trẻ nhỏ, vì trẻ nhỏ chính là mẫu mực cho những ai muốn vào nước Thiên Chúa. Mẫu mực ở sự đơn sơ vô tội đã đành, mà còn mẫu mực ở thái độ sẵn sàng đón nhận với tất cả sự chân thành.

Đoạn Tin Mừng vừa nghe thường được xử dụng trong lễ cưới, và câu nói của Chúa Giêsu: Sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly, vốn được coi là nền tảng cho sự bền vững của gia đình Công giáo. Thế nhưng chúng ta đừng vội hiểu việc Thiên Chúa liên kết theo một ý nghĩa hoàn toàn pháp lý hay nghi lễ. Vợ chồng kết hợp với nhau không phải bằng một nghi lễ, mà bằng chính sự tôn trọng lẫn nhau, đặt mình trong kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa, bằng sự trở nên một huyết nhục, qua hành động, qua tình cảm, qua cuộc sống thường ngày, qua sự chọn lựa diễn ra trong từng giây từng phút.

Bởi đó, hãy sống việc Thiên Chúa liên kết hơn là coi đó chỉ là một nghi lễ có tính cách pháp lý mà thôi.


Điều Thiên Chúa kết hợp

Điều Thiên Chúa đã kết hợp thì loài người không được phân ly.

Trong một năm chúng ta cử hành rất nhiều lễ cưới, nhưng phụng vụ Chúa nhật thì hầu như lại không đề cập tới hôn nhân. Một vài trường hợp ít ỏi như ngày hôm nay chẳng hạn, vấn đề hôn nhân được đặt ra, không phải một cách trực tiếp, nhưng là một cách gián tiếp. Tuy nhiên, qua phần Lời Chúa, chúng ta có thể rút ra một vài kết luận về cuộc sống gia đình.

Trước hết, với bài đọc I trích từ sách Sáng Thế Ký, chúng ta thấy: Con người, trong bàn tay tạo dựng của Thiên Chúa, không phải chỉ là nam hay nữ, mà là nam và nữ. Người nữ được dựng nên từ xương thịt của người nam. Cả hai cùng có một bản chất, cùng mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa. Có lẽ, không một tài liệu cổ xưa nào có được một quan niệm vừa rõ ràng vừa thơ mộng về sự bình đẳng giữa người nam và người nữ cho bằng câu chuyện của sách Sáng Thế Ký. Đồng thời, sự kết hợp giữa người nam và người nữ, hay nói một cách cụ thể hơn, cuộc sống lứa đôi, cuộc sống hôn nhân, cuộc sống gia đình không phải là một sự chúc dữ, không phải một chuyện chẳng đặng đừng, mà là một sự thật xuất phát từ Thiên Chúa. Cuộc sống ấy là khởi điểm cho sự hiện diện của con người trên mặt đất này: Người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình và cả hai trở nên một thân thể. Đây là một sự kết hợp có tính cách thánh thiện và thiêng liêng, bởi vì từ sự kết hợp này mà nảy sinh những con người mới, có tự do, có hiểu biết, có yêu thương và cũng mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa. Như vậy hôn nhân chính là hành động cộng tác và tiếp nối công trình tạo dựng của Thiên Chúa.

Rồi qua đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu đã thẳng thắn gạt bỏ những dễ dãi do sự cứng lòng của con người để trở về với ý định ban đầu của Thiên Chúa. Sự gắn bó giữa vợ chồng để trở nên một là do Thiên Chúa thiết lập.

Tiếp nối vào đó, thánh Phaolô còn xác quyết: Sự gắn bó ấy còn là hình ảnh tượng trưng cho sự kết hợp giữa Đức Kitô và Giáo Hội. Một sự kết hợp làm nên cuộc sống mới. Bởi đó, sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly vì phá đổ sự kết hợp này chính là phá đổ công trình của Thiên Chúa, là bôi bác hình ảnh của Thiên Chúa đã có đó trong cuộc sống hôn nhân. Không phải ngẫu nhiên mà phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu, dấu chỉ về sự hiện diện của Nước Trời giữa trần gian, lại đã được Ngài thực hiện trong một đám cưới.

Ngày nay, gia đình tại nhiều nơi đang lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Chồng bỏ vợ và vợ bỏ chồng, con cái thì bơ vơ vất vưởng. Chính vì thế, chúng ta hãy cầu xin Chúa củng cố nền tảng của gia đình bằng cách làm cho vợ chồng biết trung thành và gắn bó với nhau trong suốt cuộc sống yêu thương của mình.
 

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXVII Thường niên -Năm B
 

CN27TNb 2

Mc 10, 2-12
“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
        
Khi ấy, những người biệt phái đến gần và hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.
        
Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: “Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng và lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”.
        
{Bấy giờ người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”. Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.}
        
Ðó là lời Chúa.


Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXVII Thường Niên -Năm B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm


 
 

THỦY CHUNG (Mc 10, 2-16)
Chúa Nhật XXVII TN B - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa  – Ban Mê Thuột

Các bài đọc trong Thánh Lễ Chúa Nhật XXVII TN B dường như xoáy trọng tâm vào đời sống hôn nhân mà chủ đề chính là sự chung thủy trong nghĩa tình phu phụ. Tuy nhiên điều ta cần ngạc nhiên đó là sau khi tường thuật việc Chúa Giêsu khẳng định về sự chung thủy vợ chồng, đạo nhất phu nhất phụ thì Tin Mừng Maccô lại kể tiếp chuyện Chúa Giêsu chúc lành cho các trẻ em, dù cho các Tông đồ phản đối kịch liệt. Đồng thời, Chúa Giêsu cũng nhân sự kiện ấy để dạy cho các môn đệ và chúng ta hôm nay về cách thế vào Nước Trời là hãy nên giống như trẻ thơ.
        
Hình ảnh trẻ thơ trong vòng tay bố mẹ hay các bé đang chập chững tập đi của tuổi lên hai, lên ba không chỉ gợi cho chúng ta nét đơn sơ trong sáng mà đặc biệt cho chúng ta thấy một sự tin tưởng vào tình yêu. Trong vòng tay mẹ, bé không hề hãi sợ. Trong bàn tay của bố, trẻ vững tin tiến bước. Trẻ thơ chính là kết quả của tình yêu đôi lứa, là hoa trái của đời sống hôn nhân. Cái hình ảnh đẹp này hẳn phải được dệt xây trong một mái gia đình mà ở đó nghĩa tình vợ chồng mãi sắt son và chung thủy.

        
Người ta không thể cho cái gì mà mình không có. Làm sao có được những người con an bình trong vòng tay bố mẹ khi mà sự thủy chung trong hôn nhân không được đặt lên hàng đầu? Các thống kê xã hội cho chúng ta con số về trẻ hư hỏng thì đại đa số là xuất từ hoàn cảnh gia đình không ấm êm hoặc bị chia đàn xẻ nghé.

        
Không khi nào hơn lúc này, những nhà xã hội học, các nhà đạo đức học, những người đứng đầu các tôn giáo, các quốc gia lại quan tâm cách đặc biệt về sự bền vững trong hôn nhân gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội, là cộng đồng cơ bản của Hội Thánh. Vai trò của gia đình luôn có tầm quan trọng mà không có tổ chức hay đoàn thể nào có thể thay thế cách hữu hiệu. Một xã hội mà đời sống hôn nhân thiếu bền vững, thì có thể nói là đang trên đà băng hoại. Chính vì thế thông điệp gìn giữ sự thủy chung trong hôn nhân luôn mang tính thời sự và cấp thiết.

        
Làm sao để gìn giữ sự chung thủy trong nghĩa tình phu thê giữa một xã hội đầy biến động và chóng đổi thay như hôm nay? Một trong những cách thế gìn giữ sự thủy chung, trước sau như một của đời hôn nhân, đó là nhìn vào trẻ thơ. Một sinh linh luôn sống trong sự tín thác vào tình yêu. Không chỉ biết xây dựng lòng tin vào tình yêu của nhau mà còn hướng tâm trí của mình về hoa trái của tình yêu, đó là một trong những cách thế tuyệt vời để gìn giữ mối dây liên kết bất khả phân ly giữa vợ chồng. Điều gì Thiên Chúa đã liên kết thì con người không được phân ly. Họ không còn phải là hai nhưng là một xương một thịt. Cái sự nên một xương một thịt này được hiện thực hóa nơi chính người con, một kết quả hữu hình của tình yêu đôi lứa. Nói đến điều này chúng ta mới hiểu được tình trạng dù không phải là “đáng buồn” theo nghĩa luân lý nhưng vẫn kém vui theo nghĩa tâm lý của những cặp vợ chồng đang lâm vào tình cảnh hiếm muộn.

        
Văn hào Saint Exupéry từng nói: “Yêu nhau không phải là ngồi nhìn nhau nhưng là cùng nhau nhìn về một hướng”. Dĩ nhiên giữa vợ chồng có nhiều cái hướng nhắm, thế nhưng không có hướng nhắm nào quan trọng cho bằng những đứa con. “Có vàng, vàng chẳng hay phô. Có con, con nói trầm trồ mẹ nghe”. Câu ngạn ngữ tuy mộc mạc, nhưng tượng hình và đượm nghĩa. “Ba thương con, vì con giống mẹ. Mẹ thương con, vì con giống ba…” Một ca từ không chỉ thi vị mà còn đủ ý tình. Chính qua đứa con mà người cha thêm khắng khít với người mẹ và người mẹ càng gắn bó với người cha và nghĩa tình hôn nhân ngày thêm bền chặt. Khi cùng nhìn về một hướng thì người ta sẽ biết nỗ lực vượt qua những dị biệt, để rồi có sự hiệp thông, hiệp nhất cách vững bền.

        
Với truyền thống Á đông, để làm người thì cần rèn luyện các nhân đức nền tảng là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Dù được xếp vào hàng thứ năm, nhưng “chữ tín” như là điều kiện đủ, hầu giúp cho các đức nhân, nghĩa, lễ, trí được chính hiệu. Cần khẳng định rằng chữ tín phải được gìn giữ trước hết ngay trong đời sống hôn nhân gia đình. Trong cuộc thi “hoa hậu áo dài” lần đầu được tổ chức tại Việt Nam năm 1989, chính nhờ câu trả lời trong phần thi ứng xử đã đưa cô Maria Nguyễn Thị Kiều Khanh, một nữ tín hữu giáo xứ Vườn Xoài, giáo phận Sài Gòn, lên ngôi hoa hậu. Các thí sinh vào vòng chung kết đều được ban giám khảo hỏi câu: em yêu cái gì nhất và em ghét cái gì nhất? Kiều Khanh đã vượt qua các bạn bằng câu trả lời: “điều em ghét nhất là sự phản bội”.

        
Quả thật, khi sự bất trung, bất tín xuất hiện và lan tràn như chuyện cơm bữa, trở thành chuyện thường tình, thì mọi mối tương quan giữa các cá nhân cũng như tập thể chắc chắn bị gãy vỡ. Nay ký kết hôn ước, mai đường ai nấy đi thì còn gì là hôn nhân! Nay ký hợp đồng, mai lại tùy tiện hủy bỏ thì còn gì là thương mại, bán mua! Nay ký hiệp ước, mai lại đơn phương rút, hủy thì còn gì là quan hệ đối tác! Tuy nhiên, cũng cần chân nhận rằng “nhân bất thập toàn”. Phận người thì khó tránh khỏi những sai lầm đáng trách hoặc có thể lượng thứ. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nhận định: “Chúa Giêsu một đàng đưa ra lý tưởng rất cao cả về đời sống hôn nhân và gia đình; đàng khác Người chạnh lòng thương những người đau khổ trong đời sống hôn nhân như trường hợp người phụ nữ xứ Samaria hoặc người nữ phạm tội ngoại tình” (Thư Mục Vụ 2018). Không kể các trường hợp cố tình và cố chấp, thì để gìn giữ sự thủy chung thì phía người lỗi phạm cần có sự khiêm nhu, chân thành nhìn nhận sai sót và phía còn lại cần có sự quảng đại, bao dung, tha thứ.

        
Xin nhớ rằng sẽ không bao giờ là muộn đối với người khiêm nhu, chân thành muốn bắt đầu lại như “thưở ban đầu đầy lưu luyến ấy” (x.Kh 2,4). Bí tích Thánh Thể, tòa cáo giải là những phương thế Chúa tạo cho chúng ta cơ hội lại bắt đầu. Ước gì mỗi người chúng ta biết trao cho nhau những cơ dịp thuận lợi để giúp nhau lại bắt đầu sống tình thủy chung và giữ chữ tín trong đời sống gia đình và xã hội, giữa chúng ta với nhau và với Thiên Chúa.

 

SNTM Chúa nhật 27 thường niên -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

CN27TNb a3

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 10, 2-12)

Khi ấy, những người biệt phái đến gần và hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”. Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: “Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng và lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”.

Bấy giờ người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”. Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.


Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXVI Thường Niên - Năm B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh

 

 

Suy niệm

Sinh ra trên đời, ai ai cũng có một gia đình, một tổ ấm, nơi đó có người Cha người Mẹ, có anh chị em cùng hiện hữu, cùng chia sẻ với nhau niềm vui tình gia đình. Gia đình là một cộng đoàn đức tin, một cộng đoàn yêu thương, một cộng đoàn sản sinh sự sống, chăm sóc sự sống và bảo vệ sự sống cho nhau. Có thể nói gia đình là chiếc nôi giúp con người có được sự sống, được làm người, được làm con Chúa và được cùng nhau lớn lên trong một thế giới xinh đẹp, một thế giới đầy sức sống và niềm vui. Hơn nữa, gia đình còn là nơi giúp nhau nên thánh, giúp nhau cộng tác với Chúa Thánh Thần để xây dựng và bảo vệ trái đất, cùng giúp nhau sống ơn gọi làm người và bổ trợ cho nhau những gì còn khiếm khuyết trong cuộc đời. Lời Chúa tuần lễ 27 thường niên năm B mời mỗi người trở về với gia đình của mình, để gặp gỡ, thăm hỏi và chia sẻ với mọi người trong tổ ấm đó, đồng thời để tái khám phá ơn gọi hôn nhân của những người thân đã và đang trải qua trong sự ấm áp của tình người.

Nhắc đến sự hiện diện của con người, tác giả sách Sáng Thế Ký kể lại câu chuyện sáng tạo của Thiên Chúa, Ngài tạo dựng trời đất, vũ trụ và con người trong vòng 6 ngày, con người là tạo vật đặc biệt, được tạo dựng sau cùng. Tác giả kể thêm, trước khi tạo dựng con người, Thiên Chúa suy nghĩ rất nhiều và quyết định tạo dựng con người giống hình ảnh Người từ hư vô, tạo vật đó có khuôn mặt của Thiên Chúa và có thêm hơi thở của Ngài: “Vậy Thiên Chúa khiến cho Ađam ngủ say, và khi ông đang ngủ, Người lấy một xương sườn của ông, và đắp thịt lại. Thiên Chúa làm cho chiếc xương sườn đã lấy từ Ađam trở thành người đàn bà, rồi dẫn đến Ađam. Ađam liền nói: “Bây giờ đây xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi. Người này sẽ được gọi là người nữ, vì bởi người nam mà ra”. Vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai nên một thân thể”. Thiên Chúa tạo dựng con người từ hư vô, từ người đàn ông, Ngài rút một xương sườn của người đàn ông và tạo dựng nên người phụ nữ. Đó là một gia đình đầu tiên của nhân loại, người đàn ông và người đàn bà có sự liên kết với nhau về thể xác lẫn tinh thần, tất cả trong chương trình yêu thương của Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên mọi vật và mọi sự.

Bài đọc 2 được trích từ thư gởi cộng đoàn người Do-thái, những người được coi là có truyền thống tôn giáo lâu đời, nhưng lắm lúc họ câu nệ vào lề luật mà quên đi giá trị thiêng liêng của con người, của gia đình, đặc biệt là sự hiện hữu của con người do đâu mà có: “Quả vậy, thật là thích hợp việc Chúa là nguyên nhân và cùng đích mọi vật, đã dẫn đưa nhiều con cái đến vinh quang và đã lấy cuộc khổ nạn mà làm cho Ðấng đem lại ơn cứu rỗi được hoàn hảo. Vì chưng, Ðấng thánh hoá và những người được thánh hoá, tất cả đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người không hổ thẹn gọi họ là anh em”. Dù sinh ra trong một gia đình như thế nào, dù chào đời trong một dân tộc nào, dù sinh sống trong một lãnh thổ nào, đã là con người, họ đều có một người Cha là Thiên Chúa, Ngài là nguyên nhân để họ được hiện hữu, Ngài là cùng đích họ phải hướng về. Có ý thức được điều đó, họ mới thực sự là anh chị em cùng một gia đình, có cùng một người Cha.

Luật được đặt ra là vì lợi ích cho con người, dù đó là khía cạnh xã hội hay trong tôn giáo, người Do-thái đã hiểu giá trị luật chưa đúng, họ cho rằng luật lệ là cùng đích, là cứu cánh của con người, vì thế, nếu giữ luật đầy đủ, họ trở nên những người công chính. Với suy nghĩ chưa thấu đáo như vậy, luật hôn nhân cũng được hiểu một cách nông cạn, kèm theo đó là nét văn hóa trọng nam khinh nữ của người phương đông, nên ơn gọi hôn nhân chưa được đặt đúng chỗ: “Khi ấy, những người biệt phái đến gần và hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục”. Vậy gia đình là gì, ơn gọi hôn nhân là gì, đó là những suy nghĩ của con người, và suy nghĩ đó khác xa những giá trị tinh thần khi Thiên Chúa xây dựng một gia đình và mời gọi con người bước vào hành trình ơn gọi đó.

Hôn nhân Công giáo luôn được coi là một bí tích, đã là một bí tích điều tất nhiên là có đặc sủng đến từ Thiên Chúa, Ngài trao ban cho ai cộng tác với Ngài trong ơn gọi đó. Là một bí tích, nơi đó luôn có sự hiện diện của Thiên Chúa, Ngài như người đồng hành và cũng là một người hướng dẫn cho đôi bạn chọn đời sống đó. Ơn gọi hôn nhân do Thiên Chúa thiết định và chứng giám khi hai người cùng cam kết sống chung với nhau trong một mái nhà, vì thế, con người chỉ là cộng sự viên của Thiên Chúa để xây dựng thế giới, xây dựng vũ trụ và môi trường chung quanh. Cũng từ nơi đó, Thiên Chúa mời gọi họ xây dựng gia đình mình trở thành một cộng đoàn thánh, một gia đình thánh, từ đây, họ sẽ giới thiệu với thế giới một tình yêu vị tha, một tình yêu xả kỷ, một tình yêu sẵn sàng cho đi và sẵn sàng hy sinh cho nhau.

Ngày nay, người ta coi ơn gọi hôn nhân như là một hợp đồng theo cách nhìn của thế gian, trong bản cam kết đó, hai người sẽ sống với nhau khi cả hai cùng có lợi, khi cả hai giúp nhau được an bình, hạnh phúc, hai người sẽ cùng nhau trải nghiệm cuộc sống và những nhu cầu cuộc sống, hai người cùng khám phá những ẩn số con người của nhau, đến một lúc nào đó, vì lý do khách quan, họ sẽ kết thúc bản hợp đồng đó trong êm đẹp, không cần đền bù, không cần bất cứ một thủ tục nào và sau đó là đường ai nấy đi. Thế thì hôn nhân đang bị tục hóa, đang bị đánh mất tính bí tích và đặc sủng của bí tích đó, hôn nhân đâu còn là một ơn gọi cao quý do Thiên Chúa thiết định và chúc lành nữa. Có phải đến lúc gia đình chỉ được nhìn nhận là một quán trọ ven đường chứ không còn là một tổ ấm, một cộng đoàn đức tin và cũng là một cộng đoàn yêu thương, luôn biết tôn trọng và chăm sóc, luôn biết bảo vệ sự sống cho nhau.

Lạy Chúa, được sinh ra trong một gia đình Công giáo, chúng con thấy mình được hạnh phúc làm người, làm con Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì thế, chúng con xin Chúa chúc lành và ban bình an cho Cha Mẹ chúng con, xin Chúa gìn giữ tất cả các gia đình trong vòng tay yêu thương của Chúa. Xin Chúa gieo vào trong suy nghĩ của con người một hình ảnh rất đẹp về gia đình của mình, để mọi người biết trân trọng ơn gọi hôn nhân, yêu mến gia đình và sống tình gia đình thật vẹn toàn. Ngày xưa Chúa cũng có một gia đình, Ngài luôn yêu mến gia đình và Cha Mẹ, xin dạy chúng con biết cầu nguyện cho gia đình của mình cũng như các gia đình khác, biết cầu nguyện cho giáo xứ mình, bởi đó cũng là một gia đình. Xin Chúa chúc lành và ban bình an cho những ai đang chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân, để họ can đảm sống ơn gọi đó cho đến mãn đời. Amen.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...