CN X TN - Lễ Chúa Ba Ngôi - Năm A
Chúa Nhật X Thường Niên - Lễ Chúa Ba Ngôi - Năm A
Dẫn vào Thánh Lễ
Anh chị em thân mến! Hằng ngày khi làm dấu Thánh giá là chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Đó là trọng tâm trong đời sống đức tin của người công giáo. Đó là lời Chúa Giêsu nói với chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay. Đó là mầu nhiệm mời gọi chúng ta đem đức tin vào cuộc sống của mình. Vì mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi khó hiểu nên người ta chỉ có thể đón nhận bằng chính cuộc sống mà thôi. Hiểu không quan trọng bằng tin yêu và sống với Chúa Ba Ngôi. Ý thức bổn phận phải sống mầu nhiệm yêu thương và hiệp nhất như vậy, chúng ta mới xứng đáng được hưởng tình yêu vô cùng sung mãn của Chúa.
Ca nhập lễ
Chúc tụng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, vì Chúa đã tỏ lòng từ bi đối với chúng ta.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Chúa đã sai Con Một là Lời chân lý và sai Thánh Thần, Ðấng thánh hoá muôn loài đến trần gian mặc khải cho chúng con biết mầu nhiệm cao vời của Chúa. Xin cho chúng con hằng tuyên xưng đức tin chân thật là nhận biết và tôn thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi uy quyền vinh hiển. Chúng con cầu xin...
Bài Ðọc I: Xh 34, 4b-6. 8-9
"Thiên Chúa là Ðấng thống trị, từ bi và nhân hậu".
Trích sách Xuất Hành.
Ngày ấy, từ sáng sớm, Môsê chỗi dậy và lên núi Sinai, như Chúa đã truyền dạy cho ông, ông mang theo hai bia đá. Khi Thiên Chúa ngự trên đám mây, Môsê đứng trước mặt Chúa và kêu cầu danh Chúa.
Chúa đi qua trước mặt ông và hô: "Ðức Chúa! Ðức Chúa! Thiên Chúa thương xót và từ nhân, bao dung, đầy nhân nghĩa và tín thành". Môsê vội vã sấp mình xuống đất thờ lạy và thưa rằng: "Lạy Chúa, nếu con có ơn nghĩa trước nhan thánh Chúa, thì xin Chúa hãy đi cùng với chúng con, (vì dân này là dân cứng đầu), xin xoá mọi gian ác và tội lỗi chúng con, xin nhận chúng con làm cơ nghiệp của Chúa".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Ðn 3, 52. 53. 54. 55. 56
Ðáp: Chúa đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời
Xướng: Lạy Chúa là Thiên Chúa cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng, đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời. Chúc tụng thánh danh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời. - Ðáp.
Xướng: Chúa đáng chúc tụng trong đền thánh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời. - Ðáp.
Xướng: Chúc tụng Chúa ngự trên ngai vương quyền Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời. - Ðáp.
Xướng: Chúc tụng Chúa, Ðấng nhìn thấu vực thẳm và ngự trên các Thần Vệ Binh, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời. - Ðáp.
Xướng: Chúc tụng Chúa ngự trên bầu trời, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời. - Ðáp.
Bài Ðọc II: 2 Cr 13, 11-13
"Ân sủng của Ðức Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần".
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Anh em thân mến, anh em hãy vui lên, hãy nên trọn lành, hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí, và hoà thuận với nhau, thì Thiên Chúa, nguồn sự bình an và tình yêu, sẽ ở với anh em. Anh em hãy chào nhau bằng cái hôn thánh thiện. Tất cả các thánh ở đây gởi lời chào anh em. Nguyện xin ân sủng Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh em. Amen.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Kh 1, 8
Alleluia, alleluia! - Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con, và Ðức Chúa Thánh Thần; sáng danh Thiên Chúa Ðấng đang có, đã có và sẽ đến. - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 3, 16-18
"Thiên Chúa đã sai Chúa Con đến để thế gian nhờ Người mà được cứu độ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa".
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Học Sống theo gương Chúa Ba Ngôi là chúng ta sống làm sao để đem niềm vui đến cho mọi người. Vậy chúng ta cùng dâng lời nguyện xin :
1. “Môisen đứng trước mặt Thiên Chúa và kêu cầu danh Chúa" Xin Chúa Ba Ngôi thiêu đốt tâm hồn các vị lãnh đạo Hội Thánh trong biển lửa tình yêu, giúp các Ngài chu toàn trách vụ tiếp nối công cuộc cứu chuộc.
2. “Hãy đồng tâm nhất trí và hòa hợp với nhau” Xin Chúa cho những người tin Chúa Kitô được hợp nhất với nhau trong cùng một đức tin, liên kết chặt chẽ bằng mối dây Đức Ái, để tất cả cùng nỗ lực tiến tới sự thiện toàn trong Chúa Ba Ngôi, dựng xây Hội Thánh và cứu rỗi các linh hồn.
3. “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” Xin Chúa thức tỉnh tâm hồn những người ngoại giáo, giúp họ tin nhận quyền năng và sự hiện diện của Chúa Ba Ngôi cực thánh, để cùng Hội Thánh họ được nếm hưởng ân sủng tình yêu và ơn thông hiệp của Ngài.
4. “Tất cả những ai tin ở con của Ngài thì không phải hư mất” Xin Chúa dập tắt những giận hờn chia rẽ trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, để mọi người được hưởng một nền hòa bình đích thực, cộng tác chân thành và trợ giúp nhau thăng tiến, nhờ đó giáo xứ được phát triển.
Chủ tế: Nguyện xin ơn sủng Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, luôn luôn ở cùng chúng con, để nhờ tình yêu của Chúa và sức mạnh của Chúa Thánh Thần giúp chúng con can trường sống giữa những gian nan thử thách, hầu mai ngày kết hiệp với Chúa Ba Ngôi, là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, này chúng con kêu cầu danh thánh Chúa, cúi xin Chúa nhận lời cầu nguyện và thánh hoá lễ vật chúng con dâng. Nhờ lễ vật này xin biến đổi chúng con thành của lễ hoàn hảo đời đời dâng tiến Chúa. Chúng con cầu xin...
Lời tiền tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi, mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo, và sinh ơn cứu độ cho chúng con.
Cùng với Con Một Chúa và Chúa Thánh Thần, Chúa là Thiên Chúa duy nhất, là Chúa Tể duy nhất, không phải trong một ngôi đơn độc nhưng trong Ba Ngôi cùng một bản thể. Nhờ mặc khải Chúa ban, chúng con tin Chúa là Ðấng vinh hiển và chúng con cũng tin như thế về Con Chúa và Chúa Thánh Thần. Và khi tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa chân thật và hằng hữu, chúng con tôn thờ Ba Ngôi tuy riêng biệt, nhưng cùng một bản thể duy nhất và một uy quyền ngang nhau. Vì thế, các Thiên thần và tổng lãnh Thiên thần ngợi khen Chúa và hàng ngày không ngớt lời ca tụng, đồng thanh tung hô rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!...
Ca hiệp lễ
Vì anh em được làm con cái, nên Thiên Chúa đã sai Thánh Thần của Con Chúa vào tâm hồn chúng ta, mà kêu lên rằng: Abba, nghĩa là "Lạy Cha".
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho bí tích chúng con vừa lãnh nhận, và lời chúng con tuyên xưng Chúa là một Chúa Ba Ngôi, đem lại cho hồn xác chúng con ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin...
Suy niệm
Mặt trời ban sự sống
Sưu tầm
Một vị linh mục đang chờ máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhất, thì một người đàn ông đến ngồi bên cạnh và bắt đầu đề cập tới vấn đề tôn giáo, ông nói:
- Tôi không thể nào chấp nhận được những điều tôi không hiểu, chẳng hạn như vấn đề Chúa Ba Ngôi hay bất cứ vấn đề nào giống như thế. Chẳng ai có thể cắt nghĩa cho tôi, nên tôi sẽ không bao giờ tin.
Chỉ vào một luồng ánh sáng chiếu qua khung cửa kính, vị linh mục hỏi:
- Ông có tin mặt trời không nhỉ?
Ông ta trả lời:
- Dĩ nhiên là có.
Vị linh mục nói tiếp:
- Phải, ánh sáng ông thấy qua cửa sổ, xuất phát từ mặt trời cách đây 150 triệu cây số. Sức nóng chúng ta cảm nhận được cũng xuất phát từ mặt trời. Đối với Chúa Ba Ngôi, một phần nào cũng tương tự như thế. Mặt trời là Chúa Cha. Từ mặt trời mà có ánh sáng, cũng như từ Chúa Cha mà có Chúa Con. Rồi từ Chúa Cha, Chúa Con mà có Chúa Thánh Thần, cũng như từ mặt trời, từ ánh sáng mà có sức nóng. Ông hiểu thế nào về mặt trời, ánh sáng và sức nóng. Thì một phần nào tương tự như thế, ông hiểu về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Hôm nay chúng ta tụ họp nơi đây để chúc tụng và tôn vinh Chúa Ba Ngôi. Trước hết chúng ta phải chấp nhận, đó là một chân lý, một mầu nhiệm không ai có thể hiểu thấu. Sở dĩ chúng ta biết được phần nào là do Chúa Giêsu đã nói với chúng ta, như lời Ngài đã phán trong Tin Mừng: "Các con hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần".
Mặt trời là nguồn năng lượng vật chất thế nào thì Chúa Ba Ngôi cũng là nguồn sống thiêng liêng cho chúng ta như vậy. Mặt trời chiếu toả ánh sáng thế nào, thì Chúa Ba Ngôi cũng soi sáng tâm hồn chúng ta như vậy. Mặt trời đem đến sức nóng để sưởi ấm vạn vật thế nào, thì Chúa Ba Ngôi cũng sẽ đem lại sức nóng thiêng liêng để sưởi ấm, đó là tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với anh em đồng loại. Mặt trời tiêu diệt vi khuẩn chữa lành bệnh tật thế nào, thì Chúa Ba Ngôi cũng sẽ khử trừ những thói hư tật xấu và loại trừ tội lỗi ra khỏi tâm hồn và cuộc đời chúng ta như thế. Mặt trời đem lại cho chúng ta niềm vui cho chúng ta thế nào, thì Chúa Ba Ngôi cũng đem lại cho chúng ta niềm hạnh phúc vĩnh cửu như thế.
Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý: Chúa Ba Ngôi không phải là một nguồn năng lượng vô hồn nhưng là những ngôi vị sống động, thông biết và yêu thương. Với Ngài, chúng ta có thể kêu cầu như chúng ta vốn đã thường làm, mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá, đọc kinh Sáng Danh, hay như lát nữa đây, chúng ta cùng nhau hát kinh Tin Kính...
Cùng với lời tuyên xưng chúng ta hãy sống gắn bó mật thiết với các Ngài, để rồi các Ngài sẽ ra tay nâng đỡ phù trợ cho chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
Chúa Nhật X Thường Niên - Lễ Chúa Ba Ngôi – Năm A
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 3, 16-18).
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa”.
Suy niệm
Khi nói về mầu nhiệm Thiên Chúa, đặc biệt mầu nhiệm một Thiên Chúa có Ba Ngôi, con người thấy mình nhỏ bé, đặc biệt là lúng túng không biết sẽ nói ra sao và nói như thế nào về mầu nhiệm đó, hầu có thể giúp anh chị em, đặc biệt là những anh chị em không cùng tôn giáo, biết về Đấng mà mình tin, mình tuyên xưng và mình đang sống, bởi tất cả là mầu nhiệm, dù biết vậy, con người vẫn mơ ước được biết và được hiểu tường tận về các mầu nhiệm.
Trở lại với phụng vụ Lời Chúa trong ngày lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta nghe tác giả sách Xuất hành kể lại lời động viên của Môisen, vị thủ lãnh của dân tộc Do-thái, ông đã gợi nhắc cho cộng đoàn về một Thiên Chúa từ nhân, Đấng ngày đêm luôn ghé mắt nhìn đến họ, chăm sóc, bảo vệ và giữ gìn họ như con cái yêu quý của Ngài, Đấng ấy đã dùng chính ngôn ngữ của con người để nói về mình, về tình thương của Ngài dành cho con người: “Chúa đi qua trước mặt ông và hô: “Ðức Chúa! Ðức Chúa! Thiên Chúa thương xót và từ nhân, bao dung, đầy nhân nghĩa và tín thành”. Lời Đức Chúa thật ấm áp, dễ gần và đầy yêu thương, và đó cũng là bản tính của Thiên Chúa, một Thiên Chúa đầy tình thương và lòng nhân ái.
Bước sang bài đọc 2, thánh Phaolô tông đồ, trong thư gởi giáo đoàn Corintho, một lần nữa nhắc nhở cho cộng đoàn rằng, Thiên Chúa vẫn trung thành trong lời hứa, vẫn một mực yêu thương dân riêng của Ngài, vẫn ngày đêm để mắt đến đoàn con của Ngài. Khi con người sống với nhau bằng tình thương, bằng sự trân trọng, là lúc họ đang họa lại hình ảnh của Đấng có tên gọi là Kitô, và cũng là tên gọi của họ, họ sẽ được Thiên Chúa chúc lành: “Anh em thân mến, anh em hãy vui lên, hãy nên trọn lành, hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí, và hoà thuận với nhau, thì Thiên Chúa, nguồn sự bình an và tình yêu, sẽ ở với anh em”. Không chỉ chúc lành, Thiên Chúa còn ở lại với anh chị em, còn đồng hành với anh chị em và giữ gìn anh chị em trong vòng tay của Ngài. Nếu Ngài không yêu thương, nếu Ngài không chúc lành và nếu Ngài không ban bình an cho con người thì đó không phải là Thiên Chúa, bởi bản chất của Thiên Chúa tình yêu. Lời thánh Gioan Tông đồ đã khẳng định như thế.
Trở lại với bài Tin Mừng trong ngày lễ mừng kính Chúa Ba Ngôi, chúng ta thấy Mẹ Giáo hội không giới thiệu cho chúng ta về một Thiên Chúa có những ngôi vị như thế này, bản tính như thế kia, nhưng Mẹ Giáo hội giới thiệu cho chúng ta về một Thiên Chúa rất gần gũi nhưng đầy tình yêu thương trong sự trân trọng mà Thiên Chúa dành cho con người: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”. Nếu con người muốn mượn những phạm trù này, những yếu tính kia để mong hiểu hơn về các mầu nhiệm trong đạo, đặc biệt là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, thì quả thực con người chưa hiểu biết gì về Thiên Chúa, lại càng chưa hiểu gì về một Thiên Chúa đã hy sinh ngay cả người Con duy nhất của mình để cứu độ nhân loại, cứu độ con người, rồi còn đưa con người trở về với nguồn cội ban đầu của mình là ngôi nhà Thiên Chúa. Các bản văn Tin Mừng ghi lại những lần Chúa Giêsu giới thiệu về Cha của Ngài cho chúng ta: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho”. Trước khi Đức Giêsu rời khỏi thế gian, Ngài còn giới thiệu cho các Tông đồ và thế giới biết về một Đấng khác mà Ngài gọi là Thần Chân Lý, là Đấng Bảo Trợ của con người, đó là Chúa Thánh Thần: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy. Và Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi. Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết được Ngài; còn các con, các con biết Ngài, vì Ngài sẽ ở nơi các con và ở trong các con”. Có thể nói rằng, con người biết được phần nào về Thiên Chúa trong các ngôi vị là nhờ những mạc khải của Đức Giêsu khi Ngài hiện diện trong thế giới này, rồi từ đó, Chúa Thánh Thần sẽ gợi mở thêm về sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi trong thế giới này, tất cả như là dấu chỉ của một tình yêu tuyệt hảo, một tình yêu chỉ nghĩ đến người mình yêu và chỉ sống cho, sống cùng và sống với người mình yêu. Quả là một tình yêu trọn hảo.
Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu đó được tỏ lộ cho con người qua mầu nhiệm thập giá, nơi đó, tình yêu của Chúa Cha là tình yêu đóng đinh, tình yêu của Chúa Con là tình yêu bị đóng đinh và tình yêu của Chúa Thánh Thần là sức mạnh của tình yêu. Do bởi tình yêu đó mà con người khám phá ra giá trị của chính mình, giá trị của một tạo vật được Thiên Chúa tác tạo, được mang hơi thở của Thiên Chúa và sự sống của Thiên Chúa mỗi ngày vẫn chảy dài trong thân thể. Giá trị của con người còn được nâng lên một tầm cao mới khi con người họa lại khuôn mặt của Đấng tạo dựng nên mình, đó là sống với nhau bằng tình yêu, đối xử với nhau bằng tình yêu và phục vụ lẫn nhau bằng tình yêu. Thiên Chúa đã yêu con người đến nỗi đã ban Con Một cho con người, để ai tin vào Con Một của Ngài thì được sống đời đời, đó là một lời hứa của Thiên Chúa dành cho con người, và Thiên Chúa cũng muốn từ lời hứa đó mà con người hãy sống với nhau tử tế hơn, trân trọng nhau hơn và quảng đại với nhau hơn. Khắc nghiệt thay, con người đã đồng hóa giá trị của con người với những yếu tố của thế giới như là tri thức, như là vật chất. Giá trị của con người được đánh giá dựa vào tri thức khi họ so tài nhau bằng khối óc, bằng khả năng nhận thức và việc học hành, vô tình một lúc nào đó, giá trị con người được đánh giá dựa trên bằng cấp và học vị chứ không còn dựa trên giá trị của tình yêu nữa. Rồi có những lúc giá trị con người còn được đánh giá dựa trên vật chất, khi ai đó sở hữu nhiều tài sản, nhiều của cải và biết trải nghiệm mọi phương tiện cuộc sống. Nếu như giá trị con người được minh định dựa trên vật chất như thế, thì con người bị hạ xuống ngang hàng với các sinh vật và các đồ vật rồi, đâu còn hương vị của tình yêu trong bản chất người nữa. Dù biết thế, nhưng con người cứ nại vào lý do này, lý do khác để biện minh cho cách lượng giá về giá trị con người như thế, và nếu là như thế, tương quan giữa con người và Thiên Chúa đâu còn là một tương quan của tình yêu, và tình yêu Thiên Chúa đâu còn là sợi dây vô hình nối kết con người với Thiên Chúa và giữa con người với con người.
Mỗi ơn gọi là một sợi dây đặc biệt kết nối giữa Thiên Chúa và con người. Đời sống hôn nhân là một bức tranh họa lại tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, một tình yêu trao ban, một tình yêu tự hiến và một tình yêu hoàn thiện. Trong mỗi gia đình, tình yêu vợ chồng nếu có những tố chất đó, ắt sẽ là một bức tranh hoàn thiện phóng chiếu tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa đang hiển lộ trong thế giới này. Sống đời tận hiến là biến cuộc đời mình trở thành chiếc máng, trở thành nhịp cầu ngoại biên để chuyển thông tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa cho tha nhân, cho những người bất hạnh, cho những ai đau khổ. Ai cũng muốn mình là một hạt muối mặn ướp cho đời, là ngọn lửa sáng chiếu soi cho thế giới, chứ không ai muốn mình là hạt sạn trong sân lúa, và cũng không ai tự biến mình thành ngọn đuốc thiêu hủy nhà cửa và mọi thứ chung quanh. Tiếc thay, tình trạng thiếu hụt sự thánh thiện công chính nguyên thủy luôn là mầm mống làm cho con người, dù sống ơn gọi nào, dễ bị vong thân và hiểu sai lệch về ơn gọi, về công việc và giá trị của tình yêu phục vụ, tình yêu tự hiến và tình yêu trao ban. Do đó, họ thiếu vắng Ba Ngôi Thiên Chúa trong cuộc đời và trong tâm hồn nữa, và như thế là thiếu vắng tình yêu Thiên Chúa trong hành trình cuộc đời tín hữu của mình.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã mở bức màn mầu nhiệm để con người thấy được một góc nhỏ của tình yêu Thiên Chúa, xin cho chúng con luôn đi theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để đón nhận được nhiều ân sủng từ tình yêu trao ban của Chúa Cha, để được thông phần vào tình yêu tự hiến của Chúa Con, và được đồng hành với Chúa Thánh Thần trong sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa. Amen.
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
HÃY YÊU ĐI RỒI SẼ BIẾT SỰ THẬT
(LỄ CHÚA BA NGÔI) - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Chúa Thánh Thần sẽ dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn (x.Ga 16,13). Nhờ lời mạc khải của Chúa Kitô, chúng ta biết rằng Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa duy nhất mà là Ba Ngôi riêng biệt là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chỉ một Thiên Chúa duy nhất mà là Ba Ngôi. Tuy Ba Ngôi riêng biệt nhưng chỉ là một Thiên Chúa. Một mầu nhiệm vượt quá trí suy của nhân loại.
Vì sao Ba Ngôi mà chỉ là một Thiên Chúa hay vì sao chỉ một Thiên Chúa mà là Ba Ngôi? Xin được trả lời cách thành thật rằng bản thân không biết. Vì tin vào Đức Kitô, Đấng có lời quyền năng và yêu thương tôi cho đến cùng, cho đến chết trên thập giá, nên tôi tin vào lời của Người. Chính Chúa Kitô đã phải trả giá rất đắt, là cái chết thập giá, cho sự mạc khải này trong bối cảnh Do Thái giáo chỉ tin có một Thiên Chúa duy nhất và độc nhất. Chúng ta đừng quên một trong những lý do khiến đám đông dân chúng và nhiều người lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ đã từng lấy đá ném Chúa Giêsu và lên án tử hình cho Người, vì Người tự cho mình là Con Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa (x.Ga 10,31-33; Mt 26,62-66).
Thánh Kinh, đặc biệt Chúa Kitô không cho biết vì sao một Thiên Chúa mà là Ba Ngôi, nhưng đã mạc khải cho chúng ta biết mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi như thế nào. Đó là mầu nhiệm tình yêu liên đới, hiệp thông trọn hảo, đầy năng động và sáng tạo. Và chúng ta, loài thụ tạo cao cả nhất trong các loài hữu hình, ngay trong kiếp lữ thứ này, có thể cảm nghiệm phần nào đó mầu nhiệm ấy, khi sống trong Thánh Thần, Đấng là tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con, giữa Chúa con và Chúa Cha.
“Sự sống đời đời là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất và Đức Giêsu Kitô mà Cha sai đến” (Ga 17,3). Làm sao để nhận biết sự thật này nếu không được Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa tác động. Chúng ta đã được nhận làm con trong Đức Giêsu. “Vì là con, nên Thiên Chúa sai Thánh Thần của Con Ngài ngự vào lòng chúng ta và kêu lên: Abba, Cha ơi!” (Gl 4,6). “Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,16). Không ai có thể tuyên xưng Đức Kitô là Chúa nếu không được Thánh Thần thúc đẩy (x.1Cor 12,3). Thánh Thần chính là nguồn tình yêu. Vì thế chỉ những ai ở trong tình yêu mới có thể hiểu biết sự thật. Và khi hiểu biết sự thật thì chính sự thật sẽ giải thoát chúng ta và đưa chúng ta vào sự sống đời đời.
Làm sao ta có thể biết nghĩa phu thê là gì khi ta chưa sống hết tình với người phối ngẫu? Làm sao ta có thể biết được thế nào là quê hương khi ta chưa hết lòng hết tâm với vận mệnh quốc gia dân tộc? Làm sao ta có thể biết được giá trị của con người trong cõi nhân sinh này khi ta chưa trải rộng con tim với người đồng loại, với người anh chị em cận kề, nhất là với những người cô thế cô thân?…
Hãy yêu đi rồi bạn sẽ biết nhiều lẽ huyền nhiệm của sự trao ban và đón nhận. Hãy hiệp thông cách thực sự thì bạn sẽ biết thế nào là tình liên đới. Đây là một cái lẽ biết theo nghĩa Thánh Kinh, tức là không chỉ nhìn thấy thực tại, thấy vấn đề bằng trí khôn, mà còn gắn bó thiết thân, chung lưng đấu cật, khi u buồn lẫn khi hoan lạc, lúc thuận lợi cũng như lúc gặp phải nghịch cảnh, gian truân.
Ngay trong cuộc sống này, có nhiều điều mà lý trí phải chào thua. Sự khôn ngoan đích thực không hệ tại ở trí óc, nhưng là ở trái tim. Có thể có trường hợp người ta đâm ra mù quáng vì yêu. Nhưng đó chỉ là thứ tình yêu vị kỷ, nghiêng chiều đam mê vụ lợi hoặc bất chính. Khi đã biết yêu với tình yêu trong sáng, quảng đại quên mình, với một tình yêu bắt nguồn từ tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa thì không một ai là không ở trong ánh sáng. Và chính ánh sáng sẽ soi dẫn chúng ta đến cùng chân lý.
Là kitô hữu, không gì hơn là biết quy chiếu về Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi để rồi biết yêu thương nhau bằng:
1. Một tình yêu thúc đẩy ta không chỉ muốn mà còn biết chủ động, tích cực làm cho người mình yêu phát triển và nên hoàn thiện.
2. Một tình yêu thúc đẩy ta tìm mọi cách để cho người mình yêu nên đáng yêu và được nhiều người yêu mến.
3. Một tình yêu thúc đẩy ta nỗ lực hết mình làm cho người mình yêu có đủ khả năng và sự nhiệt tình để yêu mến kẻ khác.
Khi ta sống được chút tâm tình yêu mến này, thiết tưởng rằng chúng ta sẽ chẳng còn băn khoăn với câu hỏi tại sao Ba Ngôi mà chỉ một Thiên Chúa, nhưng chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc vì biết cội nguồn của mình chính là Thiên Chúa Ba Ngôi.
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột