Lễ Chúa lên trời - Năm C

Lễ Chúa lên trời - Năm C   Dẫn vào Thánh Lễ Anh chị em thân mến! Trong Chúa Nhật Phục Sinh, ngang qua hình ảnh ngôi mộ trống, phụng vụ Lời Chúa cho thấy bởi sự
 

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Trong Chúa Nhật Phục Sinh, ngang qua hình ảnh ngôi mộ trống, phụng vụ Lời Chúa cho thấy bởi sự sống lại của Đức Giêsu, Ngài đã tạo dựng nên một thế giới mới. Và không chỉ lập nên một thế giới mới, Đấng Phục Sinh còn lập nên một dân mới khi Người thổi hơi ban Thánh Thần, để biến đổi các Tông Đồ từ những kẻ nhát đảm ở trong những căn phòng đóng kín cửa, ra đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân.

Và hôm nay trước khi chấm dứt sự hiện diện hữu hình của mình giữa nhân loại, Đấng Phục Sinh đã mời gọi các Tông Đồ và từng người chúng ta hãy lên đường ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh mà chúng ta đã lãnh nhận.

Hoàn toàn tin tưởng vào Chúa Giê-su, chúng ta xin ơn tha thứ để cùng với Người chúng ta hiệp dâng Thánh lễ này để tỏ lòng vui mừng, biết ơn, tin tưởng phó thác, xin ơn Chúa trợ giúp cho chúng ta có đủ khả năng sống theo gương mẫu và đạo lý của Người, với hy vọng sau này sẽ được về trời với Người.

Ca nhập lễ

Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời? Alleluia: Đấng vừa lìa các ông lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời - Alleluia, alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho cộng đoàn chúng con biết hoan hỷ vui mừng mà dâng lời cảm tạ, vì hôm nay, Con Một Chúa đã lên trời vinh hiển. Là Thủ Lãnh, Người đã đi trước mở đường dẫn chúng con vào Nước Chúa khiến chúng con là những chi thể của Người nắm chắc phần hy vọng sẽ cùng Người hưởng phúc vinh quang. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Cv 1, 1-11

"Trước sự chứng kiến của các ông, Người lên trời".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Hỡi Thêôphilê, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những điều Ðức Giêsu đã bắt đầu làm và giảng dạy, cho đến ngày Người lên trời, sau khi căn dặn các Tông đồ, những kẻ Người đã tuyển chọn dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Sau cuộc thương khó, Người đã tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống, với nhiều bằng chứng Người đã hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa. Và trong một bữa ăn, Người đã ra lệnh cho các ông chớ rời khỏi Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa. Người nói: "Như các con đã nghe chính miệng Thầy rằng: Gioan đã làm phép rửa bằng nước, phần các con, ít ngày nữa, các con sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần".

Vậy các kẻ có mặt hỏi Người rằng: "Lạy Thầy, có phải đã đến lúc Thầy khôi phục Nước Israel chăng?" Người bảo họ rằng: "Ðâu phải việc các con hiểu biết thời gian hay kỳ hạn mà Cha đã ấn định do quyền bính Ngài. Nhưng các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất". Nói xong, Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông.

Ðang khi các ông còn ngước mắt lên trời nhìn theo Người đang xa đi, thì bỗng có hai người mặc áo trắng đứng gần các ông và nói rằng: "Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời? Ðức Giêsu, Ðấng vừa lìa các ông mà lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 46, 2-3. 6-7. 8-9

Ðáp: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang (c. 6).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Ðấng Tối cao, khả uý, Người là Ðại Ðế trên khắp trần gian. 

Xướng: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa, hãy ca mừng, ca mừng Vua ta!

Xướng: Vì Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian, hãy xướng ca vịnh mừng Người. Thiên Chúa thống trị trên các nước, Thiên Chúa ngự trên ngai thánh của Người. 

Bài Ðọc II: Ep 1, 17-23

"Người đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời".

Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, xin Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người, xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa đã thực hiện trong Ðức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau. Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Ngài, và tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài, và là sự sung mãn của Ðấng chu toàn mọi sự trong mọi người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 28, 19 và 20

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 24, 46-53

"Ðang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời".

Bài kết Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như đã ghi chép là Ðức Kitô phải chịu khổ hình và ngày thứ ba từ cõi chết sống lại; và nhân danh Người mà rao giảng việc sám hối và ơn tha tội trong mọi dân, bắt đầu từ Giêrusalem. Các con là nhân chứng những sự việc ấy. Thầy sẽ sai đến với các con Ðấng Cha Thầy đã hứa; vậy các con hãy ở lại trong thành cho đến khi mặc lấy quyền lực từ trên cao ban xuống". Rồi Người dẫn các ông ra ngoài, đến làng Bêtania, và giơ tay chúc phúc cho các ông. Sự việc xảy ra là đang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời. Các ông thờ lạy Người, và trở về Giêrusalem lòng đầy vui mừng. Các ông luôn luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa. Amen.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Đức Giêsu Kitô Phục Sinh đã lên trời ngự bên hữu Chúa Cha trong vinh quang rực rỡ, và Người đã mở rộng cửa trời cho chúng ta. Chúng ta cùng hân hoan dâng lời cầu nguyện:

1. “Các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần”. - Xin cho các vị Chủ chăn được đầy sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để trở nên những vị mục tử thánh thiện, khôn ngoan, can đảm và nhiệt thành hướng dẫn đoàn chiên đi đúng ý Chúa và Hội Thánh.

2. “Xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt”. - Xin cho các tín hữu khi mừng mầu nhiệm Chúa lên trời, nhận ra được giá trị đích thực của Nước Trời vượt mọi của cải trần gian, để họ không quá tìm kiếm những gì hư nát, nhưng biết mưu cầu những gì đem lại hạnh phúc vĩnh cửu cho họ.

3. “Nhân danh Ngài mà rao giảng việc sám hối”. - Xin cho những người có trách nhiệm hướng dẫn quần chúng, qua các phương tiện truyền thông xã hội, chỉ biết mưu tìm những gì là Chân, Thiện, Mỹ. Nhờ đó, họ sẽ giúp con người biết sống thanh cao và tốt đẹp hơn.

4. “Đang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời”. - Xin Mầu Nhiệm Chúa về trời nên nguồn nghị lực nâng đỡ các vị truyền giáo, để các ngài can đảm, nhẫn nại chịu mọi thử thách trong niềm hi vọng, cùng đồng hành với Chúa Kitô trên đường đau khổ, cũng sẽ được cùng với Người tiến vào cõi vinh quang.

Chủ tếLạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết cộng tác với Chúa Thánh Thần mà sống đời chứng nhân trong mọi cảnh ngộ, hầu đời chúng con trở nên lời rao giảng sống động về mầu nhiệm Chúa Kitô Phục Sinh cho mọi người, Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, ngày hôm nay mừng Con Một Chúa lên trời vinh hiển, chúng con thành kính dâng lên Chúa những lễ vật này. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và ban lại cho chúng con hồng ân cao cả là được phục sinh cùng Ðức Kitô và chung hưởng vinh phúc quê trời. Chúng con cầu xin...

Lời tiền tụng Thăng Thiên

Ca hiệp lễ

Các ngươi hãy ca mừng Chúa, Đấng lên trời cao thẳm, hướng về phía đông - Allêluia

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho chúng con ngay khi còn ở dưới thế được nếm thử phúc lộc quê trời. Xin cho lòng chúng con luôn hướng về bên Chúa là nơi Ðức Kitô, Vị Thủ Lãnh của chúng con đang hiển trị. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

Bài suy niệm Chúa nhật Lễ Thăng Thiên - Năm C
Lm Pet. Trần Bảo Ninh
 
Bài kết Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 24, 46-53)
 
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như đã ghi chép là Ðức Kitô phải chịu khổ hình và ngày thứ ba từ cõi chết sống lại; và nhân danh Người mà rao giảng việc sám hối và ơn tha tội trong mọi dân, bắt đầu từ Giêrusalem. Các con là nhân chứng những sự việc ấy. Thầy sẽ sai đến với các con Ðấng Cha Thầy đã hứa; vậy các con hãy ở lại trong thành cho đến khi mặc lấy quyền lực từ trên cao ban xuống". Rồi Người dẫn các ông ra ngoài, đến làng Bêtania, và giơ tay chúc phúc cho các ông. Sự việc xảy ra là đang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời. Các ông thờ lạy Người, và trở về Giêrusalem lòng đầy vui mừng. Các ông luôn luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa. Amen.
 
Suy niệm
 
"Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời? Ðức Giêsu, Ðấng vừa lìa các ông mà lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời". Đó là lời của Thiên sứ nói với các Tông đồ trong lúc các ông còn mải mê nhìn Thầy Chí Thánh của mình được đưa về trời. Và hôm nay, toàn thể Giáo hội Công giáo long trọng mừng lễ Chúa Thăng Thiên, một biến cố đặc biệt trong lịch sử cứu độ của Chúa Cha.
 
Sau khi Đức Giêsu sống lại, Ngài đã lên ngự bên hữu Chúa Cha trong vinh quang của Ngài. Đó là nơi Ngài đã vâng lời Chúa Cha, từ bỏ ngai vàng, xuống làm người, cứu chuộc nhân loại. Trong các bản văn của thánh sử Luca thì ngài trình bày Chúa Giêsu còn ở lại với các môn đệ, các cộng đoàn giáo hội sơ khai thêm một thời gian nữa là 40 ngày, để an ủi, khích lệ, và hướng dẫn họ thực thi trách vụ loan báo Tin Mừng cho thế giới. Sách Tông Đồ Công Vụ kể lại khi Ngài căn dặn các ông hãy lên đường đến với muôn dân và loan báo tin mừng cho họ với phép rửa kèm theo. Các ông đã đón nhận sứ vụ đó và đồng hành với Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, Ngài sẽ hướng dẫn các ông thực hiện trọng trách mới. Lời loan báo Tin Mừng đó không dừng lại nơi những lý thuyết nhưng khởi đi từ niềm tin xác tín của chính các môn đồ. Tai đã được nghe Thầy nói, mắt đã chứng kiến Thầy sống bên cạnh và những dấu lạ Thầy đã thực hiện, hơn nữa, hôm nay còn được chứng kiến Thầy được nâng lên cõi trời cao, đó là phần thưởng cho người khiêm tốn thực hiện thánh ý Chúa Cha.
 
Biến cố Đức Giêsu lên trời đưa con người bước vào một hành trình đức tin mới. Ngài đã từ trời xuống mở cánh cửa cho con người được về trời, bởi sau khi nguyên tổ phạm tội, cánh cửa hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người đã bị đóng lại, từ đây, con người không chỉ đứng ngước mắt về trời nhưng phải trở lại cuộc sống, để giới thiệu cho nhân loại biết về một Đức Giêsu đã đến thế gian, Ngài đã thực hiện chương trình cứu độ con người của Chúa Cha trong tình yêu thương. “xin Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người, xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa đã thực hiện trong Ðức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời”. lời nhắc của thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Ephêsô như là một sự cố gắng của các tông đồ, để gia tăng niềm tin và hy vọng cho những ai tin vào một Đức Giêsu, đấng đã được Chúa Cha đặt bên hữu vì đã thực hiện thánh ý của Chúa Cha vẹn toàn. Thánh nhân còn mong mọi người có đôi mắt sáng, có thần trí khôn ngoan để nhận ra sứ vụ của mình, nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong hành trình sứ vụ.
 
Chứng kiến Thầy về trời, các tông đồ vừa vui mừng, vừa hạnh phúc, nhưng cũng không thiếu cảm giác tiếc thương và lo buồn. Cảm giác vui buồn lẫn lộn đó làm cho các ông quên đi mình đang làm gì, đang đứng ở đâu, vì vậy, các thiên thần đã nhắc các ông hãy quay trở lại với cuộc sống, quay trở lại với công việc và trách vụ của mình. Trách vụ của các ông lúc này không là đứng nhìn trời mà hãy nhìn xuống, nhìn về sứ mạng của mình, nhìn về tương lai của Giáo hội, tương lai của các cộng đoàn. Trách vụ của mỗi người môn đệ là hãy mở những con đường từ tâm hồn mỗi anh chị em, dù đó là Do Thái hay dân ngoại, là Hy Lạp hay tòng giáo, đều có thể nhận biết con đường về trời với Thiên Chúa qua lời chứng của các môn đệ, nhất là chúng ta hôm nay.

Trong cuộc sống hôm nay, con người bận rộn với bao nhiêu thứ, nào là công ăn việc làm, nào là tương lai, sự nghiệp, nào là hạnh phúc gia đình, giáo dục con cái, tất cả hầu như chiếm hết thời gian trong ngày, nên lắm lúc con người bị vong thân, đánh mất giá trị con người của mình. Bên cạnh đó là áp lực cuộc sống từ xã hội, địa vị, quyền lực, sĩ diện cá nhân, của cải vật chất và tương lai, đã tác động trực tiếp lên đời sống tâm linh của con người, vì thế, họ khó có thể ý thức về căn tính Kitô hữu của mình, ý thức về trách vụ của người môn đệ là hãy nhìn xuống, nhìn vào thế giới để giúp đỡ thế giới, giúp đỡ con người thoát khỏi những yếu tố thực tại, để họ thay đổi con người, thay đổi suy nghĩ, thay đổi ý thức hệ và thay đổi luôn cả những thói quen hàng ngày. Chính sự cố gắng thay đổi đó đã biến cuộc đời mình như là con đường dẫn đưa bản thân lên trời, và cũng là dịp thuận tiện giới thiệu cho tha nhân con đường ngắn nhất, nhanh nhất về trời.
 
Cuộc sống nơi gia đình cũng không thoát khỏi những áp lực đó, mỗi thành viên trong các gia đình luôn bị tác động rất lớn từ xã hội, từ trách vụ và từ cá nhân chủ nghĩa, nên họ chỉ coi đời sống tâm linh như một nhu cầu chưa tới trong cuộc đời, trong gia đình của mình. Chỉ sống cầm chừng và giữ lấy những nền tảng căn bản chứ chưa thực sự là cố gắng đi tìm nước trời như tìm viên ngọc quý về tinh thần cho mình. Với những tác động như thế, đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc giáo dục con cái, xây dựng tổ ấm gia đình. Con cái được hướng dẫn với mục tiêu thành đạt trong xã hội, có địa vị, có tương lai và có chổ ẩn náu an toàn, còn đời sống tâm linh chỉ là một nhu cầu thứ yếu mà thôi. Đến một lúc nào đó, con cái trong các gia đình đó, chỉ tìm về với giáo hội, với Thiên Chúa khi thất bại trong công ăn việc làm, khi thua thiệt trong ganh đua với xã hội. Vậy, tôn giáo chỉ là một dịch vụ cung cấp những gì cần thiết cho con người thành đạt thôi sao? Thiên Chúa chỉ là một giám đốc công ty cung cấp những sản phẩm đem lại lợi ích cho con người hôm nay thôi sao, còn cuộc sống đời sau, liệu còn cần thiết cho con người trong xã hội công nghệ cao này nữa không?
 
Tưởng cũng nên đi qua những giá trị tinh thần được đề cao đó là đời sống chung cộng đoàn. Hướng về trời, chọn sự bình an, tìm chỗ nhất trong gia đình cộng đoàn có tồn tại trong ý thức hệ và trong đời sống chung của mỗi thành viên cộng đoàn không? Từ những sinh hoạt tầm thường trong cộng đoàn mỗi ngày, cho đến định hướng phát triển của mỗi cộng đoàn, thì con đường để giúp nhau nhìn về trời có phải là kim chỉ nam giúp mỗi thành viên hoàn thiện ơn gọi môn đệ của Thầy Chí Thánh không? Hay chỉ còn là một kho lý thuyết đầy sơn hào hải vị, nhưng trong tâm hồn và cuộc sống của mỗi thành viên chỉ còn đấu tranh, chỉ còn nịnh hót, chỉ còn chạy đua quyền lực và chỉ còn là những ảo tưởng của thế gian. Cái nhìn về trời của các môn đệ xưa đâu kéo dài mãi, nhưng các ông được mời quay trở lại với cuộc sống, với thế giới đầy đau thương và còn nhiều vết thương lòng, để giúp đỡ họ, để đồng hành với họ như Thầy Chí Thánh đã chia sẻ và đồng hành với họ trong thời gian còn tại thế. Vậy nơi các gia đình, các cộng đoàn, có cần thiết trở lại với chính mỗi thành viên trong gia đình, trong cộng đoàn, để thấy những ước muốn chân thành, thấy được những khát vọng nước trời trong họ, để giúp đỡ, chia sẻ và đồng hành với họ, giúp họ, giúp mình sám hối, thay đổi cuộc đời và hoàn thiện ơn gọi đã được lãnh nhận.
 
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, Chúa đã được Chúa Cha trọng thưởng qua biến cố thăng thiên, xin cho mỗi người chúng con luôn cố gắng vâng nghe lời Con Thiên Chúa dạy bảo, để mai sau được trọng thưởng trên thiên quốc. Chúa đã hy sinh tất cả cho người mình yêu là con người, xin cho chúng con học bài học yêu thương của Chúa, để chúng con sống với nhau chân thành hơn, không hình thức, không màu mè, để họ nhận ra nơi chúng con một dấu hiệu nhỏ của con đường về trời. Chúa đang ngự bên hữu Chúa Cha để cầu bầu cho chúng con, xin cho mỗi người mạnh dạn đến với tha nhân trong sự tôn trọng và yêu thương, để xây dựng một nước trời ngay hôm nay, hầu mai sau được sum họp trong gia đình của Chúa. Amen.

 

Lm Pet. Trần Bảo Ninh

 
MỘT VÀI Ý NGHĨA CỦA MẦU NHIỆM CHÚA LÊN TRỜI
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột

Cùng với Hội Thánh toàn cầu chúng ta mừng mầu nhiệm Chúa Giêsu lên trời. Mầu nhiệm Chúa lên trời dường như rất có ý nghĩa với anh em Chính Thống giáo qua các cử hành Phụng Vụ. Còn với Kitô hữu Công giáo chúng ta thì không mấy chú tâm mầu nhiệm này. Vì hằng năm chỉ một lần được đề cập theo niên lịch Phụng vụ. Đoàn tín hữu được nghe dẫn giải về mầu nhiệm này hình như cũng chỉ một lần trong Thánh lễ mừng Chúa về trời. Chúa Giêsu lên trời là gì? Việc Người lên trời có liên quan gì đến chúng ta, những người đang tại thế? Xin được chia sẻ đôi dòng suy tư và cảm nhận.

Chúa Giêsu lên trời là gì? Quả thật tôi đã từng nghe một vị linh mục giảng giải việc Chúa lên trời là như cảnh các nhân vật thần thoại bay vút lên không trung. Một kiểu giảng giải tượng hình mà có vẻ rất thiếu tính thần học nếu không muốn nói là sai lạc. Là Kitô hữu trưởng thành, không ai giữ mãi quan niệm Chúa lên trời là Chúa bay lên một nơi nào đó trên cao, trên chốn bồng lai, tiên cảnh đầy mây.

Trời ở đây không phải chỉ nơi chốn nào đó theo nghĩa không gian mà là một tình trạng. Chúa lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha. Theo Thánh Kinh ngự bên hữu nghĩa là đồng hàng trong danh dự, phẩm vị và quyền năng. Chúa Giêsu lên trời nghĩa là sau khi hoàn tất công cuộc cứu độ, Người lấy lại vinh quang, uy quyền và danh dự của một vị Thiên Chúa đồng hàng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Người lấy lại những sự ấy là vì Người đã tự nguyện trút bỏ nó khi vào trần gian để thực thi chương trình cứu độ. “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7). Chúa tự nguyện bỏ đi vinh quang danh dự của Người để rồi lấy lại thì có liên quan gì đến chúng ta? Vậy chúng cần đào sâu một vài ý nghĩa của mầu nhiệm Chúa lên trời.

1. Chúa lên trời nghĩa là Người đã từ trời xuống: “ Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3, 13). Mầu nhiệm Chúa lên trời minh chứng cho nguồn gốc thần linh của Đức Kitô. Đấng chúng ta tôn thờ không phải là phàm nhân được tôn lên hàng thần thánh. Người chính là Thiên Chúa có từ đời đời Và mọi sự, mọi loài nhờ Người mà được hiện hữu. “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa… Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1, 1-3).

2. Chúa lên trời nghĩa là Người đã hoàn tất công cuộc cứu độ: “Đức Kitô đã lên cao dẫn theo một đám tù; Người đã ban ân huệ cho loài người. Người lên trời nghĩa là gì, nếu không phải là Người đã xuống tận các vùng sâu thẳm dưới mặt đất? Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn” (Eph 4, 8-10). Con người và mọi sự mọi loài từ đây có được con đường nên hoàn thiện, nên viên mãn, chính nhờ Người, với Người và trong Người, Giêsu – Kitô.

3. Chúa lên trời nghĩa là từ đây các thực tại trần thế có thể đi vào vinh quang bất diệt cùng với Đức Kitô. Khi trở về với vinh quang của một Thiên Chúa thì Đức Kitô đã làm cho các thực tại trần thế mà Người đã nhận lấy qua mầu nhiệm nhập thể, được nên hằng hữu với Người. Từ đây mọi sự, mọi loài đều có thể đi vào cõi bất diệt. Từ nay những sự bình thường và cả tầm thường ở đời này đều có thể trở nên phi thường nhờ Đức Kitô. “Vậy thưa anh em, nhờ máu Đức Giêsu đã đổ ra, chúng ta mạnh dạn bước vào cung thánh. Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người” (Dt 10, 19-20).

4. Chúa lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha để cầu bầu cho chúng ta. “Thưa anh em, Đức Kitô đã chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm ra, vì cung thánh ấy là hình bóng của cung thánh thật. Nhưng Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 9, 24). Giờ đây chúng ta có một vị Thượng Tế cao cả trên trời, một vị Thượng Tế đã kinh qua cảnh sống của loài người chúng ta. Người hiểu và cảm thông với chúng ta trong mọi nỗi niềm của kiếp nhân sinh. Nghĩa là chúng ta đang có một đồng minh đầy uy quyền và rất đáng tin cậy.

Với những ý nghĩa của mầu nhiệm Chúa lên trời như trên, hẳn Mẹ Hội Thánh khao khát đoàn con luôn có thái độ vững tin và hy vọng trong niềm hân hoan phấn khởi. Sao lại không vững tin khi mà Đấng chúng ta tôn thờ và tiếp bước chính là Thiên Chúa thật, là căn nguyên và cùng đích của mọi vật, mọi loài. Sao lại không hy vọng khi mà cửa trời đã mở ra với chúng ta, với tất cả mọi loài thụ tạo. Sao lại không phấn khởi hân hoan khi mà ta luôn có đó Đấng hiểu ta, cảm thông với ta và đang bào chữa cho ta trước ngai tòa Thiên Chúa.

Để cho niềm tin, niềm hân hoan và hy vọng ấy được hiện thực thì không gì hơn chúng ta hãy nỗ lực làm cho các thực tại trần thế này, từ chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện con chuyện cái, chuyện nhà cửa đến xã hội quốc gia, chuyện Hội Thánh… được đi vào vĩnh cửu, bằng chính con tim của ta, một con tim đồng hình đồng dạng với Thầy chí Thánh, Giêsu Kitô. Nước Trời đã ở giữa chúng ta. Đừng có mải mê nhìn trời nhưng hãy làm cho trái đất này và những chuyện của trần thế này mang giá trị đời đời. Và cách thế tuyệt vời là hãy sống và hoạt động, nghĩa là làm mọi sự đều nhân danh Giêsu, cứu nhân độ thế.

 

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột

Sứ điệp ngày lễ Chúa Giêsu lên trời

Chúa Giêsu trở về trời, nơi là quê hương nguồn gốc của Ngài, sau 33 năm sống trên trần gian.

Nhưng không vì thế mà Ngài bỏ rơi trần gian. Trái lại, Ngài đoan hứa hằng cùng đồng hành với trần gian trong mọi ngày.

Chúa Giêsu trở về với Thiên Chúa Cha của Ngài sau khi đã hoàn thành thánh ý của Thiên Chúa trên trần gian: dấn thân hy sinh mang ơn đức cứu độ cho con người.

Nhưng không vì thế mà sứ mạng của Ngài đến đó là hết. Trái lại, Ngài thành lập Giáo Hội để tiếp tục công việc Ngài đã thực hiện trên trần gian.

Chúa Giêsu trở về nơi là nguồn mạch của đời sống, sau khi Ngài đã rao truyền cho trần gian giá trị sự sống bắt nguồn từ nơi Thiên Chúa.

Nhưng không vì thế mà trần gian bị cắt đứt xa lìa nguồn mạch sự sống. Trái lại, qua Giáo Hội Ngài để lại nguồn mạch ơn đức sự sống của Thiên Chúa nơi các Bí tích.

Những gì ta xem thấy hay đọc được qua biến cố Chúa Giêsu trở về trời?

1. Vầng mây bao phủ

Theo khía cạnh kỹ thuật chuyên chở ngày nay nay, biến cố Chúa Giêsu trở về trời được thuật lại trong Kinh Thánh: "Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông" (Cv 1,9). 

Đọc những lời ngắn gọn này, ta có thể tưởng tượng như một chiếc máy bay cất cánh bay lao thẳng vào không trung xuyên lớp tầng mây.

Lẽ dĩ nhiên Chúa Giêsu không dùng máy bay như bây giờ di chuyển từ nơi này đi sang khác. Nhưng vầng mây diễn tả điều gì huyền bí nhiệm mầu, nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa, của Thần Thánh.

Thiên Chúa hiện ra thiết lập giao ước với ông Noe sau trận lụt đại hồng thủy trong vầng mây (St 9, 12-13).

Trên đường trở về quê hương đất hứa, Thiên Chúa hiện ra dẫn đường cho dân Israel trong cột mây dẫn đầu chỉ đường đi (Xh 13, 21-22).

Trên đỉnh núi Sinai, Thiên Chúa hiện ra với Thánh Tiên tri Môsê trong vầng mây trao cho ông 10 điều răn của Chúa (Xh 24, 12-18).

Vầng mây bao phủ lều nhà tạm nói lên sự hiện diện vinh quang của Thiên Chúa (Xh 40, 34-38).

Trên đỉnh núi Tabor, khi Chúa Giêsu biến hình, từ trong vầng mây có tiếng của Thiên Chúa Cha phán vọng ra (Mt 17,5).

Trong vầng mây bao phủ Chúa Giêsu trở về trời cao ( CV 1,9).

Thánh Gioan trong sách Khải huyền thuật lại thấy Chúa Giêsu hiện ra trong vầng mây (Kh 1,7; 14, 14-16).

Như thế, có thể nói vầng mây là dấu hiệu sự thánh thiện huyền bí về hiện diện của Thiên Chúa, và cũng sát gần gũi với con người.

Chúa Giêsu trở về trời quyện trong vầng mây cao trên nền trời, nhưng Ngài không rời xa trần thế con người. Người muốn Giáo Hội tiếp tục rao giảng làm chứng cho Ngài giữa trần gian.

2. Anh em là nhân chứng của Thầy

Khi người cha hay người mẹ đi xa vắng nhà, họ thường nói với các con mình: cha mẹ không quên, không bỏ các con một mình đâu. Cha mẹ luôn hằng nhớ đến các con. Các con nhớ giữ những lời cha mẹ đã dạy bảo căn dặn mà sống yêu thương đùm bọc nhau!

Cũng vậy, trở về trời Chúa Giêsu không bỏ rơi các học trò Tông đồ, những người tin theo Chúa. Người căn dặn họ: Anh em tiếp tục sống như Thầy đã dạy nhắn nhủ. Hãy tiếp tục rao truyền cùng làm nhân chứng cho Thầy, cho những lời giáo lý của Thầy giữa lòng xã hội trần gian (Mt 28, 20).

Trung thành với lời Chúa Giêsu truyền lại cho, từ ngày đó hơn hai ngàn năm nay, Giáo Hội không ngừng thi hành sứ vụ truyền giáo cho mọi người trải qua mọi thời đại, trong mọi hoàn cảnh đời sống xã hội.

Và Giáo Hội đã trải qua thời kỳ hưng thịnh phát triển về nhiều mặt rất khả quan tốt đẹp. Nhưng cũng có những thời kỳ Giáo Hội gặp khó khăn bị nghi kỵ, bị theo dõi bắt bớ, bị cấm cách, gặp khủng hoảng từ trong lòng nội bộ.

Nhưng nhiệm vụ rao giảng làm chứng của Giáo Hội luôn dựa trên căn bản làm sao những giá trị theo tinh thần Phúc âm của Chúa được loan truyền thể hiện trong đời sống xã hội về sự sống, về công bình bác ái, về tình liên đới giữa con người với nhau.

Trong dòng thời gian Giáo Hội đã luôn cố gắng rao giảng làm chứng cho Chúa:

- Xuyên suốt trải qua mọi thời gian ngày, tháng, năm, thế kỷ.

- Tới cùng mọi biên giới hình thể địa lý trái đất.

- Nơi mọi con người trong các giai tầng hoàn cảnh thân phận đời sống về thể lý cũng như về tâm lý. Mang niềm vui cũng như sự an ủi giúp đỡ cảm thông đến cho con người.

- Gìn giữ bảo vệ ngôi nhà thiên nhiên là vũ trụ mà Thiên Chúa đã tạo dựng cho con người. Và cùng với con người phát triển văn hóa, văn minh cho đời sống.

- Củng cố các giá trị đạo đức tinh thần trong lòng đời sống xã hội của con người, nhất là cho mọi người biết Chúa, Đấng là nguồn tình yêu, nguồn hy vọng và ơn tha thứ cho con người.

**************

Vầng mây trên trời đã bao phủ đưa Chúa Giêsu trở về trời. Nhưng vầng mây cũng là dấu hiệu sự hiện diện, sự gần gũi của Chúa nơi con người.

Trở về trời, Chúa Giêsu trao cho Giáo Hội qua các Tông đồ nhiệm vụ rao giảng làm chứng cho Chúa giữa trần gian. Sự hiện diện sát gần của Chúa giúp Giáo Hội vững tâm làm nhiệm vụ này, cùng giúp lòng con người sống niềm hy vọng. Vì có Chúa hằng cùng đồng hành bên cạnh trong mọi hoàn cảnh.

Lễ Chúa Giêsu Lên Trời - Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...