Thánh Phaolô tông đồ trở lại
“Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian”. (Mc 16, 15-18)
Thánh Phaolô tông đồ trở lại
Mc 16, 15-18
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Phaolô tông đồ trở lại
Ca nhập lễ
Tôi biết tôi đã tin vào Đấng nào, và tôi chắc chắn rằng: vị thẩm phán công minh là Đấng quyền năng, sẽ gìn giữ kho tàng của tôi cho đến ngày đó.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời rao giảng của Thánh Phaolô Tông Ðồ để dạy dỗ muôn dân. Hôm nay mừng kỷ niệm ngày thánh nhân trở lại tin theo Ðức Kitô, xin cho chúng con hằng noi theo gương thánh nhân để lại mà tiến đến gần Chúa và trở nên chứng nhân của Tin Mừng. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Cv 22, 3-16
“Kêu danh thánh Chúa, tôi chỗi dậy”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Ngày ấy, Phaolô nói với dân chúng: “Tôi là người Do-thái, sinh tại Tarsê xứ Cilicia, đã được nuôi nấng trong thành này, đã được đào tạo theo chân lý lề luật cha ông dưới chân ông Gamaliêl. Tôi nhiệt thành với lề luật cũng như hết thảy quý vị hôm nay. Tôi đã bắt bớ giết chóc đạo này, xiềng xích và bỏ tù cả đàn ông lẫn đàn bà. Như thầy thượng tế và toàn thể hội đồng kỳ lão đã làm chứng điều đó. Các ngài đã trao cho tôi chứng minh thư để tôi đến kiếm anh em ở Ðamas, bắt trói họ và điệu về Giêrusalem để trừng phạt.
Xảy đến lúc đó khoảng trưa, tôi đang trên đường gần đến Ðamas, thình lình một luồng ánh sáng chan hoà từ trời chói rạng quanh tôi. Tôi ngã xuống đất và nghe tiếng phán bảo tôi: “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?” Tôi đáp: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Người trả lời: “Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ”. Và những người cùng ở đó với tôi lúc ấy, cũng thấy ánh sáng, nhưng không nghe tiếng Ðấng nói với tôi. Tôi hỏi: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” Chúa liền nói với tôi: “Hãy chỗi dậy, vào thành Ðamas, ở đó sẽ nói cho ngươi tất cả những gì ngươi phải làm”. Nhưng vì ánh sáng chói loà kia, tôi không còn thấy được, nên các bạn tôi cầm tay dẫn tôi vào thành Ðamas. Có một người kia tên là Anania, người đạo đức, sống theo Lề luật, và được mọi người Do-thái ở đó kính phục, đến tìm tôi và đứng gần tôi mà nói: “Hỡi anh Saolô, anh hãy nhìn!” Ngay lúc đó tôi nhìn thấy ông.
Và ông nói: “Thiên Chúa cha ông chúng ta đã tiền định cho anh biết thánh ý Người, thấy Ðấng Công Chính và nghe tiếng Người nói. Vậy anh phải làm chứng cho Người trước mặt mọi người về điều anh đã thấy và đã nghe. Và bây giờ, anh còn chần chừ gì nữa? Hãy chỗi dậy và cầu khẩn danh Người mà chịu thanh tẩy và gột rửa mình cho sạch tội lỗi”.
Ðó là lời Chúa.
Hoặc: Cv 9, 1-22
“Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Saolô còn mải say mê hăm doạ giết các môn đồ Chúa. Ông đến thượng tế, xin chứng minh thư gởi đến hội đường ở Ðamas, để nếu gặp ai theo đạo ấy, bất luận nam nữ, ông bắt trói đem về Giêrusalem.
Ðang khi đi đường, lúc đến gần Ðamas, bỗng nhiên một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông, ông ngã xuống đất và nghe tiếng phán rằng: “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?” Ông thưa: “Lạy Ngài, Ngài là ai?” Chúa đáp: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ; giơ chân đạp mũi nhọn thì khổ cho ngươi”. Saolô run sợ và kinh hoàng hỏi rằng: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Chúa phán: “Hãy chỗi dậy, vào thành, và ở đó người ta sẽ nói cho ngươi phải làm gì”. Những kẻ đồng hành với ông đứng lại, hoảng hốt; họ nghe rõ tiếng mà không thấy ai. Saolô chỗi dậy khỏi đất, mắt ông vẫn mở mà không trông thấy gì. Người ta cầm tay dẫn ông vào thành Ðamas; ông ở lại đấy ba ngày mà không thấy, không ăn, cũng không uống.
Bấy giờ ở Ðamas, có một môn đồ tên là Anania; trong một thị kiến, Chúa gọi ông rằng: “Anania”. Ông thưa: “Lạy Chúa, này con đây”. Chúa phán: “Hãy chỗi dậy và đến phố kia gọi là phố “Thẳng”, và tìm tại nhà Giuđa một người tên Saolô, quê ở Tarsê; nó đang cầu nguyện”. (Saolô cũng thấy một người tên Anania bước vào, và đặt tay trên ông để ông được sáng mắt). Anania thưa: “Lạy Chúa, con đã nghe nhiều người nói về người này rằng: ông đã gây nhiều tai ác cho các thánh của Chúa tại Giêrusalem; tại đây, ông đã được các thượng tế cho phép bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa”. Nhưng Chúa phán: “Cứ đi, vì người này là lợi khí Ta đã chọn, để mang danh Ta đến trước dân ngoại, vua quan và con cái Israel. Ta sẽ tỏ cho nó biết phải chịu nhiều đau khổ vì danh Ta”.
Anania ra đi, bước vào nhà, và đặt tay trên Saolô mà nói: “Anh Saolô, Chúa Giêsu, Ðấng hiện ra với anh trên đường đi đến đây, sai tôi đến cùng anh, để anh được thấy và được tràn đầy Thánh Thần. Tức thì có thứ gì như những cái vảy rơi khỏi mắt ông, và ông được sáng mắt.
Ông chỗi dậy chịu phép rửa, và sau khi ăn uống, ông được lại sức, ông ở lại ít ngày cùng với các môn đồ thành Ðamas. Và lập tức ông rao giảng trong các hội đường rằng Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa. Mọi người nghe rao giảng đều kinh ngạc và nói rằng: “Há chẳng phải ông này đã bách hại những người đã cầu khẩn danh ấy tại Giêrusalem, và cũng đã tới đây mà truy nã họ để điệu họ về cho các thượng tế sao?”
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 116, 1. 2
Ðáp: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian
Xướng: Toàn thể chư dân, hãy ngợi khen Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người! – Ðáp.
Xướng: Vì tình thương Chúa dành cho chúng ta thực là mãnh liệt. và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời.
Alleluia: Ga 15, 16
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta đã chọn các con giữa thế gian, hầu để các con đi và mang lại hoa trái, để hoa trái các con tồn tại”. – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 16, 15-18
“Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu (hiện ra với mười một môn đệ và) nói: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những dấu lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân được lành mạnh”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con dâng lên Chúa của lễ này, xin Chúa thương chấp nhận. Nguyện xin Thánh Thần Chúa tuôn đổ ánh sáng đức tin vào lòng chúng con, như xưa Người vẫn soi sáng Thánh Phao-Lô Tông Ðồ, để thánh nhân loan truyền vinh quang Chúa. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng tông đồ
Ca hiệp lễ
Tôi sống trong lòng tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương và đã phó mình vì tôi.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho bí tích chúng con vừa lãnh nhận đốt lửa yêu mến trong lòng chúng con, như xưa thánh Phao-lô tông đồ đã nhờ lửa yêu mến đó mà xả thân lo lắng cho tất cả các giáo đoàn. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Thánh lễ này bắt nguồn từ xứ Gaule, được xác nhận vào cuối thế kỷ thứ VI, xuất hiện bên Rôma vào thế kỷ thứ IX. Thánh lễ này tùy thuộc vào lễ kính Tòa thánh Phêrô, được dâng vào ngày 22.02.
Tầm quan trọng việc trở lại của thánh Phaolô được nhấn mạnh ba lần trong quyển Công vụ Tông Đồ (9,1-30; 22,3-21; 26,920), cũng như sự phong phú của bản văn và Phụng Vụ Giờ Kinh. Sự kiện xảy ra trên đường đi Damas đã làm thay đổi hoàn toàn con người này; các trình thuật Thánh Kinh cho thấy có gì triệt để trong việc trở lại này. Các Kitô hữu của Giáo Hội vùng Juđê đã nói: “Người trước đây bắt bớ chúng ta, bây giờ lại loan báo đức tin mà xưa kia ông những muốn tiêu diệt” (Gl 1,23).
Chính thánh Phaolô, trong các bản văn nói về sự kiện Damas, luôn đặt kinh nghiệm này với cuộc đời quá khứ của một người Pharisêu và bách hại đạo: “Tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Israel, họ Benjamin, là người Hipri, con của người Hipri; giữ luật thì đúng như một người Pharisêu; nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội thánh; còn sống công chính theo lề luật, thì chẳng ai trách được tôi” (Pl 3,5-6). Thánh Phaolô thêm vào: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi” (Pl 3,8). Người Pharisêu Saul, tự cho mình là “công chính” qua việc tuân giữ lề luật không đâu chê trách được, bây giờ lại tuyên xưng: “Vì Người tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sư công chính do luật Môisen đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin” (Pl 3,7-9).
Nhờ thị kiến bất ngờ tại Damas, thánh Phaolô thấy được sự sai lệch của mình và cảm thấy được động viên để đi đến với dân ngoại. Thiên Chúa của ngài là Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp, Thiên Chúa của các tổ phụ, nhưng từ khi trở lại, Phaolô mới biết Thiên Chúa này đã tôn vinh Đức Giêsu, Tôi tớ của Người (Cv 3,13). Điều này đã thay đổi tất cả.
Ngày lễ thánh Phaolô trở lại muốn nhấn mạnh sự kiện này là một bước quyết định làm thay đổi quá trình phát triển Hội thánh, vì kẻ trước đây bách hại các môn đệ Đức Giêsu, đi vào các hội đường lùng sục các tín hữu để hành hạ và bỏ ngục, từ nay vâng phục Người Tôi Tớ mà Thiên Chúa đã tôn vinh và cũng là Đấng hiện ra nói với ngài: “Hãy đi, vì Thầy sẽ sai con đến với các dân ngoại ở phương xa” (Cv 22,21). Như thế, tất cả rào cản đều rơi xuống: Hội thánh mở ra cho dân ngoại và trở nên phổ quát.
2. Thông điệp và tính thời sự
Thánh lễ này kéo dài lễ Hiển Linh, việc trở lại của thánh Phaolô giúp chúng ta hiểu rõ mầu nhiệm Đức Kitô hiện diện và sống động trong Hội thánh. Đức Giêsu tỏ hiện trong Hội thánh và qua Hội thánh; trong thực tế, Người đã không nói với Phaolô: Tại sao ngươi bắt bớ các môn đệ của Ta? nhưng lại nói: “Tại sao ngươi bắt bớ Ta?” (Cv 22, 7). Thế nên khám phá đầu tiên của kẻ trở lại chính là sự hiện diện của Đức Kitô trong Hội thánh Người.
a. Lời nguyện nhập lễ khuyến khích chúng ta đến với Chúa “tìm cách để đồng hình đồng dạng” như thánh Phaolô, khi trở thành chứng nhân của Tin Mừng.
“Tìm cách để giống” thánh Phaolô có nghĩa là chấp nhận như Ngài con đường lâu dài và gian khổ để khám phá Thiên Chúa và ý định của Người trong những sự kiện cá nhân và cộng đồng. Tiếp theo kinh nghiệm (Saulê, Saulê, tại sao ngươi bắt Ta) và sự vững tin chủ quan liên kết với kinh nghiệm trên (Tôi biết tôi sẽ tín thác vào ai), là một thời gian dài thử thách, cô đơn, đôi khi cả việc mất can đảm. Một cách thức hiện hữu và nhìn vạn vật, phát sinh từ sự kiện Damas, đòi hỏi một sự trưởng thành chậm chạp trước khi nhập tâm vào cá vị của mình. Công vụ và các lá thư nói về sự vắng mặt của ngài có thể kéo dài hằng chục năm (Gl 2, 1). Chỉ sau thời gian “Sabbat” này, Barnabas mới đi tìm ngài ở Tarsus để đem lên Antioche, cho phép ngài bắt đầu liên hệ với các môn đệ Đức Kitô (tại Antioche mà họ nhận được tên Kitô hữu) và hoàn tất sứ vụ của mình nơi các dân ngoại.
b. Một đề tài suy niệm được Lời nguyện tiến lễ đề nghị. Kinh này gợi lên ánh sáng của Chúa Thánh Thần thúc đẩy thánh Phaolô và biến ngài trở thành một nhà truyền giáo “để làm cho danh Thiên Chúa vang dội trong cả thế giới”. Ngài từ là người bách hại, trở thành sứ giả của Tin Mừng, không coi việc rao giảng Tin Mừng như một lý do để kiêu ngạo, nhưng là một sự cần thiết. “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9, 16). Thánh Phaolô nói trước các kỳ mục của Hội thánh Êphêsô: “Khi phục vụ Chúa, tôi đã hết lòng khiêm tốn, đã nhiều lần phải rơi lệ, đã gặp bao thử thách…” (Cv 20, 19). Với người thành Côrinthô, ngài nhắc nhớ lại những sự mệt nhọc, khó khăn, đói khát, lạnh lẽo…Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội thánh” (2 Cr 11, 27).
c. Một nét đặc thù khác trong linh đạo thánh Phaolô được nhấn mạnh trong Thánh lễ: Đức Kitô là trung tâm cuộc sống và lời rao giảng của thánh Phaolô: “Đối với tôi, sống là Chúa Kitô và chết là một mối lợi: thập giá Đức Kitô là vinh quang duy nhất của tôi”; “Với Đức Kitô, tôi đã bị đóng đinh ; không còn phải là tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi; hiện tại tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và đã phó nộp vì tôi” (Gl 2,19-20).
Việc trở lại ở Damas đã biến đổi cách triệt để cuộc đời thánh Phaolô. Một khi đã gắn bó vào Chúa Kitô, ngài biết phải tin tưởng vào ai. Thế là không còn phải lo âu gì cả. Ngài nói với những người thành Philippe: “Quên đi quá khứ, để chỉ biết lao về phía trước, tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 3, 13-14).
Thánh Jean Chrysostome, trong một bài giảng tôn vinh thánh Phaolô, ca ngợi tình yêu Chúa Kitô đang cháy trong tâm hồn thánh Phaolô: “Với tình yêu này, thánh Phaolô cho rằng mình là kẻ hạnh phúc nhất giữa nhân loại… Tận hưởng tình yêu này, có nghĩa đối với Ngài là chiếm hữu cuộc sống, thế giới, Thiên thần của mình, hiện tại, tương lai, vương quyền, lời hứa, hạnh phúc vĩnh cửu”. Như vậy, sự tàn bạo và cơn giận của kẻ thù đã biến đổi thành sức mạnh và tình yêu cho một vị Tông Đồ say mê truyền giáo. Thánh Phaolô luôn tiến bước đến trước với một lòng nhiệt thành trên các con đường để nắm bắt Đấng là vinh quang duy nhất của mình. “Để chống lại Đức Giêsu, ngài đã đi về Damas; để nắm bắt được Đức Giêsu, ngài đã phải đi khắp cùng thế giới.”
Enzo Lodi
Lễ Thánh Phaolô Tông Đồ Trở Lại, Cú ngã ngựa lịch sử
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Đọc lại cuộc đời Thánh Phaolô, ta nhận thấy sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Ơn Gọi Tông Đồ quả là một mầu nhiệm lạ lùng.
Đọc Công vụ Tông đồ từ chương 8 trở đi, ta sẽ bắt gặp một Saolô, ở Tacxô, là người Do thái, trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do thái – Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Gamaliên ở Giêrusalem. Saolô là biệt phái nhiệt thành đi lùng sục bắt bớ Đạo Chúa, tham gia vào vụ giết Têphanô và rong ruổi mọi đường Đamát truy lùng các Kitô hữu.
Được ơn trở lại qua cú ngã ngựa trên đường Đamat, Saolô được biến đổi để trở nên chứng nhân vĩ đại là Phaolô, Tông Đồ dân ngoại. Từ đây cuộc đời của Phaolô đã viết nên thiên anh hùng ca. Thiên anh hùng ca của vị Tông Đồ đã sống và đã chết cho Đức Kitô.
Cuộc sống bôn ba vì Nước Trời được điểm tô muôn ngàn vạn nét đẹp của Phaolô mãi mãi được hát lên như một bài ca khải hoàn "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, gươm giáo?... Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, hay bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (Rm 8, 35-39).
Đức Cố Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống đã viết rằng: nét đẹp nhất nơi Phaolô là cú ngã ngựa lịch sử. Cuộc đời Thánh Phaolô có nhiều hình ảnh đẹp. Chẳng hạn khi ngài xuất thần thì được đưa lên tầng trời thứ ba; chẳng hạn khi ngài ứng khẩu rao giảng Tin Mừng nơi Nghị viện Hy lạp; chẳng hạn khi Ngài lênh đênh trên biển đi tìm vùng đất mới đem về cho Chúa bao nhiêu linh hồn; và còn rất nhiều hình ảnh đẹp khác nữa. Nhưng tại sao Giáo Hội không chọn trong số những hình ảnh đẹp ấy, mà lại lấy hình ảnh ngã ngựa để đem mừng kính trong một ngày lễ? Thưa vì đó là một biến cố quan trọng phân chia cuộc đời ngài ra làm hai nửa theo hai hướng đối nghịch nhau, nhưng cùng làm nên một cuộc đời có tội lỗi và ân sủng, có yếu đuối và sức mạnh, đồng thời cũng có thất bại và thành công.
Hai hình ảnh ấy dường như hội tụ lại trong chân dung thánh Phaolô ngã ngựa mà Giáo hội mừng kính hôm nay.
1. Cú ngã ngựa chia đôi cuộc đời.
- Về danh xưng, nửa đời trước là Saolô với một câu hỏi "tại sao?" đang cưỡi ngựa vút lao đi tìm giải đáp cho cuộc đời; còn nửa đời sau là "Phaolô" đã trở thành chiếc phao cứu tử cho cả lô linh hồn ngài gặp trên đường truyền giáo.
- Về vị thế, nửa đời trước là một người Biệt phái chính cống, được giáo dục đường hoàng bởi ông thầy trứ danh Gamaliel, nhiệt thành với truyền thống cha ông; còn nửa đời sau là một vị Tông đồ thông minh uyên bác, vô cùng nhiệt thành với tình yêu Thiên Chúa, như ngài thú nhận "tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi"
- Về hoạt động, nửa đời trước là một chàng thanh niên tin tưởng cuồng nhiệt vào luật lệ Do Thái, tự tay vấy máu trong những cuộc bách hại Kitô hữu, cụ thể là cộng tác vào việc ném đá Stêphanô và tự ý đến xin các Thượng tế cấp giấy phép cho mình được quyền bắt bớ bất cứ ai tin vào Chúa Kitô nơi Hội đường Do Thái; thế mà nửa đời sau lại trở thành một người hăng say can đảm tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Kitô mà ông đã bách hại trước đó, bất kể ánh nhìn e dè nghi ngại của những người Kitô hữu và bất kể sự nguy hại tính mạng do những người Biệt phái cũ của ông.
- Về tình cảm, nửa đời trước là một Saolô mù quáng hận thù, nhưng từ khi gặp được ánh sáng Chúa Kitô bao phủ, ông đã bị choáng ngợp mù lòa, để cặp mắt mình được thanh tẩy, mở đầu cho một nửa đời khác bước đi trong ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa.
- Về hướng đi bản thân, nửa đời trước là một Saolô kiêu căng tin vào sức mạnh của con người, đang xây dựng những mưu đồ tiến thân của mình, bất kể những khổ đau của người khác; nhưng nửa đời sau là một Phaolô bị quật ngã biết mình yếu đuối, nên chỉ tin vào sức mạnh của Thiên Chúa, đang gieo bước hân hoan trong ý hướng hiến thân phụng sự Thiên Chúa bất kể những đau khổ mình phải chịu: "Tôi có thể làm mọi sự trong Đấng là sức mạnh tôi".
Tóm lại, biến cố ngã ngựa là một tổng hợp tiêu biểu cho cuộc đời Thánh Phaolô. Nó nói lên sự thất bại của mưu đồ của con người và xác định sự thành công trong ý hướng Thiên Chúa. (x Bài giảng Chúa nhật, TGP Sàigòn, tháng 01. 2008).
2. Cú ngã ngựa, một dấu ấn không phai.
Biến cố ngã ngựa đã ghi dấu đậm nét trong cuộc đời Phaolô. Sách Công vụ Tông đồ kể lại: thình lình ánh sáng từ trời loé rạng bao lấy ông. Không bao giờ Phaolô còn thoát được ra ngoài ánh sáng đó. Từ đó trở đi, Chúa Kitô đã trở thành tất cả đối với Phaolô. Từ đó trở đi, chỉ có Chúa Kitô là đáng kể. Khi đã biết Chúa Kitô thì "Những điều kể được như lợi lộc cho tôi đó, tôi đã coi là thua lỗ bất lợi vì Đức Kitô. Mà chẳng những thế, tôi còn coi mọi sự hết thảy là thua lỗ, là bất lợi cả, vì cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự và coi là phân bón cả, để lợi được Đức Kitô, và được thuộc về Ngài, không có sự sông chính của riêng tôi, sự công chính nại vào Lề luật, song là sự công chính nhờ vào lòng tin của Đức Kitô... (Pl 3, 7-9). Từ đó trở đi, Phaolô hiên ngang vì tư cách làm môn đệ Chúa Kitô và với tư cách ấy Ngài tuyên xưng sự duy nhất, sự bình đẳng, tình huynh đệ thực sự giữa tất cả mọi người: "vì anh em, phàm ai đã được thanh tẩy trong Đức Kitô, thì đã được mặc lấy Đức Kitô: không còn Do thái hay Hy lạp; không còn nô lệ hay tự do; không còn nam hay nữ; vì anh em hết thảy là một trong Đức Kitô Giêsu" (Gal 3, 27-28). Vì Đức Kitô là "tất cả mọi sự và trong mọi người" (Cl 3, 11).
Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô. Biết mình đã tin vào ai, Phaolô đã sung sướng sống nghèo, lấy việc lao động mà đổi miếng ăn, không để giáo hữu phải cung phụng mình (1Cr 9, 3-18; 2Cr 11, 8-10), sung sướng vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Kitô. Phaolô không ngại trở nên hùng hồn kể về những "... lao tù đòn vọt, bao lần suýt chết, năm lần bị người do thái đánh bốn mươi roi bớt một, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi"; Phải chịu đủ thứ nguy hiểm bởi "phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em; phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng" (2Cor 11, 23-27). Phaolô ra vào tù nhiều lần. Có lần Ngài viết từ ngục thất cho Timôthê, người môn đệ có khi không khỏi nao núng:" anh đừng hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, là kẻ bị tù vì Ngài". Phaolô không hổ thẹn vì tôi biết tôi đã tin vào ai... (2 Tim 1, 8-12).
Vì đức Kitô "tôi phải lao đao khốn khó đến cả xiềng xích như kẻ gian phi, nhưng Lời Thiên Chúa không bị xiềng xích" (2Tim 2, 9). Phaolô đã sung sướng tự hào cả khi ý thức những yếu đuối của mình "Ơn Ta đủ cho con vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành" (2Cor 12, 9). Không gì có thể làm nao núng lòng tin ấy "chúng tôi bị dồn ép mọi mặt nhưng không bị nghẽn; lâm bĩ nhưng không mạt lộ; bị bắt bớ nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt" (2Cor 4, 8-9) Phaolô nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức "Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng" (1Cor 5, 14). Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài "tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi" (Gal 2, 20).
3. Những cú "ngã ngựa" trong đời tín hữu.
Biến cố ngã ngựa đã chia đôi cuộc đời Thánh Phaolô. Từ một kẻ thù, Chúa đã biến ngài thành một người bạn, một người tình. Từ một người đi lùng bắt những Kitô hữu, Chúa đã biến ngài trở thành người rao giảng về Người và sẵn sàng chết vì Người.
Phaolô đã viết những lời thật cảm động: "Không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô. Dù là gian truân, bĩ cực, đói khát trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo... Tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, dù quyền năng, dù chiều cao hay chiều sâu hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa được thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta" (x. 2 Tm 4, 6-8; Rm 8, 18-19. 32. 33. 38. 39)
Nhìn vào biến cố "ngã ngựa" của Thánh Phaolô để rồi nhìn lại cuộc đời mình, biết đâu ta cũng gặp thấy rất nhiều những cú "ngã ngựa". Có những cú "ngã ngựa" trong đời sống thiêng liêng liên hệ với Chúa; có những cú "ngã ngựa" trong đời sống tình cảm liên hệ với tha nhân; có những cú "ngã ngựa" trong đời sống chiến đấu nội tâm; và có những cú "ngã ngựa" trong đời sống xác thân bên ngoài như công ăn việc làm, học hành, danh dự, tình yêu, tương lai, hạnh phúc, sức khỏe...
Nhưng điều quan trọng là đừng nhìn "ngã ngựa" chỉ như một thất bại để rồi cuốn theo thất vọng quỵ ngã không gượng dậy được. Hãy nhìn "ngã ngựa" như một thất bại cho một thành công lớn hơn trong ơn thánh. Ăn trái cấm là một thất bại của Ađam - Evà trong quyền làm chủ, nhưng lại là một điều kiện bật mở chương trình cứu độ với việc Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. "Tội hồng phúc" là thế. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một thất bại đau đớn trước mặt trần thế, lại là một thành công trong chiến thắng cứu độ vinh quang.
Và cú "ngã ngựa" của Thánh Phaolô hôm nay là một thất bại chấm dứt cuộc đời săn bắt Kitô hữu, nhưng lại là một thành công mở đầu cuộc sống lên đường truyền giáo của vị Tông đồ dân ngoại.
Như vậy người ngã ngựa không chỉ nhìn vào mình để cay cú cuộc đời, mà nhìn vào Chúa để tìm sức mạnh đứng lên trong ánh sánh niềm tin. Nếu "ngã ngựa" là điều không thể tránh được, thì điều quan trọng là luôn sẵn sàng để biết đứng dậy. Không phải khi ngã người ta trở nên mạnh mẽ mà là khi biết đứng dậy người ta mới chứng minh được bản lĩnh mạnh mẽ của mình.