Tin Mừng Chúa Nhật V Thường Niên - Năm C

Chúa Nhật V Thường Niên - Năm C   Nghe MP3:    Dẫn vào Thánh Lễ Anh chị em thân mến! Phụng vụ lời Chúa hôm này bàn về việc Thiên Chúa kêu gọi
 

Nghe MP3: 

 

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Phụng vụ lời Chúa hôm này bàn về việc Thiên Chúa kêu gọi con người và con người đáp trả. Ngôn sứ Isaia được Thiên Chúa chọn gọi đi làm tiên tri của Ngài, Phaolô được Chúa kêu gọi và cải hóa từ một tay bắt bớ đạo Chúa, nay trở nên một vị Tông Đồ nhiệt thành truyền bá giáo lý của Chúa và là thầy dậy dân ngoại.

Thánh Phêrô trong bài Tin Mừng, vì quảng đại mau mắn bỏ mọi sự đáp lại tiếng Chúa gọi, ông từ một tay thuyền chài thô lỗ, quê mùa, dốt nát trở nên vị Tông Đồ lừng danh vào bậc nhất, có tài trí khôn ngoan thuyết phục được mọi bậc người gia nhập đạo Chúa, tin kính Chúa Kitô là Thiên Chúa, đến nỗi chỉ duy một bài giảng và nội trong một ngày, ngài đã thuyết phục được hơn ba ngàn người trở lại, chịu phép Thánh Tẩy và được trở nên con cái Chúa và Hội Thánh.

Phần chúng ta đã đáp lại tiếng Chúa như thế nào? Chúng ta phải cầu nguyện để nhận ra tiếng Chúa. Muốn được như vậy chúng ta hãy tham dự Thánh Lễ sốt sáng, nhưng để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh chúng ta cùng thành tâm hối lỗi...

Ca nhập lễ

Hãy tiến lên, chúng ta hãy thờ lạy Thiên Chúa, và hãy tiến bước trước nhan thánh Chúa, Đấng tạo thành chúng ta, vì chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chúng con là con cái trong nhà, chỉ đứng vững khi dựa vào ơn Chúa, xin Chúa hằng che chở chúng con. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: Is 6, 1-2a, 3-8

"Này tôi đây, xin hãy sai tôi".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Năm vua Ozias băng hà, tôi nhìn thấy Chúa ngự trên ngai cao, và đuôi áo của Người bao phủ đền thờ. Các Thần Sốt Mến đứng trước mặt Người, và luân phiên tung hô rằng: "Thánh, Thánh, Thánh! Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, toàn thể địa cầu đầy vinh quang Chúa". Các nền nhà đều rung chuyển trước tiếng tung hô, và nhà cửa đều đầy khói.

Lúc bấy giờ tôi mới nói: "Vô phúc cho tôi! Tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn, tôi ở giữa một dân tộc mà lưỡi họ đều nhơ nhớp, mắt tôi đã trông thấy Ðức Vua, Người là Chúa các đạo binh". Nhưng lúc đó có một trong các Thần Sốt Mến bay đến tôi, tay cầm cục than cháy đỏ mà ngài đã dùng cặp lửa gắp ở bàn thờ. Ngài đặt than lửa vào miệng tôi và nói: "Hãy nhìn xem, than lửa này đã chạm đến lưỡi ngươi, lỗi của ngươi được xoá bỏ, và tội của ngươi được thứ tha". Và tôi nghe tiếng Chúa phán bảo: "Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho chúng ta?" Tôi liền thưa: "Này con đây, xin hãy sai con".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 137, 1-2a. 2bc-3.4-5. 7c-8

Ðáp: Lạy Chúa, trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa (c. 1c).

Xướng: Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa, con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài.

Xướng: Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa nhậm lời con, Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh.

Xướng: Lạy Chúa, các vua địa cầu sẽ ca ngợi Chúa, khi họ nghe những lời miệng Chúa phán ra; và họ sẽ ca ngợi đường lối của Chúa: "Thực, vinh quang của Chúa lớn lao!" 

Xướng: Tay hữu Chúa khiến con được sống an lành. Chúa sẽ hoàn tất cho con những điều đã khởi sự. Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Ngài. 

Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 1-11 (bài dài)

"Chúa hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng mà tôi đã rao giảng cho anh em, và anh em đã lãnh nhận và đang tin theo, nhờ đó anh em được cứu độ, nếu anh em tuân giữ lời lẽ tôi đã rao giảng cho anh em, bằng không anh em đã tin cách vô ích. Tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ. Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như với đứa con đẻ non. Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng nay tôi là người thế nào, là nhờ ơn của Thiên Chúa, và ơn của Người không vô ích nơi tôi, nhưng tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả các Ðấng: song không phải tôi, nhưng là ơn của Thiên Chúa ở với tôi. Dù tôi, dù là các Ðấng, chúng tôi đều rao giảng như thế cả, và anh em cũng đã tin như vậy.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: 1 Cr 15, 3-8. 11

"Chúa hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ. Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như với đứa con đẻ non. Dù tôi, dù là các Ðấng, chúng tôi đều rao giảng như thế cả, và anh em cũng đã tin như vậy.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời Con của Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 5, 1-11

"Các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Ðức Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Giênêsarét. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng. Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: "Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá". Ông Simon thưa Người rằng: "Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới". Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm.

Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: "Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi". Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: "Ðừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta". Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Ơn gọi làm Kitô hữu, làm tông đồ Chúa, là một hồng ân lớn lao Thiên Chúa ban cho chúng ta. Với tâm tình cảm tạ, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.

1. “Này tôi đây, xin hãy sai tôi”.- Xin Chúa ban ơn trợ giúp các vị Chủ chăn, để các Ngài luôn biết lắng nghe và làm theo ý Chúa, trong sứ vụ chinh phục các linh hồn về cho Nước Trời.

2. “Này tôi là người thế nào là nhờ ơn Chúa”.- Xin cho các tín hữu hiểu được giá trị của ơn gọi Kitô hữu, để họ tích cực hơn trong việc phát triển đời sống linh ân, hầu đời sống của họ sẽ là lời mời gọi nhiều người đến với Chúa.

3. “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu và thả lưới bắt cá ”.- Xin cho các vị thừa sai biết noi gương Thánh Phêrô, luôn sống tinh thần khiêm tôn vâng phục các giáo huấn của Hội Thánh, để việc Tông Đồ của các ngài đem lại nhiều vinh quang cho Chúa và lợi ích cho các linh hồn.

4. "Từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”.- Xin cho mọi người trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta ý thức lời mời gọi của Đức Kitô, biết mau mắn cộng tác vào công việc chài lưới thiêng liêng, để Nước Chúa mau trị đến.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin giúp chúng con vượt thắng được bản thân trong việc đóng đinh ý riêng vào Thánh Giá Chúa, để chúng con làm cho cộng đoàn giáo xứ chúng con, trở thành một xứ đạo như lòng Chúa mong muốn. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong muôn vật Chúa đã dựng nên, Chúa đã lấy bánh và rượu để nuôi dưỡng loài người; xin cho bánh rượu này cũng trở nên bí tích đem lại cho chúng con sự sống muôn đời. Chúng con cầu xin...

Ca hiệp lễ

Thiên hạ hãy cảm ơn Chúa vì Chúa nhân hậu, và những điều kỳ diệu của Ngài đối với loài người, bởi Ngài đã cho người đói khát được no nê, người cơ hàn được tràn trề thiện hảo.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, thì họ sẽ được no thoả.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh, cùng được uống chung một chén rượu; xin cho cộng đoàn chúng con đây biết thành tâm hiệp nhất trong tình yêu của Ðức Kitô, để nhờ đó mà cả thế giới này được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin...

Suy niệm

CẢM CHO MÌNH – XÓT CHO NGƯỜI
(Chúa Nhật V TN C) - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
“Nemo dat quod non habet - Không ai có thể trao ban điều mình không có”. Câu ngạn ngữ Latinh trở thành như một quy luật mang tính tất yếu. Với trường hợp người được sai đi thì quy luật này càng rõ nét, trước hết với người được gọi là Đấng Thiên Sai, sau là với những người được Thiên Chúa hay Đức Kitô sai đi.

Vào trần gian, Chúa Kitô tin nhận mọi sự của Người là của Chúa Cha và do Chúa Cha ban tặng. Dù biết rằng mình với Chúa Cha là một, nhưng Chúa Kitô luôn ý thức mình bởi Cha mà ra. Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã đặt vào miệng Đức Kitô những lời này: “Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10, 5-7). Biết rằng mọi sự mình là, mình có đều do Chúa Cha ban tặng, vì thế Chúa Kitô đã trao ban lại tất cả cho con người.

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật V TN C này giới thiệu cho chúng chân dung của một ngôn sứ Isaia, một tông đồ Phaolô và Simon Phêrô, người ngư phủ xứ Galilê. Cả ba đều được sai đi và có thể nói cách chung là được sai đi để “đánh lưới người”, tức là đưa con người về với Thiên Chúa, đúng hơn là giúp con người đón nhận tình yêu của Thiên Chúa.

Trở lại với câu ngạn ngữ La tinh ở trên. Một trong những tiền đề để cho người được sai đi có tinh thần nhiệt thành chu toàn sứ mạng đồng thời gặt hái nhiều kết quả, đó là bản thân phải cảm nghiệm ân tình của Thiên Chúa dành cho mình, một ân tình vượt quá công trạng cũng như phận vị của mình.

Trước sự uy nghi chí thánh của Đấng Tối Cao, Isaia đã chân nhận mình “là một người môi miệng ô uế, ở giữa một dân môi miệng ô uế” (Is 6, 5). Trời càng sáng thì các vết nhơ càng tỏ lộ. Diện kiến thánh nhan Đấng Chí Thánh, hẳn nhiên vị ngôn sứ thấy rõ thân phận ô uế, tội nhơ của mình. Thế mà dù chưa mở miệng kêu xin, Thiên Chúa vẫn sai các thần Sêraphim lấy than hồng thanh tẩy ngài: “Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, người đã được tha lỗi và xá tội” (Is 6, 7).

Khi đi rao giảng Tin Mừng, thánh Tông đồ dân ngoại thường công khai thú nhận tội lỗi của mình trước đây là bách hại đạo thánh Chúa. “Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông đồ, tôi không đáng được gọi là Tông đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa” (1Cr 15, 9). Thánh nhân cảm nhận việc Chúa Kitô chọn gọi ngài là một ơn nhưng không và đó cũng là một dấu chỉ để đem niềm hy vọng cho nhiều người (x.Tm 1, 15-16).

Trước uy quyền và nhất là ân tình của Thầy Giêsu, Simon Phêrô đã sấp mặt dưới chân Người mà thưa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5, 8). Là phàm hèn yếu đuối, chỉ mới cho Thầy mượn chiếc thuyền một lát để Thầy giảng đạo, dĩ nhiên là ngoài giờ làm việc, thuyền rảnh, thế mà Thầy đáp lại bằng một mẻ cá lạ lùng, chất đầy hai thuyền nặng gần chìm. Người không chỉ đầy quyền năng mà còn rất đỗi hào phóng. Cảm cho mình thì sẽ biết xót cho người. Để nhiệt thành ra chỗ nước sâu mà thả lưới, thì người được sai đi không thể không cảm nghiệm:

- Tình Chúa thật bao la trước sự yếu đưối, tội lỗi đầy bất xứng của mình. Chúa đã thương yêu chúng ta không phải vì chúng ta đáng yêu hay thánh thiện, công cao, đức dày. Thánh Phaolô đã khẳng định rằng Chúa Kitô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là kẻ phản nghịch cùng Người. Chính nhờ được Chúa yêu thương nên chúng ta mới thành đáng yêu, mới có thể tích đức, lập công. Thánh Gioan Tông đồ xác quyết: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4, 10).

- Quyền năng Chúa thật vô biên trước sự giới hạn, bất tài, kém lực của chúng ta. Trước uy quyền của Thiên Chúa, hẳn nhiên chúng ta dễ nhận ra sự bé nhỏ, giới hạn của mình. Trái với thái độ “ếch ngồi đáy giếng”, khi trí khôn càng phát triển, tầm nhìn càng mở rộng thì con người càng dễ nhận ra ngay mình chỉ là hạt bụi mong manh trước sự mênh mông, bao la của vũ trụ và nhất là trước Đấng làm cho vũ trụ hiện hữu.

- Với người tông đồ thì một trong những tiền đề giúp gặt hái thành công đó là biết đặt niềm tin cậy vào quyền năng của Thiên Chúa. Mọi sự là do bởi ơn Thiên Chúa ban. “Kho tàng ấy, chúng tôi chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2Cr 4, 7). Đối diện với những thách đố cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội, khi tuyên bố triệu tập Công đồng chung Vaticanô II, người ta kể rằng có lần kia sau gần cả giờ bên Nhà Chầu, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã đứng lên và nói: “Giáo Hội này là của Chúa, do Chúa thiết lập. Con đi ngủ đây”.

Điểm đến của người ngôn sứ, người tông đồ hay người đánh cá người thường là “chỗ nước sâu”. “Này Thầy sai anh em đi như chiên con giữa bầy sói” (Lc 10, 3). Để có thể mạnh dạn thưa như Isaia: “Dạ, con đây, xin sai con đi” hay như Phaolô quên hết mọi sự đằng sau mà lao mình về phía trước hay như Phêrô “bỏ hết mọi sự” để đi đánh cá người, thì tiên vàn người được sai đi phải cảm nhận quyền năng và ân tình của Thiên Chúa trên con người yếu đuối và đầy bất toàn của mình. Khi đã cảm cho mình thì sẽ biết xót cho người và rồi chúng ta sẽ mạnh dạn ra đi đánh cá người, không phải bằng sức riêng mình, nhưng bằng chính tình yêu và quyền năng của Đấng Cứu độ, Đấng luôn động viên chúng ta: “Đừng sợ!”. Đừng sợ, vì Thầy sẽ ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế (x.Mt 28, 20). Đừng sợ, vì ơn Thầy luôn đủ cho con và sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của con (x.2Cr 12, 9). Đừng sợ, “hãy can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33).

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột



Đào tạo tông đồ
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật về mẻ cá lạ lùng mà Phê-rô và các bạn được chứng kiến. Đây không phải chỉ đơn thuần là một phép lạ lớn lao cho ta ngưỡng phục quyền năng của Thiên chúa. Nhưng qua dấu lạ này, Chúa Giê-su còn muốn mời gọi ta ra khơi truyền giáo. Và qua tiến trình của phép lạ, Chúa Giê-su đã áp dụng một chương trình đào tạo các môn đệ, đặc biệt là Phê-rô, người đứng đầu các môn đệ. Chương trình đào tạo này gồm 4 điểm.

Điểm thứ nhất: cảm nghiệm về sự nghèo nàn của bản thân. Phê-rô và các bạn đang giặt lưới. Các ông mệt mỏi sau một đêm thức trắng vật lộn với biển khơi. Tâm trạng các ông chán nản sau thất bại chua cay não nề. Thế mà giờ đây, Chúa Giê-su lại bảo các ông ra khơi. Ra tận chỗ nước sâu. Nước sâu là chỗ nguy hiểm. Nước sâu là chỗ Phê-rô đã gặp thất bại. Chúa Giê-su muốn Phê-rô trở lại chỗ nước sâu để nhận thức rõ sự vô tài bất lực của bản thân. Chúa Giê-su muốn Phê-rô nhìn rõ những thất bại để ông biết khiêm nhường. Khiêm nhường là bài học đầu tiên Chúa Giê-su muốn gửi đến các môn đệ của Người.

Điểm thứ hai: cảm nghiệm về sự cao cả của Thiên chúa. Người tông đồ phải làm chứng về Thiên chúa. Muốn làm chứng phải có kinh nghiệm. Ai chưa từng gặp được Thiên chúa, chưa từng tiếp xúc với Người thì không thể làm chứng về Người. Trong những trường hợp đặc biệt, Thiên chúa thường chủ động tỏ mình ra. Chúa tỏ mình ra cho Mô-sê trong bụi gai cháy đỏ. Chúa tỏ mình ra cho thánh Phao-lô qua làn ánh sáng chói lọi trên đường đi Đa-mát. Hôm nay Chúa tỏ mình ra cho Phê-rô qua mẻ lưới lạ lùng. Lập tức Phê-rô nhận biết sự cao cả, sự thánh thiện của Chúa. Sợ hãi vì thấy mình tội lỗi, Phê-rô vội quì xuống xin Chúa rời xa. Phê-rô đã sống bên cạnh Chúa. Ông đã được tiếp xúc với Chúa. Ông đã cảm nghiệm được sự thánh thiện cao cả của Chúa. Sau này ông đi rao giảng chỉ là  để kể lại những gì ông đã mắt thấy tai nghe.

Điểm thứ ba: trong chương trình đào tạo môn đệ của Chúa đó là sự vâng lời tuyệt đối. Phê-rô hẳn là rất ngạc nhiên khi Chúa Giê-su bảo ông ra khơi đánh cá, lại còn chỉ rõ nơi thả lưới. Không ngạc nhiên sao được khi Phê-rô là người miền biển trong khi Chúa Giê-su là người miền núi. Phê-rô làm nghề chài lưới lâu năm kinh nghiệm trong khi Chúa Giê-su chỉ làm nghề thợ mộc. Thế mà khi Chúa Giê-su bảo ông thả lưới bên phải thuyền, ông đã tăm tắp làm theo. Phê-rô đã vâng lời tuyệt đối. Phê-rô đã học được thái độ vâng lời của người môn đệ. Ông đã thành công. Ông đã thấy kết quả rõ ràng. Và Chúa đã đặt ông làm tông đồ trưởng.

Điểm sau cùng mà Chúa muốn người môn đệ phải có đó là sẵn sàng ra đi. Ra đi là một thái độ liều lĩnh. Vì vượt qua những khoảng không gian vật lý cheo leo. Ra khơi là chấp nhận đối đầu với phong ba bão táp. 

Vượt qua những khoảng không gian vật lý đã khó. Vượt qua những khoảng không gian tâm lý còn khó hơn. Ra đi là bỏ nơi an toàn để đến nơi bấp bênh. Ra đi là bỏ nơi quen biết để đến nơi xa lạ. Lên đường truyền giáo là bỏ lại tất cả : gia đình, thuyền bè, chài lưới. Bỏ cả nghề nghiệp cũ đã thành thạo để bắt tay vào nghề mới còn chập chững. Bỏ lưới cá để chài người.

Nhưng khó nhất chính là ra khỏi chính mình. Dù có đi xa ngàn dặm nhưng vẫn giữ những thói tật xưa cũ thì người ta vẫn còn ở khởi điểm.  Muốn lên đường người môn đệ phải ra khỏi tính tự ái tự mãn của mình. Ra khỏi những quan niệm xưa cũ hẹp hòi. Ra khỏi những ảo tưởng viễn vông. Ra khỏi thói ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân.

Khi đã từ bỏ tất cả, người môn đệ sẽ trở nên hoàn toàn nghèo nàn. Gia tài chỉ có niềm cậy tin phó thác hoàn toàn vào Đấng kêu gọi ta. Vũ khí chỉ có lòng vâng phục tuyệt đối vào Đấng sai ta.

Mỗi người đang được Chúa huấn luyện. Bao lâu ta chưa cảm nghiệm được sự hèn kém của bản thân, chưa cảm nghiệm được sự thánh thiện cao cả cũng như tình yêu của Thiên chúa, chưa có niềm vâng phục tuyệt đối, chưa ra đi trong tự do và khó nghèo, ta vẫn chưa thực sự trở thành môn đệ của Chúa. Chưa được đào tạo kỹ lưỡng mà đã làm việc thì phần thành công chắc chắn sẽ ít hơn phần thất bại.
 
Lạy Chúa, xin hãy dạy bảo con theo đường lối của Chúa. Amen
 
III. KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Bạn có tuyệt đối vâng lời Chúa trong mọi hoàn cảnh không?
2- Bạn có cảm nghiệm về sự vô tài bất lực của mình không?
3- Bạn đã ra đi khỏi chính mình chưa?
4- Bạn có cảm thấy Chúa có chương trình đào tạo mình không?


 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...