5 câu hỏi, cho một Bài Giảng Lễ tốt
Lời Chúa là một mầu nhiệm, và thực tế đã cho thấy các Bài Giảng Lễ cũng trở thành một “mầu nhiệm” không kém.
5 CÂU HỎI CHO MỘT BÀI GIẢNG LỄ TỐT
Lời Chúa là một mầu nhiệm, và thực tế đã cho thấy các Bài Giảng Lễ cũng trở thành một “mầu nhiệm” không kém. Thiển nghĩ, một Bài Giảng Lễ tốt, phải trả lời được các câu hỏi sau: (1) Bài Giảng Lễ có theo sát Phụng Vụ của ngày lễ hôm đó không? (2) Bài Giảng Lễ có quy hướng về Đức Kitô và Thập Giá Đức Kitô không? (3) Bài Giảng Lễ có sử dụng các phương tiện, cách thức, và phương pháp thích hợp để truyền giảng Lời Chúa không? (4) Bài Giảng Lễ có theo những nguyên tắc chú giải chính thống của Hội Thánh không? (5) Bài Giảng Lễ có tính mục vụ với những chỉ dẫn thực hành cụ thể không?
Bài Giảng Lễ phải theo sát Phụng Vụ của ngày lễ hôm đó, bởi vì, tất cả các yếu tố của ngày lễ hôm đó đã được các nhà phụng vụ nghiêm túc lựa chọn, để làm nên một chỉnh thể thống nhất từ Ca Nhập Lễ, Lời Tổng Nguyện, Các Bài Đọc, Câu Xướng-Đáp Đáp Ca, Câu Tung Hô Tin Mừng… Không phải ngẫu nhiên, tình cờ, hay chọn đại mà có được một chỉnh thể thống nhất như thế. Nếu không theo sát Phụng Vụ, chúng ta sẽ dễ rơi vào tình trạng lười lĩnh trong việc suy niệm Lời Chúa: Chúng ta sẽ có một “bài tủ”, chẳng hạn, “vâng lời Thầy con thả lưới”, rồi từ bài giảng “vâng phục” này, chúng ta sẽ có một “bài giảng vạn năng”, cứ hễ, gặp bất cứ bài Tin Mừng “vâng phục” nào, như về Đức Maria, thánh Giuse, Ápraham… chúng ta đều đem “bài tủ” ra “chém gió”, mà bất chấp bối cảnh của Phụng Vụ ngày lễ hôm đó. Lời Chúa là Bánh Hằng Sống, có đủ mọi mùi vị thơm ngon, chứ không chỉ có một mùi vị duy nhất.
Bài Giảng Lễ phải quy hướng về Đức Kitô và Thập Giá Đức Kitô, bởi vì, chúng ta được cứu độ là nhờ đức tin, nhưng, không phải đức tin chung chung, mà là, đức tin vào Đức Kitô; chúng ta được cứu độ là nhờ ân sủng, nhưng, không phải ân sủng chung chung, mà là, ân sủng của Đức Kitô. Do đó, nếu Bài Giảng Lễ không đá động gì tới Đức Kitô, không quy về Thập Giá của Đức Kitô, thì đó chỉ là một bài giảng luân lý thông thường: dạy ăn ngay ở lành, dạy sống các nhân đức: bác ái, khiêm nhường, biết ơn, tha thứ… Những bài giảng luân lý như thế chỉ mới dừng lại ở lời của con người, chứ chưa phải là Lời của Thiên Chúa.
Bài Giảng Lễ phải sử dụng các phương tiện, cách thức, và phương pháp thích hợp để truyền giảng Lời Chúa, bởi vì, nội dung có sâu sắc đến đâu, mà phương tiện, cách thức truyền tải kém, thì cũng không thể đạt được hiệu quả của một bài giảng tốt. Chẳng hạn, nói quá nhỏ, cộng đoàn không nghe được; hét quá to làm “đinh tai nhức óc” người khác; nói quá dài, lủng củng, rời rạc, không có ý tứ, không có bố cục rõ ràng làm cho người nghe cảm thấy buồn ngủ, nhàm chán. Những bài giảng như thế, chưa đạt được những nguyên tắc căn bản của việc truyền tải thông thường nữa, chứ đừng nói gì tới việc xác tín: “tin” điều mình đọc, “dạy” điều mình tin, “sống” điều mình dạy.
Bài Giảng Lễ phải tuân theo những nguyên tắc chú giải chính thống của Hội Thánh, bởi vì, Lời Chúa là một mầu nhiệm, có nhiều câu, nhiều đoạn rất khó hiểu, cần phải được chú giải. Một bài giảng có chú giải sẽ kích thích óc tò mò, gây hứng thú cho người nghe. Chẳng hạn, câu Lời Chúa: “Những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21,31). Nếu cụm từ “Nước Thiên Chúa” được chú giải để cho thấy một sự khác thường mà thánh sử Mátthêu cố ý dùng. Tin Mừng Mátthêu được viết cho người Dothái với những kiêng kỵ về phạm úy, nên thánh nhân đã sử dụng từ “Nước Trời” (βασιλεία τῶν οὐρανῶν), thay vì, “Nước Thiên Chúa” (βασιλεία τοῦ θεοῦ). Cụm từ “Nước Thiên Chúa” chỉ được thánh Mátthêu sử dụng 4 lần trong suốt Tin Mừng của ngài (x. Mt 12,28; 19,24; 21,31; 21,43), và thánh Gioan cũng chỉ sử dụng 2 lần duy nhất (x. Ga 3,3.5). Chú giải được dụng ý của thánh Mátthêu khi cố tình dùng cụm từ “Nước Thiên Chúa” trong câu Thánh Kinh trên sẽ không chỉ: giúp người nghe có thêm được những hiểu biết sâu sắc về sứ điệp Tin Mừng, mà còn: làm cho bài giảng thêm phần phong phú, sinh động, và hấp dẫn người nghe.
Bài Giảng Lễ phải có tính mục vụ với những chỉ dẫn thực hành cụ thể, bởi vì, mục đích chính yếu của việc công bố và giảng giải Lời Chúa là giúp cho những người nghe biết: Chúa muốn nói gì với họ, mời gọi họ thực hành điều gì để làm đẹp ý Chúa, như Đức Giêsu đã nói: Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy (x. Ga 4,34). Lương thực là để nuôi sống, ăn Lời Chúa, làm theo những gì Chúa dạy, thì sẽ được sống. Do đó, bài giảng lễ cuối cùng phải đưa ra được những chỉ dẫn, những thực hành cụ thể, để sau Thánh Lễ, những người tham dự, khi trở về môi trường sống của mình, họ đem ra thực hành những gì mà sứ điệp Lời Chúa đã mời gọi họ. Một Bài Giảng Lễ nói đủ mọi điều, được góp nhặt từ mọi ngóc ngách, nhưng, không chốt được những gì chính yếu, và không đưa ra được những thực hành cụ thể, thì đó chỉ là một mớ hỗn độn vô dụng, thà là, một túp lều tranh mà còn che mưa che nắng được, chứ, tha bê tông, sắt, thép… về rồi để hỗn mang, thì chỉ là một đống “xà bần” không làm chi được.
Tóm lại, Thánh Kinh chỉ thực sự trở thành Lời Chúa, khi Thánh Kinh được đọc trong lòng Hội Thánh, nhất là, được cất lên trong Phụng Vụ Thánh. Ngoài Hội Thánh, Thánh Kinh chỉ là mớ giấy lộn, bởi vì, văn tự, chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới làm cho sống (x. 2Cr 3,6). Lời Chúa là Thần Khí, là sự sống, chứ không phải là văn tự chết. Do đó, để một Bài Giảng Lễ thực sự trở thành một bài giảng giải Lời Chúa, chúng ta (1) phải đọc và suy niệm Lời Chúa trong bối cảnh của Phụng Vụ, (2) phải quy hướng về Đức Kitô và Thập Giá của Người, (3) phải vận dụng những phương tiện và phương pháp thích hợp để truyền tải Lời Chúa, (4) phải đọc và suy niệm Lời Chúa theo truyền thống của Hội Thánh, chứ không theo chủ nghĩa Duy Thánh Kinh (Sola Scriptura), và cuối cùng, (5) phải rút ra được những bài học cụ thể mà Chúa muốn chúng ta thực hiện trong cuộc sống hằng ngày.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB