Chúng ta có Cha Trên Trời…

Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3, 22).

Chúa Nhật – Lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa
Chúng ta có Cha Trên Trời…

tbd 110125a

Từ khi Chúa Giê-su sinh ra, cho đến lúc ra đi loan báo Tin Mừng, có một vài sự kiện đặc biệt đã xảy ra trong cuộc đời của Ngài. Những sự kiện đó được ghi lại trong các sách Tin Mừng (Phúc Âm) và được Giáo Hội đưa vào lịch phụng vụ, hằng năm.

Sự kiện đầu tiên được nhắc đến, đó là câu chuyện: “Đức Giê-su trốn sang Ai Cập”. Sự kiện này, lịch phụng vụ ghi là lễ “Các thánh Anh Hài tử đạo”. Lễ các thánh Anh Hài tử đạo được thiết lập là dựa vào câu chuyện có một số trẻ em ở Belem, trong thời điểm Chúa Giê-su sinh ra, đã bị vua Hê-rô-đê giết chết.

Chuyện điên rồ này xảy ra do từ một nguồn tin của mấy nhà chiêm tinh, đã loan tin rằng: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? (và họ muốn) tìm đến bái lạy Người”. Nguồn tin này lọt đến tai Hê-rô-đê, một ông vua đang tại vị, lúc đó.

Vua Hê-rô-đê liền triệu tập các thượng tế và kinh sư hỏi cho ra lẽ. Kết quả cho biết là “ở Belem”. Thế là, trong khi mấy nhà chiêm tinh vui mừng lên đường đi Belem, thì bạo chúa Hê-rô-đê rơi vào cơn hoảng sợ. Ông ta sợ con trẻ này lớn lên sẽ cướp ngôi mình.
Trong nỗi hoảng sợ, ông ta “sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Belem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.” (x.Mt 2, 16-17).

Hài Nhi Giê-su, vào thời điểm đó, đã cùng thánh Giu-se và Mẹ Maria “vượt biên” qua Ai-cập.

Kế tiếp là “lễ Thánh Gia”. Với lễ Thánh Gia, chúng ta được biết đến đôi chút về những sinh hoạt đời thường trong gia đình của “Hài Nhi Giê-su, Đức Maria và thánh Giuse” mà nay chúng ta gọi là Gia Thất Thánh.

Vào năm ngoái (năm B), Giáo Hội, qua phần phụng vụ Lời Chúa, cho chúng ta thấy hình ảnh một gia thất thánh, tuân thủ lề luật “đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa”, như luật đã dạy.

Còn năm nay (năm C), chúng ta được nghe câu chuyện Chúa Giê-su cùng cha mẹ trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem. Qua câu chuyện này, chúng ta thấy được một gia thất thánh, không thánh bởi những lời đồn thổi, nhưng bởi cách sống, sống vâng theo ý Cha Trên Trời.
Sau lễ Thánh Gia là lễ “Chúa Hiển Linh”. Đây là sự kiện “Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giê-su Hài Nhi”.

Và, cuối cùng là Chúa Nhật hôm nay 12/01/2025. Hôm nay, Giáo Hội nhắc đến một sự kiện rất đặc biệt, đã xảy ra với Chúa Giê-su, đó là sự kiện: “Chúa Giê-su chịu phép rửa”.

**
Vâng, Chúa Giê-su đã chịu phép rửa. Nơi Ngài chịu-phép-rửa, không phải trong một hội đường nào đó, mà là ở sông Gio-đan. Người làm phép rửa cho Chúa Giê-su, không phải là một vị tư tế, nhưng là do ông Gio-an, người được biết đến là anh em họ với Ngài, thực hiện.

Theo lời thánh sử Luca ghi lại: “Hồi ấy, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Messia!” (x.Lc 3, 15).

Tại sao dân chúng lại “tự hỏi”, như thế! Thưa, vì họ thấy ông Gio-an đã “đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.” (Lc 3, 3).

Điều dân chúng tự hỏi cũng là điều một số người khác dùng để chất vấn ông Gio-an. Thật vậy, có một số người thuộc phái Pha-ri-sêu đã chất vấn ông Gio-an rằng: “Tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô?” (Ga 1, 25).

Chuyện là thế đấy! Để tránh sự hiểu lầm nơi dân chúng, cũng như những lời “cự nự” của mấy ông kẹ Pha-ri-sêu, ông Gio-an đã thẳng thắn nói với mọi người, rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3, 16 & Ga 1, 26).

Những lời trần tình của ông Gio-an có làm giảm đi nỗi băn khoăn của dân chúng! Thưa, không thấy thánh sử Luca nói gì. Nhưng, chúng ta có thể nghĩ rằng, người băn khoăn lại chính là ông Gio-an.

Ông Gio-an băn khoăn điều gì? Thưa, đó là sự xuất hiện của Giê-su người Na-da-rét. Vâng, hôm ấy, Chúa Giê-su đã đến sông Gio-đan. Và “Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa…” Đó… đó chính là điều làm ông Gio-an băn khoăn.

Thánh sử Luca không nói, nhưng ngài Mát-thêu cho biết, “Đức Giê-su (đã) đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình” (x.Mt 3, 13). Ông Gio-an đã “một mực can Người và nói: Chính tôi mới cần Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi” (Mt 3, 14). Nhưng, Đức Giê-su trả lời, rằng: “Bây giờ cứ thế đã…”.

Vâng, cứ-thế-đã. Và rồi, hôm ấy, tại sông Gio-đan đã xảy ra điều huyền diệu. Chuyện được thánh sử Luca ghi lại rằng: “đang khi (Đức Giê-su) cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dạng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3, 22).

***
Chúng ta vừa nghe lại trích đoạn Tin Mừng thánh Luca, nói về sự kiện Chúa Giê-su “chịu phép rửa”. Dựa vào sự kiện này, Giáo Hội thiết lập ngày lễ “CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA”.

Nói tới ngày lễ này, Lm. Charles E.Miller có lời chia sẻ, rằng: “Theo lịch phụng vụ, lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa kết thúc cuộc cử hành Giáng Sinh của Giáo Hội, nhằm nhắc nhở rằng Người giáng trần là để cứu chuộc chúng ta. Phép rửa Người chịu bởi ông Gio-an Tẩy Giả đánh dấu khởi đầu sứ vụ công khai của Người, mà chóp đỉnh là hy lễ Vượt Qua, cái chết và sự sống lại của Người.”

Chưa hết, ngài Lm. còn thêm lời rằng: “Chúa Giê-su được sinh ta là để chịu chết. Người đến thế gian để hiến mình làm của lễ hy sinh vẹn toàn, vô tì tích lên Cha Trên Trời hầu có thể cứu rỗi toàn thể nhân loại.”

Ngài Bishop Donald J. Hying, cũng cùng suy tư như thế. Vâng, qua phần mở đầu bài viết: “What Is the Meaning of Jesus’ Baptism? - PHÉP RỬA CỦA ĐỨC GIÊSU CÓ Ý NGHĨA GÌ?”, ngài Bishop suy tư như sau: “Những người Kitô hữu chúng ta suy ngắm và cử hành biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa theo những phương diện đáng chú ý: về mặt Phụng vụ, là thời điểm kết thúc mùa Giáng Sinh; về lòng đạo đức, là Mầu nhiệm đầu tiên của Năm Sự Sáng trong kinh Mân côi; và về phương diện thần học, như một lăng kính Kinh thánh về ý nghĩa của phép rửa Kitô giáo.” (nguồn: internet).

Tưởng chúng ta cũng nên nghe lời chia sẻ của ngài TGM. Giuse Vũ Văn Thiên. TGM. Giu-se có lời chia sẻ rằng: “Nhân vật Gioan Tẩy giả được nhấn mạnh trong Mùa Vọng, hôm nay lại xuất hiện. Trong dòng sông Gio-đan, Chúa Giêsu đã lãnh nhận phép rửa bởi “vị ngôn sứ cuối cùng” này.

Giữa sa mạc khô cằn, một dòng chảy là biểu tượng cho sự canh tân phục hồi. Đây cũng là biểu tượng của sự sống. Phép rửa ông Gioan và các môn đệ ông thực hiện chỉ là nghi thức sám hối. Chúa Giêsu đã hoà mình vào dòng người khiêm nhường nhận mình là những tội nhân, để được ông Gioan rửa, mặc dù Người là Thiên Chúa chí thánh, Đấng không hề biết đến tội lỗi, như thánh Phaolô đã viết: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Ngài thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Ngài” (2 Cr 5, 21).

Những lời chia sẻ của các vị đáng kính, nêu trên, không thể không nói rằng: nó đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn, rõ hơn tại sao Chúa Giê-su “cũng chịu phép rửa”.

Thế nên, đừng “băn khoan” về việc Chúa Giêsu, có tội tình gì đâu, thế mà Ngài đã “chịu phép rửa”, một phép rửa tỏ-lòng-sám-hối-để-được-ơn-tha-tội. Nhưng, hãy ghi khắc trong con tim mình, rằng: Chúa sẵn lòng “dìm mình xuống” (hồi đó dìm mình xuống nước là nghi thức chịu phép rửa), là để gánh-lên-tội-lỗi-trần-gian.

****
Như đã nói ở trên, Chúa Nhật hôm nay (12/01/2025), toàn thể Giáo Hội long trọng cử hành lễ kính “Chúa Giê-su chịu phép rửa”. Cử hành lễ kính này, không chỉ để nhìn lại một biến cố lịch sử, một biến cố của những nhiệm mầu, nhưng còn là để nhớ đến việc mỗi chúng ta cũng đã “chịu phép rửa”, một phép rửa được nâng lên hàng “Bí Tích – Bí Tích Rửa Tội”.

Nhớ đến việc đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội để chúng ta đừng quên rằng, chúng ta “cũng được gọi là con Thiên Chúa”. Đây là một ân huệ, “một ân huệ của Thiên Chúa” thánh Phao-lô nói như thế. (x.Ep 2, 8).

Trong thư gửi tín hữu thành Roma, ngài tông-đồ-dân-ngoại nhấn mạnh: "Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: ‘Abba !Cha ơi!’. Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng: chúng ta là con cái Thiên Chúa.” (Rm 8, 15-16).

Vâng, chúng ta “Được tái sinh làm con Thiên Chúa”. Chưa hết, chúng ta còn “Được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô nhờ một ấn không thể xóa nhòa.” (GL. đ. 849).

Vì đã… lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Vì là… nhờ-một-ấn-không-thể-xóa-nhòa. Thế nên, thật phải đạo khi chúng ta để cho tâm hồn mình, trở về trong thinh lặng và tự hỏi, rằng: Sau bao nhiêu năm đã là con cái Chúa, chúng ta có được-nên-đồng-hình-đồng-dạng-với-Chúa-Giêsu, “chút nào không”?

Vâng, câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, nếu chúng ta “chưa” đồng-hình-đồng-dạng-với-Chúa, chúng ta sẽ mất diễm phúc được Cha Trên Trời tuyên phán, như đã tuyên phán với Đức Giê-su tại sông Gio-đan, rằng: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”.

Thế nên, khi đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Khi đã được tái sinh làm con Thiên Chúa. Chúng ta không thể không đồng-hình-đồng-dạng-với-Chúa. Mà, muốn đồng-hình-đồng-dạng-với-Chúa, nào có khó gì đâu!

Không khó đâu! Chúa Giê-su nghĩ gì, ta nghĩ như Chúa. Chúa Giê-su nói gì, ta nói như Chúa. Chúa Giê-su làm gì, ta làm như Chúa. Chúa Giê-su nghĩ, Chúa Giê-su nói, Chúa Giê-su làm… tất cả những điều đó đều đã được ghi trong Kinh Thánh – Kinh Thánh Tân Ước, thưa quý vị!

Do vậy, hãy đọc Kinh Thánh, vì “Đó Là Lời Chúa”. Và, một khi có Lời Chúa trong tâm hồn mình, chúng ta sẽ nghĩ, sẽ nói, sẽ làm… như Chúa Giê-su.

Có lời Chúa dẫn dắt, chúng ta sẽ không còn nghĩ, không còn nói, không còn làm “những điều trái ngược với Thần Khí”. Nói rõ hơn, chúng ta sẽ không còn nghĩ, không còn nói, không còn làm. “những việc do tính xác thịt gây ra”, đại loại như: “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, v.v…”

Nghĩ, nói, làm… những điều nêu trên, thánh Phao-lô khuyến cáo: “Sẽ không được thừa hưởng Nước Trời” (x.Gl 19-21) Không được thừa hưởng “của hồi môn là Nước Trời”, coi như chúng ta “mất toi” danh phận là con cái của Chúa, đúng không?

Ngoài Lời Chúa ra, chúng ta còn phải đến nhà thờ. “Nhà Thờ”, Lm. Charles nói: “Là Giê-ru-sa-lem của chúng ta”. Vì vậy, sẽ thật khôi hài khi chúng ta đã “chịu phép rửa” nhưng lại không thích đến Nhà Thờ.

 Không đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ, Lm Charles E.Miller khôi hài nói: “cũng giống như tay chơi vĩ cầm mà chẳng bao giờ mó tới cây đàn của mình”.

Đến nhà thờ, chúng ta còn có thêm một cơ hội, cơ hội được-nên-đồng-hình-đồng-dạng-với-Chúa-Giêsu, qua Bí Tích Thánh Thể.

Lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, chúng ta biết rồi, đó là nhận lãnh chính Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô. Và đó là điều rất cần thiết, bởi vì, Chúa Giê-su đã nói: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.”

Ta ở lại trong Chúa, Chúa ở lại trong ta, không có lý do gì chúng ta lại không được-nên-đồng-hình-đồng-dạng-với-Chúa.

Như vậy, chúng ta đã có câu trả lời. Đúng ra thì phải nói, Chúa đã trả lời cho chúng ta. Điều còn lại là chúng ta nghe và thực hành. Có như thế, vào ngày quang lâm, Chúa Giê-su mới “chỉ vào (chúng ta) và nói: “Đây là anh em tôi”. (Mt 12, 49).

Khi đã là anh em của Chúa Giê-su, Cha Trên Trời sẽ âu yếm gọi chúng ta: Này con… con là con Cha. Nói cách khác, khi đã là anh em của Chúa, chúng ta có Cha Trên Trời.

Vâng, hãy ghi khắc trong con tim mình: “Chúng ta có Cha trên Trời”.

Petrus.tran

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...