Đứng Thẳng và Ngẩng Đầu Lên

“Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21,28).

Đứng Thẳng và Ngẩng Đầu Lên

(Thứ Năm sau Chúa Nhật XXXIV TN – Đn 6,11-27; Lc 21,20-28)

Gian truân, khốn khó luôn đeo bám kiếp người đến độ anh em Phật tử cảm nhận “đời là bể khổ”. Nhiều thi nhân cũng đồng cái nhìn không mấy lạc quan về cõi trần này:

“Thoạt sinh ra, thì đà khóc chóe

Trần có vui, sao chẳng cười khì” (Nguyễn Công Trứ)

Theo nhãn quan đức tin của Kitô hữu thì vũ trụ vạn vật, cách riêng thế giới này được dựng nên vốn tốt đẹp. Tuy nhiên do bởi tội lỗi mà thế giới loài người đã dần biến dạng. Các nỗi khó khăn do quy luật tự nhiên vẫn có đó nhưng chính tội lỗi đã biến chúng thành đau khổ cho con người, loài biết suy tư, phản tỉnh. Bên cạnh đó chính do việc lạm dụng tự do, con người lại gây đau khổ cho nhau đủ điều dưới nhiều hình thức độc tôn, độc quyền, chiến tranh, bóc lột, đàn áp…

Bài đọc thứ nhất trích sách Đanien tường thuật sự độc tôn của Đariô, vua Ba Tư. Theo sự nịnh hót, tâng bốc của các quan thuộc quyền, Đariô tìm mọi cách để bắt dân chúng tôn thờ mình như một vị thần. Không riêng gì các vua chúa ngày xưa mà ngay cả hôm nay, một khi đã nắm quyền cao thì người ta muốn giữ mãi sự độc quyền và một trong những cách thế xem ra hiệu quả đó là bắt thần dân suy tôn mình như vị lãnh tụ thần thánh. Ngôn sứ Đanien là một trong những người hứng chịu hậu quả do sự độc tôn của vua Đariô mà sách thánh tường thuật là do âm mưu thâm độc của các quan đại thần ganh tương đố kỵ. Trong cơn hoạn nạn Đanien vẫn kiên trì cậy trông vào Thiên Chúa. Thế dáng đứng thẳng là biểu tượng của sự bền bỉ, kiên tâm. Đầu ngẩng lên là biểu tượng của tấm lòng luôn giữ vững niềm hy vọng.

Bài Tin Mừng tường thuật những lời tiên báo của Chúa Giêsu về những nỗi khốn cùng mà dân Chúa xưa, cách riêng dân thành Giêrusalem sắp phải chịu do bởi ngoại bang là đế quốc Rôma. Cục diện thế sự của nước Israel thời bấy giờ khiến Chúa Giêsu có một cái nhìn về tương lai gần thật ảm đạm. Qua sự sụp đổ của thành Giêrusalem, Chúa Giêsu nói đến ngày chung tận của thế giới này. Và Người cho chúng ta biết những dấu chỉ báo trước cái ngày ấy đó là sự xáo trộn, hỗn độn trong thiên nhiên và xã hội.

Trước những hiện tượng tai ương bất thường thì tâm lý của con người là hoảng loạn, sợ hãi. Vì sợ hãi và hoảng loạn thì chúng ta rất có thể có những hành vi thiếu suy xét, thậm chí là khờ dại vì tuyệt vọng. Chúa Giêsu hiểu rõ điều ấy nên Người căn dặn: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21,28).

Làm thế nào để giữ được sự kiên tâm là thế dáng đứng thẳng và niềm hy vọng là việc ngẩng đầu lên khi gặp phải các tai ương hoạn nạn? Thiết tưởng rằng chìa khóa giải đáp vấn nạn chính là lòng tin. Chính nhờ lòng tin vào Đấng Quyền Năng không bao giờ bỏ rơi người tín trung nên ngôn sứ Đanien đã vượt qua móng vuốt của sư tử. Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy vững lòng tin tưởng rằng khi Chúa đến trong ngày tận cùng của thế giới hay trong ngày cuối đời mỗi người thì Chúa sẽ như ông chủ đặt chúng ta vào bàn và thắt lưng, đi lại hầu hạ chúng ta, dĩ nhiên với điều kiện là chúng ta biết tỉnh thức và sẵn sàng (x.Lc 12,35-37).

Để giúp nhau có được chút lòng tin này thì ước gì Kitô hữu chúng ta hãy là một Đức Kitô khác sẵn sàng hiện diện và đồng hành với những anh chị em đang gặp khốn khó, đau thương. Những khi gặp cảnh bĩ cực gian nan mà được ai đó thực tâm đồng hành, sẻ chia, nâng đỡ thì chúng ta sẽ dễ dàng hơn để đứng thẳng và ngẩng đầu lên. Sự hiện diện của các tình nguyện viên với bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện là một minh chứng cho hiện thực này.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...