Giêsu – Ngài là Vua đời con
Đức Giáo Hoàng Piô XI, vào ngày 11/10/1925, đã thiết lập một ngày lễ để tôn vinh CHÚA GIÊSU KITÔ VUA.
Lễ Đức Giê-su Ki-tô Vua
Giêsu – Ngài là Vua đời con
“Ôi Giêsu! Chúa Giêsu là Vua. Chúa muôn thuở là Vua. Chúa muôn thuở là Vua (muôn vua)… Ôi Giê-su! Khi nghe tên thánh Chúa Giê-su, các tầng trời bừng sáng, các tà thần chạy trốn, khắp trái đất khiếp run. Ôi Giê-su! Nơi thiên cung tiếng hát vang hô, nơi dương gian gối uốn lạy thờ. Thờ lạy Chúa Giê-su, Người là Chúa các chúa.” Những dòng chữ trên đây là trích đoạn bài thánh ca “Giê-su Vua”. Tác giả Lm. Huyền Linh.
Vâng, cất tiếng hát “Chúa Giê-su là Vua” chính là cất lên lời tán dương chúc tụng hồng ân Thiên Chúa đã ban cho nhân loại Con Một của Người. Con Một của Người “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Và, “những ai đón nhận tức là những ai tin vào danh Người thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.”
Chúa Giê-su là Vua hay Đức Giê-su Ki-tô là Vua cũng đã được Giáo Hội đặt tên cho một thánh lễ trong lịch Phụng Vụ, hàng năm. Trước trào lưu con người chủ trương tiêu diệt Thiên Chúa, hô hào trục xuất Thiên Chúa ra khỏi gia đình, ra khỏi học đường, ra khỏi xã hội, ra khỏi quốc gia, từ bỏ quyền trở nên con Thiên Chúa, Đức Giáo Hoàng Piô XI, vào ngày 11/10/1925, đã thiết lập một ngày lễ để tôn vinh CHÚA GIÊSU KITÔ VUA.
Sự tôn vinh này như một cách minh định rằng: Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, và là Thiên Chúa thật, Ngài là Vua vũ trụ, Vua muôn loài, là Vua của tất cả mọi người, của mọi dân tộc, của mọi quốc gia.
Thật ra, không đợi hôm nay để Giáo Hội công bố với thế giới rằng, Chúa Giêsu là Vua. Nhưng là ngay từ khi bắt đầu chương trình cứu độ, Thiên Chúa đã sai sứ thần Gabrien đến một thành miền Galilê gọi là Nazareth, gặp một trinh nữ tên là Maria và báo tin rằng: “bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu, Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao, Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua David, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1, 31-33).
Lời loan báo của sứ thần Gabien đã thành sự thật. Vâng, sự thật là tại Belem miền Giu-đê, bà Maria đã “sinh con trai đầu lòng” (x.Lc 2, 7). Người con ấy được đặt tên là Giê-su. Chẳng bao lâu sau khi con trẻ sinh ra, đã có “mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem” tìm con trẻ. Quý ông chiêm tinh đã gọi con trẻ là “Đức Vua”. Đến Giê-ru-sa-lem, quý ông đã hỏi: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” Nhờ lời chỉ dẫn của các thượng tế và kinh sư, họ được biết “Belem, miền đất Giu-đa… là nơi vị lãnh tụ… sẽ ra đời”. Thế là, quý ông chiêm tinh đã đến tận nơi, “và sấp mình thờ lạy Người”. (x.Mt 2, 6…11). Sấp mình thờ lạy Ngài, vì họ gọi Ngài là Đức Vua.
**
Trong những ngày còn tại thế, Đức Giê-su đã được không ít người (gián tiếp) gọi là vua: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít”. Điển hình là người đàn bà xứ Ca-na-an. Rồi đến hai người mù tại Giê-ri-khô. Và, một anh mù cũng tại Giê-ri-khô tên là “Ba-ti-mê, con ông Ti-mê”. Tất cả những người này, khi gặp Đức Giê-su, họ đều lớn tiếng kêu lên, rằng: “Lạy Ngài, lạy Con vua Đa-vít.”
Gọi Đức Giê-su là Con-vua-Đa-vít, đó là một danh xưng cao trọng. Một danh xưng cao trọng đủ để nói rằng, những người kêu xin đã thừa nhận thần tính, quyền cai trị và nhất là quyền năng của Ngài.
Tuy nhiên, những lời phát ngôn (nêu trên) chỉ là những phát ngôn cá nhân. Tung hô Đức Giê-su là Vua còn là một tập họp của hàng trăm, hàng trăm người, khác nữa. Đó là hôm Ngài cùng các môn đệ lên Giê-ru-sa-lem. Chuyện kể rằng: “Nghe tin Đức Giê-su tới… họ cầm nhành lá thiên tuế ra đón Người và reo hò: Hoan hô! Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng Vua Israel” (x.Ga 12, 12-13).
Đức Giê-su là Vua. Ngài được gọi là Vua Israel. Thế nhưng lạ lùng thay, cách Vua Giêsu lên ngôi, không giống như cách lên ngôi của những ông vua trần thế, những lãnh tụ trần thế.
Những ông vua trần thế, những lãnh tụ trần thế lên ngôi thường dùng thủ đoạn, đại loại như gian lận trong bầu cử. Hoặc dùng sức mạnh của họng súng… của bạo lực để cướp chính quyền. Rất… rất nhiều chiêu trò quỷ quyệt họ dùng tới để “đoạt ngôi”.
Còn Vua Giêsu ư! Thưa, Ngài lên ngôi vua bằng chính “tình yêu thương”, một thứ tình yêu đã được Ngài công bố: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu, người liều mạng sống vì người mình yêu”.
Mà, quả thật, Vua Giê-su đã hy-sinh-mạng-sống-mình-vì người-mình-yêu. Ngài đã hy sinh mạng sống mình tại “Đồi Sọ”. Hôm ấy, với cảnh chiều lộng gió, không một tiếng kèn, tiếng trống hay tiếng tung hô… Trái lại bàn dân thiên hạ chỉ nghe thấy “tiếng chày tiếng búa nện đinh”.
Tại sao lại là tiếng-búa-nện-đinh? Thưa, “Họ đóng đinh Ngài vào thập giá”. Đóng đinh Đức Giê-su vào thập giá chỉ vì Ngài công bố rằng: Từ nay “Con Người sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng.” Vâng, trước mặt các thượng tế, Đức Giê-su xác nhận “Con Thiên Chúa… chính (là) tôi đây.” (x.Lc 22, …71). Là thế đấy! Và, đó là lý do các thượng tế đã kết án tử đối với Ngài.
Hơn bảy trăm năm trước, ngôn sứ Mikha tiên báo rằng, “Phần ngươi, hỡi Belem Epratha… từ nơi ngươi… sẽ xuất hiện một vị có sứ mạng thống lĩnh Israel” (Mk 5, 1). Và, hôm nay, trước mặt quan tổng trấn Phi-la-tô, khi ông ta buông lời hỏi Ngài rằng: “Ông có phải vua dân Do Thái không?” Đức Giê-su đáp lời: “Chính ngài nói… Chính ngài nói rằng tôi là vua”.
Quan tổng trấn Philatô chắc chắn chột dạ trước câu trả lời này. Và, ông ta đã thực hiện đúng điều ông ta hỏi Đức Giê-su. Thật vậy, vây quanh đồi Sọ, là hàng trăm, hàng trăm người với những tiếng hò hét “buông lời cười nhạo: Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô, là người được tuyển chọn.”
Bàn dân thiên hạ như thế đó. Và, lính tráng cũng chẳng kém cạnh gì. Chúng “Chế giễu Người.” Chúng ngạo nghễ nói: “Nếu ông là Vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi.”
Trên thập giá, Vua Giê-su đã không chấp nhất những lời nhục mạ đó. Trái lại, Ngài đã chứng tỏ cho mọi người thấy, Ngài thật sự là Vua, Vua-Tình-Yêu, một tình yêu “chậm giận và hay tha thứ”, qua lời nguyện của mình, rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.
Vua Giê-su, vua của tình yêu, “…đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ (NGÀI) mà được cứu độ.” Trên Đồi Sọ hôm ấy, có hai tên gian phi, một tên “cũng nhục mạ người”. Nhưng tên kia thì không. Người gian phi này, thưa với Đức Giêsu, rằng: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”. Và anh ta đã được toại nguyện. Ngay lập tức, sau lời kêu xin của anh ta, Vua Giêsu, Vua-Tình-Yêu, đã nói với anh ta, rằng: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”.
Đức Giê-su là Vua. Đây… đây là điều những người hiện diện ở Đồi Sọ hôm ấy, không thể phủ nhận. Tất cả họ đều phải nhìn nhận. Hôm ấy, mọi người đều thấy: “Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là Vua người Do Thái.”
***
Đã có nhiều người gọi Đức Giê-su là Vua. Giáo Hội cũng đã dành riêng một ngày Chúa Nhật để cử hành lễ Chúa Giê-su Ki-tô Vua. Thế còn chúng ta thì sao? Chúng ta cũng trao trọn phần đời mình cho Đức Giê-su và gọi là “Vua đời tôi!”
Vâng, đó là một lựa chọn khó khăn. Khó khăn là bởi, thế giới chúng ta đang sống là một thế giới ngày càng bị tục hóa. Chủ thuyết thế tục có vẻ như đã và đang “thuyết phục” được không ít người trở thành thần dân thần phục nó.
Đó… đó là sự thật. Linh mục Giuse Nguyễn Trọng Viễn, OP, giáo sư triết học tại Học Viện Đa Minh, trong một lần thuyết trình về đề tài: “Trào lưu thế tục hóa và đời sống đức tin hôm nay”, đã nói lên mối quan ngại của mình, rằng: “(ngày nay) không ít người Ki-tô hữu muốn làm giàu, muốn thăng quan tiến chức hơn là muốn nên thánh. Không ít người Kitô hữu chỉ đến nhà thờ ba lần trong đời: sinh ra, kết hôn và qua đời.
Khá đông tín hữu Tây Phương không còn cần đến ân phúc Chúa qua các sinh hoạt phượng tự. Ngược lại, tất cả cuộc sống được giải quyết bằng khoa học và các phương tiện kỹ thuật tân tiến. Với những ưu thế về đời sống vật chất, nhiều tín hữu cảm thấy ý nghĩa và giá trị tôn giáo như thuộc về một thế giới khác, thế giới khảo cổ”. (nguồn: tgpsaigon.net)
Lm Charles E. Miller cũng nói lên mối quan ngại riêng của mình như sau: “Chủ thuyết thế tục quả quyết ‘vương quốc của cải’ là tại đây trên trần thế. Nó bác bỏ mọi hình thức tôn giáo về đức tin và phụng tự. Chủ nghĩa duy vật rao giảng một học thuyết, theo đó, tiện nghi, khoái lạc và tiền bạc là những mục tiêu duy nhất và tối thượng của cuộc sống. Các thần của hai chủ nghĩa này không phải chịu đóng đinh trên thập giá làm của lễ hy sinh, mà ngả ngớn trong chăn êm nệm ấm”.
Vâng, tiện nghi, khoái lạc và tiền bạc, rất lôi cuốn và quyến rũ, phải không, thưa quý vị? Được tự do “ngã ngớn trong chăn êm nệm ấm” có ai mà không thích! Nhưng, đừng quên, Đức Giê-su có lời phán dạy, rằng: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì”.
Chắc hẳn, ai trong chúng ta cũng đã nhìn thấy trong suốt chiều dài lịch sử con người, đã có ai là thần dân của “vương quốc thế tục”, khi chết đi, có mang được gì “về bên kia thế giới” hay chỉ là “ngoài trống vắng mà thôi”?
Chúng ta luôn phải nhớ rằng, đã là một Ki-tô hữu, là người môn đệ của Đức Ki-tô, dù đang “ở trong thế gian nhưng (chúng ta) không thuộc về thế gian; sống ở giữa đời nhưng (chúng ta) không sống như người đời”.
Thế nên, nếu chúng ta vì một phút yếu đuối “hồn lỡ sa vào chủ thuyết thế tục”, một chủ thuyết sản sinh ra “vương quốc của cải”, thì “Hãy ra khỏi thành ấy đi, để khỏi thông đồng với tội lỗi của nó và hứng lấy những tai ương dành cho nó” (x. Kh 18, 4).
Có lẽ không cần nói ra “những tai ương” mà thần dân của vương-quốc-của-cải sẽ phải hứng chịu ngay tại đời này lẫn đời sau. Bởi lẽ, có nói ra thì họ cũng chỉ cười nhạo chế diễu như xưa kia các thủ lãnh người Do Thái cùng nhón lính tráng đã cười nhạo chế giễu, mà thôi.
Vâng, điều cần nói và nên nói, đó là: Vua Giê-su là một vị Vua của tình yêu, một tình yêu “dám hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu”. Điều cần nói và nên nói, đó là: Vua Giê-su là một vị Vua của lòng thương xót, như có lần Ngài đã tuyên bố: “Ta thương xót đoàn dân này”. Điều cần nói và nên nói, đó là: Vua Giê-su là một vị Vua của sự sống lại. Thật vậy, Ngài đã tuyên bố điều này với cô Mác-ta: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết.” (x.Ga 11, 25-26).
Đức Giê-su thật là Vua của sự sống lại. Quý ông bà và anh chị em “Có tin thế không?” Vâng, Đức Giê-su đã hỏi cô Mác-ta như thế? Và, cô Mác-ta đã trả lời rằng: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”.
Bây giờ là lúc chúng ta phải trả lời. Và, nên chăng câu trả lời của chúng ta là: “Thưa Thầy, có. Thầy là Vua của đời con”! Vâng, chúng ta hãy nói: Giê-su – Ngài là Vua đời con.
Petrus.tran