Hãy biết thinh lặng đợi chờ
“Thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng”.
Chúa Nhật XVI – TN – B
Hãy biết thinh lặng đợi chờ
Một trong những điều không thể thiếu cho cuộc sống của con người, đó là sự nghỉ ngơi. Thế nào là nghỉ ngơi? Thưa, “nghỉ ngơi là một trạng thái giúp cơ thể cân bằng, lấy lại năng lượng để hoạt động. Theo định nghĩa của từ điển tiếng Việt, nghỉ ngơi là tạm ngừng công việc hoặc một hoạt động nào đó.” (nguồn: internet). Có người còn cho rằng, nghỉ ngơi là ăn một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng và ngủ một giấc say nồng.
Tuy nhiên, nếu hiểu một cách sâu xa, thì nghỉ ngơi bao hàm nghĩa rộng hơn, đó là: nghỉ ngơi không chỉ là lo cho thể chất mà còn có cả nghỉ ngơi về tinh thần.
Vâng, đó là điều quan trọng. Quan trọng bởi, “khi bạn cảm thấy mất kết nối với thế giới và trở nên không có hứng thú, mông lung thì nghỉ ngơi tinh thần sẽ khiến bạn cân bằng trở lại.” BS Nguyễn Trọng Nghĩa, phó trưởng khoa điều dưỡng, qua bài viết “Các loại nghỉ ngơi”, đã có lời chia sẻ như thế.
Chưa hết… Còn một loại nghỉ ngơi nữa, đó là “nghỉ ngơi tâm linh”. Nghỉ-ngơi-tâm-linh, Bs. Saundra Dalton-Smith gọi “đó là khả năng kết nối vượt ra ngoài thể chất lẫn tinh thần và cảm nhận sâu sắc một cảm giác thuộc về tình yêu, sự chấp nhận và mục đích. Để nhận được điều này, hãy tham gia vào điều gì đó lớn hơn bản thân bạn và hãy kết hợp với cầu nguyện…” (nguồn: internet).
Nghỉ ngơi tâm linh, qua việc kết-hợp-với-cầu-nguyện. Điều này, Lm.Charles E.Miller nói đó là “một điển hình về sự cân bằng cần thiết cho cuộc sống thiêng liêng.”
Đức Giê-su, thấu hiểu điều này. Chính Đức Giê-su, sau những ngày ra đi loan báo Tin Mừng, Ngài vẫn thường nghỉ ngơi đôi chút bằng cách “đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó”.
Theo thánh sử Mác-cô kể lại, cũng chính Đức Giê-su, đã truyền nguồn-cảm-hứng-vô-tận này cho các môn đệ của mình, sau khi các ông, từng hai người một, vừa hoàn tất một cuộc hành trình truyền giáo, theo lệnh truyền của Ngài. (x.Mc 6, 30-34).
**
Vâng, thánh sử Mác-cô đã kể lại rằng: một ngày nọ, sau khi chu toàn sứ vụ ra đi khắp thôn làng rao giảng Tin Mừng “Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu”.
Một vị đại diện cho Nhóm Mười Hai, (chúng ta có thể nói như thế), đã “kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy”. (Mc 6, 30).
Khi những lời tường trình của vị đại diện chấm dứt, Đức Giêsu bảo các ông: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.”
Lời bảo ban của Đức Giê-su thật hợp lý. Hợp lý là bởi, theo lời tường thuật của thánh sử Mác-cô, hôm ấy, (có lẽ vì ngưỡng mộ về những gì các ông đã làm), cả một rừng người “kẻ lui người tới quá đông, nên các ông chẳng có thì giờ ăn uống” (x.Mc 6, 31). Do vậy, chuyện kể tiếp rằng: “Thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng”.
Như đã nói ở trên, lánh-riêng-ra là điều hợp lý! Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi Đức Giê-su lại truyền cho các môn đệ mình lánh mặt! Sao Ngài không cùng với các ông tổ chức một buổi tiệc “mừng công”, và nhân tiện mời luôn những “kẻ lui người tới” tham dự, rồi công bố thành quả mà các ông đã thực hiện, trong những ngày “rong ruổi đường gió bụi” loan báo Tin Mừng?
Vâng, nếu câu hỏi này được Đức Giê-su trả lời, có phần chắc, Ngài sẽ trả lời, rằng: “Đó là tư tưởng của loài người, không phải tư tưởng của Thiên Chúa”.
Truyền dạy các môn đệ vào nơi thanh vắng, là bởi, theo quan niệm Do Thái giáo, nơi thanh vắng là nơi, “gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa” và “Thiên Chúa tỏ ra gần gũi với dân Người”.
Mà, các môn đệ, trong vai trò là một “nhà truyền giáo”, thế nên, lại càng phải vào nơi thanh vắng để “gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa”, thì đúng quá đi chứ, nhỉ!
Vâng, hôm ấy, khi vào nơi thanh vắng, quả thật các ông đã “gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa” và “Thiên Chúa tỏ ra gần gũi với dân Người”.
Thiên Chúa, hôm ấy chính là Thầy Giê-su. Thầy Giê-su, chính là Thiên Chúa. Hôm ấy, qua Đức Giê-su, các môn đệ đã thấy một Thiên Chúa “chạnh lòng thương xót”, thương xót khi thấy đoàn dân đông đúc đi theo.
Đoàn dân, khi thấy “các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành… họ cùng nhau chạy bộ đến nơi, trước cả các ngài”.
Chạy… chạy bộ! Thấy có xót thương không! Có chứ nhỉ! Vâng, rất xót thương. Vì thế, Đức Giê-su đã thốt lên rằng: “họ như bầy chiên không người chăn dắt”.
Và để thể hiện lòng thương xót của mình, Ngài đã tỏ cho họ thấy một Thiên Chúa “gần gũi với dân Người” qua việc “dạy dỗ họ nhiều điều”. Tuy thánh sử Mác-cô không nói rõ Đức Giê-su đã dạy gì, nhưng chúng ta có thể tin, Ngài đã dạy họ phải biết “vào nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó”.
***
“Anh em hãy lánh riêng ra...” Hôm nay, Phải chăng, đó cũng là điều Đức Giê-su mời gọi chúng ta? Thưa, đúng vậy.
Đức Giê-su vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta “hãy lánh riêng ra”, lánh riêng ra khỏi những lời mời mọc đầy quyến rũ của satan, của thế gian. Vâng, satan và thế gian vẫn tiếp tục nói: “Chẳng chết chóc gì đâu!”. Chúng nó vẫn ra rả nói, rằng thì-là-mà: Thiên Chúa chết rồi! Phá thai là quyền tự do. Hôn nhân đồng tính chúng ta có quyền. Thời nay là thời tự do. Tự do luyến ái, tự do là quyền, v.v…
Chớ dại! Chớ dại mà để cho tâm hồn mình “cuốn theo những lời cám dỗ ma mị đó”. Chết chắc! Thánh Phao-lô nói: “Những kẻ làm các điều đó, sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.” (Gl 5, …21).
Thế nên, điều chúng ta cần làm, sau khi đã lánh-riêng-ra, đó là thực hiện nốt lời Đức Giê-su truyền dạy: “đến một nơi thanh vắng”.
Đâu là nơi thanh vắng! Vâng, tất nhiên không phải là sa mạc Sahara hay sa mạc Gobi. Chỉ cần một cử động của tâm hồn, một tâm hồn với tất cả tâm tình: “Bỏ Ngài con biết theo ai! Vì Ngài có lời ban sự sống”, trong thinh lặng. Vậy thôi!
Một câu chuyện cũ, chúng ta cùng đọc nhé! Chuyện kể rằng: Có một người nông dân bị mất một chiếc đồng hồ trong kho thóc. Sau một thời gian dài tìm kiếm vô vọng, ông ta phải nhờ sự trợ giúp của những đứa trẻ đang chơi bên ngoài. Ông hứa, nếu ai tìm được chiếc đồng hồ bị mất sẽ được thưởng.
Nghe vậy, đám trẻ con nhanh chân chạy xung quanh kho thóc tìm kiếm. Chúng đi khắp nơi, lục tìm ở mọi chỗ, từ nơi chứa thóc đến tận cả chỗ cho gia súc ăn, nhưng vẫn không thấy. Chỉ đến khi ông đề nghị bọn trẻ dừng việc tìm kiếm thì có bé trai chạy tới và yêu cầu ông cho nó một cơ hội nữa.
Người nông dân nhìn đứa bé và nghĩ: ‘Tại sao lại không chứ? Sau tất cả thì cậu bé này có vẻ khá chân thành’. Ông dẫn cậu bé trở lại trong kho. Một lúc sau, cậu đã chạy ra và trên tay là chiếc đồng hồ của ông. Người nông dân rất hạnh phúc và ngạc nhiên, ông hỏi cậu bé: ‘Làm cách nào mà cháu có được nó, sau khi tất cả các bạn khác đã từ bỏ?’.
Cậu bé đáp: ‘Cháu không làm gì cả, chỉ ngồi im một chỗ để lắng nghe. Trong tĩnh lặng, cháu thấy tiếng kim đồng hồ chạy và nhờ đó cháu tìm ra nó’. (nguồn: internet).
Chỉ một mình “ta với Chúa – Chúa với ta” trong tĩnh lặng… Ta sẽ gặp gỡ Chúa. Tin đi! Samuel, trường hợp Samuel như điển hình. Trong sự tĩnh lặng của đêm khuya, Samuel đã nghe được tiếng Chúa gọi mình: “Samuel! Samuel”. Và, ông ta đã đáp lời: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”.
Kinh Thánh có lời chép rằng: “Hãy dừng lại trong thinh lặng và chúng con sẽ nhận biết Ta là Thiên Chúa” (x.Tv 45,11). Cảm nghiệm được lời Kinh Thánh này, linh mục Ronald Rolheiser tiếp lời chia sẻ, rằng: “Không điều gì giống với ngôn ngữ của Thiên Chúa bằng sự thinh lặng. Đó là ngôn ngữ chúng ta cần thực hành”.
Theo lời dạy của linh mục Ronald Rolheiser, nên chăng, chúng ta hãy bắt đầu “thực hành” ngay hôm nay! Đúng vậy. Chúng ta hãy “…tìm cho mình những giây phút nghỉ ngơi cho thân xác, một khoảng không gian yên tĩnh cho tâm hồn, là những cơ hội để cảm nhận, để khám phá, để ngộ ra những điều nhiệm lạ trong đời mình. Cũng từ đó mà Lời Chúa vang lên trong tâm khảm, cho ta được gặp Ngài, nhận ra tình thương của Ngài rất đặc biệt cho đời mình. Nhờ vậy ta lấy lại niềm tin, tìm được an vui và hạnh phúc, đồng thời nhận ra vai trò và sứ mạng của mình trong cuộc sống hôm nay.”
Đó, đó là bài “thực hành” mà Lm. Thái Nguyên gửi đến mọi người trong chúng ta, để đem ra “thực hành”.
Rất, rất dễ thực hành. Chỉ cần chúng ta “lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng”, và để cho tâm hồn mình chìm trong thinh lặng… thinh lặng đợi chờ. Bởi vì, Kinh Thánh có lời chép rằng: “Biết thinh lặng đợi chờ, đợi chờ ơn cứu độ của ĐỨC CHÚA, đó là một điều hay” (Ac 3, 26).
Thế nên, không gì tốt hơn là chúng ta “Hãy biết thinh lặng đợi chờ.”
Petrus.tran