Hãy phục vụ mọi người

“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. (Mc 9, 37).

Chúa Nhật XXV – TN – B
Hãy phục vụ mọi người

tbd 210924a

Sống trên đời này, cứ sự thường, không ai lại không muốn mình có chức vụ cao, có quyền hành lớn. Có chức, có quyền, đó là xu hướng thời đại. Và, chúng ta có thể nói, nó như một căn bệnh trầm kha, ăn sâu vào tận huyết quản của bất cứ ai.

Vì, ăn sâu vào tận huyết quản, thế nên, không ít người, tìm đủ mọi cách, dùng mọi thủ đoạn, đại loại như: mua quan bán chức, hoặc gian lận bầu cử v.v… để có được chức vị cao, quyền hành lớn. “Một người làm quan, cả họ được nhờ”, kia mà!

Xưa, Nhóm Mười Hai, là các người môn đệ của Đức Giê-su, cũng không thoát khỏi căn bệnh thời đại này. Không ít lần các ông đã “ngấm ngầm” cãi nhau xem ai là người có quyền cao chức trọng nhất, trong nhóm. Đức Giê-su biết chuyện này. Đó là điều Ngài không hoan nghênh. Đức Giê-su đã không hoan nghênh và Ngài đã dạy cho các ông một bài học, một bài học dành cho những ai “muốn làm người lớn hơn cả”.

Bài học này đã được ghi lại chi tiết trong Tin Mừng thánh Mác-cô. (Mc 9, 30-37).

**
Theo trình thuật Tin Mừng thánh Mác-cô, chúng ta được biết: Sau sự kiện Đức Giêsu biến đổi hình dạng trên một ngọn núi với sự chứng kiến của ba người môn đệ tên là Phêrô, Giacôbê và Gioan, và sau khi chữa lành một người bị quỷ ám mắc bệnh động kinh, “Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Galilê.” (x. Mc 9, 30).

Cuộc hành trình này, “Đức Giê-su không muốn cho ai biết.” Không muốn cho ai biết, vì Ngài muốn giữa Thầy và trò có một sự yên tĩnh nhất định. Một sự yên tĩnh ngõ hầu Ngài có thể truyền đạt đến các ông những điều sẽ phải xảy ra cho “người tôi tớ khiêm cung của Thiên Chúa”, là chính Ngài. 

Hôm ấy, trên con đường đi về Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đã truyền đạt đến các môn đệ những chân lý quan trọng, đó là… là sự chết và sự phục sinh, là khổ giá và sự sống lại, là cái cách mà Ngài sẽ phải trải qua.

Vâng, cái cách mà Ngài sẽ phải trải qua, đó là: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” (Mc 9, 31).

Lời truyền đạt của Đức Giê-su rõ ràng như thế, thế mà “các ông không hiểu lời đó…” Vâng, các ông đã không hiểu… các ông lại còn “sợ không dám hỏi lại Người.”

Tại sao không hiểu! Thưa, không thấy thánh sử Mác-cô nói đến. Tuy nhiên, chúng ta có thể nghĩ rằng: Đúng là các ông không hiểu. Các ông “không thể hiểu” trước một Thầy Giê-su đầy quyền uy, vừa mới “biến đổi hình dạng” trên núi cao, một Thầy Giêsu đầy quyền năng, vừa mới “quát mắng tên quỷ…” khiến cho quỷ thét lên trước quyền phép của Ngài, thế mà sẽ phải “đi chết”… như vậy nghĩa là sao!

Tại sao sợ không dám hỏi lại Người! Thưa, chúng ta có thể nghĩ rằng: các ông không-dám-hỏi là vì sợ “ông Thầy” mắng cho vài câu, như đã mắng anh cả Phê-rô, hôm trước.

Hôm trước, hôm Thầy và trò ở Xê-da-rê Phi-lip-phê, Đức Giê-su cũng đã loan báo cho các ông biết về sứ vụ của Ngài, rằng Ngài “phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”.

Nghe thế, ông Phê-rô đã “trách Người”. Thế là, ngay lập tức, niên trưởng Phê-rô đã bị ông Thầy khiển trách: “Sa-tan, lui lại đàng sau Thầy. Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.

Không chỉ ông Phê-rô có tư tưởng của loài người, mà những đồng môn của ông cũng có những tư tưởng rất ư là thế tục.

Thật vậy, thánh sử Mác-cô đã ghi lại tư tưởng hướng về thế tục của các môn đệ được bộc lộ qua một cuộc “cãi nhau” rất kịch liệt. Chuyện kể rằng: Khi “Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. (Rồi) khi về đến nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” Mười Hai người môn đệ, tất cả đều “làm thinh”.

Tại sao lại làm thinh? Thưa, vì các ông đã nhìn về Thầy mình theo nhãn giới thế gian. Vì các ông cho rằng, Giê-su người Na-da-rét “là con vua David”, thế thì cớ gì Ngài không thiết lập một vương quốc ở trần thế! Cớ gì Ngài không thiết lập một vương quốc thịnh vượng, giàu có, hùng mạnh như thời vua David, xưa kia! Cớ gì Thầy Giê-su không lập một nội các mới, một nội các mà các ông sẽ là những người được tuyển dụng, ngay khi Thầy mình “bước vào Giê-ru-sa-lem”!

Chúng ta có thể nói ngắn gọn rằng, “các ông làm thinh”, vì các ông đã ngại ngùng về những ý nghĩ thiên về thế tục của mình. Vâng, rất thế tục khi… “khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.” (Mc 9, 34).

Xã hội loài người, từ khi nguyên tổ Adam và Eva phạm tội, con người (không loại trừ chúng ta) đã luôn luôn phân hóa bởi sự cạnh tranh, ai lớn hơn ai, ai sẽ làm đầu. Thế đấy!

***
Một ngày nọ, Đức Giê-su có lời mời gọi rằng: “Hãy đến cùng tôi… Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (x.Mt 11, 28-29). Các môn đệ, chúng ta có thể nghĩ rằng, cũng đã được Thầy mình mời gọi hãy học với Ngài.

Thế mà hôm nay, có vẻ như các ông phớt lờ bài học mà Thầy Giê-su đã dạy mình. Vâng, các ông đã quên bài học Thầy Giê-su dạy. Các ông đã bộc lộ tính hung hăng, sự ích kỷ. Các ông cãi vã lẫn nhau, chỉ vì ai cũng muốn chiếc ghế cao trọng nhất. Cãi nhau thì còn gì để mà nhớ đến lời của Thầy Giê-su đã mời gọi “Hãy học với tôi…”! Thầy Giê-su, có phần chắc, không khỏi cất lên tiếng thở dài!

Phải dạy lại thôi! Hôm ấy, “Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại…” Đối với văn hóa Do Thái, khi thầy rabbi muốn truyền dạy một điều gì đó quan trọng, ông ta ngồi xuống và truyền dạy những điều ông ấy muốn truyền dạy.

Vâng, Đức Giê-su đã-ngồi-xuống. Ngài có lời truyền dạy các môn đệ rằng: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. (Mc 9, 37).

Đức Giê-su “không cấm” các môn đệ muốn làm người đứng đầu. Ai cũng có thể trở thành người đứng đầu. Nhưng, vấn đề là muốn trở thành người đứng đầu, thì việc đầu tiên phải là “người phục vụ mọi người.”

Qua lời truyền dạy này, có thể nói, Đức Giê-su đã làm một cuộc cách mạng, cách mạng về vai trò của một người lãnh đạo. Người-lãnh-đạo, qua lời truyền dạy của Ngài, phải là người dùng đôi tay để phục vụ, có nghĩa không phải là người đứng đó “chỉ tay năm ngón”. Người-lãnh-đạo, qua lời truyền dạy của Ngài, phải là người dùng con tim để hành động, có nghĩa là phải có tình yêu thương.

Lời truyền dạy của Đức Giê-su, có thể nói, rất khó để mà thực hiện, trong đạo lẫn ngoài đời. Thế nhưng, là một Ki-tô hữu, là môn đệ của Đức Giê-su, khó cũng phải thực hiện. Đừng quên lời Ngài đã truyền dạy: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ”.

Tiêu chuẩn cho sự hiện diện trong Vương Quốc của Thiên Chúa, không phải là kiến thức học vấn, không phải là chức vụ cao trọng. Nhưng là phục vụ, phục vụ mọi người.

Khi nói đến phục vụ mọi người, một nhà truyền giáo, có nickname là Hoang David, qua bài viết “CON ĐƯỜNG TRỞ THÀNH NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU” có lời chia sẻ, rằng: “Đây không hẳn là một quan điểm lý tưởng về cuộc sống, mà là một cách sống đúng. Lịch sử luôn ghi nhớ những con người đã hy sinh mình để phục vụ xã hội, phục vụ người khác. Sự hy sinh quên mình là một tính cách hiếm có mà nơi nào nó được thể hiện, người ta luôn nhớ đến nó. Nếu như tất cả đều sống theo nguyên tắc: tôi có thể làm gì cho người khác, chứ không phải tôi có thể nhận được gì từ người khác, thì xã hội chúng ta sẽ không còn nan đề, không có đói nghèo, chiến tranh.”

****
Hôm ấy, sau khi dạy các môn đệ (và cũng là dạy cho chúng ta hôm nay) cách thức “trở thành người đứng đầu”, Đức Giê-su “đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm nó và nói: Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy, và ai tiếp đón Thầy, thì không phải tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.” 

Có bao giờ chúng ta tự hỏi, tại sao lại là “một em nhỏ!” Thưa, đó là một ngụ ý. Hoang David đã “mổ xẻ” ngụ ý này như sau: “Trong ngữ cảnh này, rõ ràng đứa trẻ là người không thể đem đến lợi lộc gì cả, ngược lại phải phục vụ hầu hạ nó, phải chu cấp chăm sóc cho nó, phải làm mọi thứ cho nó. Đứa trẻ không biết nói ‘cám ơn’, luôn đòi hỏi, luôn ca thán, luôn bày bừa ra…

Đứa trẻ tượng trưng cho tất cả những ai cần sự giúp đỡ và cần chu cấp vật chất, đó là những người mà theo Chúa Giê-su, chúng ta cần phải thông công và chăm sóc. Chúa Giê-su dường như muốn nói: Nếu ai có thể tiếp nhận một người tầm thường, nghèo khổ, không có địa vị gì trong xã hội, cần sự giúp đỡ chu cấp, thì người đó là khách quý của Ta, hơn thế, cũng là khách quý của Thiên Chúa”.

Lm. Charles thêm lời chia sẻ rằng: “Trẻ nhỏ là điển hình sống động về tính đơn sơ và khiêm nhường mà chúng ta được kêu gọi bắt chước và thực hành.”

Đúng vậy. Và, như đã nói ở trên, chính Đức Giê-su cũng đã mời gọi chúng ta hãy học với Ngài. Học sự hiền lành và khiêm nhường của Ngài. Tông đồ Gia-cô-bê đã “bắt chước và thực hành” lời Thầy Giê-su mời gọi. Ngài tông đồ đã gửi một lời Kinh Thánh như để khuyến khích chúng ta hãy-bắt-chước-và-thực-hành, lời Kinh Thánh rằng: “Thiên Chúa ban ơn cho kẻ khiêm nhường.” (Gc 4, …6).

Thế nên, nếu chúng ta “phải làm người rốt hết”, để trở thành “người đứng đầu” thì cũng đừng xem đó như là một nỗi nhục nhã.

Lm. Charles cảm nghiệm được nỗi khổ này và ngài có lời khuyên rằng: “Chúng ta phải nhận ra được các chuẩn mực giá trị của Thiên Chúa, bất luận ở hoàn cảnh nào trong cái thế giới ‘bon chen gay gắt’ này, có thể nói như vậy”.

Vâng. Có-thể-nói-như-vậy. Có thể nói rằng: Các chuẩn mực giá trị của Thiên Chúa chính là dám làm người rốt hết. Thế nên, ngay hôm nay, bây giờ, chúng ta hãy thực hành lời Đức Giê-su truyền dạy: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”.

Nói ngắn gọn, đã là một Ki-tô hữu: Hãy phục vụ mọi người.

Petrus.tran

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...