Hãy vui thú lời Chúa chúc phúc…

Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” (Lc 6, 20-23).

Chúa Nhật – VI – TN – C
Hãy vui thú lời Chúa chúc phúc…

tbd 150225b


Chúng ta vừa mới trải qua những ngày đón mừng năm mới. Như một truyền thống lâu đời, nhiều người dân Saigon chọn điểm du xuân là những ngôi chùa, thường họ viếng mười cảnh chùa, được gọi là “du xuân thập tự”. Viếng mười cảnh chùa đầu năm được xem đó như là cơ hội để cầu bình an, cầu may mắn, cầu làm ăn phát tài, v.v...

Còn người Công Giáo thì sao? Thưa, không du-xuân-mười-nhà-thờ, người Công Giáo đi nhà thờ trong ba ngày đầu năm. Trong ba ngày đầu năm, Giáo Hội Công Giáo long trọng cử hành ba thánh lễ để “cầu bình an – kính nhớ tổ tiên – thánh hóa công việc”.

Nếu làm một cuộc phỏng vấn hỏi từng người, điều họ cầu xin cho một năm mới là gì! Có lẽ chúng ta sẽ nhận được câu trả lời rằng, xin một năm mới tràn đầy hạnh phúc.

Vâng, đúng là vậy. Bởi vì hạnh phúc là “khát vọng” luôn đeo đuổi suốt hành trình cuộc sống con người. Đầu năm mới, không gì tốt hơn là cầu xin gia đình mình tràn đầy hạnh phúc.

Chỉ có điều, hạnh phúc là một khái niệm trừu tượng và đôi lúc nó tạo ra sự mâu thuẫn. Ví dụ: hạnh phúc của ông bác sĩ là có nhiều bệnh nhân, ngược lại hạnh phúc của mọi người là… là gì chúng ta biết rồi!

Nói về sự mâu thuẫn, (cố) Đức Giám mục Gioan Baotixita Bùi Tuần có lời nói rằng: “Hạnh phúc là một cõi mơ rất rộng, với một nội dung rất trống. Khi đi vào cụ thể, mỗi người sẽ đi theo những con đường có thể khác nhau, và sẽ có những kinh nghiệm có thể khác nhau.

Thế nên, ngài Giám mục đã có lời khuyên rằng: “Đối với tín hữu (Công Giáo), mọi con đường hạnh phúc đều được chọn trong ánh sáng Lời Chúa, và do đó mọi kinh nghiệm về hạnh phúc cũng được xác nghiệm trên tiêu chuẩn Lời Chúa.” Vâng, đó là một lời khuyên đáng trân trọng.

Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài đã soạn thảo một “bộ tiêu chuẩn ISO” đủ đáp ứng cho mọi người phương cách để tìm được hạnh phúc thật, cho cuộc sống của mình. Chi tiết của bộ-tiêu-chuẩn này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca. (Lc 6, 17.20-26).

**
Tin mừng thánh Luca ghi lại như sau: Hôm ấy, “Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng”. Sự hiện diện của Ngài đã thu hút “đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền Tia và Si-đôn đến.” Họ đến “để nghe Đức Giê-su giảng và để được chữa lành bệnh tật.”

Hôm ấy, ngoài việc chữa lành những người bệnh hoạn, “những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được (Đức Giê-su) chữa lành.” Chứng kiến tận mắt quyền năng của Đức Giê-su “tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người” (x.Lc 6, 19).

Sau khi công việc chữa bệnh hoàn tất, “Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” (Lc 6, 20-23).

***
Có lẽ, có không ít người đã vội nản lòng về những điều Đức Giê-su công bố (nêu trên). Khó thực hiện quá! Khó có thể xem đó như là hành trang cho việc đi tìm hạnh phúc!

Ấy thế mà, thế mà hôm nay, Giáo Hội lại gọi đó là “Các mối phúc thật”. Vâng, nói theo cách nói bình dân học vụ, những điều Đức Giê-su công bố chính là “đầu mối” cho những ai muốn tìm con đường hạnh phúc trong ánh sáng Lời Chúa.

Thế nên, hãy xem những lời công bố của Đức Giê-su như là hành trang cho cuộc hành trình tìm kiếm hạnh phúc của mình. Nói cách khác, sử dụng bộ-tiêu-chuẩn-ISO này, chúng ta sẽ “hạnh phúc với sức mạnh và sức sống của Thiên Chúa”. Cha Charles E.Miller, qua một bài giảng, có lời khuyên dạy như thế.

Để củng cố cho lời khuyên của mình, Cha Charles đã dẫn chứng lời ngôn sứ Giê-rê-mi như một cách “giúp chúng ta quán triệt” bộ tiêu chuẩn ISO do Đức Giê-su soạn thảo ra.

Vâng, ngôn sứ Giê-rê-mi có lời viết rằng: “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào ĐỨC CHÚA và có ĐỨC CHÚA làm chỗ nương thân.” Chưa hết! Thiên Chúa, qua môi miệng vị ngôn sứ này, còn có lời khẳng định, rằng: “Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái.” (x.Gr 17, 7-8).

Như vậy, đừng nản lòng về những gì Đức Giê-su đã đề ra. Việc thứ nhất và quan trọng nhất, đó là “đặt niềm tin vào Chúa”. Là quay sang (nhìn) Chúa, là để Chúa lấp đầy những thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần, và đừng quên “thi hành ý Chúa trong mọi sự”. Cha Charles, với kinh nghiệm trong cuộc sống của mình, có lời chia sẻ như thế.

****
Chữ đầu tiên tác giả sách Thánh Vịnh viết là chữ “Phúc”. Chữ đầu tiên Đức Giê-su viết cho bộ-tiêu-chuẩn-ISO của mình cũng là chữ “Phúc”.

Những nhà chú giải Kinh Thánh nói: trong Kinh Thánh “phúc” được dùng thay cho “hạnh phúc”. Như vậy, điều Đức Giê-su nói phúc-cho-anh-em chẳng phải là điều “Thiên Chúa muốn chúng ta hạnh phúc”, sao!

Thiên Chúa muốn con người được hạnh phúc. Thiên Chúa, qua Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, đã vạch ra một lộ trình để chúng ta đi vào và sẽ nhận được hạnh phúc thật, như thế đấy.

Chúng ta sẽ đi và tin vào lời phán hứa của Người? Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, nếu chúng ta, với cái nhìn hạn hẹp, đi tìm hạnh phúc kiểu thế gian… thì hãy coi chừng, vì đó là một chọn lựa nguy hiểm.

Nguy hiểm vì hạnh phúc theo kiểu thế gian là thứ hạnh phúc nay có mai mất. Sách Giảng Viên, chẳng phải là có nói: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân”, đó sao! (x.Gv 1, 2).

Nguy hiểm vì, trước những mối lợi trần thế, (tiền bạc, danh vọng, quyền lực v.v…) và khi chúng ta cho rằng nó đem lại hạnh phúc, thế là, bằng mọi cách, (đôi khi bất chấp thủ đoạn), chúng ta sẽ trở thành hung thần, chúng ta sẽ trở thành bạo chúa, chúng ta sẽ tranh giành, chiếm đoạt, cấu xé, thậm chí giết lẫn nhau, để sở hữu chúng.

Kết quả! Vâng, hãy đến tóa án nhân dân thành phố Saigon, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều kết quả được lưu trữ tại đây, đại loại như: chung thân, tử hình, hai ba chục năm v.v…

Nguy hiểm vì khi chúng ta cố tìm hạnh phúc theo kiểu thế gian, chúng ta sẽ dễ rơi vào bẫy của “bọn ác nhân”, chúng ta sẽ dễ trở thành “phường ngạo mạn kiêu căng”, cuối cùng là chúng ta tự tách mình ra khỏi con đường hạnh phúc trong ánh sáng Lời Chúa, lầm lũi “bước vào đường quân tội lỗi”, mà thôi.

*****
Chúng ta phải nhắc lại lần nữa, rằng: Chúng ta sẽ hạnh phúc khi được Thiên Chúa chúc phúc. Và đó là lý do để chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng, những điều Đức Giê-su “cảnh báo” là những lời “chúc dữ”.

Thế nên, đừng khó chịu, khi Đức Giê-su nặng lời cảnh báo, rằng: “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi rồi”.

Lời cảnh báo này là một lời cảnh báo của tình yêu thương. Cảnh báo để chúng ta đừng sống một cuộc sống như ông nhà giàu trong dụ ngôn “ông nhà giàu và anh La-da-rô nghèo khó…”

Vâng, rất chính đáng để nói với ông ta rằng “(khốn cho ông là kẻ)… mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình, (lại vô tâm trước) một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng nhà ông… thèm được những thứ trên bàn ăn… rớt xuống mà ăn cho no.”

Cảnh báo để chúng ta không bị rơi vào tình trạng bị Áp-ra-ham nhắc khéo: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi…”

Cũng đừng khó chịu khi Đức Giê-su nói: “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than”. Hãy xem lời cảnh báo này như một lời nhắc nhở chúng ta, rằng hãy “vui với kẻ vui, khóc với người khóc” (x.Rm 12, 14).

Làm sao đây, để không bị gọi là “khốn”, nếu chúng ta “đang được no nê”? Thưa, hãy thực thi lời truyền dạy của ông Gio-an Tẩy Giả: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có, ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (x.Lc 3, 11).

Con đường tìm đến hạnh phúc trong ánh sáng Lời Chúa là thế đấy. Là “chấp nhận” lời truyền dạy của Đức Giê-su. Là sống theo lối sống của Ngài. Là “vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt ngày đêm.”

Chỉ như thế và có như thế, cuộc sống của chúng ta sẽ tràn đầy hạnh phúc, một sự hạnh phúc “làm chi cũng sẽ thành”. (x.Tv 1, 2-3).

Thế nên, chúng ta hãy vui thú lời Chúa chúc phúc.

Petrus.tran

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...