Kêu gọi và Sai đi (Mc 6,7-13)
Chính Chúa Giêsu chọn gọi và thiết lập nhóm Mười Hai, để các ông ở với Ngài và được sai đi để chia sẻ sứ mạng của Ngài.
KÊU GỌI VÀ SAI ĐI
Chúa Nhật 15 Thường Niên năm B: Mc 6,7-13
Suy niệm
Chính Chúa Giêsu chọn gọi và thiết lập nhóm Mười Hai, để các ông ở với Ngài và được sai đi để chia sẻ sứ mạng của Ngài. Các ông “được sai đi từng hai người một ”, để hỗ trợ và nâng đỡ lẫn nhau. Để ra đi thi hành sứ mạng, Chúa Giêsu ban cho các ông quyền trừ quỷ, và được căn dặn rõ ràng là không mang lương thực, bao bị, tiền bạc… Không lương thực để khỏi phải bận tâm để dành; không bao bị để tránh việc gom góp của cải; không tiền bạc để không toan tính theo ý riêng; chỉ trừ mang theo cây gậy. Cây gậy tượng trưng quyền năng của Thiên Chúa. Với cây gậy nhỏ bé, Môsê làm nhiều dấu lạ điềm thiêng trước mặt vua Pharaô (x. Xh 4,2), xẻ đôi Biển Đỏ (Xh 14,16) và làm cho nước tuôn chảy từ một tảng đá (Xh 17,5). Các môn đệ của Đức Giêsu chỉ cầm một cây gậy: cây gậy của niềm tin, để có thể bức phá mọi giới hạn của con người, nhờ cậy dựa vào quyền năng của Lời Chúa mà thôi.
Hành trang lên đường của các Tông đồ xem ra không có gì. Ra đi mà không có một chút bảo đảm, không cảm thấy an toàn. Điều đó đòi các ông phải hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa, Đấng luôn quan phòng mọi sự khi các ông hết lòng với sứ vụ. Chúa muốn tránh cho các ông tất cả những kiểu cách mang lại lợi lộc cho bản thân, cũng như mọi lệ thuộc và trói buộc làm mất tự do của người loan báo Tin Mừng. Các ông cũng không được bỏ nhà này đến nhà kia để tìm kiếm tiện nghi và thoải mái. Cũng không cố thủ một nơi hay đóng đô một chỗ, sẵn sàng đến và cũng sẵn sàng đi, sẵn sàng đón nhận và cũng sẵn sàng buông bỏ: một tâm thế thanh thoát không vướng lụy. Chắc chắn các ông rất vui mừng, vì từ những người đánh cá, nay trở thành nhà rao giảng.
Các Tông đồ loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa, nhưng đòi người ta phải sám hối và hoán cải. Đây là điều không ai ưa, nhưng các ông phải can đảm nói lên những điều phải nói: không được giảm bớt những đòi hỏi của Tin Mừng; không dùng Tin Mừng để “chiêu mộ” tín đồ; không mị dân hay vuốt ve dư luận để thu phục tình cảm. Người tông đồ phải chấp nhận mọi hình thức đón tiếp: chân thành nồng hậu hay dửng dưng lạnh nhạt. Ai không đón tiếp thì giũ bụi chân ra đi, không có nghĩa là tỏ sự khinh bỉ, nhưng cho thấy có một sự tách biệt quyết liệt giữa sự lành và sự dữ, giữa tin và không tin, giữa chấp nhận và từ chối. Từ chối sứ giả là từ chối sứ điệp tình yêu của Thiên Chúa.
Ơn gọi và sứ mạng của các Tông đồ cũng là ơn gọi và sứ mạng đời Kitô hữu. Nhiệm vụ của chúng ta hôm nay không khác với nhiệm vụ của Nhóm Mười Hai: đó là loan báo Tin Mừng để giảm thiểu ảnh hưởng của sự dữ. Để chu toàn được sứ mạng này, chúng ta cần phải liên kết mật thiết với Đức Giêsu, khởi sự từ Ngài và quy chiếu về Ngài. Cũng như các Tông đồ, chúng ta được sai đến với mọi người không trừ ai, cũng không ngồi đó mà chờ người ta đến với mình. Quyền Đức Giêsu ban cho các ông không phải là quyền điều khiển người khác, nhưng là quyền để xua trừ ma quỉ, để giải thoát loài người khỏi tay chúng. Đó là một ân ban để chúng ta phục vụ, chứ không phải để được phục vụ, càng không được tạo nên một uy thế để thống trị.
Làm chứng bằng lời nói là một khía cạnh của sứ mạng tông đồ. Tuy nhiên, sứ mạng này sẽ khiếm khuyết nếu việc làm chứng bằng lời nói không được biểu hiện bằng việc làm, bằng chính đời sống mình. Chẳng ai tin người nói suông, người ta chỉ tin vào nhân chứng. Cũng như Đức Giêsu yêu cầu các Tông đồ phải chu toàn sứ mạng trong sự nghèo khó. Đời Kitô hữu cũng không thể để cho mình bị ràng buộc hay bị nô lệ cho tiền bạc của cải hay danh vọng, là những thứ dễ làm tha hóa đời sống mình, đánh mất bản chất của người môn đệ Đức Kitô.
Cần thoát ra khỏi những ham mê vật chất và tiện nghi sung sướng, để sống lý tưởng đời Kitô hữu. Ngày nay, chúng ta có thể mang theo nhiều đồ trang bị hơn xưa, phải có những phương tiện cần thiết để phục vụ cách hiệu quả hơn, nhưng chủ yếu vẫn là cậy dựa vào Chúa. Đừng chạy theo toan tính của mình cũng như cách thức của người đời, kẻo xa lạc với đường nẻo và cách thức của Chúa. Hãy để mình trở nên khí cụ trong bàn tay Chúa, để Ngài cứu chữa thế giới ngày càng có nhiều bệnh tật và đau khổ, do tội lỗi và sự u mê lầm lạc của con người.
Cuộc đời ta cao đẹp biết bao và vinh hạnh biết mấy, vì được góp phần với Chúa để Phúc âm hóa thế giới này. Phúc âm hóa không chỉ là “giảng dạy” hay đem Lời Chúa thấm nhập vào môi trường sống, nhưng còn là “giải thoát”, là “cứu trợ”, là chia sẻ cảnh ngộ của người khác.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Chính Chúa đã chọn gọi các Tông đồ,
để họ được sống cận kề bên Chúa,
và để Chúa sai đi giảng Tin Mừng,
dùng chính cuộc đời mình làm nhân chứng.
Chúa đã ban quyền năng cho các ông,
trừ ma quỷ và chữa lành bệnh tật,
nhưng không được cậy dựa vào vật chất,
mà phải sống niềm phó thác cậy trông,
càng không dựa vào thế lực người đời,
để luôn sống sáng ngời tình yêu Chúa.
Chúng con cũng được gọi và sai đi,
loan báo Chúa nơi nào mình có mặt,
cũng với niềm cậy trông và phó thác,
để mình luôn thanh thoát trên đường đời,
dám sống Tin Mừng Chúa ở mọi nơi,
đem lại cho mọi người sự sống mới.
Hằng ngày con vẫn dâng lời kinh nguyện,
cầu xin cho Nước Cha được trị đến,
nhưng vì tự lòng con chưa yêu mến,
nên chẳng thiết tha đến với mọi người,
đã quen sống ươn lười và khép kín,
nên khiến con xa lạc với lời kinh.
Con cho rằng giữ Chúa Nhật là xong,
rồi ra về với tâm hồn trống rỗng,
không thao thức đem sớt chia sự sống,
mà con đã hiệp thông với Mình Ngài.
Xin cho con từ nay biết hối cải,
đừng sống theo thứ quan niệm đã sai,
nhưng hăng hái loan báo Tin Mừng Ngài,
để Chúa là niềm vui con luôn mãi. Amen.
Lm. Thái Nguyên