Suy niệm Tin Mừng trong Thánh lễ thế nào?
Thánh Kinh chỉ trở thành Lời Chúa, khi được đọc trong lòng Hội Thánh, nhất là, được cất lên trong Phụng Vụ Thánh.
SUY NIỆM BÀI TIN MỪNG TRONG THÁNH LỄ THẾ NÀO?
Nếu có dịp lướt qua các bài suy niệm Tin Mừng của Thứ Năm Tuần XXVI Thường Niên Năm Chẵn vừa rồi, chúng ta sẽ thấy hầu hết các bài suy niệm đều tập trung vào chủ đề “truyền giáo”, bởi vì, đoạn Tin Mừng của ngày lễ hôm đó là Lc 10,1-12: nói về việc Đức Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Tuy nhiên, liệu rằng “truyền giáo” có phải là điều mà các nhà Phụng Vụ muốn chúng ta suy niệm vào ngày lễ hôm đó không?
Chúng ta sẽ cùng khảo sát các bản văn Thánh Kinh và các yếu tố có liên quan: Bài Đọc 1: G 19,21-27: Tôi tin rằng Đấng cứu độ tôi hằng sống. Đáp Ca: Tv 26,7-8a.8b-9abc.13-14: Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc Chúa ban trong cõi đất dành cho kẻ sống. Tung Hô Tin Mừng: Chúa nói: Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Tin Mừng: Lc 10,1-12: Bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy. Ca Hiệp Lễ: Tv 118,49-50: Xin Chúa nhớ lại lời phán cùng tôi tớ, lời ban niềm hy vọng cho con; đó là điều an ủi con trong cảnh khốn cùng.
Thiết nghĩ, nếu các nhà Phụng Vụ muốn chúng ta suy niệm về “truyền giáo”, thì các ngài đã chọn câu: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít…”, để làm câu in nghiêng, chứ không chọn câu: “Bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy”. Nếu chúng ta tập trung vào từ “bình an”, chúng ta sẽ thấy một sợi chỉ đỏ xuyên suốt từ Bài Đọc 1 đến Ca Hiệp Lễ: Ông Gióp cho dẫu gặp biết bao tai ương hoạn nạn, ông vẫn cứ bình an, bởi vì, ông tin rằng Đấng cứu độ ông vẫn sống; Vịnh gia cho dẫu chưa được hưởng ân lộc Chúa, nhưng, vẫn vững vàng tin tưởng sẽ thấy ân lộc Chúa ban; Tung Hô Tin Mừng kêu gọi: hãy sám hối và tin vào Tin Mừng; Ai tin lời các môn đệ rao giảng, thì bình an sẽ ở lại với người ấy; Ca Hiệp Lễ cho thấy: khi gặp cảnh khốn cùng, nếu tin tưởng vào lời Chúa đã hứa, thì sẽ đầy tràn hy vọng và cảm thấy được an ủi.
Thánh Kinh chỉ trở thành Lời Chúa, khi được đọc trong lòng Hội Thánh, nhất là, được cất lên trong Phụng Vụ Thánh. Nếu chúng ta bất chấp những yếu tố, mà các nhà Phụng Vụ đã cố ý chuẩn bị cho ngày lễ hôm đó, để chỉ suy niệm bài Tin Mừng trong Thánh Lễ theo thói quen cảm tính, thì e rằng, chúng ta đang duy Thánh Kinh (Sola Scriptura), hoặc đang bóp nghẹt Lời Chúa. Lời Chúa là Lời Hằng Sống, là Bánh Trường Sinh, Bánh có đủ mọi mùi vị thơm ngon, chứ không phải, chỉ có một vị tẻ nhạt do tính ươn lười suy niệm Lời Chúa của chúng ta gây ra: Cứ hễ gặp bài “72 môn đệ” là cứ lôi bài tủ về “truyền giáo” ra, mà bất chấp bối cảnh Phụng Vụ của ngày lễ hôm đó.
Thiển nghĩ, khi suy niệm bài Tin Mừng của ngày lễ hôm đó, chúng ta phải để Chúa dẫn dắt chúng ta qua từng chi tiết mà các nhà Phụng Vụ đã soạn, bởi vì, có rất nhiều câu Thánh Kinh, tại sao các ngài lại chọn câu đó làm câu Đáp Ca, làm câu Tung Hô Tin Mừng, làm Ca Hiệp Lễ, rồi tại sao lại chọn câu đó để in nghiêng, mà không chọn câu khác, tất cả đều đã được các nhà Phụng Vụ suy gẫm, lựa chọn và sắp xếp thành một thể thống nhất. Ước gì chúng ta hãy để cho Lời Chúa lên tiếng, chứ đừng bắt Chúa nói những gì Chúa không nói, nhất là, tránh hiện tượng lèo lái, diễn giải Lời Chúa theo dụng ý riêng của mình. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB