Vua Giêsu (Ga 18, 33-37)
“Ông có phải là vua dân Do-thái không?”.
VUA GIÊSU
Chúa Nhật 34 Thường Niên năm B: Ga 18, 33-37
Suy niệm
Đứng trước tòa, quan tổng trấn hỏi cung Đức Giêsu: “Ông có phải là vua dân Do-thái không?”. Trước khi trả lời, Đức Giêsu hỏi lại Philatô: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?”. Qua câu hỏi này, Đức Giêsu muốn cho ông thấy rõ hơn con người của ông: Ông tự đặt vấn đề hay dân chúng đặt vấn đề cho ông? Ông có lập trường không hay bị dư luận xô đẩy? Ông nghe theo lương tâm hay nghe theo người khác? Ông có can đảm làm theo những gì mình biết, hay cũng chỉ là kẻ hèn nhát lo bám níu vào chức vụ, quyền hành?
Philatô chỉ lấp lửng trả lời theo kiểu nghi vấn: “Tôi là người Do-thái sao?”. Quả là một câu nói khinh thường và vô trách nhiệm. Và phải chăng đó cũng là lối sống và là cách hành động của ông? Xem ra ông là vị quan rất quyền lực, nhưng thực tế cũng chỉ là tay sai và nô lệ cho quyền thế, cố gắng giữ lấy chiếc ghế chứ không muốn xử trí mọi cái theo sự thật hay lẽ phải. Trước thái độ mập mờ của Philatô, Đức Giêsu đã thẳng thắn xác định: “Nước tôi không thuộc về thế gian này...”.
Khi nói “Nước tôi”, Đức Giêsu không phủ nhận mình là Vua, nhưng không phải là Vua theo kiểu người Do-thái và Philatô quan niệm. Người là vua theo ý muốn của Thiên Chúa chứ không theo mơ ước của người đời. Rõ ràng là vương quốc của Người không nhắm vào mục tiêu chính trị, càng không sử dụng những phương thế trần gian như vũ khí, bạo lực, quân đội. Đức Giêsu không phải là Đấng Mêsia theo kiểu phàm nhân, lo thực hiện công cuộc giải phóng theo kiểu phàm tục. Thật ra, Philatô biết rằng, chỉ vì ghen ghét mà người Do Thái bắt nộp Đức Giêsu. Nhưng rất tiếc, ông biết một đàng nhưng rồi làm một nẻo.
Tiếp theo đó, Đức Giêsu còn xác định căn tính và sứ mạng của mình: “là để làm chứng cho sự thật”. Đức Giêsu không muốn nói đến sự thật về một sự kiện nào, nhưng là sự thật về Thiên Chúa. Người biết Thiên Chúa trong sự hiệp thông hết sức thâm sâu, trong sự hợp nhất hoàn hảo như là Con với Cha. Cha của Người là Đấng chân thật, vì thế, Nước của Người là Nước của sự thật, Chỉ có sự thật mới giải thoát con người, cho con người được sống trong bình an và hạnh phúc.
Tuy nhiên, không mấy ai mà dám sống thành thật? Kẻ thành thật thường thua thiệt, lại bị coi là dại dột. Sự dối trá quỷ quyệt nhiều khi được coi là khôn ngoan. Khi sự thật bị bưng bít thì tất cả đều ra tối tăm và sự gian ác lan tràn. Chính trong ý nghĩa đó mà Chúa Giêsu mạnh dạn tuyên bố trước Philatô: “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Đó cũng là một lời mời gọi xoáy vào tận tâm não của những ai còn chút lương tri, để họ kịp thời nhận ra chân lý làm người.
Trước câu tuyên bố của Đức Giêsu, Philatô liền lên tiếng hỏi: “Sự thật là gì?”. Nhưng ông lại tránh câu trả lời và phản ứng như một nhà chính trị. Bằng câu hỏi này, hoặc nhằm diễn tả một hoài nghi hoặc một lời chế nhạo, và ông đã cắt đứt cuộc đối thoại. Dù sao, các trao đổi giữa Philatô và Đức Giêsu cho thấy là sứ điệp của Người lúc đầu đã được gửi đến cho dân Do Thái, nhưng họ đã từ khước, nay vượt biên giới tôn giáo để đến với Dân ngoại, đại diện là quan Philatô. Thực ra, dù có biết sự thật là gì thì Philatô cũng không dám làm gì hơn, vì sợ bị liên lụy, có thể mất cả công danh và sự nghiệp. Sợ thế nên Philatô đã giao Đức Giêsu cho binh lính hành hình, và cuối cùng giao cho người Do Thái tử hình.
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật, mà sự thật là điều gì có lợi cho tôi. Một định nghĩa thật man trá, nên người ta dối trá một cách trắng trợn, trơn tru, không còn chút áy náy, vì thấy lương tâm không bằng lương thực hay lương bổng. Tiếng lương tâm là tiếng Chúa. Khi lương tâm bị băng hoại thì lòng tin vào nhau bị đổ vỡ, người ta sẽ sống trong sự nghi kỵ, đối phó, mưu mô... trở thành nạn nhân của chính mình và của một xã hội xây dựng trên sự gian tà.
Mất đi sự thật thì tình yêu chỉ còn là gian dối và là sự lợi dụng lẫn nhau để có được những gì mình ham muốn. Không lạ gì mà bạo lực, hận thù, bất công, nghèo đói... ngày càng gia tăng khắp nơi. Thế lực của sự dữ và tội ác như đang thắng thế. Nước Chúa dù là sự thật và tình yêu thì vẫn là điều xa xôi mịt mờ. Tuy nhiên, chúng ta tin vào sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa, những gì không phải là sự thật thì tự nó sẽ tiêu tan, và tình yêu vẫn là sức hút mãnh liệt, đồng thời là tiếng nói cuối cùng để phân chia đôi bờ thiện ác. Bổn phận chúng ta là góp phần với Chúa để Phúc Âm hóa gia đình và môi trường xung quanh mình, làm cho tinh thần Giêsu thấm nhập vào mọi cơ cấu xã hội, chuẩn bị cho ngày thành tựu viên mãn trong Đức Kitô, Vua muôn đời.
Cầu nguyện
Lạy Cha!
Có phải chăng sau vụ nổ Big-bang,
mà vũ trụ từ đó được khai trương,
để cứ thế càng ngày càng bành trướng,
và khởi xướng ra muôn vạn hành tinh?
Phải chăng trái đất từ hạt bụi nhỏ xíu?
nhưng lại lớn lao và biết bao kỳ diệu,
là hành tinh được Cha quá thương yêu,
đến nỗi đã ban xuống Người Con Một,
sống phận người để cứu chuộc thế nhân,
còn ghi mãi dấu chân trên mặt đất.
Mừng lễ Đức Ki-tô Vua vũ trụ,
chúng con cùng hướng nhìn về trái đất,
nơi có hơn tám tỷ người đang sống,
đang dựng xây và phát triển không ngừng,
nhưng trong đó lan tràn bao tệ nạn,
khiến con người phải khốn khổ lầm than.
Sự dữ và tội ác như thắng thế,
hận thù và bạo lực vẫn gia tăng,
cuộc sống cứ càng ngày càng gian trá,
bởi người ta ham vui thú sa đà.
Xin cho con biết xây dựng thế trần,
với tinh thần của công dân Nước Chúa,
Nước yêu thương và hòa bình chân thật,
nên tín hữu là chứng nhân bất khuất,
để đem lại cho trái đất an lành,
cho tất cả hoàn thành theo ý Chúa.
Xin cho danh thánh Chúa được rạng ngời,
và Nước Chúa càng ngày càng mau tới,
cho đến khi thành tựu ở quê trời,
trong Giê-su Vua ngàn đời vinh hiển. Amen.
Lm. Thái Nguyên