Bức phù điêu “Bữa tiệc ly”

Bức tranh “bữa tiệc ly” nổi tiếng của danh hoạ Leonardo da Vinci, tác phẩm bức hoạ có tên là “Il Cenacolo hay L'Ultima Cena” (Bữa ăn tối cuối cùng) tại tu viện Santa Maria delle Grazie ở Milan, Italy. 

Bức phù điêu “Bữa tiệc ly”

 


Bức tranh “bữa tiệc ly” nổi tiếng của danh hoạ Leonardo da Vinci, tác phẩm bức hoạ có tên là “Il Cenacolo hay L'Ultima Cena” (Bữa ăn tối cuối cùng) tại tu viện Santa Maria delle Grazie ở Milan, Italy. Từ bức tranh đó, cha cố Đaminh Bùi Minh Sơn chế tác thành bức phù điêu “bữa tiệc ly” bằng xi măng rồi bằng đồng đặt nơi cung thánh.

Cha cố Giuse Đỗ Trọng Kim (1960 – 1973), ngài đã hy sinh nhiều lúc nhận xứ khi căn nhà thờ đầu tiên là nhà thờ lợp tôn, chung quanh dường như còn sơ sài, chưa có công trình gì ngoài những ngôi nhà cổ xưa như ta từng thấy. Sau mấy năm ngài cùng với cha phó là cha cố Đaminh Bùi Minh Sơn (1965 – 1973) đã khởi công xây dựng ngôi thánh đường đầu tiên ngày 3 tháng 12 năm 1966, bằng gạch xi măng, với tháp chuông cao ngất, ngôi trường Tân Phước. Giáo dân Tân Hoà khi ấy còn ít nhưng lòng đạo đã thấm nhuần lòng sùng kính Đức Mẹ, ai cũng một lòng một ý sống chan hoà yêu thương.

Vào ngày 03 tháng 11 năm 1973, cha cố Giuse Đỗ Trọng Kim qua đời, ai cũng khóc thương. Cộng đoàn nhớ tới chuỗi tràng hạt trên tay mỗi buổi sáng chiều dạo quanh khu vườn ao thấp cầu nguyện. Đám tang cha cố Giuse Đỗ Trọng Kim, một đám tang có lẽ là trang trọng nhất với xe tứ mã chở quan tài cha cố, cùng một đoàn xe lam dài gần cây số đến nghĩa trang các linh mục Chí Hoà.

Cha cố Đaminh nhận sứ vụ cha chánh xứ sau đó, ngài cũng tiếp tục xây đắp lòng đạo cho người tín hữu. Cha cố Đaminh rất yêu mến Thánh Thể, hầu như ngài ghi nhớ hết bao ngày, bao lần kính Chúa Thánh Thể trọng thể. Nếu ta thấy trên bục giảng bằng đá trên cung thánh hiện tại, ghi khắc:

Xây dựng Thánh Đường lần 1: 03 - 12 – 1966. Ngày Chầu thứ Năm hằng tuần lần 1: Mùng 6 Tết Đinh Tỵ. Khởi công xây dựng, dịp kỷ niệm Chầu Mình Thánh Chúa (hằng tuần vào thứ Năm) lần thứ 1000. Ngày 24 – 11 – 1995. Lễ đặt Thánh cốt, do Đức Ông G.B. Trần Văn Hiến Minh chủ sự, ngày 26 – 1 – 1997. Bàn thánh Được Thánh Hiến, lần chầu thứ 1161, Noel 1998. Xức dầu thánh hiến 1 – 5 – 2000, do Đức Tổng Giám Mục, G.B. Phạm Minh Mẫn.

Vào những năm 1980 cha cố Đaminh Bùi Minh Sơn là cha chánh xứ, ngài đã đặt một Bức phù điêu “bữa tiệc ly” đắp bằng xi măng. Với công trình đầu tiên này cha cố đã tham khảo rất nhiều ý kiến từ cha giám đốc Chủng Viện Thánh Giuse, cha Đaminh Trần Thái Hiệp và với bao nghệ nhân khác.

Cha Đaminh Trần Thái Hiệp khi du học về từ Roma, ngài làm phó giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse (1960 – 1975). Cùng thời gian đó, ngài giữ chức Tổng thư ký Ủy ban Mỹ Thuật Tôn Giáo thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Ngài là Giám đốc Đại chủng viện vào những năm Đại Chủng Viện còn học không chính thức, thường gọi là khoá Zero. Đến năm 1986 mới được mở chính thức Khoá 1 Đại Chủng Viện Thánh Giuse.

Với cha Đaminh Trần Thái Hiệp, ngài rất yêu mỹ thuật, đặc biệt mỹ thuật tôn giáo. Bảo tàng phòng tranh của ngài có rất nhiều bức có giá trị. Thời ấy 1980, những năm còn nhiều khó khăn, cha cố Đaminh Bùi Minh Sơn đã có ý đưa bức hoạ “bữa tiệc ly” của Leonardo da Vinci ra thành bức phù điêu bằng xi măng, đặt giữa bàn thờ và nhà tạm.

Điều kiện khi ấy khó khăn, không có mới đá làm bằng xi măng, nhất là những bao xi măng, thép, mót nhặt từ những chỗ thân quen của ngài về để dựng.

Từng chút một, khi đưa tác phẩm từ hình vẽ ra bức phù điêu bằng xi măng. Cách chia bố cục nhóm mười hai, bức phù điêu chia thành bốn nhóm: Nhóm sợ hãi: Batôlômêô, GiaCôBê hậu và Anrê. Nhóm gây nhiều tranh cãi: Gioan, Phêrô và Giuđa Itcariốt. Nhóm nghi ngờ: Giacôbê Tiền, PhiLipphê, Tôma. Nhóm tranh luận: Mát thêu, Tađêô, Simon (Nhóm ngoài cùng bên phải bức phù điêu). Giuđa Iscariot tách ra khỏi nhóm ba đang giữ túi tiền để làm rõ từng nhân vật hơn, đó là một cách thể mới, không theo nguyên bản của bữa tiệc ly.

Chúa Giêsu ngồi chính giũa bàn tiệc, nhà tạm đặt Mình Thánh Chúa được đặt ngay nơi con chiên bị sát tế và chiếc bánh. Ý nghĩa từ bức phù điêu khi đặt nhà tạm ngay nơi chiên sát tế và bánh tiến có ý nghĩa: Chúa Giêsu là chiên sát tế, là Thánh Thể nuôi dưỡng dân Người. Nơi lòng sùng kính Thánh Thể của cha cố Đaminh và toàn thể dân Chúa hướng về.

Nếu ta để ý kỹ điều khó nhất làm sao ra được mười hai khuôn mặt biểu lộ những cảm xúc khác nhau trên cùng một bàn tiệc. Với những cố gắng, tâm trí vất vả thâu đêm để kiếm từng ít xi măng, gom từng ít đất sét để làm âm bản cho bữa tiệc ly và khuôn đúc.

Khi dỡ ngôi nhà thờ cũ để dựng nên ngôi Điện Thánh Mẫu. Cha cố đã lấy bức phù điêu “bàn tiệc ly” nhà thờ cũ, chế tác thành âm bản để đúc bức phù điêu “bữa tiệc ly” bằng đồng. Khi ấy tìm đồng để đúc không dễ, muốn tìm loại đồng đỏ là loại khá, nhưng không tìm đâu ra có lượng lớn, nên mới dùng đồng xanh dễ kiếm hơn làm nguyên liệu. Đồng xanh khó lên màu hơn tất cả những thứ đồng đúc khác. Bức phù điêu “bữa  tiệc ly” không thể đúc thành nguyên khối mà đúc từng mảng khối khác nhau dễ bề đưa lên gắn vào trong bức tường cong xây đúc sẵn.

Khuôn đúc từng thánh tông đồ và nhóm các tông đồ lắp ghép từng khối. Chúa Giêsu ngồi giữa bàn tiệc là khối riêng, trước mặt Chúa là chiên con chịu sát tế, với bánh nơi đặt nhà tạm đặt Mình Thánh Chúa.

Tại sân nhà thờ, thợ khuôn cùng các anh em trong giáo xứ nấu đồng, đổ khuôn đúc. Xong còn chỉnh sửa từng li, từng tý, gọt dũa rỉ đồng. Sau đó còn mang đi để gọt dũa hoàn thiện cơ bản từ bên chỗ làm tượng đối diện nhà thờ Nam đưa về.

Để hoàn thiện bức điêu khắc, đây là khâu khó nhất. Đồng được đúc là đồng xanh, khó xử lý hơn đồng đỏ và đồng đen. Anh Hoàn mất rất nhiều công và thời gian để làm sao cho màu đồng được ánh lên chất đồng, không phải màu của rỉ sét. Khi đưa bức phù điêu lên, anh Hoàn chuyên mỹ thuật về đồng đá, còn xử lý hình khối, sao cho vị nào ra vị ấy. Xử lý màu trên đồng khó nhất, sao cho màu sắc đậm nhạt, không bị chói mắt dưới hiệu ứng ánh sáng mà còn làm nổi lên những đường nét. Những khuôn mặt nổi bật, những chòm tóc, râu đậm nhạt, những đôi mắt lo âu, nghi ngờ, bàn tán được rõ nét. Hình ảnh của Chúa bình an giữa các tông đồ lo lắng. Tất cả những điều đó được biểu lộ trên bức phù điêu “bữa tiệc ly” công phu hơn mấy tháng ròng rã.

Bức phù điêu “bữa tiệc ly” bằng đồng do công khó và hết tâm trí của nhiều bậc tiền nhân, nhiều công sức của anh chị em. Giá trị không chỉ vật chất mà còn là giá trị tinh thần cũng là giá trị trong tổng thể của ngôi thánh đường. Nếu phá bỏ bức tiệc ly sẽ là phá vỡ cấu trúc bố cục Thánh Mẫu Điện, làm mất đi ý nghĩa “Hy lễ hoàn vũ” của tổng thể ngôi thánh đường.

Ngoài bức phù điêu “bữa tiệc ly”, tượng Đức Mẹ và Thánh Giuse cũng được đúc bằng đồng, cũng khó nhọc như bức phù điêu “bữa tiệc ly” đặt hai bên gian cung thánh trong Thánh Mẫu Điện. Xin đừng bao giờ dát vàng trên tất cả công trình đúc đồng đó. Chúng ta cùng tôn thờ Chúa, tôn kính các thánh và gìn giữ cho con cháu sau này vinh Danh Thiên Chúa.

L.m Giuse Hoàng kim Toan

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...