Người tôi trung đau khổ dù gánh hết mọi đau thương của nhân loại, nhưng Người vẫn mang một niềm tin yêu, hy vọng cho nhân loại mới được khai sinh. Vậy đâu là ý nghĩa đau khổ của Người tôi trung?
Chúa Giêsu là mẫu mực cho con người đau khổ ấy, “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.” (1 Pet 2, 24). Khi mời gọi các môn đệ vác thập giá mình mà theo Người, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ theo bước chân Người gánh lấy đau khổ như một mối phúc nói đến trong bài giảng trên núi (Mt 5, 1 – 12). Đó là phương cách thay đổi góc nhìn, thay vì nhìn vào chính sự bất công mình phải chịu, những đau khổ tự dưng xảy đến, thì nhìn với một thực tại khác, “thông phần vào cuộc khổ nạn của Chúa”
Chuyển hoá đau khổ.
“Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian.” (Ga 16, 21). Khả năng con người được Chúa ban cho lớn lao là chuyển hoá đau khổ thành phương tiện cứu rỗi, “ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8, 35). Đau khổ chuyển hoá thành lời cầu nguyện, thành điều bớt đi “cái tôi, ích kỷ”, để cùng gánh lấy đau khổ thông phần vào trong Thánh Giá Chúa. Hy sinh, hiến tế vì anh chị em là một lời mời gọi chuyển hoá đau khổ thành Niềm Vui Tin Mừng.
Đau khổ để cảm thông, làm phong phú thêm lòng thương xót.
Điều tuyệt diệu nhất trong đau khổ mà Chúa Giêsu dạy là biến nó trở thành sức mạnh của Tình Yêu. Đau khổ nơi bản thân để trở nên con người dễ thương cảm với anh chị em, hiểu được những đau khổ người anh chị em đang mang. Chúa Giêsu đến hoàn tất lời tiên tri Isaia: “Sự thật là chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng Người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa phải nhục nhã ê chề. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. (Is 53, 4 - 5).
Chị Chiara Lubich qua mầu nhiệm thánh giá Chúa, chị đã dâng lên lời cầu nguyện:
“Để chúng con được ánh sáng, Chúa đã trở nên mù lòa.
Để chúng con được hiệp nhất, Chúa đã chịu xa cách Chúa Cha.
Để chúng con được khôn ngoan, Chúa đã trở nên "dốt nát".
Để chúng con được trở nên vô tội, Chúa đã trở thành người "tội lỗi".
Để chúng con hy vọng, Chúa đã hầu như tuyệt vọng.
Để Thiên Chúa ở trong chúng con, Chúa đã cảm nghiệm tình trạng bị xa cách Thiên Chúa.
Để chúng con chiếm hữu thiên đàng, Chúa đã cảm nghiệm hoả ngục.
Để cho chúng con được vui sống trên mặt đất nầy giữa hàng trăm anh chị em, Chúa đã chịu cảnh bị gạt bỏ khỏi trời đất, khỏi loài người và thiên nhiên.
Chúa là Thiên Chúa, là Thiên Chúa của con, là Thiên Chúa của tình yêu thương vô bờ bến của chúng con”.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan