Vọng



Vọng

Vọng theo một trong những ý nghĩa là trông đợi, chờ đợi ở tương lai. Nói đến vọng này, ai chúng ta cũng đều có những ước mong, trông đợi. Điều ước mong, chờ đợi ấy là điều vui, tốt đẹp, tươi sáng hơn hiện tại. Thế nhưng vẫn có những vọng ảo, vọng ngã, vọng chấp, hãy tắt dần đi để Chúa đến thắp sáng cho cuộc đời.

Mùa vọng, trong phụng vụ Kitô giáo nhắc đến hai điều:

Chuẩn bị tâm hồn kỷ niệm Chúa Giáng Sinh.

Mong đợi Chúa sẽ đến vào ngày quang lâm.

Dọn tâm hồn:

Sứ điệp Chúa Giáng Sinh, không chỉ là cõi lòng lâng lâng khi nghe những bản Thánh Ca như: Trời cao, Bên sông Babylon, Cao cung lên, Đêm Thánh vô cùng hoặc Hang Bêlem… Rộn ràng nhưng không thiếu phần nhìn lại năm tháng đã qua theo sứ điệp của Gioan Tẩy Giả: “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” (Lc 3, 4 – 6).

Như vậy, vọng về phía trước, mừng Chúa Giáng Sinh cần có một cái nhìn thực tại về quá khứ để thấy ra được con đường để sửa lối. Dọn tấm lòng để Chúa ngự đến.

Vọng tưởng. Có nhiều thứ cần dọn dẹp trong đời sống, bởi vì vọng cũng có một nghĩa khác là vọng tưởng. Bao giờ cái tưởng như thế là cái không tưởng, không thật. Vì nó không thật nên khi vọng chờ trở nên thất vọng hoặc dẫn đến đổ vỡ. Dẹp cái tưởng, không tưởng ấy đi, cần trở về với thực tại nhiều hơn, soi vào chính mình, chứ không soi vào người khác, đi tìm về chính mình để biết mình nhiều hơn để tránh cái vọng tưởng nhiều hơn.

Vọng ngã là cái vọng tự nhiên của con người sống kỳ vọng về chính mình: Ước muốn sống lâu hơn, dồi dào hơn về vật chất hay tinh thần hoặc sức khỏe, vọng tới tương lai, vọng về quá khứ. Vọng ngã dẫn tới hệ lụy buồn phiền, sầu não vì cuộc đời không được như ý, tiếc nuối những gì đã qua, đôi khi còn dẫn tới trí trá, lừa dối, ghen tỵ… để gian tham đạt tới cái cuồng vọng. Vọng ngã gây phiền muộn, có khi vì mơ ước sức khỏe tốt hơn, nhưng thân này cứ mang bệnh tật; ước mong khá giả hơn nhưng cứ nghèo túng; có được tiếng tốt hơn nhưng cứ bị người đời cười chê… Kỳ vọng mà không được thì sinh ra phiền muộn, đau khổ.

Vọng ngã là quy về cái “tôi” ích kỷ của mình, mà cái ích kỷ bao giờ cũng mang đến sự cô lập, buồn phiền và đôi khi là tự mãn.

Vọng chấp là cái vọng so sánh mình với người khác: Không được như người hoặc tự khoe khoang hơn người, cả hai thái độ so sánh đều khập khiễng vì mang những hệ lụy khổ đau phiền muộn. Thái độ so sánh thua kém mang tính mặc cảm tự ty, một đau khổ âm thầm day dứt con người thấp bé, một thái độ khác mang sắc thái tự tôn khiến cản trở không tiếp nhận gì được nơi người khác khiến chính mình tự làm nghèo đi trong cuộc sống.

Đón Mừng Chúa Giáng Sinh

Có bốn Chúa Nhật mùa Vọng được biểu hiện bằng vòng hoa, kết bằng thông xanh, điểm lên đó hoa, quả thông, và ba cây nến màu tím và cây nến mầu hồng, mỗi tuần thắp lên một cây. Riêng tuần thứ ba, thường gọi là Chúa Nhật Hồng, biểu hiện của niềm vui Chúa sắp đến viếng thăm dân Người.

Ý nghĩa của vòng thông xanh, vừa biểu hiện vòng nguyệt quế của chiến thắng. Trong bóng đêm của trần thế đau thương, khắc khoải chờ đợi. Chúa đến hiển trị vinh quang khiến cả trời đất reo lên: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời – Bình an dưới dưới thế cho người thiện tâm”. Màu xanh của cây thông vẫn xanh tươi dầu những loài khác đã rụng lá để lại những cành khẳng khiu. Màu xanh của niềm hy vọng được cứu rỗi vẫn xanh tươi trong muôn lòng nhân thế dù tội lỗi dường như đang vây quanh “rình mồi cắn xé” (1Pet 5, 8).

Chúa đến là dấu chỉ chắc chắn cho niềm hy vọng cho nhân loại. Bốn cây nến lần lượt được thắp lên, như ánh sáng Thiên Chúa dần dần qua dòng thời gian sẽ được sáng lên, xua tan những tăm tối đối với những người đang mong tìm gặp Chúa. Niềm vui khai mở nơi con người từ hoang địa bước ra cho đến khi được đón nhận trong lòng Đức Maria và cuối cùng Con Thiên Chúa được sinh ra cho nhân loại.

Với tiến trình của Mùa vọng, chúng ta được nhắc trở về với Chúa thực sự để Chúa được sinh ra nơi tâm hồn mỗi người. Vì câu truyện Giáng Sinh vẫn nhắc chúng ta một điều: “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2, 7).

Origene thành Alexandria đã chia sẻ một cảm nghiệm sâu xa: “Nếu Chúa sinh ra ngàn lần trong hang đá mà chưa bao giờ sinh ra trong lòng bạn nào có ích gì?”

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...