Thời đại của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII và thời đại chúng ta
Trong cuộc phỏng vấn với Vatican News, Tiến sĩ Donald Prudlo, Chủ tịch Warren về Nghiên cứu Công giáo tại Đại học Tulsa, Oklahoma chỉ ra sự tương đồng giữa thời đại của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII và thời đại của chúng ta, cũng như những thách đố mà Giáo hội ngày nay phải đối diện khi triều Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Lêô XIV bắt đầu.
Trong buổi gặp gỡ các Hồng y, Đức Giáo Hoàng Lêô XIV đã cho biết lý do ngài chọn tên Lêô. Và ngài đặc biệt nhắc đến Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, nhà cải cách xã hội vĩ đại của cuối thế kỷ 19. Tiến sĩ có thể cho biết đôi chút những gì Đức Giáo Hoàng nói với chúng ta về mối liên hệ giữa thời của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII và thời đại của chúng ta không?
Đức Giáo Hoàng Lêô XIII cai quản Giáo hội từ năm 1878 đến năm 1903, vì vậy ngài là Giáo hoàng đầu tiên của thế kỷ 20. Ngài sống trong thời kỳ xã hội có nhiều thay đổi sâu sắc, thời kỳ mà Giáo hội cần câu trả lời cho nhiều vấn đề xã hội cấp bách của thời đại. Đức Thánh Cha Lêô XIV nói cho chúng ta biết lý do tại sao ngài chọn điều này, đặc biệt khi nhắc đến sự vĩ đại của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII. Giáo huấn Xã hội Công giáo, thông điệp Rerum novarum từ năm 1891 cho thấy đó là nền tảng cho tất cả các giáo huấn xã hội sau này.
Đức Thánh Cha Lêô XIV biết, như thời của vị tiền nhiệm, ngài sống trong một giai đoạn xã hội có nhiều thay đổi, một sự thay đổi không chỉ thách đố Giáo hội và các học thuyết của Giáo hội, nhưng còn thách đố cả phẩm giá con người. Và vì vậy khi lấy tên này, ngài muốn chúng ta hiểu rằng cũng giống như Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã sống trong thời kỳ chuyển giao giữa cuộc Cách mạng Công nghiệp, và đã cố gắng xây dựng một con đường Công giáo, một cách diễn giải Công giáo, giữa hai mối nguy hiểm song song của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản tự do không bị ràng buộc.
Đức Thánh Cha Lêô XIV cho chúng ta biết, chính vì những thách đố đối với nhân loại ngày nay và những thách đố phẩm giá con người, đặc biệt vấn đề trí tuệ nhân tạo, nên ngài đã lấy tên này để đánh dấu một giai đoạn mới mà Giáo hội sẽ dấn thân đối diện với những vấn đề rất nghiêm trọng.
Đức Thánh Cha cũng đã nói về cuộc cách mạng công nghiệp mới. Vì vậy, một phần, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã đối diện với cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên. Tiến sĩ có thể giải thích một chút về điều đó không, và có thể chia sẻ một vài suy nghĩ về những điều mà Đức Thánh Cha đang nói đến khi nhắc về một cuộc cách mạng công nghiệp mới?
Vào thời Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, có một làn sóng đô thị hóa mạnh mẽ. Trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ, dân chúng rời bỏ các nông trại để chuyển đến các thành phố, và khi làm như vậy, họ phải đối diện với điều kiện sống tồi tệ, điều kiện lao động khắc nghiệt. Họ bị các chủ doanh nghiệp ngăn cản việc thành lập công đoàn. Họ cũng bị mua chuộc bởi những hệ tư tưởng chính trị mới, nhằm lật đổ các hệ thống hiện có.
Và ngài muốn củng cố quyền lợi của người lao động, muốn đề cao phẩm giá của công việc và phẩm giá con người, đặc biệt trong đơn vị xã hội cốt lõi, gia đình nhân loại.
Ngày nay, Đức Thánh Cha Lêô XIV nhận thấy một bước ngoặt mới. Và bước ngoặt đó, theo tôi, chính là sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo và cơ giới hóa, sự phát triển của robot, và những thách đố mà điều đó sẽ đặt ra trong mười hay hai mươi năm tới, thậm chí có thể sớm hơn đối với phẩm giá của lao động. Đặc biệt, thách đố này không chỉ nhắm đến lao động tay chân – tức những công nhân nhà máy mà Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã quan tâm – nhưng còn nhắm đến lao động trí óc: nhân viên văn phòng, lập trình viên máy tính, giáo viên, và nhiều người khác. Và ngài muốn đi đầu trong việc bảo đảm rằng cuộc chuyển mình này – cuộc chuyển mình mang tính quyết định đối với nhân loại – được thực hiện một cách đúng đắn.
Giáo hội luôn đồng hành với nhân loại qua những giai đoạn chuyển biến sâu sắc suốt 2.000 năm qua; và Giáo hội phải có một phản ứng cẩn trọng, chân thật và rõ ràng, để giúp con người duy trì vị thế, cuộc sống của mình, trong công lý, phẩm giá lao động, và phẩm giá con người.
Tôi muốn nói thêm về hai điểm mà tiến sĩ vừa nêu ra và tôi đặc biệt chú ý. Thứ nhất, tiến sĩ nói về phẩm giá không chỉ của người lao động, nhưng còn của chính công việc. Và thứ hai, tiến sĩ nhắc đến việc Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã đối diện với hoàn cảnh khốn khổ của tầng lớp lao động. Giờ đây, như tiến sĩ nói, sự thay đổi đang diễn ra từ lao động tay chân sang lao động trí óc trong thời nay. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang chứng kiến ở rất nhiều nơi trên thế giới, người lao động vẫn đang bị bóc lột trong những công việc sản xuất, đặc biệt là để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của thế giới phát triển, trong khi chính họ lại đến từ các quốc gia đang phát triển. Cả hai chủ đề này – phẩm giá của công việc và sự bóc lột lao động ở quy mô toàn cầu – cũng đều là mối quan tâm rất sâu sắc của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Và tôi nghĩ Đức Thánh Cha Lêô XIV đang đề cập đến điều đó…
Tôi nghĩ ngài rất nhạy cảm trước những nhu cầu của người lao động bị bóc lột, vì ngài từng là giám mục truyền giáo ở Nam Mỹ. Ngài biết rõ tình trạng của hệ thống kinh tế toàn cầu, thường dựa vào lao động giá rẻ và đôi khi, đáng tiếc, còn dựa vào lao động nô lệ ở một số quốc gia trên thế giới.
Vì vậy, ngài sẽ trở thành tiếng nói cho những người đó, giống như Đức Giáo Hoàng Lêô XIII từng là tiếng nói cho những người không có tiếng nói trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất. Đức Thánh Cha Lêô XIV sẽ tiếp tục truyền thống đó, và ngài sẽ là tiếng nói cho những ai đang bị đe dọa, đang chịu tổn thương bởi những hình thức bóc lột bất công khác nhau trong thế giới này. Và theo nghĩa đó, ngài sẽ tiếp nối tinh thần của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Tôi nghĩ tiến sĩ nói đến văn kiện mà Đức Thánh Cha Lêô XIV đã đề cập, Rerum novarum, nền tảng giáo huấn xã hội Công giáo sau này. Tôi muốn quay lại lịch sử, và tiến sĩ có thể cho chúng tôi biết một chút bối cảnh xung quanh thông điệp đó để nó không đứng riêng lẻ. Văn kiện là một phần của giáo huấn rất rộng của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII…
Đức Giáo Hoàng Lêô XIII cai quản Giáo hội trong một thời gian dài. Triều của ngài rất ổn định, và trong suốt thời gian đó ngài đề cập rất nhiều vấn đề. Và Rerum novarum chỉ là một dấu ấn mà ngài để lại cho Giáo hội, cho giáo huấn xã hội, và là một phần của sự trở về rộng lớn hơn và toàn diện hơn với tinh thần, trở về với con người, xem xét mối quan hệ đúng đắn của nhân loại với Chúa, không chỉ xem xét các nguyên tắc chính trị theo chiều ngang.
Bằng cách đặt nhân loại trong mối tương quan trực tiếp với Thiên Chúa, chúng ta bắt đầu thấy tầm quan trọng của những điều mà Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã nhấn mạnh, như mức lương đủ sống, quyền được thành lập các công đoàn lao động, quyền được lao động tử tế và danh dự, bởi vì điều đó thể hiện phẩm giá con người và nhu cầu chu cấp cho gia đình. Và vì thế, Đức Thánh Cha Lêô XIV sẽ tiếp tục điều đó trong sứ vụ của ngài.
Những hoàn cảnh mà Đức Giáo Hoàng Lêô XIII phải đối diện thật sự khắc nghiệt. Đó là một thế kỷ mà Giáo hội đã trải qua nhiều cuộc cách mạng, với vô số thách đố đối với thẩm quyền của Giáo hội, nhưng không chỉ riêng thẩm quyền của Giáo hội, nhưng còn đối với các trụ cột ổn định truyền thống của xã hội như nhà nước, gia đình, và tất cả những khía cạnh khác trong đời sống của chúng ta.
Đức Thánh Cha Lêô XIII đã bảo đảm rằng, với sự khôn ngoan của Giáo hội, với sự khôn ngoan của Thánh Tôma Aquinô mà ngài hết sức ủng hộ; qua việc thực hành kinh Mân Côi, điều mà ngài đã viết rất nhiều thông điệp; qua việc đặt trọng tâm nơi Thiên Chúa; qua sự chú trọng đến phẩm giá con người để đưa ra một viễn tượng mới và toàn diện về giáo huấn xã hội Công giáo và công lý xã hội Công giáo, một viễn tượng sẽ tiếp tục bền vững trong thế kỷ 20 và trở thành nền tảng cho rất nhiều giáo huấn của các Giáo hoàng sau này.
Liên quan đến Rerum Novarum, như tiến sĩ đã nói, đó là một phần trong bối cảnh của một cái nhìn toàn diện về giáo huấn xã hội Công giáo, nhưng các vị Giáo hoàng kế tiếp đã đặc biệt tái nhấn mạnh thông điệp này. Chúng ta đã thấy Đức Giáo Hoàng Piô XI, khoảng 40 năm sau đó; tôi tin rằng Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, 80 năm sau; và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đánh dấu kỷ niệm 100 năm của Rerum Novarum. Thông điệp này cũng tiếp tục được nhấn mạnh trong huấn quyền của Đức Biển Đức và Đức Phanxicô. Nhưng có một câu hỏi mà một số người có thể đặt ra: Giáo hoàng có quyền gì để đề cập đến các vấn đề kinh tế? Các ngài có quyền gì để nói về mức lương tối thiểu, về tiêu chuẩn dành cho người lao động, về cách mà chính phủ, giới chủ và người lao động nên tương tác với nhau? Vậy có lẽ để kết thúc, tiến sĩ có thể chia sẻ một chút về lý do tại sao các Giáo hoàng và Giáo hội lại có thể lên tiếng về những vấn đề này?
Vẫn có những điều chắc chắn về mặt đạo đức, như phẩm giá con người, quyền được hưởng mức lương đủ để nuôi sống gia đình, quyền được bảo vệ gia đình trong phạm vi xã hội, quyền được bảo vệ các quyền lợi của người lao động.
Lý do mà Giáo hội lên tiếng về những điều này không phải là để đưa ra một chương trình chính trị cụ thể, nhưng là để vạch ra những ranh giới mà con người không thể vượt qua.
Không ai có thể phủ nhận nhân phẩm của người lao động bằng cách trả cho họ một mức lương bất công, một điều kêu thấu trời cao đòi công lý. Và vì vậy đây là điều gì đó thuộc về Kinh thánh. Đây là điều mà các Giáo hoàng đã thường nhấn mạnh trong suốt lịch sử.
Bạn nói đúng, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã cung cấp điều này, tiêu chuẩn chung này được các Giáo hoàng thường xuyên nhắc lại. Và đó là lý do tại sao điều này thực sự đã đi trọn một vòng đến Đức Thánh Cha Lêô XIV và việc ngài chọn tông hiệu Giáo hoàng, và sự tôn trọng sâu sắc của ngài đối với giáo huấn xã hội của Giáo hội và quyền can thiệp của Giáo hội để bảo vệ phẩm giá không chỉ của các tín hữu, nhưng còn của phẩm giá của tất cả con người nói chung.
Vatican News
Những tin cũ hơn