TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Phục Sinh -Năm C

“Chúa Giêsu đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn”. (Ga 21,1-19)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

SNTM Chúa Nhật III Phục Sinh -Năm C

Thứ sáu - 02/05/2025 00:28 | Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh |   61
Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu.

Tin Mừng Chúa nhật thứ ba phục sinh
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

CN3PSc 5



Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 21, 1-14)

Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: “Simon-Phêrô, Tôma (cũng gọi là Ðiđymô), Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: “Này các con, có gì ăn không?” Họ đồng thanh đáp: “Thưa không”. Chúa Giêsu bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”. Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.

Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: “Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây”. Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: “Các con hãy lại ăn”. Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi “Ông là ai?”, vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Ðây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật III Phục Sinh -Năm C
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh


Suy niệm

Thiên Chúa Cha yêu nhân loại, đã sai người Con duy nhất của mình đi vào lịch sử nhân loại để thực hiện lời hứa ban đầu, cứu con người khỏi tội. Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, đã mang lấy thân phận con người, thực hiện sứ mạng được giao phó là cứu độ nhân loại, Ngài đã dùng đời sống, lời nói, những bài giáo lý giúp khai trí cho con người, giúp mở tâm cho họ, để biết được giá trị của tình yêu Chúa Cha dành cho mình. Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật thứ ba phục sinh là bức tranh sứ mạng của Đức Giêsu đã được thực hiện, để tiếp nối sứ mạng đó, Ngài đã sai các học trò lên đường, và họ đã ra đi. Sứ mạng của họ như một ngư phủ thả tấm lưới xuống biển trần gian, kéo lên đầy cá, là các linh hồn, là những con người hiền lành, khiêm tốn, có những lúc họ đã bị ma quỷ bóp méo khuôn mặt giống hình ảnh Thiên Chúa, đóng cửa tâm hồn để khước từ ơn tha tội và tin mừng sự sống. Đó là những nỗi đau Thiên Chúa phải nhận chịu vì con người.

Vượt qua những giới hạn sợ hãi của con người, thánh Phê-rô đã khẳng định sứ vụ của mình là cộng tác với Đức Giêsu phục sinh, đem tin mừng cứu độ tới cho mọi người. Sứ vụ đó là một lệnh truyền, một trách nhiệm lớn lao của người môn đệ, bài đọc 1 từ sách Tông đồ Công vụ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ơn gọi cao quý đó như thế nào: “Trong những ngày ấy, thầy thượng tế hỏi các tông đồ rằng: “Ta đã ra lệnh cấm các ngươi nhân danh ấy mà giảng dạy. Thế mà các ngươi đã giảng dạy giáo lý các ngươi khắp cả Giêrusalem; các ngươi còn muốn làm cho máu người đó lại đổ trên chúng tôi ư?” Phêrô và các tông đồ trả lời rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta. Thiên Chúa cha ông chúng ta đã cho Ðức Giêsu sống lại, Ðấng mà các ông đã giết khi treo Người trên thập giá”. Sứ mạng của các Tông đồ là giới thiệu một vị Thiên Chúa đã làm người, đã sống giữa nhân loại, vậy mà con người đã giết chết nhưng nay Người vẫn sống. Người là nguồn sống, là ơn cứu độ và là điểm tựa tinh thần cho con người, nếu biết lắng nghe và đón nhận tin mừng cứu độ của Người.

Sách Khải huyền là tác phẩm cuối cùng của bộ Kinh thánh, là cuốn sách được viết theo dòng văn khải huyền, dòng văn tiên báo về ngày cánh chung của nhân loại, tới ngày đó, hình ảnh Con Chiên là Đức Giêsu sẽ sáng chói, sẽ nổi bật khi xuất hiện trên ngai vàng. Đó cũng là lúc vinh quang của Thiên Chúa Cha chiếu tỏa trên người tôi tớ đã chu toàn sứ mạng vẹn toàn như Cha mong đợi: “Tôi là Gioan, đã thấy và nghe tiếng các thiên thần đông đảo vòng quanh ngai vàng, tiếng các sinh vật và các vị kỳ lão; số họ đông hằng ngàn hằng vạn, họ lớn tiếng tung hô rằng: “Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, phú quý, khôn ngoan, sức mạnh, danh dự, vinh quang và lời chúc tụng”. Bước vào trần gian, Đức Giêsu bị truy lùng, bị chống đối, bị loại trừ với một bản án khắc nghiệt, chấp nhận một thất bại, trong mắt người đời, đó là một sự thất bại của một con người, nhưng trong mắt Thiên Chúa, đó là một người đầy tớ đã vâng lời cho đến tận cùng, chấp nhận tất cả chỉ vì một mục đích là diễn tả trọn vẹn tình Chúa Cha yêu con người.

Thầy đã chết, nỗi buồn bao phủ cộng đoàn, xâm chiếm tâm hồn mỗi người, chắc phải tìm một con đường cho ngày mai. Thánh Phê-rô muốn trở lại với công việc xưa là đánh cá, ông gọi anh em cùng đi như là để xoa dịu nỗi đau tinh thần của họ, thế là các ông lên đường: “Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: “Simon-Phêrô, Tôma (cũng gọi là Ðiđymô), Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Niềm hy vọng duy nhất của các Tông đồ là có Thầy bên cạnh chỉ dạy, nay Thầy mất, bóng hình không còn nữa, chán nản và thất vọng là điều tất yếu. Giờ làm sao để khỏa lấp những nỗi trống vắng đó, thôi trở về với công việc ngày nào đó, để tìm sự yên tĩnh cho cuộc đời.

Sự xuất hiện của một bóng người trên mặt biển chắc ai cũng lo sợ, các Tông đồ không nằm ngoại lệ, đôi mắt thể lý chưa thể phân biệt đó là ai, đôi mắt tinh thần cũng thế, tất cả như đang bị che phủ. Thánh Gioan có mặt trong nhóm cùng đi đánh cá đã nhận ra đó là Thầy, Thầy xuất hiện đem niềm vui vỡ òa tới cho mọi người dù nửa mừng nửa buồn: “Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”. Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay”. Phê-rô cũng như các Tông đồ không nghĩ rằng Thầy sẽ xuất hiện trong hoàn cảnh này, trên biển trong công việc hàng ngày của các ông, thế mà Thầy đã đến. Chúa Phục sinh hiện diện với các Tông đồ, với con người mọi nơi mọi lúc, từ những công việc hàng ngày cho đến những sinh hoạt trong cuộc sống, lúc đi đường cũng như khi đang nghỉ ngơi, Thầy ở đó, chia sẻ với mọi người những trăn trở cuộc sống.
Giữa một xã hội mà tin mừng phục sinh được coi là một câu chuyện xa lạ, thì việc các chứng nhân sống và loan báo tin mừng đó sẽ như thế nào. Thế giới chạy theo sự phát triển của khoa học, con người thì chạy theo những nhu cầu của đời sống thực dụng, trái tim của nhân loại thiếu đi ngăn chứa của tình yêu, tri thức của nhân loại đang chạy theo những suy nghĩ đầy ảo tưởng, vì thế, những giá trị của Tin mừng đang được coi là những món hàng xa lạ, những cách suy nghĩ thiếu thực tiễn và đem lại lợi ích cụ thể. Trước một xã hội như thế, người chứng nhân của tin mừng sự sống có chấp nhận sự thật phũ phàng đó để đứng lên, để mạnh dạn sống và loan báo tin vui cho thế giới, người chứng nhân có can đảm đối diện với những chỉ trích của dư luận trước những nghi lễ, những nghi thức và những tập tục đầy huyền bí không, bởi lắm lúc thế giới đã phần nào chấp nhận đưa những cách suy nghĩ của thế gian vào trong những sinh hoạt của tôn giáo, áp dụng những lối sống thực dụng để thay thế cho những giá trị của tin mừng.

Dẫu biết rằng Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động giữa lòng thế giới, và tôn giáo vẫn là một nơi có nhiều sinh hoạt thần thánh, nhưng con người chấp nhận một sự thật là bên cạnh mình, trong tâm hồn, trong trái tim luôn có sự hiện diện, luôn có tiếng nói của Chúa Phục sinh, để mình sống, để làm việc theo kế hoạch của Thiên Chúa, đó mới là một cuộc chiến nội tâm đầy thách đố. Những biến cố của Giáo hội, của xã hội đang đưa ra nhiều câu hỏi cho con người, để lại nhiều suy nghĩ và thôi thúc họ đi tìm dấu vết của Thiên Chúa trong thế giới, dù biết có nhiều áp lực và cạm bẩy. Niềm tin luôn là một sức mạnh vô hình giúp người chứng nhân mạnh mẽ hơn, can đảm hơn, niềm tin vẫn mãi là một nguồn năng lượng thiêng liêng giúp con người kết nối với Thiên Chúa, với Đấng đã phục sinh và với con người khắng khít hơn, gần gũi hơn trong mọi hoàn cảnh để ơn gọi được bén rễ sâu và phát triển hơn.

Lạy Chúa, sống giữa một xã hội tục hóa kèm theo một nền văn hóa vô thần, người chứng nhân của Tin mừng phục sinh phải từ bỏ mình cao độ, phải dấn thân mạnh dạn hơn, nếu không có ơn Chúa đủ, con người không thể làm được gì, xin Chúa Phục sinh ban cho chúng con đủ ơn thánh và sức mạnh thiêng liêng, để chúng con luôn kết nối với Chúa, sống ơn gọi của mình cách vẹn toàn và làm chứng cho tin mừng cứu độ ngày một lan tỏa tới mọi tâm hồn của anh chị em chúng con. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây