Trong thế giới hôm nay, nhân đức hiền lành thường bị đánh giá thấp. Từ xa xưa, con người đã ưa thích quyền lực và tàn bạo. Chỉ một số ít người đặc biệt đã sống điều ngược lại, bước theo gương Đức Kitô, Đấng đã tự mạc khải: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Các thánh đã noi theo con đường này, dù đó là con đường ít được ưa chuộng. Có lẽ vì một sự nhầm lẫn phổ biến nào đó đã len lỏi vào tâm trí nhiều người khi đồng hóa hiền lành với sự mềm yếu, nên trong số những phẩm chất được đòi hỏi hoặc kỳ vọng nơi một người lãnh đạo hay nhà chính trị, hiền lành hiếm khi được đề cập tới. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, một cách bất ngờ và gần như kỳ diệu, thế giới tôn thờ sức mạnh này lại chứng kiến sự xuất hiện của một con người hiền lành. Đó cũng là ấn tượng tức khắc mà người ta cảm nhận được khi Đức Thánh Cha Lêô XIV xuất hiện lần đầu tiên tại ban công đền thờ thánh Phêrô.
Hiền lành không phải là yếu đuối
Tuy nhiên, không có gì là yếu đuối ẩn sau sự hiền lành ấy, một sự hiền lành không phải là chiếc mặt nạ, nhưng là phản chiếu của đời sống nội tâm. Những con người nhiệt thành và mạnh mẽ vẫn có thể là người hiền lành, chính nhân đức này giúp họ giữ vững đức tin và chu toàn bổn phận cách bền bỉ. Điều này gợi nhớ đến hình ảnh con bò: bên ngoài trông nó thản nhiên, nhưng thực chất nó vững chãi như đá và cứng đầu không kém gì con lừa. Không phải ngẫu nhiên mà con bò được đặt bên máng cỏ, nơi Chúa Cứu Thế cất tiếng khóc đầu tiên, như chúng ta vẫn thường thích dùng trang trí hang đá vào mỗi dịp Giáng sinh. Sự điềm tĩnh, đôi mắt ướt và dáng vẻ chậm chạp thản nhiên của nó làm lan tỏa sự hiền hòa, khiến lòng người được an bình bởi sự hiền lành phát xuất từ Hài Nhi.
Thánh Tôma Aquinô, vị tiến sĩ được mệnh danh là “con bò câm”, cũng để lại một chứng từ tương tự. Các bạn học đặt cho ngài biệt danh ấy để giễu cợt, nhưng rồi họ phải thừa nhận nơi ngài đức hiền lành của một con người trầm lặng, luôn hướng lòng về cầu nguyện và học hành. Vị Tiến sĩ Thiên thần đã thực hành lời dạy của Thánh Phaolô - cũng là một người hiền lành khác, đầy lửa nhiệt thành Tin mừng:
“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù; không vui mừng trước điều gian ác, nhưng vui với sự thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1 Cr 13,4-7).
Hiền lành trong đời sống xã hội
Khi bước vào đời sống xã hội, đức mến mang hình hài của lòng nhân hậu, sự hiền lành. Cách đây khá lâu, ca sĩ Charles Trenet đã hát ca khúc Douce France (nước Pháp dịu hiền), nước Pháp thân thương của tuổi thơ tôi. Nước Pháp không dịu hiền vì phong cảnh, văn hóa hay ẩm thực, nhưng vì cách cư xử của người dân, dẫu không ai hoàn hảo, nhưng vẫn có một sự hài hòa xã hội mạnh hơn cả sự đa dạng hay khác biệt. Đó là dấu tích của di sản Kitô giáo đã dần dần cảm hóa những dân tộc khô cằn, biến các bộ tộc man rợ không phải trở thành những con chiên, nhưng là những con sói biết giữ trật tự trong đàn. Ngay từ thời Cựu ước, Thiên Chúa phải nhọc nhằn làm cho dân tộc “cứng đầu cứng cổ” mà Ngài tuyển chọn nên hiền hòa. Trong chính bối cảnh ấy, Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa đã đến, Người chiến thắng không bằng sức mạnh, mà bằng sự hiền lành, dù không bao giờ Người cổ võ cho sự nhu nhược hay thỏa hiệp. Khi so sánh mình với hình ảnh gà mẹ, Đức Kitô muốn bày tỏ tình thương muốn ôm lấy dân thành Giêrusalem, dù biết họ sẽ phản bội Ngài: “Giêrusalem, Giêrusalem, ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến với ngươi! Đã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi lại như gà mẹ ấp ủ đàn con dưới cánh, mà các ngươi không muốn!” (Mt 23,37).
Gà mẹ là biểu tượng của sự hiền lành đối nghịch với tính bạo lực của những kẻ chỉ phản ứng bằng sức mạnh. Trái với những loài chim khác, gà mẹ không cần làm tổ để che chở con mình. Chính thân mình nó là nơi trú ngụ, một mái nhà sống động, sưởi ấm và bao bọc đàn con dưới đôi cánh của mình, nó mở rộng thân thể đến mức đánh mất hình dáng ban đầu. Hơi ấm dịu dàng mà nó trao cho đàn gà con chính là hình ảnh mô phỏng sự chăm sóc Thiên Chúa dành cho muôn loài thụ tạo. Thiên Chúa cũng giãn nở ra cho bằng với kích thước của toàn thể công trình tạo dựng của Người. Đôi cánh của gà mẹ toát lên sự dịu dàng và sức mạnh. Trong đó, gà con cảm thấy mình nằm ngoài tầm với của nanh vuốt loài cáo hay chồn.
Hiền lành trong sửa dạy, không cứng cỏi
Cũng vậy, mọi trẻ thơ đều trải nghiệm sự dịu hiền đầu tiên khi được hình thành trong lòng mẹ, rồi sau đó là khi nằm yên trên ngực mẹ, được mẹ ôm vào lòng cho bú mớm. Chính lòng thù hận và sự hung bạo của con người đã làm tổn thương sự dịu dàng đó, ngay cả trước khi đứa trẻ được sinh ra, hoặc trong khi người mẹ đang cố gắng bảo vệ con mình. Kinh nghiệm nguyên thủy ấy, phản ánh sự dịu hiền của Thiên Chúa, vẫn còn để lại dấu vết trong mỗi người kể cả nơi kẻ đã chọn sống chỉ bằng bạo lực và thù hận. Thế giới hôm nay đang kiệt quệ vì thiếu vắng đức hiền lành chân thật, thứ giúp con người sống hài hòa, trong một nền hòa bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh.
Hiền lành không đồng nghĩa với buông xuôi, bởi nó có khả năng sửa sai và chỉnh đốn điều trái, nhưng nó luôn được thực hiện trong khiêm tốn, không thô bạo, không áp đặt, mà khơi dậy điều tốt nơi người khác. Hiền lành có khả năng ôm lấy bạo lực mà không đáp trả lại; mặt khác, nó làm cho bạo lực phải tự rút lui bằng cách tước vũ khí của nó. Chính trong tinh thần ấy mà các văn sĩ Bollandistes đã viết về đời sống của Thánh Tôma Aquinô:
“Vị Tiến sĩ này quả thật đáng khâm phục về sự hiền hậu, lời nói luôn dịu dàng, hành động luôn quảng đại, thể hiện tâm hồn được Thần Khí chiếm hữu và tuôn tràn ra trên môi miệng qua một sự hiền lành không gì sánh được. Ai từng trò chuyện với ngài đều nhận ra sự thánh thiện nội tâm. […] Ngài luôn đánh giá sự vô tội và những ân ban tự nhiên nơi người khác ngang bằng, thậm chí cao hơn cả phẩm chất của bản thân mình. Vì thế, ngài rất khó tin vào những khuyết điểm của tha nhân. Nhưng nếu thực sự xác nhận được một sa ngã nào đó do yếu đuối của con người gây ra, thánh nhân sẽ khóc cho lỗi lầm ấy như thể chính ngài là người đã phạm tội. Ngài không bao giờ làm phiền lòng ai bởi một lời nói nóng giận hay khinh miệt” (VII.699).
Thánh bổn mạng của đức hiền lành
Một trong những vị thánh luôn được giới thiệu là thánh bổn mạng của đức hiền lành, đó là Thánh Phanxicô Salêsiô, một con người đã vượt thắng được tính khí nóng nảy và khô cứng của mình. Ngài chưa bao giờ chối từ sứ mạng tông đồ, luôn mạnh mẽ công bố chân lý trước những người lạc lối, các tội nhân và những kẻ theo tà giáo, nhưng cách hành xử của ngài không hề mang tính gay gắt hay độc địa. Chính vì thế, ngài đã nhận được sự kính trọng và ngưỡng mộ, ngay cả nơi những kẻ đối nghịch nhất. Ngài từng nói: “Không gì mạnh mẽ cho bằng đức hiền lành. Không gì dịu dàng bằng sức mạnh đích thực.” Và khi khuyên một người trẻ, ngài dặn dò: “Cha khuyên con hãy sống hiền hậu, nhã nhặn và chân thành, không làm tổn thương ai, nhưng lại đem lại thiện cảm cho tất cả; tìm kiếm tình yêu hơn là vinh dự; không bao giờ giễu cợt gây tổn hại đến người khác, và không khiến ai cảm thấy bị loại trừ”. Ước gì đức hiền lành ấy trở thành linh hồn của đời sống cá nhân và cộng đoàn chúng ta. Vì đó chính là dấu ấn của Đức Kitô nơi trần thế này.
Jean-François Thomas, SJ
26/07/2025
Maria Hải Châu, SSS
Chuyển ngữ từ: fr.aleteia.org (01/7/2025)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn