TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XVII Thường Niên -Năm C

“Các con hãy xin thì sẽ được”. (Lc 11,1-13)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nghề chạm gỗ – tinh hoa từ đôi tay người thợ Việt

Chủ nhật - 27/07/2025 06:59 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   25
Gỗ ở đây không chỉ là gỗ. Nó là văn hóa. Nó là tâm linh. Nó mang trên mình cả hơi thở đức tin và bàn tay lao động của người thợ.
Nghề chạm gỗ – tinh hoa từ đôi tay người thợ Việt
 

Nghề chạm gỗ – tinh hoa từ đôi tay người thợ Việt

 

Bần nông phu ngày tháng nội chu
Kho phong nguyệt của đầy muôn ức
Công khéo léo khoét rồng, trổ phượng
Máy nhiễm chuẩn thẳng, hương thùa lư gánh ngọc.

Câu thơ cũ như vọng về từ quá khứ, gợi nhắc một lớp người thợ bình dị. những nông phu lam lũ, ngày tháng sống với bùn đất nhưng trong tay lại cất giữ cả “kho phong nguyệt”, biến khúc gỗ vô tri thành phượng múa rồng bay.

1. Dấu xưa trên gỗ
Nghề chạm gỗ ở Việt Nam xuất hiện từ rất sớm. Ngay từ thời Lý – Trần (thế kỷ XI–XIV), bàn tay nghệ nhân đã để lại những dấu ấn sống động trên cột đình, kèo chùa, tượng thờ. Qua từng vết đục, ta thấy hiện lên không chỉ kỹ thuật, mà còn cả hơi thở tín ngưỡng và lối sống dân gian.
Đến thời Lê – Nguyễn, nghề chạm gỗ đạt đến độ rực rỡ. Những làng nghề vang danh như Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Chàng Sơn (Hà Nội), Kim Bồng (Quảng Nam), Sơn Đồng (Hà Nội)… trở thành “thủ phủ” của những bàn tay vàng, nơi gỗ được chạm thành rồng, phượng, mai, trúc – vừa để làm đẹp, vừa để giữ hồn Việt.

2. Nghề xưa giữa thời nay

Bước sang thời công nghiệp, máy CNC xuất hiện, tạo ra sản phẩm nhanh và rẻ. Nhưng giữa cuộc cạnh tranh khốc liệt đó, giá trị tinh xảo và độc bản của chạm gỗ thủ công vẫn chưa bao giờ mất.
“Cái hồn của tác phẩm, máy không làm được,” một nghệ nhân nói với tôi như vậy.
Để giữ nghề, nhiều làng đã mở lớp truyền nghề, kết hợp du lịch trải nghiệm, đưa khách tận mắt chứng kiến bàn tay người thợ thổi hồn vào gỗ.

3. Theo dấu những bàn tay vàng
Đến Nhà thờ Tân Hòa (Tổng Giáo phận Sài Gòn), tôi mới hiểu thế nào là “màu thời gian” trên gỗ. Những hoành phi câu đối, 120 bộ ghế tràng kỷ và phù điêu Chặng Đàng Thánh Giá đều được thực hiện bởi những nghệ nhân lành nghề: Những miêu tả cụ thể xin xem ở bài (Bộ cửa Thánh Mẫu Điện Tân Hoà, cùng trên trang blogger).
Với những nghệ nhân:
Anh Đàm Quốc Bình (Ninh Bình) thi công phần nội thất gỗ gụ, bao gồm hoành phi câu đối ốp cột và bàn ghế (thiết kế: anh Hoàn).
Anh Nguyễn Minh Vũ (Hà Nội) thực hiện phù điêu Chặng Đàng Thánh Giá.
Anh Tạ (Kim Sơn) đảm nhận phần cánh cửa và lầu.
Trên từng cột, từng cửa, từng chiếc ghế ở Tân Hòa, mỗi cánh hoa, mỗi đường uốn lượn đều tỉ mỉ, chuẩn xác. Gỗ lim – loại gỗ quý – qua đục chạm thành những tác phẩm bền bỉ, không chỉ đẹp mà còn trường tồn.
Ngồi trên chiếc ghế tràng kỷ do anh Bình chế tác, nơi mỗi tựa ghế là một bức tranh tứ đại cảnh, tôi bất giác nhớ đến câu nói của triết gia Cha Đaminh Lương Kim Định:
“Có rất nhiều văn hóa khác nhau, nhưng chỉ có hai loại hình văn hóa tồn tại: văn hóa tâm linh và văn hóa tôn giáo.”
Gỗ ở đây không chỉ là gỗ. Nó là văn hóa. Nó là tâm linh. Nó mang trên mình cả hơi thở đức tin và bàn tay lao động của người thợ.

4. Khi gỗ có linh hồn

Từ những khúc gỗ vô tri, qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân, đã thành những “tác phẩm có hồn”. Chúng không chỉ làm đẹp cho không gian, mà còn lưu giữ ký ức văn hóa, như một chứng tích sống động về sự tài hoa và bền bỉ của người Việt.
Nghề chạm gỗ – có thể bắt đầu từ những “bần nông phu ngày tháng nội chu” – nhưng đã đi qua cả ngàn năm, để hôm nay vẫn sống, vẫn thở, và vẫn khiến người ta cúi đầu trước những phượng múa rồng bay trên gỗ lim.
Con Phượng Hoàng bay trên cao nói với Hổ:
“Giang sơn thảo mộc nhà ta cả.”
 Con Hổ dưới đất đáp:
“Trời cho ướt cánh khôn bay có ngày.”
Như một lời nhắc có khi ta trên đỉnh cao nên nhớ cũng có ngày ta ở dưới thấp. Sống sao cho phải đạo, nhớ người đi trước, để ơn người đến sau, Sống khiêm nhường là cách sống bình an như Chúa dạy: “Học với Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11, 29).
Nghề chạm gỗ Việt – khởi từ cây xanh, kết trong tinh hoa, nhờ bàn tay người thợ dâng kính Đức Mẹ: "Mẹ ơi! Tân Hoà là của Mẹ"

L.m Giuse Hoàng Kim Toan


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây