TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Phục Sinh -Năm C

“Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến” (Ga 20,19-31)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 2 PHỤC SINH

Thứ sáu - 25/04/2025 14:22 |   38
“Thầy đây mà, đừng sợ !” (Ga 6, 16-21)

03/5/2025
THỨ BẢY TUẦN 2 PHỤC SINH

Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê, Tông đồ

t7 t2 PS

Ga 6, 16-21


CÙNG CHÚA KHI TA HIỆP HÀNH
 “Thầy đây mà, đừng sợ !”
(Ga 6, 16-21)

Suy niệm: “Điều duy nhất chúng ta phải sợ là chính nỗi sợ” (F. Roosevelt). Con thuyền bé xíu xoay vòng, nhấp nhô giữa ba đào, biển động, gió mạnh. Đang lúc hồn xiêu phách lạc như vậy, Thầy của các ông lại đi trên mặt biển mà lù lù đến, càng khiến các ông khiếp sợ hơn. Thế nhưng, chỉ cần một lời trấn an của Thầy: Thầy đây mà, đừng sợ, các ông lại tìm thấy an bình, thuyền cập bến bờ bình an. Cũng vậy, lắm lúc khi phải đối diện với những tai ương hoạn nạn, khó khăn thử thách của cuộc đời, ta hoảng hốt, sợ hãi, vì nghĩ rằng không có Chúa, Ngài như vắng mặt, không hiện diện bên cạnh mình. Đừng quên những lúc ấy, Ngài đã đến bên cạnh ta, nâng đỡ hộ phù cho ta, nhưng ta không nhận ra Ngài, tưởng là ảo ảnh, hay bóng hình của người nào đó.

Mời Bạn: “Hãy làm điều bạn sợ, và cái chết của nỗi sợ là điều chắc chắn” (R. Emerson). Bạn sợ mệt sợ nhọc, sợ phải dấn thân, sợ phải hy sinh quên mình vì sống đức tin, khi tích cực tham gia sứ vụ loan báo Tin Mừng. Hãy thực hành những gì trong danh mục bạn sợ, và bạn sẽ thấy kết quả thật bất ngờ. Nỗi sợ dần dần sẽ biến mất, thay vào đó là niềm vui, năng lực sung mãn của người tông đồ giáo dân giữa đời.

Sống Lời Chúa: Ngồi ngẫm nghĩ xem đâu là nỗi sợ lớn nhất khiến bạn luôn tìm sự an toàn bản thân trên con đường hiệp hành của Hội thánh, rồi can đảm làm điều mình sợ để lướt thắng nỗi sợ, cũng như để làm việc tông đồ mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, nỗi sợ lấy đi tất cả khả năng trí óc và năng lượng thể lý của con. Xin giúp con luôn tin tưởng, cậy trông vào sự hiện diện quyền thế của Chúa bên con. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 2 PHỤC SINH

 

Ca nhập lễ

Hỡi dân riêng Chúa, hãy rao giảng quyền năng của Đấng đã gọi anh em ra khỏi tối tăm, mà vào ánh sáng kỳ diệu của Người – Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa cứu chuộc và nhận chúng con làm nghĩa tử; giờ đây xin lấy tình Cha mà âu yếm đoái nhìn, để nhờ niềm tin vào Ðức Kitô, chúng con được trở nên những người tự do đích thực, và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cv 6, 1-7

“Họ chọn bảy người đầy Thánh Thần”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, số môn đồ gia tăng, nên xảy ra việc các người Hy-lạp kêu trách các người Do-thái, vì trong việc phục vụ hằng ngày, người ta khinh miệt các bà goá trong nhóm họ. Nên Mười Hai Vị triệu tập toàn thể môn đồ đến và bảo: “Chúng tôi bỏ việc rao giảng lời Chúa mà lo đi giúp bàn, thì không phải lẽ. Vậy thưa anh em, anh em hãy chọn lấy bảy người trong anh em có tiếng tốt, đầy Thánh Thần và khôn ngoan, để chúng tôi đặt họ làm việc đó. Còn chúng tôi, thì sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ lời Chúa”. Cả đoàn thể đều tán thành lời các ngài và chọn Têphanô, một người đầy đức tin và Thánh Thần, và chọn Philipphê, Prôcô, Nicanô, Timon, Parmêna và Nicôla quê ở Antiôkia. Họ đưa mấy vị đó đến trước mặt các Tông đồ. Các ngài cầu nguyện và đặt tay trên các vị đó. Lời Chúa lan tràn, và số môn đồ ở Giêrusalem gia tăng rất nhiều. Cũng có đám đông tư tế vâng phục đức tin.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 32, 1-2. 4-5. 18-19

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, như chúng con đã trông cậy Chúa (c. 22).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa, ca ngợi là việc của những kẻ lòng ngay. Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa.

Xướng: Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa.

Xướng: Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

Alleluia: Ga 19, 28

Alleluia, alleluia! – Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian; bây giờ Thầy lại bỏ thế gian mà về cùng Cha. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 6, 16-21

“Họ thấy Chúa Giê-su đi trên mặt biển”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

Chiều đến, các môn đệ Chúa Giê-su xuống bờ biển. Rồi lên thuyền, sang bên kia, trẩy về hướng Ca-phác-na-um. Trời đã tối, mà Chúa Giê-su vẫn chưa đến với họ. Bỗng cuồng phong thổi lên, biển động mạnh. Khi chèo đi được chừng hai mươi lăm hay ba mươi dặm, thì họ thấy Chúa Giê-su đi trên mặt biển, tiến lại gần thuyền, họ hoảng sợ. Nhưng Người nói với họ: “Chính Thầy đây, đừng sợ”. Họ định rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc ấy, thuyền đã đến nơi họ định tới.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thánh hoá và chấp nhận của lễ này, là biểu hiện lễ tế thiêng liêng của Giáo Hội; xin Chúa cũng thương tình biến đổi chúng con thành của lễ muôn đời đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh

Ca hiệp lễ

Lạy Cha những kẻ Cha ban cho Con, thì Con muốn rằng: Con ở đâu thì chúng cũng sẽ ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con – Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa cử hành lễ tế tạ ơn để tưởng nhớ Ðức Ki-tô Con Chúa, như lời Người truyền dạy, và chúng con đã được rước Mình và Máu Thánh Người; cúi xin Chúa nhận lời chúng con khẩn nguyện và ban cho chúng con được thêm lòng yêu mến. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

THIÊN CHÚA LUÔN HIỆN DIỆN (Ga 6, 16-21)
Lm. Giuse Vũ Công Viện

Tin Mừng hôm nay nói đến sự sợ hãi bối rối nơi các Tông đồ. Có lẽ chẳng phải do tình cờ mà các thánh sử đã đặt phép lạ Chúa Giêsu đi trên mặt nước liền sau phép lạ hoá bánh ra nhiều. Cả hai phép lạ có chung một chủ đề là quyền năng của Chúa Giêsu trên thiên nhiên và các vật vô tri vô giác. Trước mỗi phép lạ các môn đệ đều bị đẩy vào tình trạng lo sợ.

Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta cảm thấy bị Thiên Chúa bỏ rơi, bỏ mặc cho bão táp xô đẩy. Thật ra Ngài vẫn có đó. Ngài ban cho chúng ta lý trí, tự do, ý chí và ân sủng để có thể lướt qua sóng gió cuộc đời. Có thể đến khi thuyền cập bến chúng ta mới được đối diện với Thiên Chúa, nhưng không vì thế mà cho rằng Ngài vắng mặt, bởi vì Ngài thấy trước những gì sẽ xảy ra và những gì Ngài sẽ làm.

Phúc âm hôm nay muốn cho chúng ta thấy một Chúa Giê-su có quyền năng, không tùy thuộc vào những giới hạn thiên nhiên áp đặt. Chúa Giê-su đi trên mặt nước không bị chìm, không bị nguy hiểm bởi sóng to gió lớn trên mặt biển. Quyền năng của Chúa được diễn tả bằng lời xác nhận của Ngài: “Thầy đây, đừng sợ”. Trong Phúc âm Gio-an cách nói: “Ta đây (Thầy đây) Ego sum”, đó là cách nói diễn tả về Thiên Chúa, nhắc đến Gia-vê Đấng mạc khải cho Mô-sê “Ta là Đấng tự hữu”.

Chúa Giê-su đi trên mặt biển đến với các Tông đồ để mạc khải cho các ông nhận ra Ngài là Thiên Chúa, là Đấng tự hữu. Đáp lại, thái độ của dân chúng chỉ nhìn Ngài như một tiên tri, một con người phi thường và muốn tôn Ngài lên làm vua. Họ hiểu sai về Chúa. Biến cố Chúa đi trên mặt nước chứng tỏ cho các môn đệ nhìn thấy một thực thể đúng thật là Ngài. Ngài là Thiên Chúa, là “Đấng Tự Hữu”.

Giữa phong ba thử thách của cuộc đời, xin cho chúng ta luôn tin tưởng vào sự hiện diện quyền năng và yêu thương của Chúa, nhờ đó chúng ta an tâm đi chọn cuộc hành trình và đạt tới bến bờ an bình. Xin cho chúng ta luôn nghe được tiếng Chúa nói: “Thầy đây, đừng sợ” để luôn vững tin trong mọi hoàn cảnh. A-men.

 

ĐỨC GIÊ-SU ĐI TRÊN MẶT BIỂN (Ga 6,16-21)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Gio-an ghi lại việc Đức Giê-su đi trên mặt biển đầy sóng gió và dẹp yên sóng gió để tỏ bày uy quyền của Ngài trên thiên nhiên và sự dữ.

Câu chuyện Đức Giê-su đi trên mặt biển có gió to sóng lớn và biển lặng như tờ khi có sự hiện diện của Ngài gây ấn tượng không nhỏ  đối với nhiều người và ghi dấu đậm nơi tâm hồn của những người có lòng tin. Thiên Chúa là Đấng tạo nên vũ trụ, trái đất và dựng nên con người. Ngài có toàn quyền trên vũ trụ, và ngay cả trên sinh mạng con người. Bài Tin Mừng của thánh Gio-an hôm nay là một trong những bằng chứng để quả quyết điều đó.

2. Sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho dân ăn no. Dân chúng tin Ngài là một tiên tri đầy quyền năng và muốn tôn Ngài lên làm vua. Nhưng Đức Giêsu truyền cho các môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia tức Ca-phác-na-um, còn Ngài thì lên núi cầu nguyện, lúc đó trời đã về đêm.

Khi đã ra giữa biển, sóng to gió lớn nổi lên làm cho các môn đệ phải nỗ lực chống đỡ. Nhìn thấy cảnh các môn đệ chèo chống khó khăn, từ trên núi Đức Giê-su đi xuống và Ngài đi trên mặt biển mà đến với các ông. Trong ánh trăng mờ, các ông tưởng đấy là ma, nên hoảng sợ. Nhưng Đức Giê-su đã trấn an các ông: Chính Thầy đây, đừng sợ”. Và ngay lúc đó gió im và biển lặng như tờ.

3. “Hãy yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”!

Đức Giê-su trấn an các môn đệ bằng lời nói quen thuộc của Ngài: ”Hãy yên tâm”. Hội thánh và cuộc đời của mỗi người chúng ta nhiều khi cũng có những sóng gió mà chúng ta không chống  cự nổi, nhưng Chúa luôn bảo vệ Hội thánh và bảo vệ mỗi ngưởi chúng ta tin vào Ngài.

Đôi khi Chúa để chúng ta gặp phải các tai ương, bệnh tật, đau khổ là Ngài muốn thử thách đức tin của chúng ta. Cũng như dù đang cầu nguyện trên núi, nhưng Đức Giê-su vẫn dõi mắt theo con thuyền của các môn đệ đang lênh đênh trên biển cả và Ngài đã đi trên mặt nước để đến cứu giúp các ông, thì ngày nay, Ngài vẫn quan tâm đến con thuyền Hội Thánh trong cơn phong bà bão táp hầu kịp thời ứng cứu khi cần. Nếu thực sự tin vào quyền năng của Đức Giê-su, thì chúng ta cũng sẽ không hoảng sợ khi phải đương đầu với những nghịch cảnh, vì tin rằng Chúa vẫn luôn dõi theo chúng ta và sẽ kịp thời cứu giúp chúng ta khi cần. Hãy luôn ý thức: “Có Chúa cùng đi với chúng ta, chúng ta sẽ không còn sợ chi và chắc chắn sẽ đạt bến bình an”.

4. Đối với tác giả Mát-thêu, con thuyền là biểu tượng của Hội thánh. Các môn đệ đang ở trên đó, và có thể Phê-rô là người cầm lái. Không có mặt Thầy, tinh thần của các ông hẳn không cao mấy; đã thế, hoàn cảnh lại thêm gay go vì gió ngược. Con thuyền bị “tra tấn” vì cơn giông trên biển. Lúc này là “đêm tối”, là giờ của thử thách, của quyền lực bóng tối. Tuy nhiên, Đức Giê-su vẫn không vắng mặt, dù là Ngài còn ở cách xa họ.  Nếu có đức tin, hẳn là họ phải cảm thấy Ngài vẫn có mặt, vẫn ở gần. Quả thật, các khoảng cách  không thể ngăn cản Đức Giê-su hiệp thông với các môn đệ Ngài. Ngài đến với họ cách bất ngờ, từ trên cao, vào những lúc không ngờ.

5. Biển cả ở đây không chỉ là biển đời như đã nói ở trên mà còn là biểu trưng cho nơi ẩn náu của ma quỉ. Đức Giê-su muốn chứng tỏ cho các môn đệ thấy rằng trong cơn gian nan hoạn nạn, Ngài luôn hiện diện: Thầy đây, đừng sợ”. Một lời trấn an bảo đảm mạnh mẽ rằng Ngài luôn đồng hành với họ trên bước đường loan báo Tin Mừng, mặc dầu sóng biển ầm ầm, thủy triều sóng nước dâng cao… con thuyền có bị sóng đánh dập vùi, nhưng hãy yên tâm vì có Ngài ở bên.

Con thuyền của các môn đệ ngày xưa cũng chính là con thuyên cuộc đời của mỗi người chúng ta hôm nay. Giữa bao sóng gió cuộc đời của kiếp người trong cuộc lữ hành đức tin. Khi Chúa chưa đến thì bóng tối, sóng dữ hoành hành, nhưng khi Chúa đến thì là bến bờ là đích đến của môn đệ. Nếu trên cuộc đời của mỗi người chúng ta có Đức Giê-su, thì sự dữ, ma quỉ sẽ bị đẩy xa. Bởi khi sáng tới, thì tất yếu bóng tối sẽ bị đẩy lui.

6. Truyện: Tin tưởng vào Chúa.

Một vị tướng nọ quyết định đánh địch quân, dù rằng lúc ấy quân số của ông chỉ bằng 1/10 quân số của quân địch. Nhưng ông vẫn xác quyết với toàn thể binh sĩ của ông rằng họ sẽ chiến thắng, thế nhưng ai nấy đều lắc đầu thất vọng.

Vào ngày xuất quân, khi đi ngang qua một nhà nguyện, ông cho đoàn quân dừng lại và nói: “Tôi và một số sĩ quan vào đây cầu nguyện và gieo thử một quẻ: Nếu đồng tiền ngửa, chúng ta sẽ thắng, bằng không, chúng ta sẽ thua”.

Một lúc sau từ nhà nguyện bước ra, ông và các sĩ quan vui mừng loan báo: “Số mệnh đã chỉ cho chúng ta biết chúng ta sẽ thắng trận này”. Nghe thế, mọi người hân hoan lên đường và quả nhiên họ đã chiến thắng một cách dễ dàng.

Ngày hôm sau, một sĩ quan thân cận đã tâm sự với vị tướng: “Quả thật, trận chiến hôm qua đã chứng tỏ không ai có thể thay đổi được số mệnh”. Vị tướng mỉm cười đáp: “Có lẽ gần đúng như vậy”. Rồi ông lấy từ trong túi đồng tiền đã gieo quẻ hôm trước, cả hai mặt đồng tiền đều giống nhau.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê, Tông đồ

Ca nhập lễ

Những vị này là những người thánh thiện, mà Chúa đã tuyển chọn trong tình thương chân thật và ban cho các Ngài vinh quang muôn đời, – Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, hằng năm Chúa cho chúng con được hân hoan mừng lễ hai thánh tông đồ Phi-líp-phê và thánh Gia-cô-bê. Xin Chúa thương nhận lời các ngài cầu thay nguyện giúp mà cho chúng con biết thông phần vào cuộc khổ nạn và phục sinh của Ðức Giê-su để được chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa muôn đời. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: 1 Cr 15, 1-8

“Chúa hiện ra với Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông đồ”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Anh em thân mến, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng mà tôi đã rao giảng cho anh em, và anh em đã lãnh nhận và đang tin theo, nhờ đó anh em được cứu độ, nếu anh em tuân giữ lời lẽ tôi đã rao giảng cho anh em, bằng không anh em đã tin cách vô ích.

Tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Ðức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi sau với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông đồ. Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như với đứa con đẻ non.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 2-3. 4-5

Ðáp: Tiếng chúng đã vang cùng trái đất

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp tay Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia.

Xướng: Ðây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu.

Alleluia: Ga 14, 6b và 9c

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Hỡi Philipphê, ai thấy Thầy là xem thấy Cha Thầy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 14, 6-14

“Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin, Thầy sẽ làm cho”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng Tô-ma rằng: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, các con biết và đã xem thấy Người”.

Phi-líp-phê thưa: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con”.

Chúa Giê-su nói cùng ông rằng: “Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư? Phi-líp-phê, ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha?’ Con không tin Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha. Và điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, Thầy sẽ làm, để Cha được vinh hiển trong Con. Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin nhận của lễ chúng con dâng để mừng lễ hai thánh Phi-líp-phê và thánh Gia-cô-bê tông đồ. Xin cũng cho chúng con một tấm lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng các Tông Ðồ

Ca hiệp lễ

Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con. Hỡi Philippphê, ai thấy Thầy là xem thấy Cha Thầy – Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin cho của ăn thánh chúng con vừa lãnh nhận thanh tẩy tâm hồn chúng con để cùng với hai thánh Phi-líp-phê và thánh Gia-cô-bê tông đồ, chúng con được chiêm ngưỡng Chúa trong Ðức Ki-tô Con Chúa và xứng đáng được hưởng sự sống muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Chúa Giê-su luôn gần gũi với các môn đệ, và vẫn gần gũi bên chúng ta.

Trong Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su đã giải thích cho các Tông Đồ rằng Người đã sửa soạn chỗ cho họ trên trời, để họ sẽ được ở với Người mãi mãi, và họ đã biết cách để đến nơi đó. Cuộc hàn huyên cứ tiếp tục – các Tông Đồ nêu câu hỏi, và Thầy Chí Thánh trả lời. Lúc ấy, Phi-líp-phê nêu lên một câu hỏi dường như lạc lõng: “Lạy Thầy, xin tỏ chúng con thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con”. Chúa Giê-su đã trách yêu người môn đệ: “Thầy đã ở với con bấy lâu rồi, mà con vẫn chưa biết Thầy sao, hỡi Phi-líp-phê? Hễ ai nhìn thấy Thấy là đã nhìn thấy Cha Thầy, sao con lại nói, ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Cha”.’Có lẽ nhiều lần Chúa Giê-su cũng phải trách chúng ta như đã trách thánh Phi-líp-phê! Thầy đã ở với con bấy lâu rồi mà con vẫn không nhận ra Thầy sao! Chúa có thể kể cho chúng ta hết trường hợp này đến trường hợp khác, những lần chúng ta có lẽ đã vì áp lực hoàn cảnh mà quên mất mình là con cái Chúa và sự gần gũi của Người. Chúng ta thấy lời đáp của Chúa Giê-su dành cho người Tông Đồ thật an ủi biết bao! Chúng ta cũng nhận ra nơi vị Tông Đồ ấy con người của chúng ta.

Chúa Giê-su mặc khải về Chúa Cha. Nhân tính Chúa Ki-tô là con đường để nhận biết và yêu mến Thiên Chúa Cha, Thiên Chúa Con và Thiên Chúa Thánh Thần. Cách thế thông thường để đến với Thiên Chúa Ba Ngôi là chiêm ngắm Chúa Kitô. Nơi Người, chúng ta có mặc khải tối chung về Thiên Chúa dành cho nhân loại. Chính Người… đã đến bổ túc và hoàn tất mặc khải, bằng tất cả sự hiện diện của Người, và tỏ mình qua lời nói cũng như việc làm, dấu chỉ và phép lạ, nhất là qua cái chết và sự sống lại vinh quang, sau cùng bằng việc phái Thần Chân Lý đến. Người xác nhận Thiên Chúa hằng ở với chúng ta để giải thoát chúng ta khỏi bóng tối tội lỗi và sự chết, rồi cho chúng ta sống lại để được sống đời đời. Chúa Ki-tô làm cho cuộc đời của chúng ta được sung mãn. Thánh Au-gút-ti-nô đã nói, Thiên Chúa đủ cho bạn rồi. Ngoài Người ra, không gì có thể nói được như thế. Thánh Phi-líp-phê đã hiểu điều này rất rõ khi nói rằng, “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con” Chúng ta đã có một niềm xác tín như thế chưa?

Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Theo truyền thống, việc cử hành lễ này bắt nguồn từ việc cung hiến đại thánh đường dâng kính Mười hai vị thánh Tông Đồ tại Rôma ngày 1 tháng 5 năm 565. Nhân dịp này, có lẽ người ta đã đặt dưới bàn thờ thánh tích của các Tông Đồ Philípphê và Giacôbê. Vì thế, ở Tây Phương, người ta mừng lễ chung cả hai thánh.

Thánh Philipphê (tiếng hy-lạp = Philippos = người thích ngựa), là một trong nhóm Mười hai, quê quán tại Betsaide, cùng thành phố với Anđrê và Phêrô (Ga 1,44). Trong danh sách các Tông Đồ, ngài luôn chiếm vị trí thứ năm, và trong sách Tin mừng của Gioan, ngài xuất hiện ba lần trong tư cách người bạn tâm giao của Đức Giêsu. Ngài đã nói với Nathanael: Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: Đó là ông Giêsu… Cứ đến mà xem (Ga1,45 –46). Rồi cùng với Anđrê, ngài tham gia vào hai việc quan trọng: lúc đầu, lúc Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều và trước ngày Chúa chịu khổ nạn – đó là ngày Đức Giêsu vinh quang tiến vào Giêsusalem; lần sau, khi ngài làm môi giới cho các khách hành hương Hy Lạp muốn gặp Đức Giêsu (Ga12, 20 –21). Tin mừng của Gioan còn cho ta thấy ngài tại bàn Tiệc Ly, ngài nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha ...” (Ga 14, 8 tt).

Theo truyền thuyết, có lẽ Philípphê đã rao giảng Tin Mừng cho miền Tiểu Á và chịu đóng đinh tại Hiérapolis, vùng Phrygie. Nghệ thuật ảnh tượng thường minh họa ngài với cây thập giá trong cuộc tử đạo, hay đang lúc chịu đóng đinh.

Giacôbê – được gọi Hậu hay Tiểu huynh – cũng là một trong nhóm Mười hai. Người ta thường đồng hóa ngài với Giacôbê, người anh em của Chúa (Gl 1,19, Mc 6,3), là giám mục Giêrusalem và nhân vật hàng đầu của Hội thánh tiên khởi (Cv 15). Đức Giêsu hiện ra cho ngài sau khi Người đã phục sinh (Cv 15, 1- 8) và có lẽ ngài cũng là tác giả của thư Giacôbê.

Theo lưu truyền, Giacôbê Hậu chịu tử đạo tại Giêrusalem. Sau khi đẩy ngài từ trên cao Đền thờ xuống, người ta kết liễu đời ngài bằng cuộc ném đá. Nghệ thuật ảnh tượng minh họa ngài với một cái chùy cối xay, hay cuốn sách.

Thông điệp và tính thời sự

a. Lời cầu xin của Philípphê với Đức Giêsu: Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha; như thế là chúng con mãn nguyện (Phúc Âm ngày lễ: Ga 14,6-14) và lời đáp của Thầy: Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha, tất cả đều là trọng tâm của lời kinh Phụng Vụ.

Lời nguyện nhập lễ gợi lại mục đích đời sống Kitô hữu: là “được thông phần vào cuộc Khổ nạn và Phục Sinh” của Đức Kitô để “được chiêm ngưỡng vinh quang của Người”. Quả vậy, chính Đức Kitô là đường dẫn đến Chúa Cha: Thầy là Đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến với Cha mà không qua Thầy… Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha Thầy (câu 6 và 9). Các câu này trở đi trở lại nhiều lần trong Thánh lễ và trong các giờ kinh Phụng Vụ.

b. Cả Philípphê lẫn Giacôbê đều được thấy Đấng Phục Sinh và đã làm chứng về Người. Giacôbê được thánh Phaolô nhắc đến (1 Cr 15,8) như là một nhân chứng về sự sống lại của Chúa: … sau đó, Ngài cũng hiện ra cho Giacôbê (bài đọc một trong Thánh lễ).

Lời nguyện trên lễ vật gợi lại lòng đạo đức đích thật được các Tông Đồ Philípphê và Giacôbê giảng dạy và chúng ta được mời gọi “thực thi cách tinh truyền và không có gì đáng trách”. Như thế, chúng ta cũng nhớ đến Thư của thánh Giacôbê – Theo lưu truyền được gán cho Giacôbê, người anh em của Chúa – qua đó chúng ta đọc: Lòng đạo đức tinh truyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha, là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian (Gc 1,27). Vậy sự tôn thờ đích thật, phù hợp với lời giảng dạy của các ngôn sứ, không thể tách rời khỏi lẽ công bình và lòng yêu mến các kẻ “Hèn mọn”: … Hãy tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ (Is 1,17)

Enzo Lodi

THẤY THẦY LÀ THẤY CHA
(LỄ THÁNH PHILÍPPHÊ & GIACÔBÊ 03/05)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Philípphê và Thánh Giacôbê hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Hằng năm Chúa cho chúng ta được hân hoan mừng lễ hai thánh Tông Đồ Philípphê và Giacôbê. Xin Chúa thương nhậm lời các ngài cầu thay nguyện giúp, mà cho chúng ta biết thông phần vào cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô Con Một Chúa, để được chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa muôn đời. Thánh Philípphê quê ở Bétxaiđa. Ban đầu người là môn đệ của thánh Gioan Tẩy Giả, sau đó, người theo Chúa Giêsu. Còn thánh Giacôbê, người là anh em bà con với Chúa và là con của ông Anphê. Người đã lãnh đạo giáo đoàn Giêrusalem và đã giúp cho nhiều người Dothái đón nhận đức tin. Người còn để lại một bức thư. Người chịu tử đạo năm 62.

Chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa muôn đời, là phần thưởng dành cho ai trung thành làm chứng cho Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, trích sách Công Vụ Tông Đồ nói về: Các Tông Đồ trong Hội Thánh tiên khởi... Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại, và Thiên Chúa ban cho tất cả các ngài dồi dào ân sủng. Các ngài được đầy tràn Thánh Thần, và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa.

Chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa muôn đời, ơn cứu độ dành cho mọi người, kể cả dân ngoại, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách Linh Mục Tetulianô nói về: Lời giảng của các thánh Tông Đồ… Có mấy người dân ngoại đến gặp ông Philípphê và xin rằng: Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu. Ông Philípphê đi nói với ông Anrê. Rồi ông Anrê cùng ông Philípphê đến thưa lại với Đức Giêsu. Chính ở nơi đã nói về dân ngoại: Các ngươi không phải là dân của Ta, thì ở đó, họ sẽ được gọi là con cái của Thiên Chúa hằng sống.

Chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa muôn đời, là cùng đích, mà ta phải có trách nhiệm loan báo cho mọi người được biết, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Chúa hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 18A, vịnh gia cho thấy: Tiếng các ngài vang dội khắp hoàn cầu. Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Này anh Philípphê, ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Thầy và Chúa Cha là một, vì thế, ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Chúng ta thường hay cầu nguyện cho những người đã qua đời: sớm hưởng Nhan Thánh Chúa hay trong Kinh Cậy: cho ngày sau, được lên thiên đàng, xem thấy mặt Đức Chúa Trời hưởng phúc đời đời. Sự sống đời đời là được nhìn thấy Thiên Chúa. Đức Giêsu đã thiết lập Hội Thánh trên nền tảng các thánh Tông Đồ, là bí tích cứu độ phổ quát dành cho tất cả mọi người, để sau đời tạm này, tất cả đều được chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa muôn đời. Có bao nhiêu cộng đoàn Hội Thánh đi chăng nữa, thì cũng chỉ có một Hội Thánh do Đức Giêsu thiết lập trên nền tảng các Tông Đồ. Đức Giêsu nói: Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn, và Sách Công Vụ Tông Đồ đã làm chứng là Chúa Thánh Thần đã hiện xuống. Chúng ta cứ tin theo lời giảng dạy của các thánh Tông Đồ: bước theo Đức Kitô trong đau khổ, ắt, ta sẽ được nhìn thấy vinh quang của Người. Hằng năm Chúa cho chúng ta được hân hoan mừng lễ hai thánh Tông Đồ Philípphê và Giacôbê. Ước gì chúng ta biết thông phần vào cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô Con Một Chúa, để được chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa muôn đời. Ước gì được như thế!

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây